Sunday, November 21, 2010

Chăm Sóc Tuổi Thơ: Trẻ thuần chay (Phần 1 - Trẻ thơ)

Bé thuần chay - Vegan child (Photo credit: Activeg.org)
Nhân dịp Ngày Thiếu nhi Hoàn vũ 20 tháng 11 của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam Ăn Chay xin khởi đầu loạt bài “Nuôi Trẻ Thuần Chay” để chúng ta cùng tìm hiểu thêm các kiến thức khoa học về lối sống thuần chay.

Trẻ Thuần Chay (Phần 1)
Biên soạn (nguyên văn tiếng Anh): Thạc sĩ khoa học Shannon Martinez-Pedersen & Chuyên gia dinh dưỡng Carol M. Meerschaert 
Chuyển ngữ: Việt Nam Ăn Chay 

Trẻ em thuần chay có thể sống trong gia đình đang ăn thuần chay, hoặc cũng có thể các em tự chọn cho mình cách dinh dưỡng đó. Các tường trình khoa học cho thấy một liên quan tỷ lệ thuận giữa dinh dưỡng chay và việc giảm nhiều chứng bệnh kinh niên như béo phì, bệnh tim mạch, áp huyết cao, tiểu đường, và vài loại ung thư.

Hội Dinh Dưỡng Hoa Kỳ và Hội Chuyên Gia Dinh Dưỡng Gia Nã Đại tuyên bố rằng nuôi trẻ ăn chay là một điều lành mạnh và hữu ích, với điều kiện việc dinh dưỡng được kế hoạch thích đáng. Bài này nhằm phân tích lối dinh dưỡng thuần chay cho trẻ em, từ sơ sinh đến tuổi thiếu niên, thảo luận về một số chất bổ quan trọng, và nêu ra vài đề nghị chuẩn bị thức ăn cho trẻ em thuần chay và phụ huynh.

Dinh dưỡng cho trẻ thơ

Các hướng dẫn về dinh dưõng cho trẻ thơ (từ lúc ra đời cho đến 1 tuổi) cho thấy đa phần trong giai đoạn này tất cả trẻ em đều ăn chay, nếu không muốn nói là thuần chay, bởi thịt là nhóm thực phẩm cuối cùng mà các em được ăn.

Sữa mẹ là cách nuôi trẻ sơ sinh thường được đề nghị. Nếu người mẹ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sữa của người mẹ thuần chay tương đương với sữa của người mẹ không ăn chay. Những phụ nữ ăn chay thường cho con bú sữa mẹ nhiều hơn người khác; có tài liệu cho thấy trên 95% người mẹ thuần chay cho con bú sữa mẹ. Ở Hoa Kỳ, trung bình 39% trẻ em được bú sữa mẹ cho đến 6 tháng, trong khi các nghiên cứu cho thấy đa số những trẻ em thuần chay được bú sữa mẹ cho đến lúc 2 tuổi. Trẻ em bú sữa của người mẹ ăn chay đầy đủ đều lớn lên và phát triển bình thường.

Kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy sinh tố B12 vừa được hấp thụ (thay vì tồn trữ trong cơ thể người mẹ) mới được truyền qua sữa mẹ. Hàng ngày, nguồn sinh tố B12 đáng tin cậy cho những phụ nữ cho con bú sữa mẹ có trong các món: chất đạm chay được bổ sung, bánh ngũ cốc được bổ sung, và sữa đậu nành được bổ sung. Men dinh dưỡng trong sữa chay dành cho trẻ em hoặc thuốc bổ cần được bổ sung trong thời gian cho bé bú sữa mẹ.

Các bé thuần chay không có cơ hội bú sữa mẹ cần uống sữa đậu nành đặc biệt cho trẻ em, ít nhất cho đến lúc thôi nôi. Loại sữa đậu nành bình thường hoặc các loại sữa khác không thích hợp để thay thế cho sữa dành cho trẻ em (còn gọi là sữa công thức, infant formula). Với sữa công thức bằng đậu nành, trẻ em vẫn phát triển bình thường.

Nên thêm thức ăn đặc (solid foods) theo đề nghị hướng dẫn nuôi trẻ, thường là bắt đầu thức ăn đặc khi bé được khoảng 6 tháng. Nói chung, đề nghị là trước tiên hãy cho bé ăn ngũ cốc được bổ sung chất sắt, sau đó là rau cải, trái cây, rồi đến chất đạm.

Các vị phụ huynh nên cẩn thận khi bắt đầu cho bé dùng thức ăn đặc. Một vài loại thức ăn thuần chay thông thường có thể gây dị ứng như lúa mì, đậu phộng, một số hạt, và đậu nành. Hãy tham khảo hướng dẫn nhi khoa khi cho bé ăn những loại thức ăn mà ta biết thường gây dị ứng, nhất là khi trong gia đình có người từng bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó.

(Kỳ tới: Trẻ em thuần chay từ 1-19 tuổi)

http://www.vegetariannutrition.net/articles/Vegan-Diets-For-Children.php