Friday, January 07, 2011

Người Trường Chay: Bác Châu thổi sáo

Bác Nguyễn Văn Châu thổi sáo là người trường chay. (Ảnh: Xuân Hiếu)
He lives in a 1.5 meters by 5 meters room with his older sister and daughter. He walks the streets, playing hearfelt tunes of the flute. At the same time, he sells bamboo flutes as well as incense sticks. He is 60-something flutist Nguyễn Văn Châu, who started to lose his vision since he was 6 years old. He does not accept handouts and says, "There are others who are worse off than me!" For 15 years, he has been a contented vegetarian, humbly citing that he does it to stay healthy and to save money.

Tiếng sáo mưu sinh
Trương Xuân Hiếu
Đăng ngày 5 tháng 1, 2011

(SGGP) - Một buổi chiều chập chạng ở TPHCM, ngay góc đường ngã tư Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền, tôi nghe đâu đó tiếng sáo nỉ non xen lẫn trong tiếng xô bồ, đông đúc từ quán cơm gà xối mỡ. Làn điệu của bài Lòng mẹ (nhạc sĩ Y Vân) nổi lên trong âm điệu réo rắt làm những kẻ xa quê như tôi phải giật mình xúc động.

Tôi đưa mắt tìm nơi tiếng sáo phát ra, thì ra một ông già mù, đầu đội cái nón lưỡi trai đã cũ, cái nón như sụp xuống che đi đôi mắt lèm nhèm, mờ đục của ông. Bên nách ông kẹp cây gậy, một bên vai đeo cái túi vải bố lỉnh kỉnh mấy thẻ hương (nhang) và vài cây sáo, ông thổi có vẻ say sưa lắm.

Như một thói quen, tôi đưa tay vào túi quần móc tờ bạc lẻ nhét vào túi áo sơ mi nhàu bẩn của ông. “Cảm ơn chú nhưng tui không phải ăn xin!”, ông già mù vừa nói vừa đưa bàn tay chụp vội túi áo của mình, rồi ông lẳng lặng quay bước, ông vừa đi vừa thổi sáo, bỏ tôi đứng đấy vẫn chưa kịp hiểu ông nói gì.

“Cho tiền ổng không lấy đâu, cậu mua sáo hay hương ổng mới lấy tiền!”, chị bán nước mía bên đường nói vọng qua khi thấy tôi còn đứng ngẩng tò te. Thì ra vậy, ông bán sáo chứ không phải đi ăn xin như những người thổi sáo khác mà tôi đã từng gặp. Tôi gặng hỏi, chị bán nước cho biết: “Nghe nói ổng ở đâu khu Mả Lạng dưới quận 1 ấy!”.

Học nghề trong bóng tối

Sáng hôm sau tôi tìm đến khu Mã Lạng, cái khu một thời nổi tiếng phức tạp nhất của thành phố này, những ngôi nhà lụp xụp và số nhà cứ nhảy chồng lên nhau, những con hẻm chỉ vừa một người đi… Nếu ai chưa bước vào đây thật khó tin bên cạnh trung tâm quận 1 giàu đẹp lại tồn tại một khu dân cư như vậy. Cũng thật may cho tôi, ở đây ai cũng biết nhà ông già mù thổi sáo bán hương. Nói là nhà vì nó cũng có số đàng hoàng, chứ gọi phòng trọ đúng hơn vì chiều ngang chỉ hơn 1,5m, vừa đủ để ông kê một cái giường xếp và chiều dài khoảng 5m cùng cái gác suốt ở trên, tôi để ý mãi không biết nhà vệ sinh nằm ở đâu trong ngôi nhà này.

Ông cười hóm hỉnh: “Có chỗ ngủ được rồi, một tháng cũng tốn sáu mươi mấy ngàn tiền thuê đấy cậu”, rồi ông giải thích: “Nhà này của Nhà nước cho mướn chứ tui thì làm gì có tiền mà mua nhà”. Ông cùng con gái và người chị ruột sống chung trong ngôi nhà đó. Chị Thanh, con gái ông, năm nay đã ngoài 30 vẫn ở vậy chăm sóc ông.

Ông tên Nguyễn Văn Châu, đã hơn 60 tuổi. Ở đây ai cũng gọi ông là ông mù thổi sáo và chẳng ai gọi ông bằng cái tên cha mẹ ông đặt cho cả. Ông tâm sự: “Tui sống ở khu đây lâu lắm rồi từ năm 1982 lận, lúc đó có cả vợ tui nữa nhưng bà ấy bỏ tui rồi”.

Nói đến đây giọng ông chùng lại, ngước đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm, rồi nói tiếp: “Lúc nhỏ mắt tui sáng bình thường nhưng năm lên 6 tuổi mắt bắt đầu kém đi, nhìn mọi vật cứ mờ dần, rồi không còn thấy gì nữa”.

Là người mù, tuổi thơ của ông không được vui như bao đứa trẻ khác. “Tui buồn lắm, muốn làm cái gì đó cho hết thời gian, tui mù nhưng tui còn đôi tay mà, nên tui quyết định học thổi sáo”, ông bồi hồi nhớ lại những ngày đầu học sáo. Ông tìm các sách dạy thổi sáo về và nhờ mọi người đọc hộ, cứ thế trong bóng tối ông tự mày mò và dần trở nên thành thạo. Tiếng sáo của ông ngày càng hay hơn, ông thường được mời thổi trong các dịp văn nghệ của phường, rồi thổi cho Hội Thanh niên, Hội Phật tử…

Anh chàng mù với cây sáo cũng làm say đắm biết bao cô gái nhưng thấy anh mù nên cô gái nào cũng ngại. Nhưng rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với anh khi có người chấp nhận làm vợ anh. Họ cưới nhau và sinh được hai người con khỏe mạnh. Có gia đình anh như có thêm nghị lực để cố gắng, ngày ngày anh và người vợ trẻ rong ruổi khắp các con đường trong thành phố có khi xuống tận miền Tây để bán sáo. Nhưng có lẽ cuộc sống rày đây mai đó quá cơ cực, người vợ không chịu nổi nên đã bỏ ông để đi tìm cuộc sống mới, để lại ông cùng hai đứa con nhỏ. Ông một mình “gà trống nuôi con” cho đến tận bây giờ.

Không mặc cảm với bản thân

Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 2 giờ chiều ông sửa soạn đi bán, vừa đi vừa thổi những bản ông thích. Nếu khách yêu cầu thêm bài nào, ông thổi bài đó. Ông chỉ đi dọc đường chứ không vào quán nhậu hay quán cà phê. Khách của ông là những người đi đường, những học sinh, sinh viên, có khi cả những khách du lịch nước ngoài. Và đặc biệt, ông không bao giờ nhận tiền cho không của bất kỳ người khách nào. Có người nói ông tự cao.

Ông mỉm cười tâm sự: “Lấy tiền như vậy ngại lắm, mọi người sẽ nhìn tui với ánh mắt thương hại, tui không muốn thua kém người bình thường, có như vậy tui mới không mặc cảm với bản thân mình”. Một cây sáo trúc giá 12.000 đồng, một thẻ hương ông bán 2.500 đồng. Ông vừa cười vừa nói: “Một ngày tui kiếm cũng được 50 - 70 ngàn đồng, vậy là vui rồi!”. Từ 15 năm nay ông ăn chay trường, ông bảo ăn như vậy vừa khỏe vừa tiết kiệm vì luôn tâm niệm rằng: “Tui khổ nhưng có người còn khổ hơn tui!”.

Rời nhà ông, rời khu Mả Lạng với cái mùi ẩm mốc, tôi chen mình vào dòng người và xe cộ, ai cũng tranh thủ chen lấn vì họ sợ kẹt xe. Nhìn dòng người đông đúc ấy, tôi tự hỏi không biết trong số họ có mấy ai được cho mà không chịu nhận như ông già mù tôi vừa gặp?

http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2011/1/247731/