Friday, June 10, 2016

Người Trường Chay: Nhà ngoại gia Robert Lucius, cuộc đời sau tấm áo lính

VEGAN: Robert (Bob) Lucius, a retired Marine Corps Lieutenant Colonel, is the founder of VegHeads of Monterey Bay, California, USA. The organization promotes plant-based diets and the vegan lifestyle across Monterey Bay communities.

Nhà ngoại gia Robert Lucius, cuộc đời sau tấm áo lính
Bài: Nguyễn Hậu / Ảnh: Karsten Đặng

(Esquire VN) - Là Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Humane Society International, nhà hoạt động nhân đạo 48 tuổi kiêm nhà ngoại giao Robert Lucius thổ lộ về những mốc thú vị đời mình.

> Ngay từ khi còn là một cậu bé, tôi đã muốn trở thành một người tử tế, có can đảm đối đầu với những kẻ côn đồ và bảo vệ những người không có khả năng tự vệ. Đến tuổi vị thành niên thì tôi sưu tập các quyển truyện tranh Captain America. Thế nên, tôi luôn ước mơ lớn lên sẽ trở thành một người hùng đối với những ai cần một người hùng. Tôi nghĩ mình chưa bao giờ ngừng cố gắng thực hiện ước mơ đó.

> Vì không thể thật sự trở thành một siêu anh hùng, nên tôi đã gia nhập trường đại học quân đội. Khi đó, tôi cảm thấy đây là một trong những công việc giúp tôi có thể bảo vệ những người yếu thế.

> Nhiều năm phục vụ trong thủy quân lục chiến đã dạy tôi năm bài học. Một, không có thứ đáng giá nào lại có thể dễ dàng có được. Hai, nếu bạn giúp đỡ mọi người, mọi người sẽ giúp đỡ bạn. Ba, nếu bạn muốn vươn lên dẫn đầu, hãy chọn công việc mà những người khác không muốn làm. Bốn, học cách khiêm tốn, biết rõ giới hạn của bản thân và tôn trọng năng lực của người khác. Cuối cùng, lòng can đảm không phải là không sợ hãi, mà là sẵn lòng thực hiện những gì cần được hoàn thành, ngay cả khi bạn đang e sợ.

> Sau khoảng 10 năm phục vụ trong thủy quân lục chiến, tôi muốn thử làm một việc gì đó khác với những nhiệm vụ bình thường. Thế nên tôi đã ứng tuyển vị trí sĩ quan hải ngoại, người sẽ cố vấn cho những nhân vật cầm quyền cấp cao. Tôi được chuyển đến làm việc tại Hà Nội trong ba năm, phục vụ như một nhà ngoại giao quân sự. Công việc của tôi là giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thủy quân Lục chiến và Hải quân Mỹ.

> Công tác ngoại giao của tôi ở Việt Nam có liên quan nhiều đến hoạt động nhân đạo. Đa số người Mỹ thậm chí còn không nhận ra rằng quân đội Hoa Kỳ dành hàng triệu đô-la mỗi năm để xây dựng trường học, trạm y tế và nhà cứu trợ ở các quốc gia khác, cũng như đào tạo và trang bị nhân sự y tế cho quốc gia sở tại. Trong thời gian rảnh, tôi làm việc với các nhóm địa phương để cải thiện cuộc sống cho những bệnh nhân lớn tuổi trong trại phong ở tỉnh Thái Bình và những nơi khác ở Việt Nam…

> Thách thức lớn nhất mà tôi phải đối mặt ở Việt Nam, cũng như ở những nơi khác trên thế giới, là phải chấp nhận rằng một số mục tiêu mà tôi nỗ lực thực hiện sẽ không được hoàn thành trong cuộc đời này của tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn phải duy trì niềm tin rằng những người khác sẽ tiếp tục gánh vác phần công việc đó sau khi tôi không còn nữa.

> Rất nhiều người không nhận thức được mối liên hệ giữa chế độ ăn và môi trường. Những thay đổi trong chế độ ăn của ta có thể tạo ra tác động lớn đối với sức khỏe bản thân và mang lại lợi ích cho hành tinh này cùng với mọi giống loài khác nữa. Đó là lý do tôi ủng hộ chiến dịch Ngày Thứ Hai Xanh tại Việt Nam – chúng ta cùng cố gắng dành một ngày ăn chay trong tuần.

> Một trong những nhà lãnh đạo trong phong trào bảo vệ động vật ở Mỹ từng được hỏi rằng tại sao ông lại nỗ lực đến thế để đối xử tử tế với động vật, trong khi thế giới đang có rất nhiều người phải sống khổ sở. Ông đã trả lời thế này: “Tôi đang giải quyết từ gốc.” Tôi muốn mọi người nhớ rằng mọi sự đều gắn kết với nhau. Bạn không thể nào đối xử tàn nhẫn và vô tâm với động vật mà không cư xử như thế đối với mọi người. Sự tàn bạo giống như một loại ung thư vậy. Nó ăn mòn chúng ta từ trong ra ngoài, và trước khi kịp nhận ra thì chúng ta có thể đã trở nên tê liệt và bắt đầu chấp nhận nó như một chuyện bình thường và hiển nhiên. Tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ chống lại sự tàn ác dưới mọi hình thức.

> Tôi nghĩ rằng công nghiệp hóa không hẳn là xấu. Công nghệ tiên tiến đã giúp loài người đạt nhiều thành tựu, nhưng khi công nghiệp hóa kết hợp với chủ nghĩa tiêu dùng thì hậu quả mà môi trường và xã hội phải gánh chịu rất khủng khiếp. Ham muốn có được nhiều thứ hơn khiến người ta nghiện, ngay cả khi phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình, của người khác, của những giống loài khác. Chúng ta quá say sưa với những khao khát vật chất và quá sợ đánh mất chúng đến mức nhắm mắt làm ngơ trước những khổ đau chung quanh, những người đang thật sự thiếu thốn.

> Tôi nghĩ “văn minh” là một khái niệm tương đối, luôn thay đổi và tiến hóa. Những tín ngưỡng và tập quán từng được gìn giữ cách đây một thế hệ nay không còn được chấp nhận về mặt văn hóa nữa. Tôi không nghi ngờ gì về việc thế hệ tương lai sẽ nhìn cách chúng ta đối xử với động vật cũng như môi trường hiện nay như một kiểu hành xử không xứng đáng với nhân tính, hệt như cách chúng ta đang nhìn nhận chế độ nô lệ, thuộc địa và phân biệt giới tính vậy. 
Chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi sự đánh giá của thế hệ mai sau.

> Tôi có một con dấu do con trai tôi tặng, trên đó ghi rằng: “Bố là người hùng đầu tiên của con”. Một người nên cố gắng trở thành người hùng, đầu tiên và trước hết là đối với gia đình mình, bằng cách trở thành tấm gương về sự trung thực, công bằng, tử tế và can đảm. Người ta không thể là người hùng của cả thế giới nếu không có khả năng hoặc không sẵn lòng thể hiện phẩm chất đó đối với những người phụ thuộc vào họ nhất trong thế giới này.

> Không ai trong chúng ta có thể thành công một mình.

> Tôi hiếm khi mất lòng tin vào nhân loại. Dù thế giới có rất nhiều điều xấu xa, nhưng cũng có vô số con người đang nỗ lực giúp đỡ mọi người, để chăm sóc trẻ nhỏ, bảo vệ động vật và giữ gìn môi trường. Ai cũng có thể làm điều ác, nhưng chúng ta cũng có khả năng làm việc thiện, và tôi thà tập trung vào việc cố gắng khơi dậy những gì tốt đẹp nhất nơi con người.

> Niềm tin quan trọng nhất trong đời tôi là mỗi chúng ta đều được sinh ra với một năng lực hay tài năng nào đó quan trọng đối với thế giới này, theo cách này hay cách khác. Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng tài năng đó để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bằng cách trở thành nhà lãnh đạo quốc gia hay chỉ là một người chồng, người vợ, người cha và người hàng xóm tử tế.

> Tôi thường bảo con tôi rằng tôi không quan tâm nó có giàu có, nổi tiếng hay quyền lực hay không. Tôi muốn nó trở thành một con người khỏe mạnh và hạnh phúc, với một trái tim lương thiện, một người mà mọi người tin tưởng, một người có can đảm để bảo vệ người cô thế.

> Tôi cảm thấy thành công khi tôi có thể soi mình trong gương vào buổi tối trước khi đi ngủ và không cảm thấy rằng mình đã hoài phí cơ thể, của cải và sự thông minh mà Thượng Đế đã ban tặng cho tôi vào những mục đích ích kỷ hoặc vô nghĩa. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi tôi tin rằng những nỗ lực của mình đã giúp con người hoặc động vật thoát khỏi khổ đau.

Robert Lucius là cựu sĩ quan thủy quân lục chiến kiêm nhà ngoại giao người Mỹ, hiện ông là một nhà hoạt động nhân đạo/môi trường tích cực với cương vị Giám đốc khu vực châu Á của Humane Society International.