Thursday, September 17, 2015

Người Trường Chay: Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Vietnamese photographer Trần Thế Phong is a long-time vegetarian.

Ánh sáng cuộc đời của Trần Thế Phong
Hữu Thân

(NLD) - Người xem dễ nhận ra “Ánh sáng cuộc đời” của Trần Thế Phong là hành trình của một đời người bắt đầu là đứa trẻ mồ côi được cưu mang che chở bởi tấm lòng nhân ái ở cửa Phật. Đứa trẻ ấy lớn lên trong tình thương của giới tu hành và ánh sáng của Phật pháp, giác ngộ và hành đạo giúp đời 

Nhận cuốn sách ảnh “Ánh sáng cuộc đời” có chữ ký đề tặng của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, vừa được NXB Trẻ ấn hành, tôi lấy làm ngạc nhiên vì sau một năm, từ khi “Vượt qua bóng tối” xuất bản tháng 4-2014, anh lại có cuốn sách ảnh mới ra mắt công chúng.

“Ánh sáng cuộc đời” gồm 108 bức ảnh ghi lại những sinh hoạt thường nhật ở chốn thiền môn, nét đẹp trong đời sống Phật giáo bằng những chấm phá đơn giản, nhẹ nhàng, rất hiện thực như nhận xét của Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được in trong trang đầu. Cái hay ở cuốn sách ảnh này là sự sắp xếp, bố cục hoàn toàn có ý đồ của tác giả, từ trang 10 đến trang 118 gợi lên triết lý sâu xa của đạo Phật trong kiếp nhân sinh. Người xem dễ nhận ra đó là hành trình của một đời người bắt đầu là đứa trẻ mồ côi được cưu mang che chở bởi tấm lòng nhân ái ở cửa Phật. Đứa trẻ ấy lớn lên trong tình thương của giới tu hành và ánh sáng của Phật pháp, giác ngộ và hành đạo giúp đời.


Hành trình này mang bóng dáng của tác giả. Trần Thế Phong mồ côi từ nhỏ, lớn lên là trẻ em đường phố và được nhiều người cưu mang, trong đó có các sư thầy. “Thủa nhỏ sống gần chùa, gần gũi các tăng ni nên được sự dạy dỗ từ các sư thầy” - Trần Thế Phong từng cho biết.

Vì là người ăn chay trường 28 năm nay, tâm hướng Phật nên anh thầm mơ ước một ngày nào đó làm được bộ ảnh về Phật giáo. Thực hiện bộ ảnh “Ánh sáng cuộc sống”, anh chú trọng nhất là đạo làm người.

Trong sự nghiệp sáng tác ảnh của mình, Trần Thế Phong thường chọn chủ đề thiên về đời sống người lao động nghèo, bất hạnh, như “Gánh”, “Những nẻo đường tuổi thơ”, “Nghệ sĩ đường phố”… vì anh muốn truyền tải sự an lạc ở họ, không muốn người đời nhìn họ bằng ánh mắt thương hại.

Nói về cảm xúc sáng tác của mình, anh tâm sự: “Tôi đặc biệt thích và đầy cảm xúc với hình ảnh những đứa trẻ đường phố. Qua đó, tôi tìm thấy cuộc đời mình trong chúng. Thế nên, mỗi khi tôi bắt gặp những hình ảnh ấy, trong tôi lại rạo rực cảm xúc và hăm hở ghi lại. Nhưng, những đứa trẻ trong ảnh của tôi dù sống chật vật, lây lất nhưng lúc nào cũng cười. Những nụ cười của sự vươn lên, sự tự tin vào tương lai tươi sáng chứ không ủy mị, ảm đạm”.

Ở “Ánh sáng cuộc đời” cũng vậy, người xem bắt gặp qua ống kính của anh một thế giới an lạc, nơi được chiếu rọi bằng ánh sáng từ bi.

Trần Thế Phong cho biết những bức ảnh này đa số là chụp ngẫu nhiên vì anh thích thể loại ảnh báo chí, thích tính hiện thực, đôi khi cũng có vài sắp xếp nho nhỏ nhưng nói chung là khoảnh khắc thực.

Đề tài tôn giáo, theo anh, không dễ làm, rất khô cứng, các sư rất ngại chụp hình. Phải tiếp cận từ từ, phải mất nhiều thời gian để tạo sự đồng cảm, gần gũi với các tăng ni thì họ mới chịu cho chụp ảnh. Với anh, tác phẩm nhiếp ảnh phải chứa đựng giá trị nhân văn.

Trần Thế Phong khẳng định: “Tôi luôn quan niệm cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Vì vậy, tôi chụp nhiều bức ảnh đậm tính báo chí hơn là trừu tượng. Những người lao động nghèo, cuộc sống của họ thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai quan tâm nhưng nó có vẻ đẹp riêng khi lên ảnh”.

Trần Thế Phong cho biết đã bán được hơn 1.000 quyển sách “Ánh sáng cuộc sống”. Cũng như lần triển lãm, bán sách ảnh “Vượt qua bóng tối” năm trước, toàn bộ số tiền bán sách và đóng góp của mạnh thường quân đã được ủng hộ quỹ học bổng dành cho học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,  số tiền bán sách lần này anh cũng sẽ dành hết cho những công việc từ thiện.