Thursday, June 13, 2013

Người Trường Chay: Ông Năm Bửu

Ông Năm Bửu (trái) là người trường chay
Mr. Năm Bửu (born 1927) is a vegetarian. He plans to donate his body for science upon his passing.

Một tấm lòng quảng đại
Bài, ảnh: Hạnh Linh

(Đồng Khởi Điện Tử) - “Tôi tình nguyện hiến xác để sử dụng phần nào có ích sau khi tắt thở, cho y sinh làm tài liệu học tập. Trường Đại học Y dược TP. HCM được trọn quyền, thân tộc không ai khiếu nại. Tôi không quý và tiếc cái xác này, nên khỏi phải chôn cất theo lễ tục của bao đời”. Đó là lời nhắn nhủ chân thành của ông Năm Bửu. Một người đã tình nguyện hiến thi hài cho khoa học…

An nhiên với cuộc sống hiện tại

Vào sâu trong hẻm Thái Bình, thuộc phường 6, TP. Bến Tre, tôi tìm đến một ngôi nhà nhỏ trong dãy 5 căn nhà vốn là trại mộc cũ thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo Bến Tre. Ngôi nhà đơn sơ chỉ có một chiếc giường đơn, tủ chạn, vài vật dụng cá nhân và một chiếc bàn con để tài liệu, sách báo. Đó là không gian sinh hoạt của một ông lão gầy gò nhưng cứng cỏi và hồng hào.

Ông Năm Bửu tên thật là Võ Đại Bửu, sinh năm 1927, là người quê gốc ở Trà Vinh. Trải qua một cuộc đời nhiều thăng trầm, ông Năm từng làm qua rất nhiều nghề nghiệp như chụp hình, tài xế, y tế v.v… Ông còn là nhân viên của Phòng Trị sự của Báo Đồng Khởi vào những năm 1980. Sau nhiều năm gắn bó với thời cuộc, ông đã lui về sống tại khu nhà cũ thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (TP. Bến Tre). Hiện nay, ông sống một mình, và nhờ vào mức trợ cấp dành cho người cao tuổi, neo đơn với số tiền là 180 nghìn đồng/tháng và sự giúp đỡ chút ít từ bạn bè và hàng xóm.

Là một người hiền lành, hiểu biết và vui vẻ, nên dù cuộc sống độc thân nhưng tình thương ông không hề thiếu thốn. Tình yêu thương ông dành cho mọi người luôn được đáp lại, nhiều người bạn của ông vốn từ lâu đã xem ông như người thân trong nhà. Luôn giữ sự cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thể chất, ông Năm có một thời gian biểu sinh hoạt rất cụ thể. Mỗi buổi sáng, ông có thói quen tập thể dục ở công viên bờ sông cùng bạn bè cao niên. Buổi tập thể dục này cũng được xem như là một điểm hẹn để ông và bạn bè cập nhật thông tin thời sự trong và ngoài nước. Bên cạnh rèn luyện thể chất, việc duy trì chế độ ăn chay trường với nếp lứt, rau xanh và sử dụng các loại thức ăn bình dân nhưng có lợi cho sức khỏe như sữa đậu nành, trái cam… đã giúp ông Năm có được một sức khỏe rất tốt. Dù cao tuổi, nhưng ông Năm vẫn dẻo dai, ít bệnh tật. Ông cũng thường đến sinh hoạt ở câu lạc bộ người cao tuổi hay đi đánh cờ tướng ở nhà bạn bè trong xóm. Ông còn quan tâm tìm đọc các loại sách báo và dành dụm tiền để sao chép những bài viết hay, bổ ích về sức khỏe tặng lại cho nhiều người. Đến nay, hàng ngày ông vẫn dành thời gian để đọc sách, viết bài, đi tìm cây lá thuốc nam cho những cơ sở bốc thuốc từ thiện, dù đôi mắt bớt tinh tường hơn trước.

Ông Sáu Lưu - một người bạn đánh cờ của ông Năm Bửu chia sẻ: “Chú Năm là một người rất đặc biệt. Chú tu thân để giữ một nếp sống vô ưu mà không phải ai cũng làm thế được. Chú chẳng khi nào để bụng chuyện gì…”

Với lối sống giản dị, an nhiên, ngày ngày người đàn ông trong bộ đồ bà ba trắng đã mòn, cùng chiếc xe đạp cọc cạch ấy vẫn đi khắp nơi mang đến niềm vui cho những người mà ông gặp. Càng tiếp xúc với ông, tôi càng cảm thấy mình trở nên nhỏ bé hơn. Không phải chỉ nhỏ bé hơn về tuổi đời, về vốn sống, về nghị lực mà còn cả về tấm lòng với tha nhân. Ông đã già, nhưng chưa khi nào ông thôi rèn luyện bản thân.

Tận hiến cho thế hệ tương lai

Vào tháng 12-1994, ông Năm Bửu đã quyết định hiến thi hài cho Trường Đại học Y dược TP. HCM. Thông qua lời di chúc, ông viết: “Tôi tình nguyện hiến xác để sử dụng bộ phận nào còn có ích sau khi tắt thở để cho y sinh làm tài liệu học tập. Trường Đại học Y dược được trọn quyền, thân tộc không ai khiếu nại. Tôi không quý và tiếc cái xác này, nên khỏi phải chôn cất theo lễ tục của bao đời”.

Đáp lại ý nguyện hiến thi hài cho khoa học của ông Năm Bửu, trường Đại học Y dược TP. HCM đã chấp thuận và gửi cho ông giấy chứng nhận cùng một bức thư cảm ơn: “Thưa ông. Chúng tôi đã nhận được di chúc tình nguyện hiến thân thể sau khi qua đời của ông. Nghĩa cử cao quý của ông làm chúng tôi vô cùng cảm động. Thay mặt cho các thầy cô và sinh viên Trường Đại học Y Dược TP. HCM, chúng tôi xin gửi đến ông lời cảm ơn chân thành và kính trọng sâu sắc”.

Trong bức thư ấy, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Vạn Phước - Phó Hiệu trưởng (năm 2006) cũng đã chia sẻ: “Trong quá trình đào tạo để trở thành bác sĩ y khoa, sinh viên phải trải qua rất nhiều môn học quan trọng mà môn giải phẫu học là một trong những môn cơ sở của tất cả các môn y học khác. Để học tốt được môn này, điều quan trọng nhất, quyết định nhất là tiêu bản người thật… Các thế hệ sinh viên cứ đông dần theo yêu cầu đào tạo mỗi năm, còn tiêu bản người thật để phục vụ cho việc giảng dạy, thực tập và nghiên cứu khoa học lại vô cùng thiếu thốn. Hiện nay, sinh viên không đủ tiêu bản và xác để trực tiếp mổ và phẫu tích mà chỉ có thể kiến tập… Trường chúng tôi rất lo lắng cho sự học tập và nghiên cứu của sinh viên trong thời gian hiện tại cũng như cho nền Y học Việt Nam tương lai”.

Quyết định hiến thi hài cho y học không phải là một điều dễ dàng đối với phần lớn nhiều người trong xã hội. Đại đa số chúng ta vẫn quan niệm việc “đụng chạm” đến thi hài sau khi chết là không phù hợp với truyền thống Á Đông. Nhưng đối với ông Năm Bửu thì việc hiến thi hài cho khoa học là một niềm vinh dự. Trước nghĩa cử cao quý của ông Năm Bửu, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Vạn Phước đã xúc động: “Trước nghĩa cử cao đẹp của ông, chúng tôi xin sẽ đem hết khả năng và trí tuệ của mình để học tập, nghiên cứu, để trở thành những người thầy thuốc giỏi, có lương tâm và danh dự, sẵn sàng phục vụ cho người bệnh, phục vụ vô tư và trong sáng, cũng giống như sự hy sinh vô tư và trong sáng mà ông đã dành cho chúng tôi”.

Và để thay lời kết cho bài viết này, tôi xin trích dẫn lời của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Vạn Phước: “Chúng tôi vô cùng cảm phục những con người Việt Nam, những con người bình thường, dù mái tóc đã đốm bạc, dù thân hình nhỏ bé, với những nếp nhăn khắc khổ của cuộc mưu sinh vất vả nhưng vẫn có những suy nghĩ trăn trở vì sự phát triển của nền y học Việt Nam, vẫn có những trái tim vàng coi sự dâng hiến là hạnh phúc. Đó không những là những tấm gương, những bài học đầu tiên về y đức cho sinh viên mà sự tình nguyện của ông còn đi sâu vào tâm hồn và trái tim của lớp lớp sinh viên y khoa như một dấu son đỏ thắm nhất của đức hy sinh và lòng nhân ái”.

http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=32125