Wednesday, March 08, 2017

Giúp Nhau Khi Cần: Những đứa trẻ mồ côi dưới mái chùa từ tâm


Lộc Thọ Buddhist Temple (Vĩnh Ngọc Commune, City of Nha Trang) provides schooling, shelter and vegetarian meals for orphaned or impoverished children.

Những đứa trẻ mồ côi dưới mái chùa từ tâm

Cao Nguyên

(Phụ Nữ News) - Có một ngôi chùa nhỏ suốt hơn 25 năm qua nuôi dạy rất nhiều trẻ mồ côi, bất hạnh. Đó là tâm huyết của các sư cô với nguyện ước mang con chữ đến cho những trẻ mồ côi một mái ấm gia đình.

Lớp học của những phận đời côi cút
Từ nhiều năm nay, thanh âm bắt đầu cho một ngày mới ở chùa Lộc Thọ (xã Vĩnh Ngọc, tp Nha Trang) bên cạnh tiếng chuông quen thuộc là tiếng học bài của trẻ em. Một dãy phòng học khá khang trang được xây dựng trong khuôn viên chùa đã mang lại cho ngôi chùa một sức sống, sức sống của niềm vui con trẻ được đến trường, được ăn, được học… Được biết, tất cả học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 học trong chùa đều là những trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo không có điều kiện học hành. Những người ở chốn thiền môn luôn tâm nguyện làm sao để không còn trẻ em bất hạnh.


Sư bà Thích Nữ Diệu Ý, người sáng lập chùa, cũng chính là người dựng nên lớp học tình thương và mở rộng vòng tay đón nhận những trẻ em bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi. Năm 2014, Sư viên tịch ở tuổi 83, để lại sự tiếc thương lẫn biết ơn của biết bao người nể phục tấm lòng của vị ni sư già. Ban đầu, sư bà thấy cảnh nghèo khó của người dân, suốt ngày chỉ lo làm lụng kiếm cái ăn. Con em họ để ở nhà, chúng không được đi học, suốt ngày ở nhà lêu lổng. Sợ các cháu không hiểu biết rồi hư, sư bà liên hệ với bố mẹ các em mong được dạy chữ cho con họ. Từ đó, lớp học đơn giản là những bàn ghế đơn sơ kê trong chùa với lác đác vài trẻ em nghèo. Tiếng lành đồn xa, trẻ em nghèo khó được bố mẹ chúng hi vọng gửi gắm sư bà ngày càng nhiều, sư bà quyết định dựng một lớp học tình thương. Năm 1992, lớp học bằng tranh tre được dựng lên mang con chữ đến giúp đời cho biết bao cảnh nghèo. Và rồi tiếp đó, một lần nữa ngôi chùa đón nhận và nuôi dưỡng những trẻ em mô côi bị bố mẹ bỏ rơi.


Trưa, sau giờ tan học, các em được nhà chùa lo cho bữa ăn miễn phí, là bữa ăn chay bình dị mà đầy ắp nghĩa tình. Chiều tà, các ni sư lại lặng lẽ chăm lo, bón từng bát cháo, ru giấc ngủ cho trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ thuở sơ sinh… Các ni sư thương yêu, đùm bọc, xem chúng như là một phần máu thịt của mình.
Mỗi khi giờ học bắt đầu cũng là lúc các sư cô và các Phật tử trong chùa lại tất bật lo bữa ăn cho trẻ. Hơn 100 trẻ em, lo đủ bữa ăn chẳng phải dễ dàng. Việc nấu bếp ở chùa do các Phật tử phát tâm đến chùa làm công quả đảm nhiệm. Phần lớn họ là những cụ già tuổi đã cao, nhưng tâm lòng thì từ bi vô cùng. Họ tin rằng cái Tâm đã giúp họ vượt qua bao vất vả. Chùa toàn là những sư ni, cũng không có đất để trồng trọt tăng gia. Các em nhỏ ở đây sống nhờ bà con xóm làng, các nhà hảo tâm, Phật tử.
Tấm lòng yêu thương dành cho trẻ em đã có được quả ngọt, đó là nhiều em đã tiếp tục đi học ở lớp cao hơn, được hòa nhập cộng đồng.Và ngày càng có nhiều người cùng đến với trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo bằng cả tấm lòng, người góp gạo, người góp công nuôi dạy. Cô giáo Bùi Thạch Ngọc Châu, giáo viên lớp học tình thương chùa Lộc Thọ chia sẻ: Tôi gắn bó với trường đã gần 4 năm, các em lang thang ngoài đường, sư bà mở lớp tình thương nhưng thiếu giáo viên, chúng tôi tình nguyện đến đây giúp đỡ để các em được đến trường như bao trẻ. Ngoài mấy đứa sinh viên mới ra trường, còn lại chúng tôi là giáo viên nghỉ hưu muốn góp sức phần còn lại của đời mình mang chữ đến cho con trẻ mồ côi cơ nhỡ”.
Ngoài ra, chùa còn có 1 phòng thuốc nam, do một y tá về hưu phát tâm thiện nguyện về điều trị, chăm lo sức khỏe cho các em. Bên cạnh đó không quên bốc thuốc nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Phía trước là bầu trời
Ngày tháng thoi đưa, không biết tự lúc nào, nơi đây trở thành mái ấm của bao trẻ mồ côi. Sư cô Thích Diệu Lạc, trụ trì chùa Lộc Thọ cho biết, sư bà Diệu Tâm đã gầy dựng nơi này từ một nơi hoang vắng thành một trường học đúng nghĩa, nơi khang trang để thờ tự Phật và nuôi nấng trẻ. Theo lời kể của sư cô Diệu Lạc, có thời điểm chùa có hơn 30 trẻ em mồ côi. Hiện nay, chùa chỉ còn nuôi 11 trẻ mổ côi. Việc nuôi trẻ mồ côi này là một cơ duyên. Phải có duyên để trong đời gặp nhau và còn trở thành người nuôi nấng các bé. “Nhiều lần, đang ngủ bỗng nghe tiếng khóc văng vẳng ngoài cổng chùa, chạy ra thì thấy em bé nằm trong một cái giỏ hoặc cái khăn, ai đó bỏ lại trước cổng chùa. Cũng có khi là lúc sáng sớm, hay giữa trưa vắng người. Thường họ chỉ bỏ lại trẻ với bộ đồ và một cái khăn chứ không có thêm gì khác. Mà, đa số các bé đều bị một bệnh lý hay dị tật nào đó. Cũng có nhiều trường hợp chúng được bố mẹ dắt đến rồi bảo chờ bố mẹ quay lại, sau đó họ bỏ đi mất tăm và để lại đứa bé tội nghiệp”, sư cô trụ trì bùi ngùi nhớ lại.


Những trẻ mồ côi ở đây hầu như không biết gốc gác bố mẹ chúng. Chình vì vậy, từ cái tên hoặc chứng minh, ngày sinh đều do các sư cô đặt. Có bé Thiện Huệ bị bố mẹ vứt trước cổng chùa trong ngày mưa gió trong một chiếc khăn. Cháu rất bụ bẫm và dễ thương nhưng lại thiếu mất hai cánh tay, tất cả sinh hoạt của cháu đều làm bằng chân. Hiện nay cháu đã 3 tuổi, cháu bé ngây thơ vẫn chưa đủ nhận thức để biết những nỗi đau mà mình gánh phải. Dù không có tình cảm từ cha mẹ nhưng cháu rất may mắn khi được tất thảy mọi người yêu thương, che chở dưới mái ấm tình thương này.
Có một trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa ngay khi còn đỏ hỏn, chỉ nặng 1,4 kg. Các sư hốt hoảng đưa cháu đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để nằm lồng kính. Hơn một tháng rưỡi sau, cháu mới cứng cáp như trẻ bình thường. Tuy nhiên, các ni sư lại rất buồn khi nhận ra cháu bé có dị tật ở mắt. Lo cho cháu, ni sư Diệu Giác ngược xuôi, đưa cháu vô bệnh viện Nhi đồng 1, tp HCM để chữa trị. Và còn nhiều cảnh mồ côi tội nghiệp nữa đang được chùa bao bọc, che chở.
Sau khi học xong ở chùa, đến tuổi trưởng thành hơn, các cháu sẽ được đưa đi học các lớp cao hơn nếu có điều kiện. Nhiều gia đình hiếm muộn đến xin trẻ về nuôi nhưng sư cô Diệu Lạc đều nhẹ nhàng từ chối. Sư cô lý giải: “Các cháu đã đến chùa tức là có duyên với chùa với Phật. Mình mà cho đi, dù biết họ có mong muốn cho đứa trẻ một mái ấm thật sự đi nữa thì tôi cũng ngại. Giả sử họ có cho lại mấy triệu đồng, dù mình có lấy hay không người ngoài lại đồn nhà chùa bán trẻ, như thế không hay chút nào. Mình cứ nuôi dạy chúng,gieo mầm lành để sau chúng nó còn giúp đời làm việc tốt. Khi các cháu lớn cháu nào muồn hoàn tục thì nhà chùa vẫn ủng hộ. Con đường đời hay đạo do các em chọn. Chúng tôi chỉ làm tròn trách nhiệm nuôi nấng các em”.
Nếu không có những tấm lòng cưu mang các em như chốn cửa Phật thì số phận các em sẽ ra sao?