Thursday, January 14, 2016

Truyền Thống Ăn Chay: Nguồn gốc & các kiểu ăn chay


The plant-based diet goes way back in history. Perhaps we have come full circle, getting back to basics in this 21st century and beyond.

Nguồn gốc & các kiểu ăn chay 
GS. Nguyễn Lân Dũng

(NNVN) - Xin hỏi nguồn gốc của tục ăn chay và các kiểu ăn chay trên thế giới? 
~ Chị Hoàng Mai Hoa, TX. Bến Cát, Bình Dương 

Theo Wikipedia thì ăn chay là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả..), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ. 

Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau: Lý do đạo đức, y tế, tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế. Ở Ấn Độ ước tính khoảng 40% dân số là những người ăn chay. Trong luật tạng của Phật giáo quy định các tăng lữ phải ăn không quá giờ ngọ. Hằng tháng vào những ngày trăng rằm và đầu tháng (mùng 1 và 15 âm lịch) gọi là ngày Bố-tát là ngày định kỳ để thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành.

Bằng chứng xưa nhất về việc ăn chay là ở Ấn Độ cổ đại và Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ 6 TCN. Đối với khu vực châu Á, chế độ ăn chay có liên quan chặt chẽ với ý tưởng về việc không giết mổ động vật và được phát triển bởi các nhóm tôn giáo và triết học, còn đối với người Hy Lạp, người Ai Cập và những vùng khác thì việc ăn chay là nhằm mục đích thanh lọc y tế hoặc hình thức nghi lễ. 

Ở thời kỳ hậu cổ đại với Kitô giáo của đế quốc La Mã, ăn chay thực tế đã biến mất khỏi châu Âu cũng như các châu lục khác, ngoại trừ Ấn Độ. Trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, thời các tông đồ, có lo ngại rằng ăn thịt có thể dẫn đến một sự không trong sạch khi tiến hành các nghi lễ. Sứ đồ Phao-lô mạnh mẽ chống lại quan điểm này. Trong các nhà thờ Công giáo thời Trung cổ, nhiều tu sĩ và ẩn sĩ trong các bối cảnh tu khổ hạnh từ bỏ việc tiêu thụ thịt. 

Chỉ trong những năm đầu thời kỳ cận đại, một vài nhân vật nổi tiếng Kitô giáo mới xác định việc ăn chay trên cơ sở đạo đức, trong số đó có Leonardo da Vinci (1452-1519) và Pierre Gassendi (1592-1655). Nhà thần học hàng đầu cổ xúy việc ăn chay trong thế kỷ 17 là Thomas Tryon (1634-1703), người Anh. Mặt khác, đại diện cho các triết gia Kitô giáo có ảnh hưởng như René Descartes và Immanuel Kant cho rằng có thể không có nghĩa vụ đạo đức để phải kiêng thịt. Ăn chay lại nổi lên trong thời kỳ Phục Hưng và ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi trong thế kỷ 19 và 20.

Tất cả các hình thức của chế độ ăn chay đều dựa trên thức ăn thực vật, nấm và các sản phẩm từ vi khuẩn. Có một số loại ăn chay trong đó có loại trừ hoặc bao gồm các loại thực phẩm khác nhau: 

Ăn chay theo Phật giáo: không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật cũng như một số loại rau trong chi hành (có mùi thơm đặc trưng của hành và tỏi), có thể tương ứng với các loại cây hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu gọi chung là ngũ tân. 

Ăn chay có trứng: có thể ăn trứng nhưng không ăn các sản phẩm từ sữa. 

Ăn chay có sữa: có thể ăn các sản phẩm từ sữa, nhưng không ăn trứng. 

Ăn chay có cả sữa và trứng: có thể ăn một số sản phẩm từ động vật hoặc từ sữa như trứng, sữa và mật ong. 

Ăn chay hoàn toàn không sử dụng bất cứ thứ gì từ động vật (thuần chay): không dùng tất cả các loại thịt động vật và sản phẩm từ động vật, bao gồm cả sữa, mật ong, và trứng, và cũng có thể loại trừ bất kỳ sản phẩm nào được thử nghiệm trên động vật, hoặc sử dụng các trang phục có nguồn gốc từ động vật.