Sunday, January 03, 2010

Người Trường Chay: Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

VEGETARIAN: 
Vietnamese poet Nguyễn Khắc Thạch
Photo by Lê Vĩnh Thái

Người Trường Chay: Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch
Hòa Bình / Việt Nam Ăn Chay

(VNAC) - Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch sinh năm 1948 ở miền Trung nước Việt. Anh là tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và là một người trường chay.

Theo Tạp chí Sông Hương: "Anh từng ở nhiều nơi: Nghệ An, Hà Tây, Quảng Bình, Huế... Anh từng học nhiều trường: Kinh tế kế hoạch, Đại học Báo chí, Viết văn Nguyễn Du... Anh từng giữ nhiều chức vụ: Ủy viên BCH Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, ủy viên BCH Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế. Tổng thư ký Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương...  Anh cũng từng nhận nhiều giải thưởng văn học: Giải thơ hay Tạp chí Cửa Việt (1991). Giải A, giải Cố đô Huế lần thứ nhất (1987 - 1992). Giải hàng năm Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế (1993). Giải B, giải Cố đô Huế lần thứ hai (1992 - 1997). Giải hàng năm Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế (2002). Giải B, giải Cố đô Huế lần thứ ba (1998 - 2003)."

Các thi tập đã xuất bản của thi sĩ Nguyễn Khắc Thạch bao gồm "Dòng sông một bờ" (1989), "Nơi ta sẽ về" (1993), và "Mưa hai mặt" (2002).

Trích đoạn bài viết trên báo Tiền Phong tháng 3/2007 về thi sĩ trường chay Nguyễn Khắc Thạch như sau:

"Từ trước Tết Đinh Hợi mấy tháng đến nay, Thạch bắt đầu chuyển qua ăn chay và đi bộ. Không phải đi bộ thể dục mấy cây số buổi sáng để luyện gân cốt, chống béo phì, mà lấy đôi chân mình làm phương tiện di chuyển trên đường hàng ngày hẳn hoi. Nghĩa là đi làm, đi họp, đi chơi…tất tật, Thạch đều cuốc bộ.

Không phải ăn chay ngày rằm, cuối tháng để “nhớ Phật” như mấy người “tu tại gia” ở Huế, mà trường chay như mấy thầy sư chùa. Tôi thấy nhà thơ nào cũng ngất ngất rượu suốt ngày, họ bảo “thơ là lời của tửu thần”. Thạch không rượu, không nhậu, vẫn cứ thơ, mà thơ hút hồn người ta hẳn hoi, thế mới lạ.

....Không phải năm 2007 này Thạch mới ăn chay. Hơn chục năm trước Thạch đã tập ăn chay mấy đợt dài. Bát cơm, cọng rau muống luộc chấm xì dầu, quả cà pháo, miếng đậu phụ... cũng ngon lành... Hình như mỗi khi có chuyện gì đó bức xúc, chấn động trong tâm, Thạch lại chuyển từ mặn sang chay. Từ trai kỳ (nhị trai, tứ trai- tức ăn chay hai ngày, bốn ngày một...) đến trường trai là một sự thoát, tức là chay đã thành nghiệp rồi. Có ba cung bậc chay: ăn chay để chữa bệnh (y thuật), ăn chay cho đằm tính lại, ăn chay để hướng thiện (tâm lý) và ăn chay vì con người đã ngộ ra mình trong đời sống tâm linh thăm thẳm. Đó là bản tính không có gì có thể thay đổi được."


Có một dòng sông mang tên em,
Dòng sông anh tự đặt
Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền

Có một dòng sông  trôi vào lãng quên
nước trong như nước mắt
điều chưa đến mà sao thấy mất

Có một dòng sông chỉ có một bờ
Phía bên kia quay mặt
dòng sông anh không qua được bao giờ.
                                                (Dòng sông một bờ)

Hạt mưa cứ ngỡ của trời
Ai ngờ đất khát vẽ vời làm mưa
Nối bây giờ với xa xưa
Biết mưa còn nối bây giờ - mai sau?
Hạt mưa tan vỡ vì nhau
Hình như mưa cũng đổi màu buồn vui.
                                                            (Mưa)

Có một mùa hè mắc cỡ
Cỏ hoang neo gió sững sờ
Lá bàng rơi nung lửa nhớ      
Đài sen rụng vỡ hương mơ
                                      (Kí ức)


- Vậy, nhan đề "Dòng sông một bờ," "Mưa hai mặt" là cách nói nghe cho lạ, hay ông có dụng ý?

- Thực ra là cả hai. Cách nói của thơ trước hết phải lạ. Song, nếu chỉ dừng lại ở sự lạ mà không có dụng ý gì, nghĩa là không có biểu tượng thì nghĩa của thơ vẫn nằm trong vỏ bọc của xác chữ. Dòng sông một bờ không chỉ là sự nhìn ngang qua phía bờ kia quay mặt mà còn là những gì phải ngước lên, kiếp người phù du ngắn ngủi khó vươn tới được. Mưa hai mặt ngoài nghĩa hai mặt của một vấn đề, còn là nỗi ám ảnh về sinh tử, luân hồi, về sự chẻ đôi của thói thường theo cơ chế nhất niệm khởi, thiện ác phân.

- Trong Tâm Kinh Bát Nhã của Phật pháp Thiền Tông có một câu niệm chú: “Này trí tuệ, đi qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia!". Còn thơ ông lại:“Có dòng sông chỉ có một bờ/ phía bờ kia quay mặt/ dòng sông anh không qua được bao giờ”. Ông giải thích điều này như thế nào?

- Bờ bên kia trong câu niệm chú đó là bờ của giác ngộ, bờ của Đạo. Còn trong bài thơ của tôi là bờ của khát vọng, của Đời. Dù Đạo hay Đời thì tôi vẫn phải có cái bờ bên này để đứng mà ngóng qua bên kia. Có thể cái bờ bên kia là hư, nhưng nếu không có nó thì bờ bên này trong cuộc sống trở nên trần trụi quá! Thiền và Thơ có sự tương ngộ với nhau ở mặt trực giác, chúng không thuộc phạm trù của lý trí, của logic. Lẽ vậy, đã duy lý thì không hiểu được Thơ, đã duy vật thì không hiểu được Thiền.

Tôi đang tồn tại một cuộc sống nháp, nên e rằng thơ tôi cũng chỉ là một bản nháp mà thôi. Tuy nhiên, cũng có người đem đời mình ra làm bản nháp cho thơ, để thơ thành bản chính. Tôi thì chưa được như thế. Nhưng dù sao, tôi cũng đã làm được một chút gì đó trong thơ, có người nói đấy là giọng riêng. Cứ cho là như thế. Ở đây, cần một sự chân thành. Đã là người thơ, trong vòng tục lụy, ai mà chả bị ám ảnh về không gian phẩm cấp và từng canh cánh không biết có ai khóc cho mình không.

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch sống trọn vẹn cho văn chương, cho chức năng nghề nghiệp, cho môi trường quanh mình, sống lành mạnh qua việc trường chay, sống nhẹ nhàng hướng về cõi tâm linh. Việt Nam Ăn Chay xin mạn phép thay mặt các bạn thú, gửi lời đa tạ nhà thơ:

"Khắc ghi ân trọng kiếp này

Nguồn tham khảo
http://vietbao.vn/Van-hoa/Thi-si-an-chay-truong-va-cuoc-bo-lam-tho/70082897/181/
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=0&catid=7&ID=810&shname=Nguyen-Khac-Thach-nguoi-di-chan-tran-tren-luoi-dao-ben-cua-su-that
http://vietbao.vn/Van-hoa/Nguyen-Khac-Thach-ton-tai-bang-cuoc-song-nhap/10807683/181/
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=4&catid=18&ID=3634&shname=Gioi-thieu-chi-hoi-nha-van-Viet-Nam-tai-Hue-Nha-tho-Nguyen-Khac-Thach