Thursday, April 22, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Liên kết chống biến đổi khí hậu



Bài tường thuật sau đây được trích từ trang Tuổi Trẻ Bình Định. Nếu dân ta có nhận thức cao như Tuổi Trẻ Bình Định, sẽ giúp được cho đất nước rất nhiều, đồng thời cũng góp tặng cho thế giới một môi trường tốt đẹp. Vì thời gian quá cận kề, những băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang tan chảy, nếu phân tích hợp lý, giải pháp hữu hiệu nhất hiện giờ là ăn chay. Ăn chay để giảm việc tiêu phá tài nguyên nước và đất, giảm phá rừng, giảm hủy hoại môi trường, giảm ô nhiễm không khí, giảm nghiệp sát. Ngoài ra, ta cầu nguyện cho lòng mình và lòng người được hiền hòa hơn, xin sự tha thứ của hàng triệu loài vật bị tàn sát mỗi ngày, xin được ân điển để có thể "từ bi bất ngờ" và dễ dàng trở thành người trường chay. Hàng triệu người làm được, bạn cũng có thể làm được.

Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu!     

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những vấn đề nóng bỏng, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của nhiều dân tộc. Làm thế nào để ứng phó với BĐKH vẫn là câu hỏi khó.

* BĐKH - Nguy cơ và thách thức

BĐKH thực sự là “vấn đề thời sự toàn cầu”, tác động đến tất cả các quốc gia, châu lục trên thế giới. Sự nóng lên của trái đất, sự rút lui của các sông băng, khí nhà kính và hiệu ứng khí nhà kính… là những nguy cơ thách thức nhân loại.

Theo các nhà khoa học, tổng hợp tác động của các nhân tố tự nhiên và con người đến BĐKH toàn cầu trong hơn 100 năm qua cho thấy: Nguyên nhân nóng lên toàn cầu là do tác động của con người làm tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển, làm cho bề mặt trái đất và lớp khí quyển tầng thấp nóng lên. Chính sự nóng lên toàn cầu đã làm cho những lớp băng vĩnh cửu ở Greenland (Bắc Cực) tan chảy, và làm cho lớp băng vĩnh cửu ở Alaska giảm khoảng 40%, đồng thời độ dày của lớp băng giảm từ 1,2m xuống còn 0,3m. Trong thế kỷ 20, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng 0,17m.

Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu tác động mạnh nhất của BĐKH. Mực nước biển trung bình ở Việt Nam tăng khoảng 2,5-3,0cm/ thập niên; số cơn bão mạnh tăng lên nhiều; mùa bão kéo dài hơn về cuối năm. Theo các nhà khoa học, nếu mực nước biển ở Việt Nam dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp; khoảng 40.000km2 đồng bằng ven biển sẽ bị ngập. Điều đáng nói, BĐKH đã, đang và sẽ tác động tới tất cả các vùng, tất cả các tài nguyên, môi trường và hoạt động KTXH [kinh tế xã hội], dẫn đến nguy cơ bất ổn về an ninh môi trường, an ninh quốc gia, mất ổn định xã hội do đói nghèo, dịch bệnh.

Tỉnh Bình Định cũng chịu tác động không nhỏ do BĐKH. Chỉ tính trong vòng khoảng 50 năm (từ 1957 đến nay), nhiệt độ trung bình năm ở tỉnh ta có xu hướng tăng dần. Cụ thể, giai đoạn 1957-1984, mỗi thập niên tăng 0,10C; từ 1985 đến 2004 thì nhiệt độ có xu hướng tăng mạnh (khoảng 0,40C trong 2 thập niên). Trong khi đó, nhiệt độ thấp nhất trung bình năm cũng có xu hướng tăng lên 0,40C từ năm 1965-1974; từ 1985-2004 tăng 0,70C... Điều này cho thấy mùa đông ở Bình Định có xu hướng ấm dần lên. Ngược lại, tình hình biến động mưa ở tỉnh ta lại diễn biến khá phức tạp. Riêng ở TP Quy Nhơn, từ năm 1957 đến 1965 lượng mưa có xu hướng tăng dần; từ 1965 đến 1984 có xu hướng giảm dần, và từ 1984 đến nay lại có xu hướng tăng dần…

* Cùng liên kết để chống lại BĐKH

Theo dự báo của các nhà khoa học, trong thế kỷ 21, nguy cơ BĐKH toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp. Khoảng cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,0-4,50C; mực nước biển trung bình toàn cầu thời kỳ 2090-2099 sẽ tăng 0,18-0,59m so với thời kỳ 1980-1999… Đến năm 2100, dự kiến mực nước biển sẽ tăng ít nhất 40cm; còn nhiệt độ trung bình sẽ khoảng 150C.

Đối với Việt Nam, theo dự báo của các nhà khoa học, đến cuối thế kỷ 21, dự tính nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng khoảng 1,6 đến 3,60C; lượng mưa ở hầu hết các vùng cũng sẽ tăng; còn lượng mưa mùa khô sẽ giảm…

Thấy rõ hiểm họa, nguy cơ và thách thức của BĐKH, ngay từ năm 1992, LHQ đã ban hành Công ước khung về BĐKH (gọi là UNFCCC). Đến trung tuần tháng 3.1998, tại Tokyo (Nhật Bản), Công ước khung được các quốc gia nhất trí ký kết, với việc ra đời của Nghị định thư Kyoto. Đến tháng 2.2005, đã có 144 phê chuẩn Nghị định thư. Mục tiêu chính của Nghị định thư là giúp các nước phát triển thực hiện nghĩa vụ phát thải khí nhà kính thông qua thực hiện các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM); đồng thời giúp các nước đang phát triển tăng cường đầu tư cho phát triển KTXH bền vững.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với BĐKH. Tháng 6.1992, Việt Nam là 1 trong số những nước đầu tiên ký Công ước UNFCCC, và phê chuẩn vào tháng 11.1994. Đến tháng 11.1998, chúng ta tiếp tục ký Nghị định thư Kyoto. Ngày 17.10.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg về việc “Tổ chức thực hiện UNFCCCC và CDM”. Tháng 12.2008, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia “Ứng phó với BĐKH” nhằm đánh giá mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do BĐKH toàn cầu, mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành, địa phương; xác định được các giải pháp ứng phó với BĐKH; tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập cơ sở khoa học cho các giải pháp ứng phó với BĐKH; nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong ứng phó với BĐKH…

...Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về nguyên nhân và tác hại của BĐKH tới việc phát triển KTXH và sức khỏe con người; hướng mọi người tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào BVMT [bảo vệ môi trường], sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo (như than đá, dầu mỏ, khí đốt…).

UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm chấn chỉnh việc thực hiện Luật BVMT; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác BVMT; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT.


http://tuoitrebinhdinh.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=587:bai&catid=101:phap-lut-va-i-sng&Itemid=227