Saturday, May 08, 2010

Tiết Kiệm Là Vàng: Tiết kiệm phải là một nếp sống hằng ngày


Tiết kiệm phải là một nếp sống hằng ngày
Nguyễn Khắc Phê

(TT) - Bài "Phải thắt lưng buộc bụng thôi" của Sương Mai (chuyên mục "Người trong cuộc", Tuổi Trẻ ngày 23-3) có lẽ nhận được sự thông cảm của nhiều độc giả vì trong cơn "bão giá” hiện nay, đó là cảnh sống của không ít gia đình, trong đó nhiều người thu nhập hằng tháng còn thấp hơn Sương Mai.
 
Tuy vậy, một khía cạnh khác của vấn đề có lẽ còn quan trọng hơn chuyện "thắt lưng buộc bụng". Đó là việc rèn tập nếp sống tiết kiệm như là một tiêu chuẩn văn hóa, đạo đức của con người hiểu biết. "Bão giá” (cũng như bão lụt) rồi sẽ qua, trời sẽ tới lúc nắng đẹp; đó là chưa nói đến không ít người hưởng lương cao thì "bão giá” chỉ làm số tiền mua vàng hay gửi tiết kiệm ít đi mà thôi, chứ không hề khiến họ phải "thắt lưng buộc bụng". Còn nếp sống tiết kiệm thì ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của mọi người, mọi thời.
 
Trong cuộc sống chúng ta không thiếu những tấm gương sống giản dị, tiết kiệm. Có nhiều người có thừa điều kiện vật chất nhưng vẫn chọn cách sống giản dị, tiết kiệm vì họ biết rõ mọi thứ tiêu dùng không làm nên giá trị con người; mặt khác, mỗi thứ ta chiếm dụng thêm sẽ làm nguồn của cải xã hội giảm bớt, cũng gần như là ăn lạm vào phần người khác. Như thế, sống tiết kiệm sẽ hạn chế tính ích kỷ - nguyên nhân của nhiều tội lỗi.
 
Tiếc rằng những năm gần đây, xu hướng hưởng thụ, ăn tiêu phung phí như đã thành "mốt", khiến nhiều người đua đòi, cho như thế mới là cao sang, mới là con người "hiện đại". Không kể các quí tử "con giời" ăn chơi như phá, có thể thấy sự đua đòi hoang phí từ căn phòng của các thủ trưởng đến người bình thường nhất.
 
Xin thử cùng nhìn quanh xem, bao nhiêu cán bộ lương không cao nhưng dép guốc, áo quần chưa hỏng đã mua thứ khác; rồi đổi "mốt" máy di động, kính râm cho đến xe máy. Cô bạn tôi có con dâu chưa kiếm được việc làm nhưng đi chợ thì mua về thừa mứa; nước máy, xà phòng... dùng xả láng. Các thủ trưởng thì khỏi nói! Đua nhau xây trụ sở cho to rộng, đến cái ghế ngồi cũng phải to, cao, oai vệ, chạm trổ uốn lượn cho bằng hay hơn chỗ "ông kia", "bà nọ”...!
 
Cần phải nói thẳng: đó là sự đua đòi thảm hại vì chứng tỏ con người không có bản lĩnh, không tin vào những giá trị tự thân, muốn mượn những "trang sức" bên ngoài để tôn vị thế của mình.
 
Hẳn sẽ có người bảo: tôi ăn diện, tiêu xài phung phí thì kệ tôi, việc chi ông xía vô! Vâng, mỗi người có quyền chọn cách sống của mình, nhưng những người tiêu xài lãng phí bằng tiền công quĩ thì có tội với nhân dân. Và mặt khác, của cải, diện tích trên Trái đất chỉ có hạn, anh sử dụng phung phí thì không khác gì chiếm đoạt của người khác, của thế hệ mai sau.
 
Chính vì thế, tiết kiệm có ý nghĩa quan trọng đối với sự an sinh của hành tinh chúng ta đang sống. Cũng trên báo Tuổi Trẻ ngày 23-3, bài "Hòn đảo cô đơn và bài học đau đớn", một lần nữa cảnh tỉnh con người về hậu quả của sự tàn phá môi trường đối với toàn nhân loại. Chính sự tiêu xài phung phí - từ những đống dép thải ra đến những bộ salông, biệt thự, trụ sở cơ quan sang trọng quá mức cần thiết... - là tác nhân quan trọng tàn phá môi trường.
 
Lý lẽ đã quá rõ. Trong "bão giá”, yêu cầu tiết kiệm càng bức thiết. Nhưng làm sao xây dựng được nếp sống tiết kiệm cho cộng đồng? Theo tôi, phải bằng việc giáo dục kiên trì từ nhỏ và nêu gương thường xuyên trong xã hội. Nhà trường, gia đình cùng với hoạt động Đoàn và Đội luôn có bài học về sự tiết kiệm trong mỗi việc làm; còn thủ trưởng các cấp thì hằng tuần hay hằng tháng đều có hành động nêu gương tiết kiệm. 

Những biện pháp trong tầm tay. Vấn đề còn lại là mỗi chúng ta có quan tâm thực hiện hằng ngày hay không.