Tuesday, January 28, 2014

Văn Hóa Việt Nam: Tư duy và ngôn ngữ của người Việt: Cây trái quanh ta (PGS. TS Trịnh Sâm)

For the lunar New Year, Vietnamese often display five different kinds of fruit or so, as an expression of wishes for health and prosperity.

Tư duy và ngôn ngữ của người Việt: Cây trái quanh ta 
PGS. TS Trịnh Sâm

(VH) - Trong quá trình tương tác với tự nhiên, con người thường dùng những hiểu biết về chính cơ thể của mình để phóng chiếu lên hiện thực, ở đây là gọi tên, kiểu như hoa móng tay, lá tóc tiên, nụ cười tươi rói… hoặc định danh theo chiều hướng ngược lại, tức dùng những hiểu biết về tự nhiên, căn cứ vào sự tương đồng để gọi tên các bộ phận cơ thể con người kiểu như lá gan, quả thận, trái cật…

Cách tương tác như thế, tri nhận luận gọi là phương thức ý niệm hóa, rất quen thuộc trong nhiều ngôn ngữ. Cụ thể ở đây, có mối quan hệ giữa con người và cây cỏ, chính xác hơn, những minh họa bên trên có liên quan đến ẩn dụ cuộc đời là cỏ cây, đời người là cây cỏ. Có thể nói, tục giao thừa đi chùa, đình hái lộc; tục ăn trầu, cúng giỗ trầu cau, lễ nghi trầu cau trong cưới hỏi và cả sự tích trầu cau, mang đậm dấu ấn tương tác văn hóa với cỏ cây của người Việt. 

Cho nên không phải ngẫu nhiên, trong những ngày Tết, những dịp lễ nghi quan trọng, nhất là trong những nghi thức có tính chất tâm linh, đời sống của người Việt lại gắn bó với hoa, quả, cây trái đến vậy.

Ngày Tết, từ Nam chí Bắc, tùy thuộc vào cây nhà lá vườn, trên bàn thờ tổ tiên ông bà, thế nào cũng có mâm ngũ quả. Gọi là ngũ quả nhưng không nhất thiết phải đủ năm thứ, có khi nhiều hơn hoặc ít hơn, có khi chỉ một vài loại trái cây phổ biến trong vùng… như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm (Cầu -Vừa - Đủ - Xài - Thơm), hoặc thêm chùm sung, trái dưa hấu, quả bưởi như ở Nam Bộ, hoặc chỉ dùng một vài loại trái cây như nải chuối, trái bòng ở miền Trung chẳng hạn. Ở Nam Bộ ngoài tục cúng bông, ngày Tết trên bàn thờ không thiếu hai thứ là hoa và nước trắng. Người ta phân biệt rất rõ, hoa cúng và hoa trưng là khác nhau.

Ngày Tết, trong phòng khách, bên hiên, tùy theo điều kiện kinh tế, không gian của mình, nhiều nhà trưng bày nào đào (cây, cành), nào mai (cây, cành) hoặc chậu cúc, chậu thược dược. Những năm gần đây, lại có thêm hoa lan hay hoa ly…

Nam Bộ còn nổi tiếng với nghệ thuật tạo hình bằng hoa trái như hình ghe thuyền, sông núi, bản đồ, hình 12 con giáp khi xuân về… bên cạnh việc tạo hình bằng cây kiểng phổ biến cả nước.

Liệu bạn có hình dung hết độ phong phú trong việc người Việt dùng cây cỏ để đặt tên cho nhiều bộ phận cơ thể con người như đã đề cập ở trên, kiểu như: trái tim, trái gáo (sọ), trái cật, quả tim, quả thận, quả cật, lá gan, lá phổi, lá lách, lá mía, lá sách, buồng phổi, buồng trứng, bắp vế, bắp tay, bắp chân, bầu vú, bầu sữa, quả lê, quả mướp, quả đào, đôi quả hồng đào, núm cau, chủm cau…; cho cả con người kiểu như: cây văn nghệ xanh rờn, cây toán, cây hài, cây tiếu lâm, cây viết trẻ, cây vợt tài năng…?

Nếu như trong văn hóa phương Tây, hai ẩn dụ tri nhận có tính chất bao quát, liên quan đến vấn đề đang bàn là ý tưởng là cây cối (ideas are plants) và ý tưởng là con người (ideas are people), thì trong tiếng Việt hầu như có cả một kho tàng tri thức dân gian được thể hiện trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ… liên quan đến con người và cây cỏ.

Trước hết ta thử điểm qua các động từ chỉ hoạt động của cây cối được sử dụng cho con người, từ lá rụng, lá rụng về cội, trái quả rụng, hoa rụng… đến tóc rụng, lông rụng, răng rụng; từ cây mọc, hạt giống mọc đến mọc mụn, mọc nhọt, mọc sừng, mọc răng, mọc tóc… 

Một số tính chất, trạng thái của cây cối, hoa quả cũng để chỉ con người như ngực lép, bụng lép, vú lép…; ngực nở, nở gan, nở ruột, nở mặt, nở mày…; tình yêu chín muồi, lập luận sống sượng, bọn trẻ còn non kinh nghiệm, hắn già rơ trong buôn bán, nụ cười tươi rói, lòng ruột héo hon.

Đặc biệt, tiếng Việt hay sử dụng một số tương đồng trải nghiệm kiểu cây cối hoa quả như con người trong một số trường hợp như: người ta chỉ trọng vọng cây đa cây đề, còn mình rơm rác ai mà để ý đến, cây ngay không sợ chết đứng, rồi nam nữ là mận là đào, con gái trưởng thành là tre non đủ lá. Chuyện tình yêu, gia thất là đan sàn, trái quả, ngon dở lại dùng để biện minh cho sự lựa chọn tình cảm: Chẳng thà ăn nửa trái hồng/ Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè; chẳng thà ăn cả chùm sung, còn hơn ăn nửa trái hồng dở dang; cùng một hội, một thuyền giống nhau là lòng vả cũng như lòng sung; khuyên ai đó đừng có tò mò, tọc mạch, người ta nhắc nhở đừng có vạch lá tìm sâu.

Các bộ phận của cây cối từ gốc rễ, ngọn ngành, nhánh lá, hoa quả… hay quá trình phát triển từ hạt, mầm, chồi… đến lúc thành cây cao bóng cả, gạo cội… tất cả đều phóng chiếu để chỉ con người hoặc xã hội. 

Có gốc lớn, có gốc gộc, gốc bự là chỉ những ai có thế lực trong xã hội, dùng mất gốc, bật gốc, bứng gốc, quên cội nguồn, quên gốc rễ để phê phán ai quên quê hương bản quán. Khi nói cái gốc của vấn đề, cái gốc của sự việc thì chính là cái cốt lõi nhất, cái căn cơ nhất, còn nói có gốc có ngọn là đề cập đến tính mạch lạc của sự kiện, của cách trình bày, trong khi ai đó phê phán, chỉ là cái ngọn của vấn đề thì quả nhiên là thứ yếu, không phải là cái chính rồi. 

Chuyện tình cảm mà đơm hoa kết trái, hay đâm chồi nẩy lộc, quả là rất tốt đẹp ai ai cũng mơ ước. Còn điều này nữa, truyền thống ngữ văn của phương Đông dùng hoa để biểu trưng cho người phụ nữ, hãy nghe: Anh đừng tham bông quế, bỏ phế bông hoa lài, mai sau quế rụng, bông lài thơm lâu, hay Trách người quân tử bạc tình, chơi hoa rồi lại bẻ cành bán hoa. Còn để chỉ việc hệ trọng trong thiên chức làm mẹ của họ thì dân gian gọi khai hoa nở nhụy hay nở nhụy khai hoa

Trong kho tàng tục ngữ bàn về triết lý sống, chưa có dịp thống kê nhưng hình ảnh cây cối hay những thực thể liên quan đến cây cối quả là không ít: Vắt chanh bỏ vỏ, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa; tre non dễ uốn; một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao...

Lại nữa, một số cách biểu đạt thâm thúy vào bậc nhất khi bàn về sự chia sẻ, tương thân, tương ái rất nhân văn, tiếng Việt lại cũng viện dẫn đến hình tượng cây cối, hoa lá: Lá lành đùm lá rách, hay Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Thế mới biết, bên cạnh văn hóa sông nước, văn hóa cây cỏ có một vai trò hết sức quan trọng trong tư duy và ngôn ngữ của người Việt.