Saturday, November 07, 2015

Bốn Biển Một Nhà: Tìm hiểu văn hóa Lào qua 5 lễ hội nổi tiếng

"Laos cerebrates many annual festivals called Boun in the Lao language which are particularly enjoyable and beautiful, signifying traditional aspects of Lao lifestyle. Most festivals are connected with religion and the yearly rice farming cycle. The timing of the festivals is calculated according to the Buddhist lunar calendar, thus changing every year." - Source: Laos' Official Tourism Website

Tìm hiểu văn hóa Lào qua 5 lễ hội nổi tiếng
Ngọc Khánh (t.h.)

Là một nước thuộc cộng đồng ASEAN, lại là nước láng giềng của Việt Nam, văn hóa Lào có những nét gần gũi nhất định với Việt Nam. Cũng như Việt Nam, Lào có rất nhiều lễ hội trong năm.

1. Lễ hội Thạt Luổng

Là đất nước mà đạo Phật được coi là Quốc đạo, hàng năm tại Lào hầu như tháng nào cũng có lễ hội. Trong đó, lễ hội Thạt Luổng là lễ hội truyền thống đặc sắc, đậm nét văn hóa Lào nhất. 

Lễ hội Thạt Luổng diễn ra vào những ngày sát rằm tháng 12 Phật lịch, kéo dài một tuần và kết thúc vào đúng ngày rằm của tháng. 

Phạ Sạt Phơng là một mô hình kiến trúc đền thờ được làm bằng chất liệu xốp, xung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ. Trên chóp cắm 9 bông hoa sen trắng, xung quanh tháp có các tua dây kết hoa hoặc tiền bạc có ý nghĩa giống như tập tục đốt nhà cửa, tiền bạc… cho người đã khuất của người Việt Nam. Một trong những nét chính của phần lễ Thạt Luổng - lễ hội truyền thống đặc sắc của Lào - là lễ rước Phạ Sạt Phơng (lễ rước tháp) từ chùa Mẹ Xỉ Mương tới Thạt Luổng. 

Khi đến Thạt Luổng, những người rước sẽ khiêng Phạ Sạt Phơng đi vòng quanh Thạt Luổng ba vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh dâng lễ và được sư thầy tiếp nhận lễ vật với hình thức trang trọng, nghiêm cẩn, thành kính. 

Theo tục lệ, mỗi gia đình, bản hoặc một nhóm người… đều có thể chung nhau cúng một Phạ Sạt Phơng.

2. Lễ hội cầu mưa Bun Bangfai 

Lễ hội cầu mưa Bun Bangfai được tổ chức vào tháng 5. Lễ hội được tổ chức vào những ngày khác nhau ở các làng khác nhau trên cả nước và rải rác trong suốt cả tháng.

Lễ hội bắn pháo cầu mưa ở làng Naxone, quận Pakngum, Vientiane (Lào) được xem là lễ hội lớn so với những làng khác do làng Naxone khá gần thủ đô Vientiane nên thu hút số lượng đông đảo nhân dân Vientiane và khu vực lân cận tham gia.

3. Lễ hội té nước Bunpimay

Lễ hội truyền thống té nước của Lào có tên gọi là lễ hội Bunpimay thường diễn ra từ 13 đến 15/4 hàng năm theo Phật lịch. 

Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Ngày Tết, mọi người thường té nước vào nhau để cầu may cho cả năm. 

Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. 

Người ta lên chùa để cầu mong sức khoẻ và hạnh phúc cho cả năm. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để xức vào người làm phước. 

4. Lễ hội mãn chay Okphansa 

Lễ hội Okphansa - tiếng Lào có nghĩa là Lễ hội mãn chay - một trong những lễ hội lớn nhất của Lào diễn ra hàng năm vào dịp rằm tháng 11 theo lịch Phật Lào.
Lễ hội Phăn xả là lễ hội lớn nhất trong năm, diễn ra trong ba tháng gọi là mùa chay. Lễ hội bắt đầu từ ngày rằm tháng 8 gọi là Khậu phăn xả (Vào mùa chay) và kết thúc bằng lễ hội Okphansa, nghĩa là mãn chay. 

Trong ba tháng mùa chay, các nhà sư chăm việc thiền định, nghiên cứu Phật pháp hoặc giảng dạy, còn người thường ai nấy đều không cất nhà, không cưới hỏi và có thể tạm thời bỏ rượu, bỏ hút thuốc...

Tuy có các tháng kiêng kỵ, nhưng các họat động của xã hội Lào vẫn diễn ra bình thường. Tất cả mọi người, từ nông thôn đến thành thị đều trọng lễ này và sắm lễ vật lên chùa. Mục đích của lễ hội này là cầu may, cầu an và sức khỏe, đất nước thanh bình, mùa màng tốt tươi.

5. Lễ hội đua thuyền

Theo quan diểm của người Lào sau ba tháng ăn chay, mọi người đã xua hết những ưu phiền để bắt đầu với những ngày mới của cuộc đời, đây là thời điểm diễn ra lễ hội đua thuyền - lễ hội truyền thống đặc sắc của người Lào. 

Lễ mãn chay gồm có 3 hoạt động chính đó là: hành lễ (trong đó có cúng thực và rước nến xung quanh chùa), thả thuyền đèn, nhưng quan trọng và sôi nổi nhất là hội đua thuyền.

Trước ngày lễ người dân đến các ngôi chùa trong thành phố để làm lễ “Tắc bạt” (lễ khấn Phật, xá tội). Đêm trước của ngày hội đua thuyền họ tập trung ở bờ sông Mê-kông để thả đèn và thuyền xuống dòng sông, cầu mong hạnh phúc và những điều tốt đẹp. 

Lễ hội đua thuyền truyền thống của Lào được xem như là một mốc khởi động cho sự vui chơi giải trí, lập gia đình, làm nhà.... của người dân Lào.