Friday, May 05, 2017

Tác giả Tâm Diệu In Sách Mới: Ăn Chay Qua Lăng Kính Khoa Học

(VB) -- Hội bất vụ lợi Ananda Việt Foundation vừa xuất bản tác phẩm Ăn Chay Qua Lăng Kính Khoa Học, lưu hành qua mạng Amazon.

Tác phẩm dày 140 trang, viết bằng Việt ngữ của tác giả Tâm Diệu sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, mạch lạc, với các chứng minh khoa học từ các cuộc nghiên cứu y tế Hoa Kỳ đã cho thấy rằng ăn chay thích hợp sẽ ngừa được nhiều bệnh, và cũng chữa trị được một số bệnh thường gặp ở Hoa Kỳ.

Tác phẩm gồm 16 bài viết chiếu rọi nhiều phương diện về chủ đề ăn chay, cho thấy ăn chay là nền tảng sức khỏe, vì ăn thịt sẽ gây ra rất nhiều bệnh.

Nhưng không chỉ tự chữa các bệnh như mập phì, ngừa tim mạch, và ung thư, ăn chay còn giúp làm sạch môi trường địa cầu... và đặc biệt, với Phật tử, ăn chay còn vì lòng từ bi.


Sau đây là một số trích dẫn từ tác phẩm Ăn Chay Qua Lăng Kính Khoa Học của Tâm Diệu.

Trang 1, bài “Thực Phẩm Có Nguồn Gốc Từ Thực Vật: Nền Tảng Của Sức Khỏe”:

“Hai căn bệnh gây chết người nhiều nhất tại Hoa Kỳ là bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Bệnh tim mạch bao gồm nghẽn mạch vành tim (coronary artery disease), nhồi máu cơ tim (heart attack), tai biến mạch máu não (nhồi máu não) (stroke), suy tim (congestive heart failure), và nghẽn mạch máu chân. Bệnh ung thư bao gồm ung thư vú, ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác.

Cả hai loại bệnh trên, theo các nghiên cứu khoa học cho biết, đều có liên hệ mật thiết với thực phẩm nhiều chất đạm thịt và nhiều chất béo, bao gồm cả chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa, chất cholesterol mà chúng ta ăn hàng ngày.” 

Trang 21, bài “Tại sao ăn chay có thể ngăn ngừa được bệnh tật”:

“Trong nhiều thập niên qua, chúng ta đã biết ngũ cốc, rau đậu và trái cây đã cung cấp cho chúng ta nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe, như vitamins, minerals, fiber, và complex carbohydrates. Nhiều nghiên cứu khoa học đã liên tục chứng minh ăn nhiều rau, trái cây và đậu hạt có thể giảm mức độ lâm bệnh tim mạch và ung thư. Bởi vì chúng không có cholesterol, ít chất béo bão hòa, có nhiều chất xơ và một số thành phần dinh dưỡng khác.

Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá thêm một nhóm chất mới có chứa trong rau, trái cây và đậu hạt, có khả năng phòng vệ cho cơ thể chúng ta tránh được nhiều thứ bệnh và làm chậm tiến trình hóa già. Đó là chất phytochemicals có khả năng chống oxy hóa (beta-caroten, lycopen, lutein, vitamin C, vitamin E).”

-- Trang 33, bài “Ngăn Ngừa Bệnh Tật”:

“Ở Việt Nam, đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, và đạo Hindu đều khuyến khích tín đồ ăn chay. Dù rằng mỗi tôn giáo đều có sự khác biệt về mục đích hay trong cách ăn chay. Hoặc ăn chay kỳ, hoặc ăn chay trường, hoặc ăn chay tuyệt đối (không trứng) hoặc ăn chay không tuyệt đối. Đa số ăn chay vì tôn giáo, vì một lời nguyện nào đó, nhưng cũng có người ăn chay vì sức khỏe, ăn chay vì thói quen, vì kinh tế hay vì phong trào. Thế nhưng hiện nay tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang có phong trào ăn chay, phát xuất từ những nhận thức mới về bảo vệ môi trường, bảo vệ súc vật, và nhất là những chứng minh khoa học, ăn chay có nhiều lợi ích cho sức khỏe...”

-- Trang 38, cùng bài trên:

“Yếu tố cân bằng dinh dưỡng là điều cần thiết. Hiệp hội ăn chay Hoa Kỳ đề nghị chúng ta nên ăn nhiều thực phẩm loại whole grains, rau xanh (vegetables), đậu (legumes), trái cây tươi (fruits) và ăn ít những thức ăn có chứa nhiều chất béo, chất ngọt và chất muối. Một vị bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng đề nghị một tỷ lệ hợp lý về dinh dưỡng chay là 4/6 hay 3/7 để chúng ta dễ nhớ. Tỷ lệ này có nghĩa là 4 phần hay 3 phần whole grains và 6 phần hay 7 phần rau xanh, đậu và trái cây tươi.”

-- Trang 101-125, bài “Thông tin mới nhất về dinh dưỡng cho các bác sỹ: các chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật”:

“...Bệnh Béo Phì

Năm 2006, sau khi xem lại dữ liệu từ 87 nghiên cứu đã xuất bản, các tác giả Berkow và Barnard đã báo cáo trong Nutrition Reviews là một chế độ ăn chay thuần (vegan) hoặc ăn chay có uống sữa và ăn trứng (vegetarian) có hiệu quả cao cho việc giảm cân. Các tác giả cũng đã phát hiện rằng dân cư ăn chay có uống sữa và ăn trứng (vegetarian) có tỷ lệ bệnh tim, cao huyết áp, đái tháo đường và béo phì thấp hơn....

... Bệnh đái tháo đường (Bệnh tiểu đường)

Các chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể đưa ra một sự thuận lợi cho những người không dựa vào thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đối với sự ngăn ngừa và quản lý bệnh đái tháo đường. Các Adventist Health Study đã phát hiện những người ăn chay có uống sữa và ăn trứng (vegetarian) có khoảng 50% nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường như những người không ăn chay. 


Năm 2008, Vang và một số người khác đã báo cáo rằng những người không ăn chay có 74% có khả năng phát triển bệnh đái tháo đường trong một thời gian 17 năm hơn là những người ăn chay có uống sữa và ăn trứng (vegetarian). Năm 2009, một nghiên cứu với hơn 60.000 nam nữ đã phát hiện bệnh đái tháo đường phổ biến ở những người theo chế độ ăn chay thuần là 2,9%, so với 7,6% những người không ăn chay. 

Một chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ít chất béo. không có thịt hoặc ít thịt có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường, có thể bằng cách cải thiện độ nhạy cảm của insulin và làm giảm đề kháng insulin....

... Bệnh Tim

Trong Thử Nghiệm Thay Đổi Lối Sống Trong Bệnh Tim (Lifestyle Heart Trial), Ornish đã phát hiện 82% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tim theo chương trình của ông ấy đã có một số mức giảm xơ vữa động mạch Những thay đổi toàn diện về lối sống hình như là chất xúc tác đã dẫn đến sự suy giảm ngay cả bệnh xơ vữa mạch vành nghiêm trọng chỉ sau 1 năm. Trong chế độ ăn uống dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật của ông ấy, 10% calo từ chất béo, 15% đến 20% từ protein và 70 đến 75% từ carbohydrate và cholesterol được hạn chế 5mg mỗi ngày.

Lý thú là 53% của nhóm kiểm soát đã có tiến triển xơ vữa động mạch. Sau 5 năm, chứng hẹp trong nhóm thử nghiệm đã giảm từ 37,8% xuống 34,7% (một sự cải thiện tương đối là 7,9%).

...Cao Huyết Áp

Năm 2010, Ủy Ban Tư Vấn Hướng Dẫn Chế Độ Ăn Uống đã thực hiện việc xem lại tài liệu nhằm xác định các bài viết nghiên cứu hiệu quả của các kiểu chế độ ăn đối với huyết áp ở người lớn. Chế độ ăn chay có uống sữa và ăn trứng (vegetarian) đi kèm với huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều thấp hơn. Mỗi cuộc thử nghiệm chéo ngẫu nhiên đã phát hiện rằng chế độ ăn của người Nhật (ít muối và có nguồn gốc từ thực vật) đã làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu.

...Tỷ Lệ Tử Vong

Ủy Ban Tư Vấn Hướng Dẫn Chế Độ Ăn Uống cũng đã thực hiện việc xem lại tài liệu năm 2010 nhằm xác định hiệu quả của chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đối với bệnh đột quỵ, bệnh tim mạch, và toàn bộ tỷ lệ tử vong ở người lớn. Họ đã phát hiện rằng chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đi kèm với việc giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong so với các chế độ ăn không dựa trên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.”

***

Tác giả Tâm Diệu đã hiến tặng bản quyền tác phẩm Ăn Chay Qua Lăng Kính Khoa Học cho hội Ananda Việt Foundation để gây quỹ cho Giải thưởng văn học Ananda Việt Awards viết về Đạo Phật.

Chi tiêt về giải thưởng xin đọc ở:
http://anandavietfoundation.org/

Độc giả cũng có thể tìm hiểu về giải này qua mạng:
https://thuvienhoasen.org/ (sẽ thấy huy hiệu bên phải của "Ananda Viet Foundations”).

Bạn đọc ở hải ngoại có thể tìm mua sách này qua:
https://www.amazon.com/ (xin gõ chữ: tam dieu an chay)

Nếu bạn ở Việt Nam, có thể mua sách này qua dịch vụ trong link này:
https://thuvienhoasen.org/a27591/gioi-thieu-hai-cuon-sach-tai-lieu-moi


Nguồn: https://vietbao.com/a267188/tac-gia-tam-dieu-in-sach-moi-an-chay-qua-lang-kinh-khoa-hoc