Wednesday, November 24, 2010

Thuần Thực Vật: Húng quế, Sả, Húng cây

Những loại thảo dược từ rau thơm

Các loại rau thơm được dùng nhiều trong ẩm thực nhằm tăng thêm hương vị cho món ăn. Chúng thuộc loại thảo mộc, dễ trồng, dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, đây còn là những dược liệu quý cần thiết cho mỗi gia đình.

Húng quế, sả (cỏ chanh), bạc hà là những loại rau gia vị rất quen thuộc, được dùng nhiều trong các món ăn Việt Nam cũng như món ăn Âu, Á. Tận dụng một khoảng sân nhỏ ở góc vườn hay ngay chính ban-công, mỗi nhà có thể có một khu vườn thảo mộc cho riêng mình.

Ngoài việc được dùng như những thứ rau gia vị không thể thiếu trong các món ăn, các loại rau này còn được biết đến như những loại thảo dược có công dụng khá hữu hiệu trong việc chữa trị những bệnh thông thường mà rất nhiều người gặp phải. Mặt khác, việc chăm sóc chúng cũng khá đơn giản và không mất nhiều thời gian vì đây toàn là những loại rau dễ trồng.

Húng quế

Húng quế thuộc họ Labiatae (cây hoa môn) có nguồn gốc từ Ấn Độ, thường được dùng để chữa bệnh cho vua chúa khi xưa. Đất ẩm sẽ là môi trường thích hợp để cây phát triển. Khi trồng húng quế, không nên bón nhiều phân vì nếu bón phân quá mức sẽ làm giảm lượng tinh dầu thơm rất đặc biệt của cây. Để cây phát triển tươi tốt, mọc rậm rạp thì nên thường xuyên cắt tỉa cành, tốt nhất là cứ mỗi 2 đến 3 tuần 1 lần.

Theo y học, húng quế rất tốt cho hệ tiêu hóa, trị chứng đầy hơi, co thắt dạ dày, đau bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng kích thích sữa cho những bà mẹ mới sinh hoặc làm dịu cơn buồn nôn ở một số người. Húng quế cũng có tác dụng kích thích mọc tóc. Người ta thường vò nát lá quế, sau đó xát lên da đầu, massage nhẹ nhàng. Khi dùng cho da, nó có tác dụng làm se lỗ chân lông và có thể được xem như một thứ nước tắm rất mát cho cơ thể.

Sả (Cỏ chanh)
   
Sả thường được trồng bằng cách chiết cây, khi sả đủ lớn, người ta có thể tách chồi của nó để găm những bụi sả mới. Việc chăm bón cho sả cũng khá bình thường, chỉ cần tưới nước, bón phân 3 tuần 1 lần. Sả rất tốt cho hệ tiêu hóa, có tác dụng kích thích ra mồ hôi, hạ sốt ở người bệnh cảm và giúp lợi tiểu. Mặt khác, sả còn được dùng để điều trị chứng co thắt cơ, chuột rút, thấp khớp, đau đầu.

Trong vấn đề chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ, sả cũng rất hữu dụng vì tinh dầu sả chứa nhiều vitamin A. Khi trên người có những vết thâm, chỉ cần nấu 1 ít sả giống như trà, xoa nhẹ sẽ giúp xóa tan những mảng thâm. Món ăn có sự kết hợp giữa sả và hạt tiêu sẽ giúp giảm những rắc rối về kinh nguyệt và chứng nôn mửa. Tuy nhiên, tinh dầu sả có thể là nguyên nhân gây dị ứng sưng tấy da ở một số người.  

Rau bạc hà, còn gọi là húng cây (Ảnh: Việt Nam Ăn Chay)
Bạc hà (Húng cây)

Bạc hà thuộc họ Labiatae giống húng quế, có ở vùng Đông Bắc Âu và châu Á. Bạc hà rất dễ chăm sóc, không cần phải bón phân, chỉ cần tưới nước. Mặc dù người ta có thể trồng nó bằng hạt nhưng trồng bằng cách chiết cành, cây sẽ sinh trưởng nhanh hơn. Nếu trồng bạc hà ở vườn nên chú ý đến ánh nắng mặt trời vì khi nắng quá gay gắt, sẽ làm cây khô héo, trụi lá.

Bạc hà là một bài thuốc khá hữu hiệu trong việc chữa trị cảm cúm và các vết côn trùng cắn, giúp lợi tiêu hóa, chữa chứng đầy hơi, thấp khớp, nấc cục, thông cổ, trị viêm xoang nhẹ. Dầu bạc hà cay có thể làm dịu cơn hen suyễn nhẹ bằng cách ngửi. Nhưng với những phụ nữ có mang thì nên thận trọng khi dùng vì rất có thể dẫn đến sẩy thai.

Có thể thấy, mỗi loại rau thơm với nhiều công dụng khác nhau được giới thiệu trên đây đều là những vị thuốc quý. Chúng được lưu truyền như những bài thuốc dân gian cực kỳ công hiệu và cũng không khó khăn gì để mỗi gia đình tự trồng và chăm sóc vườn thuốc nhỏ ấy cho mình.

http://suckhoeso.com/detail/nhung-loai-thao-duoc-tu-rau-thom.html