Friday, October 22, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Mưa, hạn hán, và Việt Nam (Hồng Hương)

Vietnam is among nations most severely damaged if global climate change can't be curbed.

Mưa, hạn hán, và Việt Nam
Hồng Hương

Hôm nay thành phố nơi mình đang cư ngụ, mưa bỗng dưng nhiều hơn, không còn là những cơn mưa nhẹ hạt lãng đãng bay bay nữa. Mưa nhiều hơn, nhưng vẫn chưa là mưa to, nên hãy còn đủ lãng mạn như những bản tình ca về mưa trong âm nhạc Việt Nam. Tâm hồn Việt Nam – một phần có lẽ là do khí hậu chăng? – nói chung nồng ấm, thiết tha, sống với con tim nhiều hơn là đầu óc, sống với hôm nay hơn là lo nhiều cho ngày mai: một trạng thái thiền định thiên phú, nếu ta biết đi về đúng hướng và nhận ra chân giá trị của cuộc đời.

Từ bao ngàn năm, vượt trên những nhọc nhằn và thử thách trong lịch sử, Việt Nam vẫn gìn giữ được một gia sản tâm linh phong phú, không băng hoại với thời gian. Chúng ta mang tâm linh trong dòng máu mình, trong lòng mình, và dù trong hoàn cảnh nào, nơi đâu, chúng ta muôn đời vẫn là người Việt Nam giàu có về tâm linh.

Mưa tưới thơm ruộng đồng, mưa thắm tươi cành lá. Nhưng cũng có những nơi tội nghiệp, dấu hiệu của hạn hán rất rõ ràng – đúng ra không còn là dấu hiệu nữa, mà là thực tại. Dấu hiệu có chăng là dấu hiệu của biến đổi khí hậu, của hâm nóng toàn cầu, của một Địa Cầu sắp bị tàn phá ở mức độ rộng lớn nếu không muốn nói là toàn diện.

Maria Colenso viết trên trang Curiosity của Discovery.com như sau:

“Trong khi một vài nơi trên thế giới đang ngày càng bị bão tố và mực nước dâng cao, một số nơi lại đau khổ vì hạn hán. Giống như khí hậu đang cảnh cáo chúng ta, các chuyên gia tiên đoán rằng tình trạng hạn hán có thể gia tăng ít nhất 66%. Khi hạn hán gia tăng, điều này sẽ nhanh chóng đưa đến tình trạng nước bị khan hiếm và nông nghiệp cũng giảm sút về chất lượng, khiến việc sản xuất và nguồn lương thực toàn cầu bị đe dọa, và người dân trên thế giới có nguy cơ chết đói. 

Hiện nay, Ấn Độ, Pakistan, và vùng hạ Saraha ở Phi châu đã và đang bị hạn hán. Các chuyên gia tiên đoán rằng lượng mưa sẽ tiếp tục giảm trong những thập niên tới. Những ước tính vẽ lên một bức tranh tiêu điều. Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu cho biết đến năm 2020, từ 70 đến 250 triệu người Phi châu có thể sẽ thiếu nước, và lượng sản xuất nông nghiệp của lục địa này sẽ giảm 50%.”


Phi Châu sẽ như thế nếu biến đổi khí hậu gia tăng. Còn Việt Nam? Việt Nam, chẳng may, cũng không thoát khỏi nguy cơ. Không những vậy, mà còn là một trong những nước bị tác động nặng nề hơn. Theo tin Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 22 tháng 10, 2010:

“Nhật báo Thế giới (Le Monde) của Pháp dẫn báo cáo đánh giá về ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu ở các khu vực và quốc gia, cho rằng trong số những nước phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất trong 30 năm tới, đứng đầu là các nước vùng Nam Á.

Theo báo cáo của cơ quan phân tích rủi ro Maplecroft của Anh, các nước Bangladesh, Ấn Độ, Madagasca và Nepal xếp đầu tiên trong danh sách những quốc gia bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Tiếp đến là một số quốc gia Đông Phi và Đông Nam Á: Mozambique, Philippines, Zimbabwe, Myanmar, Ethiopia, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, và Malauy.

Khi phân tích để xếp hạng, Maplecroft đã đánh giá về những hiện tượng tự nhiên mà các quốc gia phải đối phó như lũ lụt, đất lở, hạn hán, mực nước biển dâng cao gắn liền với vấn đề khí hậu nóng lên. Đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu xem xét hiện tượng biến đổi khí hậu ở phạm vi rộng, tính đến những yếu tố như dân số, tình trạng nông nghiệp, hệ thống y tế, hạ tầng cơ sở và năng lực của các định chế tại các nước, cũng như các vấn đề kinh tế, xã hội.”


Mong chúng ta tỉnh thức và nhận diện vấn đề nhân loại đang đối mặt. Phủ nhận sự thật là một điều đưa ta xa rời chân lý – và trong trường hợp này, sẽ đưa đến diệt vong sớm hơn là ta nghĩ.

Giải pháp đơn giản cho biến đổi khí hậu và khan hiếm thực phẩm đã được nhiều chuyên gia đề nghị rồi. Bạn có muốn biết không?

Hình như tiếng mưa rơi từ chốn này đang nói với nhân loại ở khắp phương trời đó: - Hãy ăn chay.

http://www.vietnamanchay.com/2010/10/moi-truong-quanh-ta-mua-han-han-va-viet.html