Sunday, May 30, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Trích đoạn "Dưới Chân Thầy" (Những mục đích thật)

Trích quyển “Dưới Chân Thầy”
Tác giả: Alcyone (Krishnamurti)
Tủ Sách Thông Thiên Học

Tựa

Mấy lời nầy chẳng phải của tôi, ấy là lời của Sư Phụ tôi đã dạy tôi.
Không có Ngài tôi không làm được gì cả; nhờ Ngài giúp tôi mới được
bước vào Ðường Ðạo. Anh cũng vậy, anh muốn bước vào Ðường Ðạo,
thì những lời Sư Phụ tôi sẽ hữu ích cho anh, nếu anh tuân theo những
lời giáo huấn ấy. Nói rằng những lời đó chơn chánh và tốt đẹp thì chưa
phải là đủ; người nào muốn thành công, phải ăn ở y như lời chỉ giáo.
Một người kia bụng đói xép ve dòm một món đồ ăn rồi nói ngon quá
thì có ích chi cho y đâu; người ấy phải thò tay lấy ăn. Cũng thế, nghe
lời Thầy dạy chưa phải là đủ; phải làm những điều Ngài nói, chăm chỉ
từng tiếng, từng dấu. Nếu mà không chú ý đến một dấu và bỏ qua
một tiếng, thì dấu đó và tiếng đó mất biệt rồi; bởi vì Chơn Sư không
nói hai lần.


THIÊN THỨ NHẤT

Muốn bước vào Đường Đạo phải có bốn điều kiện sau:
 
- Một là: PHÂN BIỆN (Le discernement)
- Hai là: DỨT BỎ (Đoạn tuyệt) (Le détachement)
- Ba là: HẠNH KIỂM TỐT (La bonne conduite)
- Bốn là: LÒNG TỪ ÁI (L’amour)

Tôi sẽ cố gắng nói cho anh nghe những lời Sư Phụ tôi dạy tôi về mỗi
điều kiện ấy.

I.- Những mục đích thật 

Đứng đầu trong bốn điều kiện là tánh Phân biện. Thường thường người
ta hiểu nghĩa phân biện đây là phân biện sự chơn và sự giả nó dắt con
người vào Ðường Ðạo. Hiểu như thế thật đúng, nhưng mà còn nhiều
hơn thế nữa; và phải thực hành phân biện, không những khi mới bước
vào Đường Ðạo, mà luôn mỗi ngày mỗi bước đi cho tới lúc đắc đạo
thành chánh quả.

Con bước vào Ðường Ðạo bởi vì con biết rằng duy trong đó mới có
những việc đáng thâu lãnh mà thôi. Những người chưa hiểu biết làm
lụng đặng trở nên giàu sang và có quyền thế, nhưng hai cái tước lộc
nầy dùng được lâu lắm bất quá là một đời mà thôi, bởi thế chúng nó là
mộng ảo. Có nhiều việc lớn lao đáng tìm lấy hơn sự giàu sang và
quyền thế – mấy việc ấy chơn thật và không hề hư hoại; một khi
người ta thấy rồi, không còn muốn điều gì khác nữa.

Trên thế gian nầy chỉ có hai hạng người: những người hiểu biết và
những người không hiểu biết; duy chỉ có sự hiểu biết mới là hệ trọng
mà thôi. Con người giữ Đạo nào hay thuộc về giống dân nào là những
việc không trọng hệ. Điều thật trọng hệ là sự hiểu biết đó, sự hiểu biết
Cơ Trời đối với con người. Bởi vì Trời có một Cơ, mà Cơ đó là sự tiến
hóa. Chừng nào con người thấu rõ được Thiên Cơ (God's plan) và khi
thật biết rồi, thì con người chỉ lo hiệp tác với Thiên Cơ, đồng hóa với
Thiên Cơ và giúp cho Thiên Cơ được thực hiện. Đó là sự vinh diệu và
sự tốt đẹp của con người. Ấy vậy, bởi con người hiểu biết rồi nên mới
thuận theo lẽ Trời [1a], khắn khắn một lòng làm lành và chống chỏi
với sự ác, lo giúp cho muôn loài vạn vật tiến hóa chứ không vì tư lợi.

Người mà thuận theo lẽ Trời tức là người một nhà với chúng ta, dầu y
nói y giữ đạo Bà la môn hay giữ đạo Phật, giữ đạo Thiên Chúa Giáo
hay giữ đạo Hồi, hoặc y nói y là người Ấn Độ hay là người Anh, người
Trung Quốc hay là người Nga thì cũng không thành vấn đề. Những
người nào thuận theo lẽ Trời thì biết rằng tại sao mình thuận theo vậy.
Họ biết bổn phận mình phải làm cái chi và cố gắng hoàn thành công
việc đó.

Còn những người khác không thuận lẽ Trời không biết mình
phải làm điều chi, cho nên họ thường hành động như những kẻ ngông
cuồng. Họ cố tạo ra những đường lối cho chính họ mà họ tưởng rằng
chúng nó sẽ làm cho họ được hài lòng chớ không biết rằng "vạn vật
đồng nhất thể", và vì lẽ đó, chỉ ý Trời mới làm cho mọi người được
thực sự đẹp lòng. Họ đeo đuổi theo sự mộng ảo chớ không phải sự
chơn thật và nếu ngày nào mà họ không học cách phân biệt hai việc
ấy thì ngày đó họ chưa thuận theo lẽ Trời. Bởi vậy sự Phân biện là
bước đầu tiên.

Nhưng dẫu khi chọn lựa rồi đi nữa, con cũng phải nhớ rằng sự chơn và
sự giả có nhiều loại khác nhau; và con phải biết phân biệt cái lành với
cái dữ, cái trọng hệ với cái không trọng hệ, cái hữu ích với cái vô ích,
cái thực với cái hư, cái ích kỷ với cái vô tư lợi.

 
***Chú thích trong sách: [1a] Thuận theo lẽ Trời hàm ý hiểu được Thiên
Cơ (God's plan), hiểu được sự 'Tiến Hóa' mà Thiên Cơ đã vạch định
cho chúng sinh - không phải chỉ riêng cho loài người mà bao gồm cả
vạn vật, thú vật, cây cỏ, và kim thạch.

 
http://www.thongthienhoc.com/sach%20duoi%20chan%20thay
%20ban%20dich%20moi.htm#mucluc