Sunday, May 09, 2010

Người Trường Chay: Nữ nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan

Renowned performing artist Út Bạch Lan is a vegetarian.


(VNAC) - Hôm nay là ngày Lễ Mẹ tại nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam Ăn Chay xin chân thành kính chúc những vị hiền mẫu và những-người-như-mẹ sức khỏe được dồi dào, tâm hồn an vui, tự tại. Việt Nam Ăn Chay cũng thân mến chúc các bạn có diễm phúc còn Mẹ sẽ có thêm thời gian bên Người, để được hưởng trọn tình thương của Mẹ và để mang tình thương đến cho Mẹ, nhất là những người mẹ cao niên, cô độc, cần hơi ấm và tiếng cười của chúng ta.

Ngoài ra, hôm nay cũng là ngày trang bạn Nấu Ăn Chay được tròn 3 tuổi. Trang Nấu Ăn Chay đều đặn sưu tầm, đóng góp những bài vở thật hữu ích để giúp những người Việt Nam thích tìm hiểu về ăn chay có được nguồn thông tin cần thiết. Công đức này vô lượng và mong trang Nấu Ăn Chay luôn tiếp tục việc làm cao thượng này. Có “công” thì hẳn có “đức,” nguyện xin tất cả các bạn đọc cũng góp phần khuyến khích người chung quanh hoặc chính mình chuyển sang nếp sống ăn chay để cứu vãn tình hình biến đổi khí hậu và hâm nóng toàn cầu hiện nay trên thế giới.

Địa Cầu này là của chung, nếu Việt Nam là một nước lâu đời hơn nhiều nước khác thì cũng xem như là anh chị lớn trong nhà, phải làm gương tốt cho các em và cho Mẹ Địa Cầu được vui lòng.

Người Việt Nam, dù ở phương trời nào, chắc cũng biết cải lương. Nghệ thuật cải lương của dân tộc đã có gần một thế kỷ nay, lời thâm thúy, ý cao siêu, âm điệu đa dạng, diễn xuất đòi hỏi trình độ cao, hài cũng có, mà bi cũng có. 

Nghệ sĩ Ưu Tú (NSƯT) Út Bạch Lan là một nghệ sĩ cải lương sáng chói, đa tài, dễ mến; một người mẹ hiền, không những đối với con mình thôi và còn đối với những trẻ em bất hạnh; và đặc biệt NSƯT Út Bạch Lan là một người trường chay gần 20 năm nay, cũng có thể xem là người mẹ tinh thần của những bạn thú. Xin vô vàn cảm tạ nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan.

NSƯT Út Bạch Lan (phải) thăm trẻ em mồ côi 
tại Trường Thiện Duyên, Củ Chi. Ảnh: N.Thu

Nhân dịp Lễ Mẹ, xin mời bạn đọc về nữ nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan, và sau đó thưởng thức phần trình diễn tuyệt vời của cô qua bài “Hoa Lan Trắng.”

Trích từ trang Sông Cửu Long của Liên Chi Hội Nhà văn Đồng bằng Sông Cửu Long, đăng ngày 18.04.2009. Tác giả: Thu Trân.

Con đường cô Út (NSƯT Út Bạch Lan) trở thành nghệ sĩ cải lương tự nhiên như trời sinh ra phải vậy. Từ thuở là cô bé lên ba lên năm, Út nghe hát dĩa rồi hát theo đến ngọt ngào. Được mọi người khen hay thì biết con nhỏ có giọng trời cho vậy thôi. Đến khi rời quê hương Long An, theo mẹ bôn ba nơi đất Sài thành đô hội vào những năm cuối thập niên 1940, tiếng ca Út mới bắt đầu "có đất dụng võ".

Đồng cảnh ngộ con nhà nghèo sống lang thang rày đây mai đó, Út rủ anh Văn Vĩ (danh cầm Văn Vĩ sau này) đi ca trên đường phố kiếm tiền nuôi mẹ. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, NSƯT Út Bạch Lan vẫn còn xúc động khi hồi tưởng: "Chọn góc phố đông người dừng lại, anh đờn, em hát đâu cỡ chục bài thì tiền đầy nón, toàn xu lẻ có khoét lổ ở giữa, hai anh em lấy dây xâu về đưa cho hai mẹ mà lòng vui như Tết"...

PV: Rồi cô chính thức trở thành người của công chúng khi nào?

ÚT BẠCH LAN : Đâu mười lăm mười sáu tuổi gì đó, một lần cô Năm Cần Thơ (nữ nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ - NV) làm ở Đài phát thanh Pháp Á nghe đồn có con nhỏ đường phố hát hay liền tìm đến dẫn Út lên đài hát thử. Út hát được, sau đó còn có thêm nghệ sĩ Thành Công cũng làm chung chỗ cô Năm đỡ đầu. Chính anh Thành Công đặt nghệ danh Bạch Lan cho Út.

PV: Nhưng Út là Út Bạch Lan?

ÚT BẠCH LAN : Ừ, ảnh đặt là Bạch Lan nhưng Út xin thêm chữ Út thành Út Bạch Lan cho còn một chút gì là mình chớ! Nhờ trời thương, tổ thương, theo nghề cải lương, Út được nhiều người giúp đỡ lắm. Tập tễnh vào nghề, Út được thầy Viễn Châu tận tình chỉ cho ca diễn, Út nhận thầy làm cha đỡ đầu, đến bây giờ, dù đã cao tuổi thầy vẫn còn sáng suốt lắm, lúc nào sắp xếp được thời gian, Út vẫn đến thăm thầy. Chính thầy đặt cho Út biệt danh "sầu nữ" chớ ai, xong thầy còn viết riêng cho Út bài vọng cổ "Hoa lan trắng" để đời.

PV: Một thời là Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhất đào thương, Sầu nữ liêu trai, Vương nữ sương chiều… sáng lòa sân khấu cải lương Sài Gòn vào những năm của hai thập niên 1950-1960, giờ nghĩ lại, Út thích vai nào nhất?

ÚT BẠCH LAN : Nhận được vai nào Út cũng diễn hết mình nên vai nào cũng thương. Ấn tượng các vai của Út vẫn là ấn tượng thuộc về khán giả với các vai Sơn nữ Phà Ca (Người vợ không bao giờ cưới), Hương (Nửa đời hương phấn); vai người  phụ nữ hiền lành, khổ sở, truân chuyên… trong các vở "Chưa tắt lửa lòng", "Thuyền ra cửa biển", "Nửa bản tình ca", "Áo trắng nàng Mộng Trinh"…

PV: Ở tuổi xưa nay hiếm, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ca diễn trên sân khấu lẫn kinh nghiệm sống ở đời, Út thấy "sao" cải lương bây giờ có khác "sao" cải lương ngày xưa?

ÚT BẠCH LAN : Khác nhiều lắm! Thầy Viễn Châu dạy Út, đời là một trường học mênh mông, nghề là cuốn sách học không có điểm dừng, tất cả chỉ có thể kết thúc khi mình xuôi tay nhắm mắt. Vậy mà bây giờ, nhiều em trẻ ca diễn được một chút đã thấy bắt đầu tự mãn. Rồi cả chuyện bầu trời không có hai "sao" nữa, được mời diễn mà thấy có "sao" nào có vẻ "đụng" là từ chối liền. Nhớ ngày xưa, Út với đào nổi tiếng Thanh Hương hát chung một đoàn lớn. Đêm nào Hương đóng vai chính thì Út vui vẻ làm cung nữ múa hầu, người này quên thì được người kia nhiệt tình nhắc tuồng. Nhiều "sao" bây giờ thật khó chịu khi làm việc với các đạo diễn, đụng chạm nhẹ nhàng một chút là "bái bai" liền, đúng là sao ở tuốt trên trời! Ngày xưa mình ca diễn, dù là "sao" rồi nhưng cũng sợ ông đạo diễn muốn chết; làm hoài một động tác, hát hoài một lời ca không được là coi chừng. Lúc còn làm đào chính ở đoàn Thanh Minh, Út bị trục trặc một câu ca, vậy mà bị thầy Năm Nghĩa nộ cho tái xanh mày mặt, rồi chỉ biết trốn ra cánh gà mà khóc. Sau phải nhờ anh Hoàng Giang gọi bà bầu Thơ (vợ thầy Năm Nghĩa) vô "cứu bồ". Nhờ "uy" vợ, thầy mới nguôi giận mà kêu Út vô tập tuồng tiếp!

PV: Vậy theo Út, những tiêu chí nào để được làm một "sao" cải lương mà không ở tuốt trên trời?

ÚT BẠCH LAN : Phải biết người biết ta và sống chan hòa. Anh có thật sự là một "sao" cải lương không nếu anh ca diễn mà gặp bạn diễn không hết lòng hỗ trợ mình, gặp một ông họa sĩ vẽ cảnh trí không phù hợp, gặp một ông thầy nhạc chuyên làm rớt nhịp, gặp những khán giả không phản hồi? Ông bà ta từng dạy, phải đông tay thì mới vỗ nên kêu. Còn nghề của Út thì có câu: "Thằng kép dở nó đỡ thằng kép hay". Nói vậy chớ, bên cạnh những "sao" trên trời mà Út vừa nói cũng có nhiều "sao" dễ thương. Mấy em trẻ bây giờ qua trường lớp đàng hoàng (thời của Út muốn học hát cải lương bài bản cũng không có trường nào dạy) nên hát hay, diễn giỏi, hiểu biết bằng chị bằng em ngoài đời. Út hy vọng các em đủ sức chèo chống và ngày càng làm sáng sân khấu cải lương mình. Có nhiều "sao" trẻ thích theo Út làm từ thiện lắm!

PV: Theo dòng chảy chung của các "sô siếc" bây giờ, Út có nghĩ nghệ sĩ cải lương bây giờ cũng hát nhép như bên ca nhạc?

ÚT BẠCH LAN : Nhép quá đi chớ! Nhưng mình có nhép rồi mới thấy gian nan!

PV: Út cũng từng hát nhép?

ÚT BẠCH LAN : Chỉ có một lần thôi mà đổ mồ hôi sôi nước mắt, tối về ngủ không được, thấy mình có lỗi với tổ nghiệp! Út bây giờ lớn tuổi; sức khỏe, hơi huốm không còn như thời là "sầu nữ" với "Chuyện tình Lan và Điệp" nữa. Bài vọng cổ ngày xưa có hai mươi câu, Út làm một lèo mấy bài cũng được. Bài vọng cổ bây giờ có sáu câu, cố sức lắm thì hát được một bài tròn trịa. Tham gia Vầng trăng cổ nhạc ở Đầm Sen, bà con hay yêu cầu Út hát hai bài, nhưng cố lắm chỉ được một bài với hai ba câu, vậy đã là khá! Đến hôm nhận lời tham gia live show của một "sao" nữ là em út thân thiết, hôm đó Út đang bệnh, nói hát ba câu thôi mà nó hỏng chịu, bắt hát hết một bài. Hát không nổi, nó dạy Út hát nhép. Uý trời, Út nhép đầu này nó ra đầu kia, vậy mà khán giả cũng vỗ tay rần rần, Út ra sau cánh gà, thấy mắc cỡ nổi gai ốc! Tối nằm gác tay lên trán suy nghĩ, thấy sao ngày xưa mình hát hay diễn gì cũng tự nhiên, thiệt thà; còn bây giờ, muốn làm nghệ sĩ ca diễn tự nhiên thiệt khó…

PV: Út ơi, bây giờ Út còn đóng góp gì trong việc đào tạo nghệ sĩ trẻ không?

ÚT BẠCH LAN : Cách đây vài năm thì có, bây giờ bảy mươi lăm tuổi rồi nên thôi. Ngày nào Út cũng nghe đĩa cải lương, bắt được chỗ nào người hát vuốt chữ hay hay thì ghi lại chỉ cho mấy "sao" trẻ.

PV: Mấy chuyến xuất ngoại vài năm gần đây, Út hát được nhiều không?

ÚT BẠCH LAN : Bà con Việt kiều còn nhớ còn thương mời mình thì mình đi vậy mà! Út hát lại mấy bài vọng cổ "ruột" như "Hoa lan trắng", "Mẹ dạy con", "Tình người cung nữ"… bà con nghe xúc động lắm. Xong rồi mời ở lại lâu lâu để hát, nhưng Út muốn về liền, không đâu sống khỏe sống vui như đất nước mình!

PV: Nghe nói Út rất hay đi chùa?

ÚT BẠCH LAN : Út ăn chay trường mười tám năm nay, lấy pháp danh là Giác Nhã. Đi chùa và làm từ thiện là tâm nguyện của Út bây giờ. Trên đường thực hiện tâm nguyện này, Út cũng được làm nghề với mấy chương trình ca diễn cải lương từ thiện ở các chùa hoặc phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa. Nhiều nghệ sĩ đã tình nguyện theo Út ca diễn miễn phí như Diệu Hiền, Tô Châu, Vương Cảnh, Văn Lắm, Thanh Sử… Thỉnh thoảng Út còn làm phim Phật pháp cúng dường các chùa, bộ phim mới nhất vừa làm xong là "Phật hoàng Trần Nhân Tông".

PV: Còn "duyên nợ" của Út với những nghệ sĩ già neo đơn ở Nhà dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM?

ÚT BẠCH LAN : Một năm vài lần, Út vận động các nghệ sĩ khá giả đóng góp ủng hộ họ. Một chút quà khi các cụ ốm đau bệnh tật, một "Cây mùa xuân" khi năm hết Tết đến cũng đủ làm ấm lòng các nghệ sĩ đã góp phần làm sáng sân khấu cải lương mình.

PV: Cuộc sống riêng của Út bây giờ?

ÚT BẠCH LAN : Út sống thanh thản trong một căn hộ chung cư trên đường Trần Hưng Đạo với mấy người cháu ruột gọi bằng cô. Để không rối bận những tị hiềm nhỏ nhen, một ngày Út tụng hai hồi kinh Phật, rồi nghe đĩa cải lương, rồi đi chùa, đi làm từ thiện…

PV: Cảm ơn Út. Chúc Út luôn khoẻ để vững bước đi làm từ thiện…