Monday, February 14, 2011

Sống Đẹp: Ngày Lễ Tình Yêu - Phỏng vấn nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh

Vietnamese poet Hồ Đắc Thiếu Anh, also a vegetarian culinary expert and instructor, has graciously granted Vegan Việt Nam an interview specially for Valentine's Day. This is quite a fitting occasion, as the vegan diet centers around a deeper kind of love. The multi-talented Ms. Thiếu Anh, a humanitarian who devotedly walks the talk in helping the less fortunate, suggests cooking from the heart. 

Thank you so much for your beautiful heart and presence, poet Hồ Đắc Thiếu Anh. Happy Valentine to you and your beloved family.

Ngày Lễ Tình Yêu - Phỏng vấn nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh
Thực hiện: Thiên Ân / Việt Nam Ăn Chay

(VNAC) - Vào dịp Lễ Tình Yêu năm nay 2011, Việt Nam Ăn Chay hân hạnh được phỏng vấn thi sĩ Hồ Đắc Thiếu Anh, tác giả của nhiều thi tập và album thơ nhạc "Sông Mùa Trở Lại" do Bến Thành Audio-Video www.benthanhav.com.vn phát hành, bao gồm 9 bài tâm đắc của nhà thơ, trong số đó 4 bài đã được các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Hiệp, Kiều Tấn Minh phổ nhạc ("Mây nhớ," "Chợt nhớ quê xưa," "Mẹ ơi xuân lại về," "Nhịp sóng lúa vàng") và các bài thơ "Huế vẫn dễ thương," "Phượng tím," "Nhặt cánh bằng lăng"... do các nghệ sĩ Thu Hiền, Vân Khánh, Thùy Dương, Hương Mơ thể hiện.

Thêm vào đó, chị Hồ Đắc Thiếu Anh cũng là một giảng viên ẩm thực chay tài hoa. Dù thời khóa biểu bận rộn, chị đã hoan hỷ đáp lời yêu cầu của Việt Nam Ăn Chay. Trước khi thưởng thức những lời chia sẻ tuyệt vời của chị sau đây, mời các bạn cùng xem phần hướng dẫn món sushi đậu hủ chiên của chị Hồ Đắc Thiếu Anh, với Trung Dũng linh động dẫn chương trình "Sức Sống Mới."





VNAC: Thưa chị, xin chị chia sẻ vì sao trong tất cả các loại ẩm thực, chị lại thích nấu chay.

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh: Bạn muốn biết tại sao mình lại thích nấu món ăn chay vậy hả? Chuyện dài lắm, nhưng mà thôi tóm tắt như vầy nhé.

Tôi được may mắn sinh trưởng trong một gia đình mộ đạo Phật. Ngày xửa ngày xưa, song thân tôi đều là Huynh trưởng Khuôn Cát Tường ở Huế. Lúc còn nhỏ chúng tôi được song thân thường xuyên nhắc nhở là không được sát sanh, kể cả cái ve chú kiến, chúng tôi chỉ biết vâng lời nhưng chưa hiểu thấu đáo lý lẽ của nghiệp sát sanh. Hồi đó song thân tôi tập cho cả nhà ăn chay kỳ, tập cho anh chị em tôi biết ngồi kiết già, tụng kinh Sám Hối và trì Chú Đại Bi.

Những ngày lễ Tết hoặc kỵ giỗ Ông Bà, mẹ tôi thường dâng mâm cỗ chay. Thường lệ mỗi tháng đến ngày 30, mùng một, ngày 14, rằm là phải lau dọn bàn thờ, đơm hoa xếp quả cho tinh tấn, bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên tuyệt đối không được chưng bày món mặn. Có lẽ  nhờ vậy mà cho đến bây giờ, ở cái tuổi bắt đầu được “hưởng thọ” như mình, mỗi khi ngồi chiêm nghiệm lại những điều được thọ hưởng từ cha mẹ vô cùng quý giá, ví như mỗi ngày một viên sỏi đẹp được xếp chồng lên nhau, chớp mắt đã trở thành ngọn núi từ hạnh che chắn những cơn gió chướng giữa cuộc đời vùng vằng hỉ nộ ái ố dục sầu bi.

Như bạn đã biết ẩm thực là một thế giới vô cùng phong phú và đa dạng, ai cũng biết ăn chay ngoài ý niệm tôn giáo là nuôi dưỡng tâm hồn mình trong sáng, chận đứng những phiền não khổ đau và nuôi dưỡng tình thương, thì ăn chay còn giúp cho chúng ta tiết kiệm, bảo vệ môi trường thanh sạch và nhất là có lợi cho sức khỏe và ngăn ngừa được các chứng bệnh nan y. Chính vì lẽ đó mà tôi phát tâm viết, hướng dẫn, nấu các món ăn chay ngon, bổ, rẻ, đẹp, lành mà tôi đã được hồng phúc học từ Sư Bà tôi, Thầy tôi và Mẹ tôi và một số tinh hoa ẩm thực của các nước bạn để gọi là đáp đền ân đức Đất Trời, Chư Phật và Song Thân đã tác tạo nên tấm thân ngũ uẩn này, bởi được làm người không phải dễ.

VNAC: Chị là một nhà thơ và còn là một nghệ nhân ẩm thực. Đối với những vị muốn tập nấu ăn chay, theo chị, yếu tố nào cần thiết nhất để nấu chay ngon?

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh:
Theo tôi, trước hết là mình phải biết mình nấu làm gì, nấu cho ai ăn? Mình tự hỏi như vậy tức là đã tự trả lời rồi đó. Mình đang làm món chay để cúng dường Chư Phật, tổ tiên, phục vụ người thân, mời bạn bè thưởng thức, đó là cái ngon tinh thần đầu tiên được kết nối giữa người nấu và người thọ hưởng thể hiện cái tâm của người nấu. Với tôi, vào món chay mình nấu là cung hiến, là mong cầu cho người thân của mình được mạnh khỏe, an vui, vì vậy mà mình phải nấu bằng cái Tâm hoan hỷ thì người ăn mới cảm thấy ngon miệng. Tôi vẫn thường nói vui với các bạn trẻ và các em học viên là khi nào thấy tinh thần bất ổn bực bội thì đừng vào bếp để tránh nấu “cục bực” cho người đang vui vẻ ăn, sẽ không công bằng.

Về nguyên liệu thì nên chọn loại tươi tốt, giàu dưỡng chất. Xứ ta vốn được thiên nhiên đãi ngộ về rau tươi, củ tốt, thì mình cứ việc tận hưởng cái lộc trời cho về nguồn thực vật để thiên biến vạn hóa món chay ngon, bổ rẻ mà không cần đến các phụ gia hóa chất là có được món chay ngon.

VNAC: Làm thơ và nấu ăn chay có những điểm gì tương đồng không, thưa chị?

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh: Mình để chuyện tương đồng về tâm lý nói sau nhé. Trước hết mình nói về yếu tố di truyền. Về thơ văn, có lẽ tôi được nhận cái “gène thơ” từ cụ thân sinh tôi. Sinh thời bố tôi là một nhà Nho cựu trào, ngoài công việc bố tôi vẫn thường thù tạc thi văn đối ẩm với các bạn đồng liêu. Về ẩm thực, có lẽ tôi được thừa hưởng cái tài khéo léo nội trợ của mẹ tôi, Bà vốn là một nghệ nhân ẩm thực xứ Thần kinh. Mẹ tôi vẫn thường dạy tôi phải nấu ăn bằng cái đạo, cái tâm, cái tình thì mới không hổ danh là một Phật tử, một người phụ nữ chốn Đế đô.

Trở lại ý tương đồng giữa thơ và ẩm thực, theo tôi làm thơ phải biết tôn trọng người đọc. Độc giả là người chia sẻ tiếng nói của tâm hồn mình qua ngôn ngữ của thơ, cho nên làm thơ phải biết cân nhắc từng chữ, từng câu, phải thật tâm, thật lòng. Làm bếp cũng vậy, mỗi món ăn mình chế biến là một lời chúc, là một “tác phẩm” có đầy đủ hương vị, màu sắc và dinh dưỡng. Muốn được như vậy thì làm thơ hay làm bếp đều phải thật tâm, thật lòng. Tôi trải lòng và giữ tâm hồn thanh thản qua những vần thơ; tôi mang niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc qua những món ăn chay mình nấu. Đối với tôi làm thơ hay làm bếp đều là những “tác phẩm” được sáng tác từ cái tâm lành gởi cho cuộc sống còn lắm đa đoan này.

VNAC: Vào tháng 6 năm 2010, chị và thân hữu có tổ chức "Ngày Cơm Chay Tình Thương" để trợ giúp cho các trung tâm dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Thừa Thiên-Huế. Thưa chị, trong tương lai chị và thân hữu có dự định tổ chức thêm những sinh hoạt nấu chay như thế, và nếu đồng hương có nhã ý muốn đóng góp vào các công tác xã hội từ thiện vô vị lợi của quý anh chị thì có thể liên lạc về đâu?

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh: Vào các dịp lễ lớn tại quê nhà, quê hương Huế thân yêu của tôi, chúng tôi, nhóm Văn hóa Xã hội Hội Đồng Hương Thừa thiên Huế có tổ chức các cuộc ủy lạo trong phạm vi đóng góp cá nhân để giúp đỡ bà con nghèo khó, trẻ em mồ côi hoặc bị thiên tai gọi là chút tình chia sẻ của người con xa quê luôn hướng về quê nhà. Thường khi chúng tôi sắp tổ chức về quê chia sẻ khó khăn với bà con thì có thông báo trên trang web www.donghuongtth.com. Rất cám ơn sự quan tâm của các bạn về việc này.

Ngoài ra tôi vẫn thường xuyên tham gia nấu món chay với các tổ chức cơm chay từ thiện khi nhận được thông báo như chương trình cơm chay bán vé từ thiện vào ngày mồng một và rằm mỗi tháng của CLB Doanh Nghiệp Nữ Sài Gòn.

VNAC: Ngày Lễ Tình Yêu, chị có lời chúc hoặc ước nguyện gì cho nhân gian và thế giới?

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh: Nhân ngày Lễ Tình Yêu 2011, tôi xin thân ái gởi đến các bạn ĐÃ YÊU, ĐANG YÊU và CHƯA YÊU lời cầu chúc HẠNH PHÚC và HẠNH PHÚC TRONG HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KHÁC.


Việt Nam Ăn Chay xin chân thành cảm tạ nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh đã chia sẻ những ý tưởng cao đẹp và lời chúc lành đến mọi người nhân ngày Lễ Tình Yêu. Có câu "những gì mình cho đi sẽ trở lại với mình." Với trái tim tin yêu phụng sự cuộc đời, nhẹ nhàng như những vần thơ trong sáng của chị, mong rằng những gì tốt nhất theo thiên ý sẽ đến với nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh cùng gia quyến.

http://www.vietnamanchay.com/2011/02/bep-chay-thanh-nhe-ngay-le-tinh-yeu.html