Saturday, August 13, 2016

Nếp Sống Ăn Chay: Mùa chay, người người đi ăn thực dưỡng


Mùa chay, người người đi ăn thực dưỡng
Anh Khuê  / Ảnh: Nhà hàng cung cấp

(Thanh Niên Tuần San) - Thời gian gần đây, số lượng các quán - nhà hàng chay phát triển khá nhộn nhịp do nhu cầu ngày càng tăng. 
Giờ đây, ăn chay không chỉ dành cho những người theo tôn giáo hay mong muốn giảm cân mà dần trở thành xu hướng với lý do chính là sức khỏe.


Ăn chay để khỏe mạnh

Ăn chay là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả…), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.

Trao đổi với anh Victor Đào - một trong ba thành viên sáng lập nhà hàng Chay Ba Lá (Q.1, TP.HCM), anh phấn khởi cho biết dù chỉ mới đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng những tín hiệu tốt từ khách hàng mang lại cho biết rằng nhà hàng đã đi đúng hướng.

Khách hàng hầu hết đều chuộng các món chay mang tính chất dưỡng sinh, an toàn, nguyên liệu chủ yếu từ rau, củ và nấm sạch, thanh đạm và gần gũi với môi trường thiên nhiên mang hương vị Nam bộ. Khách đến quán để được thưởng thức những món ăn được làm từ những nguyên liệu đơn giản, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là không gây hại cho môi trường và động vật, đúng theo tiêu chí “Ăn đơn giản cho đời thanh thản”.

Chị Thanh An (35 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông Q.1, TP.HCM) cho biết lý do chị chuyển qua ăn chay hoàn toàn ngoài chuyện tâm linh - muốn cầu nguyện cho gia đình bình an, sức khỏe - chị còn cảm nhận được nhiều thay đổi tích cực từ sau hơn 1 năm gần như ăn chay trường. Cơ thể khỏe mạnh hơn, thon thả hơn, đồng thời cảm giác trở nên nhẹ nhõm, đỡ nóng nảy, cáu gắt.

Còn với cô du học sinh Úc Phương Thy (19 tuổi) lại chọn ăn nhiều những bữa ăn chay trong thực đơn hằng ngày bởi cảm giác ngán thịt, thấy cơ thể trở nên mạnh mẽ hơn với lối sống năng vận động; nạp nhiều dinh dưỡng nhiều rau đậu, bớt thịt cá.

Hoặc chị Diệu Liên (làm việc tại một công ty bất động sản, Q.1, TP.HCM), vì là gia đình Phật tử nên chị duy trì việc ăn chay ít nhất 4 ngày/tháng. Ngoài ra, vài năm gần đây, chị ăn chay đều đặn khoảng 10 ngày/tháng và nhận thấy cơ thể hoạt bát, đỡ trì trệ. Chưa kể về mặt tinh thần, cảm giác bớt ăn thịt đỏ, các loại hải sản đang bị ảnh hưởng bởi các chất thải độc từ sau vụ Formosa cũng là lý do khiến chị trở nên thoải mái hơn.


Ăn chay đúng cách

Một số người cho rằng ăn chay sẽ thiếu chất nhưng thực tế, thiếu dinh dưỡng là do ăn không đúng cách. Vì thế yếu tố cân bằng dinh dưỡng là điều cần thiết. Tổ chức ăn chay Hoa Kỳ đề nghị nên ăn nhiều thực phẩm như gạo lứt, bánh mì nâu, các loại ngũ cốc nguyên cám, rau đậu, trái cây tươi và ăn ít những thức ăn có chứa nhiều chất béo, chất ngọt và muối.

Người ăn chay nên sử dụng đa dạng các loại chất đạm thực vật để cân đối về mặt dinh dưỡng. Ví dụ xôi gạo lứt nấu với đậu đen, đậu đỏ hay hạt sen, ăn với muối mè, bánh mì lát nâu phết bơ đậu phụng, súp các loại đậu ăn với bánh mì nâu; cơm gạo lứt nấu chung với các loại đậu cũng là một cách bổ sung dưỡng chất cho nhau.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng - nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, về khía cạnh dinh dưỡng học, ăn chay có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là giảm nguy cơ một số bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường type II, cao huyết áp, bệnh mạch vành, một số bệnh ung thư, sỏi mật, táo bón, sa sút trí tuệ, loãng xương...

Trừ cách ăn chay tuyệt đối, tức là loại trừ tất cả thức ăn có nguồn gốc động vật hoặc nghiêm ngặt hơn là chỉ dùng trái cây và các loại hạt, các cách ăn chay khác đều có thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu nếu được tổ chức tốt. Cần lưu ý khi phối hợp đủ lượng thực phẩm và sử dụng các thực phẩm bổ sung vi chất và áp dụng ba nguyên tắc chính: ăn đa dạng, ăn chừng mực, ăn thực phẩm gắn với thiên nhiên.