Tuesday, May 18, 2010

Môi Trường Quanh Ta: "Giá của biến đổi khí hậu"

Hạn hán, ô nhiễm, khí hậu nóng bức nếu cứ tiếp tục 
sẽ tàn phá Trái đất

Bạn thân mến,

Trong thời đại hiện nay, chúng ta thường nghe nói đến một số danh từ mới mà chưa từng nghe trước đây, chẳng hạn: hâm nóng toàn cầu, biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có thật không và nghiêm trọng như thế nào? Dĩ nhiên là có thật vì báo chí, truyền thông đã loan tin rộng rãi lắm rồi, nhưng có lẽ chỉ những nơi nào bị ảnh hưởng nhiều và những khoa học gia, những bậc thầy tâm linh nhìn xa hiểu rộng mới hết lòng quan tâm và lên tiếng cảnh tỉnh chúng ta. Nhưng chúng ta có lắng nghe và hành động gì để thay đổi để cứu vãn tình thế hay không, đó mới là trọng điểm.

Sau đây là bài của Trùng Quang đăng trên Thanh Niên Online ngày 17/5/2010.

Giá của biến đổi khí hậu 

Giới nghiên cứu khoa học vừa đưa ra cảnh báo mới về tác động của sự biến đổi khí hậu đối với thế giới. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cũng vừa có nỗ lực mới để đối phó với tình trạng trên.

Biến đổi khí hậu có thể khiến phân nửa Trái đất trở nên không thể sinh sống được do sự gia tăng nhiệt độ quá mức. Đó là cảnh báo do các nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales (Úc) và Đại học Purdue (Mỹ) đưa ra trong một cuộc nghiên cứu mới.

Nỗi buồn sa mạc

Theo họ, sự ấm dần lên toàn cầu sẽ không dừng lại sau năm 2100, thời điểm mà phần lớn các dự đoán trước đây đưa ra. Trong thực tế, nhiệt độ có thể tăng lên đến 12oC chỉ trong vòng 3 thế kỷ, biến nhiều quốc gia thành sa mạc. Nghiên cứu cho biết con người sẽ không thể thích nghi hoặc sống sót trong những điều kiện như thế.

Giáo sư Tony McMichael, một trong những tác giả của cảnh báo, cho biết nếu thế giới tiếp tục thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở tốc độ như hiện nay, nó sẽ gây ra tình trạng ấm dần lên cực kỳ thảm khốc. Ông nói: “Theo các kịch bản thực tế, đến năm 2300 chúng ta có thể chứng kiến nhiệt độ tăng đến 12oC hoặc thậm chí hơn nữa. Nếu điều này xảy ra, những lo âu hiện tại của chúng ta về sự gia tăng mực nước biển, những đợt nắng nóng và cháy rừng không thường xuyên, sự thất thoát tính đa dạng sinh học và những khó khăn về nông nghiệp sẽ không còn quan trọng bên cạnh một hiểm họa lớn: có đến phân nửa khu vực trên địa cầu hiện sinh sống được có thể nóng đến nỗi con người không thể sống nổi”.

Giáo sư Steven Sherwood, một đồng tác giả, nhận định: “Chúng ta không thể làm được nhiều việc liên quan đến sự biến đổi khí hậu trong 2 thập niên tới, nhưng vẫn có nhiều thứ chúng ta có thể làm đối với những thay đổi dài hạn hơn”.

Theo các nhà nghiên cứu, thế giới nên chuyển sang một nền kinh tế ít carbon hơn. Họ cho rằng một phương cách tiếp cận toàn cầu tập trung vào việc cắt giảm khí thải CO2 sẽ không thể phát huy hiệu quả. Thay vào đó, họ kêu gọi sử dụng thuế carbon thu được để phát triển những công nghệ có thể cung cấp năng lượng sạch cho mọi người.

Các tổ chức khoa học có thẩm quyền về vấn đề này, chẳng hạn như Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đã tỏ ra thận trọng trong việc dự báo sự gia tăng nhiệt độ và tác động của nó, nhưng các chính phủ cần phải trung thực về quy mô toàn diện của những hiểm họa từ khí thải không được kiểm soát và những diễn biến khắc nghiệt của khí hậu mà nó chắc chắn sẽ gây ra.

Nỗ lực quốc tế

Trong nỗ lực mới nhất nhằm đối phó với sự biến đổi khí hậu, 30 nước hôm 12.5 đã cam kết một khoản tài trợ kỷ lục 4,5 tỉ USD trong 5 năm tới cho Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), quỹ xanh lớn nhất thế giới giúp các nước đang phát triển chống chọi với hậu quả của tình trạng ấm dần lên toàn cầu. Khoản cam kết trên giúp tăng thêm 52% nguồn kinh phí mới của GEF. Tổng giám đốc GEF Monique Barbut cho biết việc cung cấp khoản kinh phí trên là sự xác nhận rõ ràng những cam kết tài chính được đưa ra trong các cuộc thương thuyết ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12.2009.

Một phần của thỏa thuận nhằm cung cấp tài chính để giúp các nước đang phát triển thích nghi với những biến đổi của khí hậu. Ông Barbut nói khoảng 1,35 tỉ USD trong khoản kinh phí mới sẽ được dành để đối phó với biến đổi khí hậu. Phần còn lại sẽ được dùng để quản lý tốt hơn và mở rộng những khu vực được bảo vệ và gặp nguy hiểm; cải thiện việc quản lý các hệ thống nước xuyên biên giới; giảm ô nhiễm trên đất liền và trong nước; mở rộng và bảo vệ rừng của thế giới.

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201021/20100517161635.aspx