Thursday, January 26, 2017

Người Trường Chay: Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy

Cổ súy cho xu hướng ăn chay thuần khiết

Viết Thịnh 

(PL) - Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA vừa ca ngợi TP.HCM cùng với các thành phố khác của châu Á như Singapore, Bali, Bangkok và Thượng Hải có nhiều nhà hàng bán món ăn thuần chay và ngon miệng.
Đón nhận thông tin này, nghệ nhân ẩm thực - người được mệnh danh là sứ giả ẩm thực chay - Hoàng Thị Như Huy cho rằng ăn chay không chỉ ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn mà còn là xu hướng của thế kỷ này.
Hạnh phúc được quảng bá món chay thuần Việt
. Phóng viên: Bà được coi là sứ giả ẩm thực chay, xin hỏi danh xưng này ra đời như thế nào?
+ Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy: Thực ra đó cũng là từ mọi người đặt cho tôi thôi. Nguồn gốc của việc này bắt đầu từ khi các pháp vương của thế giới đến Việt Nam. Tôi được giới thiệu để làm nhiệm vụ đi quảng bá cách thức nấu đồ chay ở các chùa phục vụ các pháp vương. Đi quảng bá đồ chay thì mọi người gọi là sứ giả thôi.
Nấu nên những món ăn chay thuần Việt, bày ra mâm cỗ chỉ toàn hương vị cây lành trái ngọt quê hương, lòng tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình đã góp phần giúp bạn hữu khắp nơi chọn lối ăn chay thuần khiết cỏ cây, có lợi cho sức khỏe và giảm đi những hành vi sát sanh thô bạo trong đời.
Sự tinh tế của món chay do chính thiên nhiên tạo tác
. Có người giải thích tạo hình tôm, cá cho các món chay là vì yếu tố thẩm mỹ và kích thích vị giác, bà nghĩ sao?
+ Nếu muốn có cái đẹp trong món ăn, không nhất thiết phải bày biện những con cá, con tôm giả, mà sự tinh tế vốn không do bàn tay khéo léo nặn nên. Cái đẹp thanh thoát của món ăn chay thuần Việt bao đời qua đã thể hiện ngay trong dĩa rau luộc xanh rì, miếng đậu phụ rán vàng mơ, quả cà chua nhồi màu đỏ thắm, đĩa nấm xào trắng bóc…, mỗi thứ một ít bày biện trong đĩa bát sạch tinh tạo nên mâm cơm đầy hương sắc tự nhiên của đất trời.
. Bà vừa nhắc đến đạo Phật trong mối liên hệ với đồ chay, vậy đạo Phật quan niệm đồ chay như thế nào, thưa bà?
+ Ăn chay theo quan niệm của đạo Phật là ăn thuần rau củ, được hình thành từ lời giáo huấn của đức Phật: cấm sát sinh. Tu sĩ ăn chay để hành đạo; vua chúa ăn chay để mưu cầu thái bình thịnh trị cho giang san; dân chúng ăn chay vì lòng từ bi, muốn tránh điều tội lỗi sát sinh, tích đức cho kiếp sau của mình… Vì thế, nhất nhất họ không vì nhu cầu ham muốn khoái khẩu của bản thân mà sát hại những sinh linh vô tội.
Ăn chay là xu hướng của thế kỷ
. Có một thực tế mà như đánh giá của PETA dành cho TP.HCM, đó là sự phát triển đều đặn của văn hóa ăn chay… Theo bà, vì sao có sự phát triển này?
+ Tôi nghĩ đánh giá như thế cũng hợp lý. TP.HCM là một thành phố rộng, đông dân, nên việc có đông người ăn chay cũng dễ hiểu. Hơn nữa, theo tôi thì ăn chay là xu hướng của thế kỷ này.
. Có lý do gì để bà tin tưởng vào điều đó?
+ Bởi vì khi chúng ta ăn những thức ăn được chế biến từ cây cỏ thì có nhiều cái lợi hơn ăn động vật. Thứ nhất, trong thực vật nguồn bệnh ít hơn trong thịt động vật, dĩ nhiên là tôi không đề cập đến thực vật bẩn hoặc độc hại. Thứ hai, dùng cây cỏ của địa phương giúp cho nông dân có nguồn thu nhập tốt hơn. Tiếp đến, ăn rau củ quả thì dễ tiêu hóa và dễ chịu hơn ăn động vật. Ngoài ra cũng có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ăn chay làm cho con người hiền hòa hơn, những dân tộc ăn chay thường không có sự hung dữ và ăn chay ít bệnh hơn. Ăn chay cũng có cơ hội thay đổi khẩu vị.
. Xin cám ơn bà.