Sunday, February 05, 2017

Nếp Sống Ăn Chay: Ngày Tết tìm về chùa Cái Bầu thưởng thức cơm chay (Quảng Ninh)

Ngày Tết tìm về chùa Cái Bầu thưởng thức cơm chay

Dương Vân

(QTV) - Với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, chùa Cái Bầu là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh. Mỗi dịp Tết đến, nhân dân địa phương và khách du lịch ngoại tỉnh lại lên đường hành hương về với ngôi chùa xinh đẹp và linh thiêng này, ngắm nhìn phong cảnh chùa, cầu bình an cho năm mới và thưởng thức bữa cơm chay cho lòng thêm thanh tịnh.

Ngày thường đến chùa Cái Bầu, nếu muốn thưởng thức cơm chay thì sẽ phải gọi điện trước một ngày để được chuẩn bị trước. Còn vào dịp Tết, không cần liên lạc trước, sẽ luôn có cơm chay phục vụ khách đến dâng hương đến trước 17h hàng ngày, kéo dài đến hết rằm tháng Giêng.

Nhà ăn cơm chay nằm trong đền ở phía dưới chùa, ngay phía trong tượng Phật Quan Âm và cùng khu với cửa hàng bán các sản phẩm liên quan đến Phật giáo. Bàn ghế được xếp thành ba hàng dài ngay ngắn, có hàng rào ngăn giữa nơi ngồi ăn và khu vực lấy thức ăn, khu vực rửa bát và khu vực để nước uống.
Suất ăn chay tại chùa Cái Bầu giản dị, đạm bạc, ngoài cơm, canh, lạc rang muối còn có rau, dưa và một món làm từ củ quả được chế biến công phu hơn một chút. Món chay làm từ rau bắp cải, súp lơ, lạc, cà rốt, chuối...bằng những phương pháp chế biến quen thuộc và dân dã nên rất dễ ăn. Trong dịp Tết, giữa những bữa tất niên, giao thừa, tiệc, cỗ thịnh soạn kéo dài nhiều ngày, một bữa cơm chay nhẹ nhàng giúp ngon miệng hơn và hỗ trợ cho việc tiêu hóa dễ dàng hơn rất nhiều.

Người của nhà chùa chỉ giúp thực khách lấy thức ăn và lau thìa, đĩa, tất cả công việc còn lại đều do thực khách tự mình làm. Không mất tiền để mua cơm, bữa ăn chay tại chùa Cái Bầu dạy cho con người ta biết trân trọng thức ăn và nâng cao tính tự giác của bản thân. Sau khi dùng xong cơm chay, mỗi thực khách sẽ tự mình rửa sạch thìa và đĩa của mình rồi để lại vào đúng nơi quy định. Nhà chùa cũng khuyến khích người dân chỉ lấy đủ lượng thức ăn theo khẩu vị của bản thân, không bỏ phí thực phẩm.

Nhìn từ góc độ khoa học, ăn chay có nhiều lợi ích với cơ thể: bảo vệ hệ thần kinh khỏi những tác nhân liên quan đến bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson; tăng cường khả năng miễn dịch, tránh tế bào ung thư; hỗ trợ giảm cân hiệu quả; món chay có tính hàn nên rất dễ tiêu hóa, tốt cho đường ruột; giúp kéo dài tuổi thọ; làm đẹp da và thậm chí còn giúp người ăn chay giải tỏa căng thẳng.

Trước kia, ăn chay thường được biết đến là một trong những nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt của những tín đồ đạo Phật, vì thế, việc ăn chay mang nhiều ý nghĩa tâm linh mang đặc trưng màu sắc Phật giáo. Việc ăn chay được cho là giúp con người tích phúc, tích đức, làm điều lành, để thân tâm thanh tịnh, giảm tính khí nóng nảy và làm cho người ăn chay hiền lành hơn.

Đến nay, việc ăn chay đã và đang dần dần trở thành một trong những nét văn hóa đại chúng phổ biến. Không chỉ lúc đi chùa hay vào dịp Tết, ngày càng có nhiều người ăn chay định kỳ vào ngày rằm và mùng một đầu tháng. Chị Thùy Linh (Bãi Cháy, Hạ Long) dừng chân dùng bữa cơm chay trong chuyến đi du ngoạn chùa Cái Bầu vào mùng 6 tết Đinh Dậu chia sẻ: “Mình không thường ăn chay, chỉ vào dịp Tết đi chùa thì mình mới ăn thôi. Dù mình cũng không có ý định sẽ ăn cơm chay từ đầu nhưng đến chùa rồi lại cứ tự nhiên đi ăn, nếu không ăn lại có cảm giác thiếu thiếu.Mình nghĩ nếu ăn chay thường xuyên được sẽ rất tốt cho sức khỏe, có lẽ mình cũng sẽ tập dần thói quen này".

Đến chùa Cái Bầu du xuân, nếu không thưởng thức một bữa cơm chay thì chưa thể trọn vẹn cho một chuyến đi lễ đầu năm. Đó không phải là cao lương mỹ vị, chỉ với cơm trắng và rau dưa, bạn vẫn cảm thấy rất ngon miệng và muốn quay trở lại lần nữa. Đi chùa, thưởng thức cơm chay để thấy lòng mình thanh tịnh và an nhiên hơn trong những ngày đầu năm mới...