Thursday, January 07, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Kinh Pháp Cú, Phẩm X



 
Kinh Pháp Cú được lưu trữ tại 
Viện Bảo Tàng Quốc Gia, Colombo, Tích Lan. 
Bản kinh bằng tiếng Pali viết trên lá bối.

Giới thiệu Kinh Pháp Cú
~ Bình Anson
(Nguồn: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-phapcu-ev/dhp-gt.htm)

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) trong Kinh tạng Pali (Suttanta Pitaka). Ðây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Pháp (Dhamma) có nghĩa là đạo lý, chân lý, lời dạy của Ðức Phật; Cú (Pada) là lời nói, câu kệ. Ngoài ra, trong ngữ văn Pali, "Pada" còn có nghĩa là con đường. Do đó, Dhammapada thường được dịch là Con đường Chân lý (Path of Truth), Con đường Phật Pháp (Path of the Buddha's Teaching).

Dhammapada là tập hợp 423 bài kệ do đức Phật nói ra trong nhiều dịp khác nhau, trong suốt 45 năm hoằng dương Chánh Pháp của Ngài. Các bài kệ nầy được sắp xếp trong 26 phẩm, do các vị đại đệ tử thu xếp và tụng đọc trong Ðại hội Kết tập Kinh điển lần đầu tiên sau khi Ðức Phật nhập diệt. Mỗi bài kệ chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú, không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tra cứu các bản chú giải, và suy nghiệm từ các tu chứng tự thân thì mới mong thông ngộ và thấu đạt ý nghĩa của các lời dạy cao quý đó. Mỗi bài kệ là một nguồn cảm hứng cao đẹp, một lối đi mới lạ, một sức mạnh kỳ diệu giúp chúng ta có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến giác ngộ, giải thoát.

Kinh Pháp Cú
 Phẩm X (Phẩm Hình Phạt)

Bản dịch Việt ngữ: Tịnh Minh
Trường Cao cấp Phật học
Sài Gòn, PL. 2539 - TL. 1995

(Nguồn: http://www.quangduc.com/kinhdien/231phapcutk10.html)

129.
Hình phạt, ai cũng kinh,
Mất mạng, ai cũng khiếp.
Lấy ta suy ra người,
Chớ giết, chớ bảo giết.


130.
Hình phạt ai cũng kinh,
Sinh mệnh, ai cũng tiếc,

Lấy ta suy ra người,
Chớ giết, chớ bảo giết


131.
Ai mưu cầu hạnh phúc,
Bằng cách hại chúng sanh,
Các loài thích an lành,
Ðời sau chẳng hạnh phúc.


132.
Ai mưu cầu hạnh phúc,
Bằng cách không sát sanh,
Các loài thích an lành,
Ðời sau được hạnh phúc.


133.
Chớ buông lời cay nghiệt,
Nhiếc người, người nhiếc ta,
Khổ thay lời hiềm hận,
Xung đột mãi lại qua.


134.
Nếu tự mình im lặng,
Như chuông nứt nhiều đàng,
Người ấy chứng Niết bàn,
Hận thù không còn nữa.


135.
Như gậy người chăn bò,
Lùa bò ra đồng cỏ,
Già chết cũng thế đó,
Xua người đến diệt vong.


136.
Kẻ ngu gây ác nghiệp,
Không biết việc mình làm,
Tự chuốc khổ thở than,
Như bị lửa thiêu đốt.


137.
Dùng hung khí trừng phạt,
Người hiền thiện từ tâm,
Sẽ bị nghiệp hành thân,
Một trong mười oan nghiệt.


138.
Hoặc khổ đau khốc liệt,
Hoặc tai biến tổn thân,
Hoặc bịnh ác vô ngần,
Hoặc tán tâm loạn ý.


139.
Hoặc bị vua bức bách,
Hoặc bị tội vu oan,
Hoặc quyến thuộc ly tan,
Hoặc gia tài đổ nát.


140.
Hoặc nhà cửa cháy mạt,
Hoặc mất mạng, tán thân,
Kịp đến khi mãn phần,
Chắc chắn đọa địa ngục.


 141.
Chẳng phải sống lõa thể,
Bện tóc, mình trét bùn,
Tuyệt thực,nằm trên đất,
Bôi tro, ngồi xổm chân,
Là sạch được thân tâm,
Nếu chưa dứt nghi hoặc.


 142.
Dù trang sức lộng lẫy,
Nhưng nhiếp phục an bình,
Tự chế, tu phạm hạnh,
Không sát hại sanh linh,
Ðó là Bà-la-môn,
Tỳ kheo hay khất sĩ.


143.
Hiếm thấy ai ở đời,
Biết tự chế khiêm tốn,
Tránh mọi lời thương tổn,

Như ngựa hiền tránh roi.


144.
Như ngựa hiền phải roi,
Hãy nhiệt tâm hăng hái,
Giới đức, tín, tinh cần,
Trạch pháp, tu thiền định,
Minh hạnh, tâm chánh tịnh,
Diệt thống khổ ưu phiền.


145.
Người đem nước dẫn nước,
Tay làm tên vót tên,
Thợ mộc uốn gỗ bền.
Bậc trí tự điều phục.


(Câu kệ này ý nói người có trí huệ biết tự chủ và kiểm soát để luôn hướng về đường ngay nẻo thẳng, như khi mũi tên cong thì người làm tên uốn ngay lại lập tức.)

 
Bản dịch của Tỳ Kheo Giới Đức cho kệ 145. 
(Nguồn: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-phapcu-ev/klv-01.htm)

Ðào mương dẫn nước, khéo thay!
Mũi tên cong vậy, uốn ngay, chẳng phiền
Gỗ vênh thợ mộc đẽo liền
Khiển tà thành chánh, trí hiền nhiếp tâm!