Friday, June 17, 2011

Vì Sao Ăn Chay: Ăn Chay - Sát sinh và Quả báo (Phần 1)

Quán quân Thế Vận Hội Murray Rose trường chay. Olympian Murray Rose is a vegetarian.
In part 1 of the thoughtful book "Vegetarianism: Killing and Karma," translated from Chinese into Vietnamese by the Venerable Thích Tâm Anh, the health benefits of NOT eating poison-laden meat are cited.   

Ăn Chay - Sát sinh và Quả báo 
Nguyên tác: Quảng Hóa – Lý Bỉnh Nam
Việt dịch: Thích Tâm Anh
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

Lợi ích ăn chay

Nhân loại thời nay hầu hết đều thích ăn thịt, dẫn đến xuất hiện tràn lan các bệnh tật như: cao huyết áp, tiểu đường sỏi thận, bệnh tim, xơ cứng mạch máu. Ngạn ngữ có câu:

                     “Xưa nay trong một bát canh
                     Oán sâu như bể hận thành non cao
                     Muốn hay nguồn gốc binh đao
                     Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.

Từ ngàn xưa đến nay, một bát canh chúng ta ăn, nhìn qua tuy bình thường chỉ là một bát canh, nhưng sự oán hận trong đó thật sâu hơn biển. Muốn biết vì sao trên thế giới chiến tranh, tai kiếp, binh kiếp, ôn dịch xảy ra mãi không thôi? Tất cả đều do ăn thịt mà ra. 

Nếu bạn muốn hiểu sự thật, đang đêm bạn hãy thử vào lò mổ xem sao? Giết trâu trâu khóc, giết heo heo khóc, giết dê dê khóc. Những tiếng khóc thê thảm, những tiếng gào thảm thiết, những oán hận trùng trùng, những oan độc, những cừu hận ấy tỏa khắp hư không mới tạo nên bao tai kiếp cho thế gian. Giả sử ai ai cũng ăn chay, thì những oan nghiệt ấy tức khắc tiêu dứt, có thể biến can qua  thành hòa bình, biến bạo lực thành an lành, được như thế mới cứu vãn được tai kiếp cho tương lai.
 
1. Ăn chay được mạnh khoẻ, sống lâu

Thứ nhất: Thức ăn chay không độc, thịt có độc

Thức ăn chay phần nhiều đều là rau quả, sinh trưởng lớn lên từ đất, hoặc rong biển… đã nhiều dinh dưỡng lại không có độc tố. Những thực vật này giúp máu giữ được chất kiềm – đây muốn chỉ máu ấy trong sạch. Y học gọi là kiềm tính thực vật. 

Thực phẩm có thịt ăn vào có thể khiến cho máu mang tính chua – đây muốn chỉ máu ấy dơ, do đó thịt được gọi là thực phẩm mang tính chua. 

Người ăn chay máu sạch, nên tuần hoàn nhanh, khiến cơ thể nhẹ nhõm thoải mái, hoạt bát, tinh lực dồi dào, chịu đựng giỏi, suy nghĩ nhanh lẹ và sống lâu. Như Hòa thượng Triệu Châu, một cao tăng Phật giáo đời Đường sống đến 150 tuổi. Hòa thượng Hư Vân thời cận đại sống được 120 tuổi. Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Đài Loan, nhờ nhiều năm trường trai, 95 tuổi mà vẫn sáng suốt. Những điều này đều là hiện thực chứng minh ăn chay mạnh khỏe, sống lâu. Lại như quán quân bơi lội Mậu-lâm-la-tư [Murray Rose] của thế vận hội Olimpic, lần đầu tiên, tốc độ của anh ta thật kinh người. Là vận động viên nổi tiếng nhất, anh ta là một người ăn chay. 

Theo báo cáo của Kiện Đức, một nhà hóa học trứ danh Pháp quốc, ông ta phát hiện thực phẩm thịt là một loại thực phẩm trúng độc mang tính chậm. Bởi vì xuất xứ của thịt là từ heo, dê, gà, vịt… mà động vật lúc vội vàng, giận dữ hoặc sợ hãi thì trong cơ thể sản sinh một vật tiết ra độc tố, độc tố ấy nhanh chóng truyền khắp các mạch máu vi tế và thịt trong toàn thân. Vật tiết độc chất này thông thường đều đầy trong cơ thể, tác dụng “cái mới thay đổi cái cũ” bài xuất ra ngoài, hoặc ra bằng đường đại tiểu tiện. Nếu con vật bị giết trong lúc đang giận dữ hoặc sợ hãi, bộ máy cơ thể bị đình chỉ hoạt động, vật tiết xuất độc tố này không được bài xuất ra, vẫn tồn đọng trong máu thịt. Nếu ăn vào loại thịt này, tất bị trúng độc tố ấy. Cho nên, ăn thịt bằng với trúng độc mang tính chậm. 

Đã từng có người thí nghiệm qua. Động vật trong lúc giận dữ hoặc sợ hãi, chất tiết độc tố mà cơ thể sản sinh ra, nếu hút ra bằng ống thủy tinh, chỉ cần độc tố bằng một cây nhang đã có thể giết chết một mạng người. May mà độc tố này khi gặp rau quả, bị hóa giải bớt một phần nào. Cho nên lúc nấu nướng, nên bỏ vào một ít gừng tươi, ớt hoặc rau xanh, đậu hủ, sẽ hóa giải bớt độc tố của thịt. Nếu nấu chỉ toàn thịt, không bỏ gừng, tỏi, rau... thì độc tố của thịt không được hóa giải, ăn vào sẽ có hại, lâu dài tất sẽ trúng độc mà chết.
 
Năm 1954, viện liệu dưỡng bệnh phổi Gia Nghĩa, Đài Loan có một bệnh nhân tên Quảng. Lúc rút quân khỏi Đại Lục, anh ta theo quân đội đến Đài Loan. Do suy dinh dưỡng, anh ta mắc bệnh phổi. Anh trai anh ta làm ăn buôn bán ở Hồng Kông. Mới đầu đến Đài Loan, không liên hệ được với anh mình. Sau liên lạc được, viết thư báo mắc trọng bệnh. Anh trai gởi đến cho một món tiền lớn. Có tiền, anh liền nghĩ đến bồi bổ. Bồi bổ bằng gì? Ăn gà! Thịt gà là bổ nhất! Ban đầu, hai ngày ăn một con. Ăn liền mấy ngày không thấy khởi sắc. Bồi bổ nữa. Mỗi ngày ăn một con. Ăn liền mấy ngày, sức khỏe lại càng suy nhược. Lại bồi bổ nữa. Một ngày ăn ba con. Phương pháp ẩm thực của anh ta thật đặc thù. Sợ dinh dưỡng của gà theo máu ra hết, vì thế anh nhét gà vào ống tre cho ngột chết, rồi bỏ vào nồi áp suất hầm, sau đó uống hết nước cốt. Uống một ngày ba lần như thế. Uống chưa được mấy ngày thì ôi thôi! Nguyên nhân đưa đến cái chết này của anh ta, lúc đó tôi chẳng hiểu gì cả. Về sau học Phật, nghiên cứu phương pháp ăn chay, mới hiểu được ông Quảng do ăn thịt trúng độc mang tính chậm mà chết. 

Không những súc sinh mà con người cũng thế. Con người lúc giận dữ, sợ hãi, sắc mặt bỗng chốc đỏ mặt tía tai hoặc nhợt nhạt, điều này đều do tinh thần bị kích động mà sản sinh độc tố, hiện tượng biến hóa trong máu. Độc tố này đối với phụ nữ còn phát sinh cả trong sữa nữa, nếu cho con bú sẽ nguy hiểm tính mạng. 

Trong Ấn Quang Đại sư Văn Sao có kể câu chuyện thế này: có một phụ nữ người Âu, sau khi chăm chú nghe Ấn Quang Đại sư khai thị lý giới sát ăn chay, bèn khóc rống lên. Bà ta đau xót cho hai đứa con trai của mình, chết do độc của sữa. Vốn là hai vợ chồng bà thường hay xảy ra bất hòa, cãi vã. Mỗi khi hai vợ chồng gầm thét như sấm, đứa bé sợ khóc thét lên. Là người làm mẹ, để con thôi khóc, lập tức vạch áo đút ngay núm vú vào miệng đứa trẻ, tuy đứa trẻ đã thôi khóc, nhưng từ đó cơ thể suy nhược dần, không bao lâu thì chết. Từ sự thật của hai câu chuyện này, có thể thấy: ăn chay không độc, thịt có độc. Tất nhiên, cần phải tức tốc ăn chay.

Thứ hai: Nhân loại nên ăn chay, chớ nên ăn thịt

Theo tiến sĩ Hàn Đinh Đốn của trường đại học Ca-luân-tỷ-á, Mỹ quốc, đã từng giải phẫu phân tích đường ruột, chứng minh con người thích hợp ăn chay mà không thích hợp ăn thịt. Ông ta giải thích ruột non của động vật ăn thịt thì ngắn, ruột già thẳng và trơn nhẵn; ruột non của động vật ăn chay thì dài, ruột già cũng dài; ruột của động vật ăn thịt lẫn ăn chay dài hơn động vật ăn thịt, ngắn hơn động vật ăn chay. 

Ruột già của con người dài khoảng 5 – 6 mét và quằn tới quằn lui, vách ruột không láng đồng thời chồng lên một đống. Đường ruột như thế chỉ thích hợp với ăn chay, không thích hợp với ăn thịt. Bởi vì thịt ít chất xơ, sau khi tiêu hóa để lại cặn bã. Ruột của con người tương đối dài, thức ăn ở trong ruột quá lâu sẽ sinh ra độc tố, tăng thêm gánh nặng cho gan. Gan quá sức chịu đựng sẽ trở nên xơ cứng, thậm chí ung thư. Lại nữa, trong thịt có rất nhiều a-xít uric, urê, ăn vào tăng thêm gánh nặng cho tạng thận, dẫn đến bệnh thận. Vả lại, thịt ở trong ruột già, ruột non phải qua sự hấp thu quá độ không cần thiết. Và thịt vốn lại thiếu chất xơ, dễ tạo nên táo bón, dẫn đến bệnh trĩ và ung thư trực tràng. Sự phân tích đường ruột con người trên đây, đủ để chứng minh con người ăn thịt là “tự rước họa vào thân”.

Thứ ba: Thức ăn thịt dễ dẫn đến bệnh tật

Sự nguy hại lớn nhất đến sức khỏe của người già, trung niên là colesterin, mà hàm lượng colesterin tương đối có nhiều trong não, thần kinh, máu, nước mật, lòng vàng trứng và mỡ… của động vật. 

Colesterin là chủ thể cấu thành hocmon của tuyến thượng thận và vitamin D. Tố chất dinh dưỡng này, thanh niên, trung niên hấp thu một lượng vừa phải rất là hữu ích. Nếu trong máu của một người chứa colesterin quá nhiều, sẽ dẫn đến xơ cứng động mạch, bệnh tim, bệnh cao huyết áp… Tuổi trung niên trở lên thì cơ thể, sinh lý có chiều hướng suy dần. Tất nhiên, cần phải tránh ăn nhiều thực phẩm thịt hàm chứa phong phú chất colesterin để giữ sức khỏe cơ thể.

Hiện tại, nguyên nhân tử vong đứng đầu ở Đài Loan là bệnh tim, huyết áp. Thống kê từ bệnh chứng, chứng tỏ người Đài Loan ăn thịt quá nhiều. Trong các cuộc báo cáo từ nhiều nghiên cứu khác nhau, đều đưa ra thịt có thể dẫn đến ung thư. Bởi vì thịt lúc chiên nướng, sẽ sản sinh ra một chất hóa học – chất dẫn đến bệnh ung thư nghiêm trọng này. Giả sử ăn thịt chiên nướng, một miếng bít-tết có thể tương đương với chất hóa học – khói của 600 cây nhang. Cho nên, ăn bít tết và thịt quay còn đáng sợ hơn hút cả một khối lượng lớn thuốc thơm. 

Kế đó, nếu heo bò mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh tương tự, ăn thịt của những con vật này, rất có khả năng sẽ bị truyền nhiễm. Lại nữa, có một số nhà chăn nuôi, để phòng súc vật nuôi như heo, bò, gà, vịt không bị truyền nhiễm bệnh dịch, đã bỏ thuốc kháng sinh trong thức ăn gia súc. Điều này khiến cho người ăn thịt cũng bị hấp thu rất nhiều chất kháng sinh. Về sau những người này mắc bệnh, thì kháng sinh và thuốc đặc hiệu của y bác sĩ dùng đều trở thành thuốc mang tính chống kháng vô hiệu hóa, làm cho không thuốc nào chữa được, bó tay chịu chết. Sinh mạng của những người này do thường ngày ăn thịt làm chủ.

Nguyên nhân tử vong lớn thứ hai ở Đài Loan chính là ung thư. Cồn có thể gây nên bệnh ung thư. Người uống rượu thường bị ác tính niêm mạc khí quản và phế nang tế bào, ung thư thực quản và khối u ác tính dạ dày gián tiếp gây nên ung thư gan, xơ gan cổ trướng. Giữa rượu và ung thư kết tràng, ung thư trực tràng có sự liên quan mật thiết. Cho nên, háo ăn thịt cá, lại thêm tham rượu, bằng với lửa đổ thêm dầu, nguy hiểm vô cùng. 

Có rất nhiều thực vật phòng chống khối u. Hễ những thực vật giàu vitamin A, C đều có thể dự phòng ung thư. Ví như xúp lơ, dưa bở, khoai lang, cà chua, hạnh tử, trái đào, bí rợ, rau chân vịt [còn gọi là rau bó xôi, rau dền Mỹ], bí đao, bắp cải, su hào, rau cải hoa, bưởi, ớt tươi, chanh, lê, quýt, đậu hà lan, dứa, dâu tây, cam đường, cà rốt… giảm mập. Người ăn chay không cần kiêng kỵ thứ nào. 

Người Mỹ đã từng điều tra thống kê, vi trùng bệnh trong cơ thể con người, hết 8 phần 10 là do truyền nhiễm từ thịt bò, và người bị bệnh phổi cũng có người do ăn thịt bò. Lại trong dịch Hổ Liệt La, có một loại tên gọi là Đồn Hổ Liệt La, đó chính là bệnh truyền nhiễm từ heo. 

Đan Mạch sau thế chiến thứ hai, để tái tạo lại đất nước, chính phủ nghiêm cấm nhân dân giết động vật làm thực phẩm. Qua năm thứ hai kinh tế phục hồi mới bỏ lệnh cấm. Ngờ đâu sau khi giải cấm, người dân trong nước mắc bệnh ngược lại cao hơn nhiều so với khi cấm lệnh sát sinh. Có thể thấy, ăn chay có ích, ăn thịt có hại. 

Lại nữa, trước thế chiến thứ hai, nước Bungari ở Châu Âu được gọi là “đất nước của trường thọ”. Trong 6.000.000 nhân khẩu của toàn đất nước, có đến 160 người thọ trên 100 tuổi. Nguyên nhân trường thọ ấy, qua kết quả của các nhà y học, 95% là ăn chay trường. Đây chính là ăn chay có thể khỏe mạnh, sống lâu.

Lại một chứng minh nữa: nhà dinh dưỡng học Kha-lâm-tư, Mỹ quốc nói: “Nhân loại nếu có thể bỏ ăn thịt, thì sẽ thu được lợi ích vô cùng”. Ăn chay có thể giữ lâu tuổi trẻ, tinh lực dồi dào, đầu óc mẫn tiệp, da thịt mềm mại, đây là hiện tượng của tuổi trẻ. 

Ngược lại, thân thể mệt nhọc, thần trí hôn ám, da thịt xù xì, lộ ra dáng vẻ lão hóa. Nay lấy ba cái này làm chuẩn, so sánh giữa ăn chay và ăn mặn, nhà dinh dưỡng học Chu Tu Tuệ nói: “Ăn nhiều thực phẩm có thịt, trong y học gọi là thực vật mang tính chua, có thể làm cho máu mang tính chua, máu dơ. Lúc muốn trung hòa tính chua này, chất canxi trong máu phải tiêu hao lượng lớn. Lượng canxi mất, tế bào sẽ bị lão hóa, cơ thể mỏi mệt không sức chịu đựng, dễ đưa đến thần trí hôn ám và suy yếu. Còn ăn nhiều rau xanh, trái cây, những thực vật mang tính kiềm này, có thể làm cho máu giữ được chất kiềm, máu trong sạch, khiến cho cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái, tinh lực dồi dào, chịu đựng giỏi, đầu óc nhanh nhạy đồng thời có thể sống lâu”.

Trên đây, đã đối chiếu sức khỏe và tinh thần của người ăn chay và người ăn mặn, rõ ràng đã thấy: một giữ được vẻ thanh xuân, một suy yếu lão hóa. Sự láng mịn và xù xì của da, chỉ nhìn qua ta có cảm giác ngay là già hay trẻ. Cho nên, da thịt mịn màng là điều kiện chính của sự trẻ mãi. 

Ăn chay làm sao giữ được nước da mịn màng? Điều này cần phải nói từ thực phẩm dầu mỡ nào mà người ăn chay đã ăn. Giá trị dinh dưỡng của mỡ là: thứ nhất, cung cấp nhiệt năng. Thứ hai, duy trì nhiệt độ cơ thể, bảo vệ nội tạng và làm tươi nhuận da. Thứ ba, giúp đỡ hấp thu vitamin. 

Chất mỡ quá nhiều làm cho người ta mập, dễ mắc bệnh cao huyết áp, mạch máu não cho đến các bệnh tim, gan, phổi, thận… Nếu mỡ quá ít khiến cho người ta gầy gò, dễ mắc các chứng suy nhược cho đến các bệnh về da. 

Có hai nguồn mỡ: một là mỡ từ động vật, như mỡ của heo, dê và thịt mỡ, gọi là mỡ động vật. Hai là mỡ từ nhân thực vật, như dầu phụng, dầu đậu nành, gọi là dầu thực vật. Sự hơn thiệt của hai loại dầu mỡ này khác nhau rất lớn. 

Mỡ động vật là mỡ bão hòa, nhiều colesterin, dễ dẫn đến xơ cứng động mạch, cao huyết áp, bệnh tim, cũng có lợi cho việc sinh sản ung thư tế bào. 

Dầu thực vật không phải là dầu bão hòa, có thể thúc đẩy tăng gia bài tiết tính chua của nước mật, làm cho colesterin xuống thấp, tránh được bệnh tim và các chứng huyết quản khác. 

Từ đó có thể thấy, người ăn chay sử dụng dầu thực vật, quả thật là một yếu tố lớn để khỏe mạnh tươi da. Hàm lượng dầu trong thực vật, nhiều nhất là ở hồ đào [walnut], chứa 66.90%. Thứ hai là đậu phụng [peanut], chứa 48.70%. Thứ ba là mè trắng [sesame], chứa 48.23%. Thứ tư là đậu nành [soy], chứa 20.20%. Những dầu này đều không phải là dầu bão hòa, ăn vào có ích không hại. 

Hàm lượng mỡ trong động vật, nhiều nhất là ở thịt heo, chứa 57.80%. Thứ hai là thịt dê, chứa 25.00%. Thịt bò chứa 13.50%. Nhưng những loại mỡ này đều thuộc mỡ bão hòa, chứa rất nhiều colesterin, dễ dẫn đến bệnh tim, bệnh huyết quản. 

Nghe nói, ngày xưa nữ minh tinh điện ảnh Hồ Điệp, nhờ ăn chay trường, tuy đã ở tuổi “bảy mươi xưa nay hiếm”, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ xinh đẹp thuở thiếu thời. Đây là một chứng cứ ăn chay có thể không già.

(Còn tiếp)