Saturday, October 03, 2015

Lễ Phật Thăm Chùa: Chùa Long Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa)


Chuyện ngôi chùa tấp nập du khách đến thăm
Mỹ Nga / Báo Lao động và Xã hội

(LĐXH) - Chùa Long Sơn tọa lạc ở đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, nằm dưới chân đồi Trại Thủy (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa). Nhìn toàn cảnh, chùa Long Sơn có địa thế rất đẹp, lại thuận tiện. Chùa được dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường giao thông và phố xá đông đúc mà giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch. Những dãy nhà làm học viện, văn phòng, tịnh thất hợp với ngôi chùa đồ sộ, tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh ẩn bóng dưới những hàng cây bồ đề cao lớn, cành lá sum suê cùng những rạng cây kiểng bao quanh tỏa che bóng mát. Điều đặc biệt là thực đơn ở ngôi chùa này hoàn toàn không bao giờ có biểu tượng của các loại động vật.

Chay tịnh 100%. Sư thầy Thích Giác Hỷ cho biết có lẽ khắp cả miền Trung này, đây là một ngôi chùa mà hầu hết các Phật tử lẫn tăng ni, nhà sư đều đặt nguyên tắc chay tịnh lên hàng đầu. Chủ yếu chỉ là rau và nấm thiên nhiên. Các loại này không được dùng chế biến với các chất mỡ heo nhưng sức khỏe của các nhà sư và Phật tử được bảo đảm, rất ít bệnh tật. Chính việc dùng rau rừng và nấm là cách để tâm của những nhà tu hành hướng về sự an nhiên, hướng về với thiên nhiên an lành. 

Nhiều Phật tử ở đây cũng cho biết họ thường xuyên thích đến chùa để ăn rau rừng và nấm hơn là các món đặc sản ở nhà. Từ hai loại thực phẩm từ thực vật này, các đầu bếp là tăng ni, Phật tử đã chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn cả triệu du khách khi đến thăm ngôi chùa này. 

Ngược thời gian, ngôi chùa đặc biệt này do Hòa thượng Thích Ngộ Chí dựng nên vào năm 1886. Tương truyền kể lại, dù mắc các bệnh hiểm nghèo và sức khỏe không được tốt từ tấm bé nhưng Hòa thượng Thích Ngộ Chí từ khi thành lập chùa cũng chỉ tuân theo một sở nguyện là tuyệt đối chay tịnh, không nghĩ đến những sự chết chóc. Có những đợt ròng rã suốt một tháng ông chỉ ăn rau rừng. Chính vì thế nên căn bệnh hiểm nghèo của ông đã kéo dài thêm được hàng chục năm.
                             
Một vị hòa thượng nổi tiếng ở chùa Long Sơn nữa đó là Thích Chí Tín. Trong chùa Long Sơn, ai cũng xem Hòa thượng Thích Chí Tín là một biểu tượng của chay tịnh và đức độ.  Một đời giản dị “ khắc kỷ vị tha” và ẩn nhẫn, Hòa thượng luôn ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, đến những loài vật bé nhỏ như con sâu con kiến. Trong những năm chiến tranh, người nghèo đói rất nhiều, tuần lễ nào ngài cũng đi kiếm rau rừng, mua thêm nấm các loại phân phát cho họ. Rất nhiều người sau này trở nên giàu có trở lại chùa vẫn chỉ nhớ da diết món ăn từ rau và nấm của Hòa thượng. 

Hơn nửa thế kỷ làm trụ trì chùa Long Sơn, nhiều đệ tử, Phật tử của ngài ở hải ngoại gửi tịnh tài về cúng dường, cứ nhận được bao nhiêu là ngài đều cho người đi mua gạo và rau cộng nấm về chế biến thành các món ăn cứu độ cho người nghèo khó. Đại đức Thích Tâm Nhãn cũng bộc bạch rằng Hòa thượng trụ trì Thích Chí Tín đã viên tịch cách đây không lâu mà hình ảnh của ngài vẫn như còn nguyên ở đây. Các món ăn chay tịnh mà phần lớn các Phật tử và tăng ni sử dụng từ rau và nấm đều do ngài nghĩ ra và dạy các đệ tử chế biến. Tính ngài cẩn thận và nhân hậu nên dù ai hung hăng đến mấy khi đối diện với ngài cũng bị thuyết phục.
                                 

Chùa Long Sơn còn nổi tiếng bởi phía sau ngôi chùa, trên đồi Trại Thủy, tọa lạc một bức tượng Kim Thân Phật Tổ. Du khách quốc tế gọi đây là tượng Phật hòa bình - tên gọi ấy đến như lẽ đương nhiên, bởi dẫu chỉ một lần đến với chùa Long Sơn, được chiêm bái tượng Phật, bất cứ du khách nào cũng đón nhận những thông điệp về hòa bình.