Wednesday, February 22, 2017

Vì Sao Ăn Chay: Những ngộ nhận thường gặp về vấn đề ăn chay

Những ngộ nhận thường gặp về vấn đề ăn chay
Lưu Thị Kim Oanh

(SKĐS) - Trong buổi “Tọa đàm ăn chay vì chính mình”, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM đã đưa ra những thông tin và giải đáp rất cụ thể các ngộ nhận về vấn đề ăn chay.

Trước hết, chúng ta nên biết một chế độ ăn để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần 3 yếu tố:
+ Cung cấp đủ năng lượng;
+ Cung cấp đủ 40 chất dinh dưỡng khác nhau;
+ Yếu tố cân đối, hợp lý giữa các chất dinh dưỡng.

Chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một chế độ ăn đảm bảo 3 yếu tố trên với thức ăn thực vật. Tất cả các chất dinh dưỡng cơ thể cần đều có trong thực vật, bởi thức ăn thực vật rất đa dạng và chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng dành cho con người.
Do vậy, cần hiểu rất rõ điều này để tránh ngộ nhận “ăn chay thiếu chất” hay “thực phẩm chay không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người”.
Một khía cạnh rất quan trọng, ở góc độ nhân chủng học, con người là loài ăn thực vật chứ không phải loài ăn động vật. Cấu trúc của răng, tuyến nước bọt, cấu trúc của dạ dày, cấu trúc của ruột non, ruột già, của hệ thống bài tiết qua da cho thấy chúng ta là loài ăn thực vật. Chúng ta không có những chiếc răng nanh sắc nhọn giống như các loài ăn thịt như hổ, sư tử… Khả năng tiêu hóa thịt của chúng ta chỉ bằng 1/10 đến 1/20 của những loài thú ăn thịt. Những thú ăn thịt có ruột rất ngắn, nên khi ăn vào chúng phải thải ra cực nhanh những chất độc hại. Con đường tiêu hóa của chúng ta rất dài để tiêu hóa thực vật. Nếu chúng ta ăn thịt phải mất trên 5 ngày mới tiêu hóa và đào thải hết các chất độc ra khỏi cơ thể.
Đối với thực vật, chỉ mất 1 ngày để tiêu hóa và loại bỏ hết chất độc. Hơn nữa, về mặt lịch sử, các nghiên cứu cho thấy thủy tổ loài người ăn thực vật. Tuy nhiên, do trải qua thời kỳ băng hà khiến nguồn thực vật trở nên khan hiếm, loài người phải ăn thịt và giữ thói quen đó cho đến bây giờ.
Nhiều người cho rằng “Ăn chay không tạo được những khối cơ rắn chắc, khỏe mạnh”. Như vậy là chúng ta hiểu 1 cách rất cơ học. Chúng ta để ý những động vật có nhiều cơ bắp nhất, ví dụ như lạc đà, voi, trâu, ngựa... chúng ăn gì? Chúng ăn chay hoàn toàn. Và chúng đại diện cho sức lao động bền bỉ. Để khối cơ phát triển, chủ yếu là vấn đề luyện tập chứ không phải vấn đề chất đạm. Và để luyện tập, chúng ta hoàn toàn có thể lấy năng lượng từ thực vật.
Một số người cho biết “Nếu tôi ăn chay tôi sẽ bị bủn rủn chân tay, không có sức làm việc. Và thực tế tôi đã bị như vậy”. Điều này được lý giải ở khía cạnh tinh thần và nhiều người chưa có kế hoạch ăn chay hợp lý. Chúng ta đã cài đặt một chương trình bên trong mình là ăn thịt mới có sức. Do vậy, chính suy nghĩ này tác động lên cơ thể chúng ta. 
Hơn nữa, khi muốn chuyển sang chế độ ăn chay trong khi chúng ta đang quen ăn rất nhiều thịt, chúng ta cần có một kế hoạch hợp lý và chuyển đổi một cách từ từ, từng bước để cơ thể bạn có thể quen dần. Các chuyên gia khuyên rằng, chỉ khi bạn thực sự hiểu biết về ăn chay mới nên chuyển sang chế độ ăn chay. Nếu còn nghi ngại, thì chính suy nghĩ của bạn làm bạn mất sức lực. Và các bạn hãy ghi nhớ rằng, các nghiên cứu trên thế giới chứng minh những người ăn chay có sức bền gấp 2-3 lần người không ăn chay. Như vậy, người ăn chay sẽ có sức lao động dẻo dai và bền bỉ hơn người không ăn chay chứ.