Sunday, January 05, 2014

Góc Đẹp Tâm Hồn: Hạt giống bình an (The seed of inner peace)

The seed of inner peace is cultivated with understanding, acceptance, and forgiveness toward oneself and others.

Hạt giống bình an
Nguồn: Tổng hợp Internet

Tại một xứ nọ, có một người đàn ông vì ăn cắp thức ăn của người khác nên phải chịu án tử hình, theo luật pháp thời đó. Trước khi bị hành quyết, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo quý. Chỉ trong vài phút thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ngon thơm ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là nếu chết đi, bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế."

Nhà vua đồng ý với lời thỉnh nguyện đó và truyền lệnh cho chuẩn bị sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội có thể biểu diễn cách trồng. Ðúng giờ, trước mặt nhà vua và văn võ bá quan trong triều, người ăn trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có ai trong đời chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác bao giờ, người đó mới có thể trồng với kết quả ngay tức khắc. Nếu không thì tốt hơn là đừng thử trồng, vì hậu quả khó lường. Phần tôi vừa phạm tội ăn cắp nên không thể trồng được hạt giống này."

Nhà vua tin người tử tội, nên quay sang nhìn viên tể tướng, có ý bảo ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi đắn đo, do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần suy gẫm lại, trong suốt cuộc đời thần cũng đã có lần lấy của người khác, ngay cả làm mất thời giờ người khác cũng là đánh cắp thời gian của họ. Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo quý này." 

Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông thầm nghĩ: "May ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể thực hiện được." Nhưng giống như viên tể tướng, quan thủ kho cũng cúi đầu từ chối. Ông thú nhận trước mặt mọi người rằng ông cũng đã có lần gian lận trong chuyện tiền bạc. 

Không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây táo thần kỳ ấy, nhà vua cầm hạt giống, định đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng rồi nhà vua cũng chợt dừng lại vì nhớ ra rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng đã có lần đánh cắp một báu vật của vua cha.

Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những người quyền cao tước trọng, không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người nghèo khó, khốn khổ, chỉ lỡ dại lấy thức ăn của người khác cho qua cơn đói, thì lại bị các ngài kết án tử hình!" 

Nhà vua và cả triều thần lặng người trước những lời thẳng thắn đó. Nhà vua lập tức ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm. Vua ban cho anh ta một số vốn để làm ăn lương thiện và đền bù lại cho người bị đánh cắp. Đồng thời nhà vua cũng đặc phái quan tể tướng và quan thủ kho nhanh chóng tìm phương cách phân phối của công, giúp đỡ dân nghèo. Án tử hình từ đó cũng được vĩnh viễn bãi bỏ trong vương quốc của ông.

Tương tự như câu chuyện này, trước khi phê phán người khác, chúng ta nên cố gắng nhìn lại mình. Sống được như thế, tâm ta dễ bình an trong nhiều tình huống. Hạt giống bình an quý báu chỉ có thể nảy mầm và đơm hoa kết trái nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống bình an ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư xử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống bình an nảy mầm trong tâm hồn chúng ta, mang lại hoa trái cho chính mình và người xung quanh.