Thursday, June 27, 2013

Vì Sao Ăn Chay: Muốn tốt hãy ăn chay

A Wall Street Journal's headline: "Vegetarians Live Longer Than Meat-Eaters, Study Finds" 

Muốn tốt hãy ăn chay
Hoàng Oanh

(CAND.com) - Mới đây, tờ The Wall Street Journal cho biết, theo thông tin vừa được công bố ngày thứ hai (3/6) trên tạp chí của Hiệp hội  Y khoa Hoa Kỳ JAMA Internal Medicine: Những người ăn chay thường sống lâu hơn những người ăn mặn.

Mỗi người mỗi cớ

Theo từ điển mở Wikipedia, ăn chay là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả, củ…) và thêm vào đó có thể là những sản phẩm từ sữa, trứng hay mật ong… Những người ăn chay kiêng không dùng các loại thịt… Không nhất thiết đi tu mới ăn chay.

Theo từ điển Oxford, thuật ngữ người ăn chay (vegetarian) xuất phát từ danh từ “vegetable” (rau, thực vật). Cũng trong từ điển này đã ghi lại rằng, từ “vegetarian” trở nên phổ biến ở “hòn đảo sương mù” sau khi Hiệp hội ăn chay được thành lập ở Anh năm 1847. Tuy nhiên, trước đó cũng từng có không chỉ một lần từ này xuất hiện trong ngôn ngữ giao tiếp tiếng Anh.

Theo một nguồn tư liệu  khác, Hiệp hội ăn chay ở Anh lại cho rằng chính họ mới là tác giả của thuật ngữ “vegetarian”, được tạo ra từ một tính từ La tinh là “vegetus” (sảng khoái, tươi sống). Cũng có nguồn tư liệu cho rằng, thuật ngữ “vegeterian” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1839.

Cũng theo từ điển mở Wikipedia, trong luật tạng (phần thứ hai Tam tạng) của Phật giáo quy định các tăng lữ phải ăn không quá giờ ngọ, trong tiếng Phạn gọi là “Uposatha” hay “Upavasatha” (Bố - tát). Thuật ngữ này về sau được các nhà Phật học Đại thừa dịch là ăn không có thịt cá. Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thì thuật ngữ trên được dịch là “trai” và từ đó, vào Việt Nam, được dịch là “ăn chay”. Tục ăn chay đặc biệt thịnh hành ở nước ta vào đời Lý - Trần, khi đạo Phật đạt được đỉnh cao phát triển…

Có nhiều hình thức ăn chay khác nhau. Theo Phật giáo, ăn chay nghĩa là không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật cũng như một số loại rau trong chi hành (có mùi thơm đặc trưng của hành và tỏi), có thể tương ứng với các loại cây hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu (gọi chung là ngũ tân). Có tục ăn chay có trứng, tức là có thể ăn trứng nhưng không ăn các sản phẩm từ sữa. Ngược lại, cũng tồn tại tục ăn chay có sữa nhưng lại không ăn trứng. Lại có tục ăn chay có cả sữa và trứng.

Những người ăn chay đúng nghĩa là hoàn toàn không sử dụng bất cứ thứ gì từ động vật, bao gồm cả sữa, mật ong và trứng, và cũng có thể loại trừ bất kỳ sản phẩm nào được thử nghiệm trên động vật, hoặc sử dụng các trang phục có nguồn gốc từ động vật.

Tồn tại nhiều kiểu ăn chay không hề liên quan gì tới tín ngưỡng. Không ít người ăn chay theo chế độ thực dưỡng: chủ yếu ăn các loại ngũ cốc nguyên cám và đậu, hoặc theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa (ăn gạo lứt muối mè)…

Có nhiều lý do khác nhau khiến người ta ăn chay. Trước hết là lý do tôn giáo. Nhưng đó cũng có thể là những lý do đạo đức, cho rằng làm thế thì giúp cho các loài vật đỡ bị đau đớn thiệt hại vì phải trở thành đồ ăn cho con người. Nhiều người ăn chay để dưỡng sinh.

Cũng có không ít người chuyển sang ăn chay vì cho rằng ăn chay thì tiết kiệm hơn. Một trong những thủ lĩnh của phong trào đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ, nhà khoa học Benjamin Franklin (1706-1790) đã trở thành người ăn chay, ngoài những lý do đạo đức là lý do kinh tế vì ông cho rằng ăn chay thì ông có thể còn thừa ra ít tiền để mua sách.

Trong xã hội hiện đại, không ít người ăn chay vì lý do muốn bảo vệ môi trường. Có người ăn chay để duy trì sự lâu bền của nhan sắc. Ngôi sao điện ảnh Pháp Brigitte Bardot (BB) là một thí dụ điển hình. Ngay từ khi còn trẻ BB đã không ăn thịt động vật và nhờ thế, ở bất cứ lứa tuổi nào trông cũng rất tuyệt vời.

Thực sự là ăn chay ở mức độ hợp lý luôn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Điều này đã được hiểu ra từ thời xa xưa. Không ngẫu nhiên mà các võ sĩ giác đấu ở La Mã cổ đại đều chủ yếu ăn chay. Người ta cho rằng hiện có khoảng 40% dân số Ấn Độ ăn chay. Những công trình nghiên cứu được tiến hành gần đây cũng cho thấy chế độ ăn chay giúp làm giảm nguy cơ mắc hàng loạt những căn bệnh nguy hiểm.

Ăn chay sống lâu hơn

Theo thông tin mà The Wall Street Journal đã dẫn, các tác giả của công trình nghiên cứu thuộc Đại học Loma Linda trong gần sáu năm đã quan sát 73.308 tín đồ của Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật. Giáo hội này duy trì niềm tin rằng Chúa Jesus sẽ tái lâm bất kỳ và vì thế các tín đồ phải nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy (là ngày Sabbath của Do Thái giáo) để thờ phượng Thiên Chúa, thay vì nghỉ vào ngày chủ nhật như hầu hết các nhánh, hệ phái Kitô giáo khác.

Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật thường được biết đến nhờ xu hướng tích cực khuyến khích ăn chay hơn các dòng tu Công giáo khác. Các nhà khoa học thoạt tiên đã xác định chế độ ăn uống mà nhóm người tham gia nghiên cứu duy trì, rồi sau đó tiến hành các phân tích xem có bao nhiêu người qua đời và vì lý do gì.

Theo thông tin đã được công bố, trong giai đoạn tiến hành nghiên cứu trên đã có gần 12% số người trong nhóm bị chết. Việc lựa chọn khẩu phần ăn chay đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa các chứng bệnh về tim. Tỉ lệ những người ăn chay chết vì bệnh tim mạch thấp hơn khoảng 19% so với những người ăn mặn. Những người ăn chay cũng có tỉ lệ mắc các bệnh như tiểu đường và suy thận thấp hơn so với những người ăn mặn.

Việc ăn chay đã có tác động mạnh hơn đối với đàn ông so với phụ nữ, khi họ duy trì chế độ ăn như nhau.

Thông tin đã được công bố cũng chỉ rõ, các nhà nghiên cứu đã không xác định được tất cả các nguyên nhân dẫn tới việc ăn chay lại có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho con người như thế, nhưng có lẽ một trong những lý do của hiện tượng này là thực phẩm chay thường giàu chất xơ và chứa ít chất béo bão hòa hơn so với đồ ăn mặn. Ngoài ra, ông Michael Orlic, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Loma Linda California, đã chỉ ra rằng, những người ăn chay thường gầy hơn, và họ cũng ít uống rượu và hút thuốc lá hơn so với những người ăn mặn.

Đại học Loma Linda là cơ sở chuyên về y học của Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm. Giáo hội này chủ trương một chế độ ăn gồm rất nhiều bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc và các sản phẩm mì ống, một số lượng đáng kể các loại trái cây tươi và rau quả cùng một số lượng vừa phải các loại đậu, các loại hạt và hạt giống.

Một công trình nghiên cứu khác đối với 8.179 người có chỉ số IQ đã được xác định ở độ tuổi lên 10 cho thấy những ai trong nhóm này trở thành người ăn chay trước năm 30 tuổi, khi còn thơ bé đã có chỉ số IQ trung bình cao hơn. Điều này xảy ra có thể là do được đào tạo tốt hơn và ở tầng lớp xã hội cao hơn. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn có ý nghĩa  lớn ngay cả sau khi đã tính đến những yếu tố này.

Lãnh đạo công trình nghiên cứu trên, bà Catherine Gale, đã đưa ra lời giải thích sau đây: Những đứa trẻ thông minh hơn thường hay suy nghĩ nhiều hơn về những gì mà chúng ăn và trong một số trường hợp dễ trở thành những người có thiên hướng ăn chay. Ian Dieri, người duy nhất không ăn chay trong nhóm các nhà nghiên cứu, tin rằng mối quan hệ đã quan sát được giữa việc ăn chay và chỉ số IQ có thể không mang tính nhân quả.

Theo ông, việc người ta dần dà tìm tới chế độ ăn chay có thể là một trong các “sự lựa chọn văn hóa” ít nhiều mang tính ngẫu nhiên mà những người thông minh thường thực hiện. Sự lựa chọn đó có thể có lợi hoặc có thể không tốt cho sức khỏe của con người. Cũng đã xác định được rằng, phần lớn những người ăn chay là phụ nữ. Họ thường ở những vị trí cao hơn và có cấp độ cao hơn về giáo dục và đào tạo chuyên môn, mặc dù những khác biệt này không được phản ánh trong thu nhập hàng năm của họ.

Công trình nghiên cứu trên cũng không phát hiện ra được sự khác biệt trong hệ số thông minh giữa những người ăn chay nghiêm ngặt với những người thỉnh thoảng cũng ăn cá và thịt gà, nhưng vẫn tự cho mình là  thuộc nhóm người ăn chay.

http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/khoahoc-vanminh/2013/6/56767.cand