Tuesday, August 27, 2013

Nếp Sống Ăn Chay: Cần có chế độ ăn chay hợp lý

Your veg diet needs to make nutritional sense in order to be healthy. Too much fat and sugar does not a good diet make.

Cần có chế độ ăn chay hợp lý
T. An

(Khoa Học Phổ Thông) - Ăn chay đang là lựa chọn của nhiều người nhằm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ăn chay thế nào cũng được mà cần phải đúng cách, phù hợp với yêu cầu sức khỏe...

Không phải ăn chay thế nào cũng được!

Dạo một vòng các quán chay, nhà hàng chay hiện nay tại TP.HCM chúng tôi nhận thấy cũng đủ các món từ chiên, xào, nấu, nướng, lẩu, chè, bánh...Hiện các nhà hàng chuyên tổ chức món chay còn có cả tiệc tự chọn bao bụng (buffet) thực đơn phong phú vài chục món... Nhiều món còn ngon hơn món mặn nhờ làm theo nguyên tắc “ngon mật mỡ” nêm nhiều đường muối, chiên trong dầu, chan nước cốt dừa.

Một gram chất béo sinh 9,1 kcalo, còn đạm chỉ có 4,1 kcalo nên món chiên xào sinh nhiều năng lượng! Chẳng hạn như các món mì xào giòn thập cẩm, cơm đỏ gà chiên, bì cuốn (được làm từ khoai xắt sợi chiên giòn trộn thính), bánh tầm chan nước cốt dừa... Người ăn chay dễ bị thiếu đạm thừa đường bột do các món làm giả thịt gà, thịt heo quay... được làm từ đường, bột năng, màu... rồi chiên. Năng lượng thừa mỗi ngày một ít sẽ tích lũy dưới dạng mỡ khiến thừa cân, béo phì - tiền đề của nhiều bệnh khác như: tiểu đường, huyết áp...

Vì vậy, khi ăn chay cần lưu ý dùng các loại đậu đỗ, nấm…chứa nhiều đạm thực vật, tránh các món quá nhiều dầu mỡ, các loại bánh ngọt, bánh nếp nhân dừa... Ngược lại, cũng có người ăn quá khắc khổ chỉ quanh đi quẩn lại với tương, chao, rau luộc, muối mè lại có nguy cơ cao suy dinh dưỡng.

Ăn chay sao cho khỏe?

Cần khẳng định là ăn chay có lợi cho sức khỏe, nhà hàng tại các nước Âu Mỹ thường bán món chay mắc hơn món mặn vì nó không chỉ bổ ích cho sức khỏe mà còn sành điệu về tri thức dinh dưỡng. Các món chay được nấu từ rau, đậu, nấm... nhiều chất xơ có vai trò như chất đệm giúp hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng, không chịu cảnh “đầu xuôi đuôi không lọt”.

Một trong những bệnh ung thư mà cả hai phái nam và nữ đều mắc nhiều là ung thư đại trực tràng, dạ dày, lại là các bệnh sinh ra do thói quen ăn uống. Theo BS. Nguyễn Chấn Hùng thì: “Bệnh tòng khẩu nhập”, tức bệnh theo miệng mà vào và ung thư cũng không ngoại lệ!

Các loại thức ăn muối mặn như: mắm tôm, thịt hun khói... có chứa nitrosamin làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Còn ở các nước phát triển, các món ăn nhanh thuận tiện cho công ăn việc làm thường nhiều mỡ (dưới dạng “mê hoặc” đầu lưỡi như: bơ, xốt trứng gà, phô-mai) đường, thịt, ít rau gây táo bón và về lâu về dài có thể ung thư ruột già.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy, nếu thay đổi chế độ ăn từ chay sang mặn (ăn thịt), chỉ số huyết áp và cholesterol của họ tăng. Các chỉ số này trở về như cũ sau 10 - 14 ngày ăn chay. Hạ áp huyết và hạ độ cholesterol trong máu tức là giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nhà khoa học cho rằng ăn các món được chế biến từ động vật nhiều acid béo bão hòa dễ làm tăng lượng cholesterol trong máu, từ đây hình thành các mảng bám vào thành mạch máu. Dòng máu trở nên chậm hơn, lượng mỡ tích lũy vào thành mạch ngày càng nhiều gây thành các mảng xơ vữa dễ đứt vỡ. Và đây là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

http://khoahocphothong.com.vn/news/detail/26300/can-co-che-do-an-chay-hop-ly.html