Thursday, April 15, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Giỗ Tổ Hùng Vương - Uống nước nhớ nguồn



Uống nước nhớ nguồn

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2010 đã khai mạc ngày 14/4.

10 ngày Lễ hội Đền Hùng là thời gian để những người dân Việt Nam và những người yêu Việt Nam hướng lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân đã gầy công dựng nước.

Chỉ một ngôi nhà bé nhỏ cho riêng cá nhân ta và gia đình tạm trú trong thời gian sinh sống ở trần gian cũng phải tốn nhiều năng lực thể chất cũng như tinh thần; hà huống chi một ngôi nhà lớn cho cả đại gia đình dân Việt được sống an vui. Thế mới biết công ơn tổ tiên quá bao la.

Nhớ ơn bao giờ cũng là một truyền thống đẹp. Và một cách để trả ơn người xưa "dựng nước" là "giữ nước" cho những thế hệ mai sau và cho cả thế giới nữa. Vì thật ra trong hàng xóm (Địa Cầu), nếu có một căn nhà (quốc gia) tồi tàn thì chủ nhân những căn khác cũng không được vui mà còn cảm thấy khu nhà mình giảm giá trị.

Chúng ta có trách nhiệm để lại một gia sản tương đối bền vững cho những người của ngày mai. Gia sản mà ta đóng góp có thể là vật chất: đừng đốn rừng trục lợi, đừng để sông ngòi cạn kiệt, hãy giữ cho môi trường được sạch sẽ, bầu không khí được trong lành, v.v. Gia sản cũng có thể là tinh thần: kim chỉ nam cho đời sống của mỗi cá nhân và trong việc giáo dục học đường, gia đình, xã hội là những gì phản ảnh chân, thiện, mỹ.

Theo bản tin về ngày lễ, đàng sau những cuộc liên hoan cũng có những vấn đề nghiêm trọng. Nhưng may thay, tổ tiên của chúng ta đã để lại gia sản tâm linh quý báu, qua những câu châm ngôn ngắn gọn nhưng thâm thúy. Nếu theo sự hướng dẫn đó của bậc tiền bối, thì những khó khăn được ghi nhận ở cuối bài báo sẽ sớm trở thành quá khứ và tự động ra đi, như khi ánh sáng chan hòa thì bóng tối không còn hiện hữu.

1. Vấn đề ngày lễ: "Nạn cờ bạc trá hình" --> Tổ tiên ta dạy: Cờ bạc là bác thằng bần.
2. Vấn đề ngày lễ: "Trộm cắp, móc túi, ăn mày" --> Tổ tiên ta dạy: Nghèo cho sạch, rách cho thơm.
3. Vấn đề ngày lễ: "Chặt chém khách" --> Tổ tiên ta dạy: Ác giả ác báo. / Tham thì thâm. / Nhân nào quả nấy.

Mỗi người dân sống trọn vẹn theo lời tổ tông khuyên bảo là cách tốt nhất để tạ ơn Người Xưa.

Trích đoạn báo Dân Trí, bài của Nguyễn Hằng.

Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tổ chức với quy mô cấp Quốc gia, diễn ra trong phạm vi cả nước. Theo đó, vào sáng ngày 23/4 (tức 10/3 ÂL), cùng với Phú Thọ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đồng loạt tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại khu vực Đền thờ Hùng Vương.

Tại Phú Thọ, ngày 14/4 (tức mùng 1/3 ÂL), Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tiến hành đồng thời với khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII với chủ đề Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương do các nghệ sĩ, diễn viên và các nghệ nhân dân gian của tỉnh Phú Thọ, các tỉnh thành tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương, các đoàn nghệ thuật Trung ương tham gia trình diễn... tại sân Trung tâm Lễ hội Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chương trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với chủ đề: Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng, một trong những điểm nhấn của Lễ hội, được tổ chức tại Khu di tích  lịch sử Đền Hùng vào ngày 21/4 (8/3 ÂL). 
...Để chuẩn bị đón một lượng khách “khổng lồ” đổ về Đền Hùng (dự kiến khoảng 5,5 triệu người), BTC đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, lực lượng Quản lý thị trường... xây dựng phương án bảo vệ an ninh, phân luồng giao thông, phòng chống nạn cờ bạc trá hình, trộm cắp, móc túi, bán hàng rong, ăn mày, “chặt chém” khách... đảm bảo văn minh Lễ hội. 

http://dantri.com.vn/c20/s20-386788/le-hoi-den-hung-2010-se-khong-con-canh-chat-chem.htm