Friday, August 13, 2010

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 11)

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 11)

(Các kỳ trước)

Hành tinh Xinh Xinh vừa chấm dứt thông điệp gửi Hành tinh Xanh Xanh. Mọi người thêm một lần trầm ngâm tư lự.

Lý Rô: Dạ, đây là chấm dứt chương trình của ban Ngoại Tinh.
Quách Tĩnh: Thưa Khưu trang chủ, Khưu phu nhân và chư vị, có thể nào chúng ta xem tình hình cập nhật của thế giới?
Khưu trang chủ: Quách hiệp nói có lý. Quản gia Lý Rô, người có thể cho chúng tôi xem nhanh?
LR: Dạ được, chuyện nhỏ. (Rô loay hoay bấm nút để chiếu tài liệu, nhưng bấm hoài không ra hình.) Ủa, sao lạ vậy cà?
Hoàng Dung: Hay là nãy giờ huynh lên tăng-xông nên hệ thống rối loạn đôi chút?
LR: Dám lắm đó. Bởi thế Rô thích nghe tin tích cực là vậy. Mấy tin buồn làm Rô cũng buồn theo… (cất tiếng hát)

“Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi ngoài kia bão tố đầy trời
Từng cánh lá cuốn gió
Rơi vào lòng đêm thâu…”

Khuyển Ca: Gâu! (tỏ vẻ tán đồng tiếng hát mùi mẫn của Rô)
Khưu phu nhân: Rô à! Ta đâu biết con hát hay rứa!
LR: Dạ cám ơn phu nhân. Con có cái ít khi thuộc hết nguyên bài... (trái tim chớp đỏ đỏ, thay vì đỏ mặt khi mắc cỡ)
Lục Tâm Thăng: À, nhưng anh Rô chỉ cần bấm nút là sẽ có cả bài được mà!
LR: Dạ cũng được, nhưng Rô ráng nhớ một mình để tập tính tự lập. Huỳnh nghĩa mẫu có dặn dò nên tự lực, tự cường, tự tin, tự giác nhưng đừng tự cao, tự đại và nhất là đừng tự tử... (bỗng dưng dây nhợ lưu thông lại như cũ, ánh sáng và âm thanh nổi lên lia lịa)
HD: (nhìn biết LR có thể hoạt động được bình thường) A, chắc nhờ hát nên anh rì-lắt, cơ thể được thư giãn chứ gì!
QT: Huynh khỏe chưa? Mình xem tình hình được rồi phải không huynh?
LR: Dạ được. Để Rô bấm tin thế giới. (Bíp bíp, tu tu… ) Dạ, Rô bắt được nhiều thứ tiếng, 58 quốc gia có quý độc giả của Việt Nam Ăn Chay và một số nơi không nhận diện ra làn sóng, có lẽ là hành tinh khác, (nói nhanh một hơi) từ Nga đến Pháp, Đức, Mỹ, Hòa Lan, Hòa Lan Antilles, Phần Lan, Băng Lan, Ba Lan, Tân Tây Lan, Ái Nhĩ Lan, Thái Lan, Do Thái, Lục Xâm Bảo, Hồng Kông, Macao, Đài Loan, Gia Nã Đại, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Tân Gia Ba, Ba Tây, Ba Tư, Nam Hàn, Nam Dương, Tây Ban Nha, Đảo Solomon, Đảo Guadalupe, Anh quốc, Bỉ quốc, Áo quốc, Ấn quốc, Ai Cập, Angola, Colombia, Georgia, Tunisia, Serbia, Slovakia, Tân Caledonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi, Ý Đại Lợi, Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Việt Nam, Nhật, Mã Lai, Lào, Cam Bốt, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Ả Rập Saudi, Tiệp, Ukraine, Hy Lạp... (thở phào)

(Mọi người cùng nhìn lên phòng khách, màn ảnh có chiếu phụ đề nên ai cũng hiểu, ngoại trừ Lục Tâm Vui vì bị cận, không có mắt kiếng nên không đọc được, Lục Tâm Khỏe ngồi kế bên phải mắc dịch.)

Đài 1: Tổng thống Asif Ali Zardari hôm nay đến ủy lạo dân chúng bị lũ lụt. 6 triệu trẻ em Pakistan có thể sẽ bị suy dinh dưỡng, dịch tả, sưng phổi.
..

Đài 2: Pakistan đang trải qua đợt lũ lụt kinh hoàng, hậu quả còn hơn cả thảm họa sóng thần năm 2004 ở châu Á, động đất ở Pakistan năm 2005 và trận động đất xảy ra gần đây ở Haiti. Khoảng 13,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt nặng nề nhất trong 80 năm qua tại nước này; gần 300.000 ngôi nhà bị phá hủy; khoảng 800.000 hecta đất canh tác đến kỳ thu hoạch bị nước lũ cuốn trôi.


Đài 3: Lở đất kinh hoàng nhất trong vòng 60 năm qua do mưa lũ đã bất ngờ xảy ra tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) hôm 8-8. Đây chỉ là một trong những trận lũ lụt xảy từ đầu năm đến nay ở nước này khiến hàng nghìn người ở 28 tỉnh, thành phố thiệt mạng và mất tích.


Đài 4: Ít nhất một ngôi làng đã bị chôn vùi, một nửa quận Châu Khúc chìm trong nước. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi các nhân viên nỗ lực hết sức mình để cứu người.


Đài 5: Những đợi nắng nóng kéo dài kèm theo cháy rừng bùng lên dữ dội trong những ngày đầu tháng 8 đang đẩy nước Nga vào một thảm họa chưa từng thấy. Ông Alexander Frolov, lãnh đạo cơ quan dự báo thời tiết Rosgidromet, cho biết: “Đây là một hiện tượng hoàn toàn khác thường. Có thể nói rằng trong suốt 1.000 năm qua, tổ tiên cũng như chính chúng ta chưa từng chứng kiến đợt nóng nào tương tự như vậy.”


Đài 6: Nắng nóng và khói bụi đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu người dân xứ Bạch dương, nhất là ở thủ đô Mátxcơva.


Đài 7: Nhiệt độ cao kỷ lục ở 18 bang miền Đông nước Mỹ kéo dài gần một tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.


Đài 8: Ngày 12/8, một trận động đất với cường độ 7,1 độ Richter đã làm rung chuyển Ecuador và nhiều vùng thuộc nước láng giềng Peru, khiến nhiều tòa nhà bị đổ sập và hư hại.


Đài 9: Thời tiết nắng nóng bất thường tiếp tục gây thảm họa ở Bồ Đào Nha. Ngày 12/8, các đám cháy rừng kéo dài từ hơn 40 giờ trước đó vẫn bùng phát dữ dội tại khu công viên quốc gia Peneda-Geres, miền Bắc Bồ Đào Nha.


Đài 10: Tảng băng khổng lồ rộng hơn 200km2 đã vỡ ra từ đảo băng Greenland.


Đài 11: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không phải là những điều chỉ nằm trong dự đoán tương lai. Thực tế, nó đã và đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.


Đài 12: Trái đất đang chứng kiến một thời tiết mùa hè thay đổi đột ngột với lũ lụt, cháy rừng, băng tan, nhiệt độ cao bất thường. Những tín hiệu xấu này…


Đài 13: …đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo: biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ xa xăm và vô hình.

Đài 14: Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) hôm 11/8 đưa ra cảnh báo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tăng cả về tần số và cường độ trong thời gian tới…

Đài 15: WMO cũng khẳng định, tình trạng biến đổi khí hậu đang rút ngắn khoảng cách thời gian giữa lần xuất hiện của thời tiết khắc nghiệt. Điều này đang được chứng minh…

Đài 16: …với mưa lớn và lũ lụt tại châu Á, Trung Âu, hạn hán và nhiệt độ cao kỷ lục tại Nga, Australia hay nhiệt độ cao kỷ lục kéo dài tại nhiều bang nước Mỹ, giá lạnh ở Nam bán cầu.

Đài 17: Chuyên gia khí hậu Anh Peter Stott nói: “Không thể phí thời gian nữa…

Đài 18: …vì xã hội con người cần phải được trang bị các phương tiện đối phó tình trạng ấm lên toàn cầu.”

Đài 19: Trong khi đó, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cho rằng cháy rừng dữ dội tại Nga làm gia tăng lượng khí carbon thải vào bầu khí quyển có thể đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Đài 20: Dù cho nhiệt độ khí quyển tăng lên một chút thôi thì cũng đủ làm cho mức sản xuất gạo tại châu Á sụt giảm đáng kể.

Đài 21: Công trình được thực hiện tại 227 khu vực canh tác lúa tại 6 nước tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam từ năm 1994 đến 1999...

Đài 22: ...Bản báo cáo kết quả công bố của các nhà khoa học Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) vào ngày thứ hai 09/ 08/2010 ghi nhận là năng suất lúa tăng giảm tùy theo mức độ gia tăng của nhiệt độ tối thiểu. Cụ thể là “khi nhiệt độ tối thiểu trong ngày tăng lên hoặc đêm nóng hơn thì cây lúa sẽ cho ít hạt chắc.”

Đài 23: Những tổn thất mà người dân Trung Quốc, Nga, Pakistan... đang phải “oằn mình” chống chọi với thảm họa thiên tai lịch sử giáng xuống nhiều ngày qua tiếp tục tăng.

Đài 24: Việc hàng triệu người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất một lần nữa cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ là lời cảnh báo.

Đài 25: Theo nhà khoa học người Anh Andrew Watson, mỗi khi xuất hiện El Nino, dòng hải lưu chảy trên Thái Bình Dương, thì năm tiếp theo sẽ là một năm nóng kỷ lục trên toàn cầu. Nhiệt độ Trái đất trong sáu tháng đầu năm 2010 đã đạt mức kỷ lục chưa từng thấy, theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ.

Đài 26: Ông Jean-Pascal van Ypersele, phó chủ tịch Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu Toàn cầu LHQ (IPCC) nói: “Những thảm họa vừa qua là hậu quả của việc ô nhiễm khí thải nhà kính. Những siêu thảm họa chính là kết quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu mà hiện nay, chúng ta có thể tận mắt nhận thấy cũng như cảm nhận được sự khủng khiếp của chúng.”

Đài XOXO 1508: Sự cực đoan của thời tiết trong thời gian gần đây chưa từng có trong lịch sử. Những tai họa triền miên càng cho thấy rõ hơn ảnh hưởng nguy hiểm của biến đổi khí hậu tới đời sống con người.

Tiếng chuông: (ring tone điệu nhạc "Một mẹ trăm con") Anh em ta cùng mẹ cha…

KTC: Rô con, chúng ta hãy tạm ngưng!

QT: Cảm tạ Khưu trang chủ và phu nhân. Xin cáo lỗi cùng chư vị, tại hạ và Hoàng cô nương có điện thoại khẩn, xin phép được lui bước ra ngoài giây lát.


Kỳ tới: Ai gọi QT và HD vào đêm hôm khuya khoắc?