Sunday, January 24, 2010

Người Trường Chay: Cải lương chi bảo nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết

Award-winning performing artist Bạch Tuyết
is a vegetarian and meditator.
(VNAC) - Trong kho tàng văn hóa dân tộc nước ta, cải lương là một bộ môn nghệ thuật vô giá. Tiếng nhạc trầm bổng, lời ca thâm thúy, sự sáng tạo vô bờ của nhà soạn giả, nỗi rung động thiết tha của nghệ sĩ trình diễn, nét tài hoa của nhạc sĩ cổ nhạc, hòa cùng triết lý đạo đức lồng trong hàng bao vở tuồng và lòng ngưỡng mộ chân-thiện-mỹ của khán thính giả... là nhân duyên kết hợp thành một món quà tuyệt vời cho chúng ta trong đời sống trên Địa Cầu này.

Và bạn có biết, một nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn của quê hương ta là một người trường chay? Cải lương chi bảo nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết quả là một viên ngọc mỹ miều, trong sáng. Không lời nào có thể tả hết những đóng góp của chị, và càng hãnh diện hơn khi đất nước chúng ta có một nghệ sĩ từ bi, đặt tâm linh làm nền tảng cho cuộc đời mình. Có Đạo là có tất cả.

Sau đây là bài viết của Hoàng Nghĩa Nam:

“Tôi ăn cơm chay tính đến nay đã hơn 20 năm….” Đó là bộc bạch của NSƯT Bạch Tuyết - Người đoạt giải Triển vọng Thanh Tâm năm 18 tuổi, danh hiệu “Cải lương Chi Bảo” năm 21 tuổi.

Chị cũng là người có học vị cao nhất trong đội ngũ diễn viên cải lương từ trước đến nay. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, chị tiếp tục học ở Viện Hàn lâm Bungary và Viện Hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Ít ai biết để thành danh như hôm nay, NSƯT Bạch Tuyết đã trải qua những ngày tháng đầy tủi cực. Mẹ mất lúc mới lên 10 tuổi, chị được gởi vào trường dòng học nội trú. Ở tuổi này, chị đã nghĩ đến chuyện cắt tóc đi tu, bởi chị không thể quên được cái chết bi thảm của người mẹ do tai nạn giao thông.
Có thể nói, cuộc đời chị đã rẽ sang một hướng khác kể từ ngày Bạch Tuyết may mắn gặp tài nữ Thanh Nga - Một “nữ hoàng” trên sân khấu cải lương thời đó. Trước khi trở thành một nghệ sĩ, chị cũng đã từng là một khán giả hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga - người từng thành công với vai Thái hậu Dương Vân Nga.
NSƯT Bạch Tuyết nhớ lại, một buổi chiều đi học về, cùng lũ bạn đứng thập thò xem NS Thanh Nga tập tuồng và rủ nhau… xin hình! Được NS Thanh Nga tặng hình, ký tên và không hiểu vì lý do gì, NS Thanh Nga bất ngờ… nựng má chị hỏi: “Em có biết ca hát gì hôn?.” Bạch Tuyết đáp: “Em cũng có ca… tân nhạc!.” NS Thanh Nga lại hỏi tiếp: “Em đi hát đi! Khuôn mặt em mà đi hát là nổi tiếng lắm đó.” 

Không ngờ, 2 năm sau, Bạch Tuyết đặt chân vào nghệ thuật để rồi tiếp đến 2 năm nữa, chị lãnh giải Triển vọng Thanh Tâm - một giải thưởng uy tín của giới sân khấu cải lương miền Nam trước 1975. Người bạn diễn và cũng là người gắn huy chương vàng giải Thanh Tâm cho chị năm đó lại chính là NS Thanh Nga.

NSƯT Bạch Tuyết đã ngộ đạo Thiền và được sư phụ đặt pháp danh là Diệu Lộc. Giữ nếp ngồi thiền mỗi ngày cùng với ăn chay trường, mà trong cuộc gặp với chị tôi nhận ra một điều: Chị thật trẻ so với cái tuổi sinh năm 1945 của mình.
Đến với Thiền từ năm 1979, chị xem đó là một cách chống lại stress của đời sống công nghiệp. “Thiền giúp tôi sống khỏe mạnh về thể chất, bình yên về tâm hồn - chị nói - Cũng đã hơn 20 năm tôi chỉ ăn rau, không ăn thịt cá...Thoạt đầu nhiều người lo ngại cho tôi không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến thanh sắc. Tôi cũng có cảm giác lo lắng. Nhưng rồi tự thấy những chuyến lưu diễn xa đều không biết mệt… Ngày trước ở những vai diễn bi thương tôi tập trung tư tưởng một cách mệt nhọc, khi diễn xong suất diễn tôi thấy thân thể rã rời. Còn giờ đây, ở những trường đoạn bi thương, tôi nhận ra cảm xúc đến hồn nhiên, giọt nước mắt cứ trào ra nhẹ nhàng, thanh thoát….”

Tâm sự của chị cũng là câu trả lời cho nhiều khán giả vẫn tự hỏi, làm thế nào mà NSƯT Bạch Tuyết giữ được sức khỏe, chất giọng tốt để có thể đảm nhận diễn kịch một mình trong “Hoàng hậu của hai vua” kéo dài hơn 1 tiếng 10 phút.

Chị vào Nam ra Bắc như con thoi. Đi đâu chị cũng chỉ được thết đãi cơm chay. Ra Bắc, ghé quán Ngọc Thụ - một trong những tác giả có nhiều vở diễn ở sân khấu phía Nam. Vợ chồng ông khéo léo làm một đĩa phở chay xào ngon lành cho “Phật tử di động” - chữ của đạo diễn Lê Chức dành cho NSƯT Bạch Tuyết.

Ghé nhà NSND Phạm Thị Thành, họ cùng cuốc bộ ra chùa Quán Sứ lễ phật và ăn chay… Có thời chị còn tự làm món “chay” hết sức độc đáo cho mình. Ở ban công nhà chị, có những đám lúa xanh rì, nhỏ xíu mọc lên. Chị áp dụng một công nghệ của Mỹ, trồng cây lúa chỉ với nước và không khí. Lúa này đem xay như sinh tố, uống vào theo chị sẽ giữ được sự trẻ trung của cơ thể.

“Tôi thiền tại gia, không có cầu mong điều gì cao xa mà chỉ muốn có sức khỏe và làm được nhiều việc có ích cho đời," chị nói. NSND Phùng Há cũng rất hãnh diện về Bạch Tuyết. Má Bảy nói: “Tôi đã chọn Bạch Tuyết là người tiếp nối sự nghiệp sân khấu cải lương và nối tiếp tôi trong công việc từ thiện.”
Bạch Tuyết thổ lộ: “Những khi lặn lội vào vùng sình lầy để đến với người nghèo là để nhắc mình đừng quên “mình từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu”, chứ không phải đi làm phước....18 tuổi, có tiền trong tay, tôi đã nghĩ đến những đứa trẻ hẩm hiu.” Cô Ba Bạch Tuyết nói vậy.

Nhìn những em bé chân trần đen đủi đang chạy dọc hai bên bờ kênh, cố đuổi theo chiếc xuồng có chở NSƯT Bạch Tuyết trong chuyến về Tân Châu - An Giang cứu trợ, chị hồn nhiên cười bảo: “Mình cũng đã lớn lên từ một tuổi thơ như thế.”
Với gia đình, sau những năm tháng chung sống bên người chồng là cầu thủ bóng đá nổi tiếng - Phạm Huỳnh Tam Lang (Huấn luyện viên đội bóng Cảng Sài Gòn sau này), đôi trai tài gái sắc này chia tay. Họ gặp nhau vào năm 1967, khi đội tuyển bóng đá trước ngày đi tranh giải Merdeka ở Malaysia đến xem đêm hát của đoàn bầu Xuân.

Bạch Tuyết được cử thay mặt đoàn hát lên choàng hoa cho thủ quân Tam Lang để chúc lành cho đội bóng. Khi đội bóng chiến thắng trở về, họ gặp lại nhau… Và họ cũng đã có những ngày hạnh phúc.

“Cho đến nay đã trải qua 32 năm, tôi cảm nhận rằng cuộc chia tay đó đã giúp chúng tôi có thời gian dành trọn cho nghề nghiệp. Tôi may mắn gặp được người chồng sau như ý nguyện và anh Tam Lang cũng vậy.” NSƯT Bạch Tuyết gặp người bạn đời mới trong giới kinh doanh, tâm đầu ý hợp.

Má Bảy Phùng Há vẫn khen dài: “Cậu Ba Đức chẳng những không hề gây trở ngại cho vợ là một đào hát thanh sắc vẹn toàn, đã và đang được nhiều người ái mộ, mà đã hỗ trợ, chắp thêm cánh cho Bạch Tuyết phát triển trên con đường nghệ thuật. Đó là thái độ quý hiếm của một người chồng lấy vợ đào hát.”
Với người chồng Ba Đức, họ có chung cậu con trai - Valery Bảo Giang. “Val ra nước ngoài sống từ năm lên 12 tuổi. 17 năm xa quê rồi nhưng trong từng câu nói với cha mẹ, bao giờ đầu câu cũng là tiếng ‘dạ thưa’ quen thuộc. Tôi yêu con và tự hào về con trai mình. Trong chuyến sang Mỹ thăm con trai, món quà duy nhất tôi mang theo cho con là chiếc đàn bầu. Ngày đám cưới, Val gẩy đàn bầu cho tôi ca bài vọng cổ ‘Lòng mẹ.’ Nghệ thuật kỳ diệu và thiêng liêng vô cùng, đã nối dài thêm tình yêu của mẹ con và gia đình tôi.”

Gần đây, khán giả truyền hình được gặp lại NSƯT Bạch Tuyết qua vai diễn Cô Lựu trong vở cải lương “Đời cô Lựu” của chương trình Nhà hát Truyền hình trên VTV. NSƯT Bạch Tuyết bộc bạch, bao nhiêu đêm bước ra sân khấu cùng cô Lựu hay Thái hậu Dương Vân Nga là bấy nhiêu đêm chị sống trọn vẹn cho nhân vật của mình.
Trăn trở trước hiện trạng sân khấu hôm nay, chị cho rằng, nếu từ thập kỷ 60 (thế kỷ trước) trở về trước, khán giả đi tìm sân khấu, thì từ thập kỷ 60 trở về sau sân khấu lại đi tìm khán giả. Trong “lộ trình” mang tính quy luật này, sân khấu cải lương vẫn đang thao thức kiếm tìm những kịch bản hay, hình thành một đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp và một sân khấu chính quy, hiện đại, được tiếp thị một cách linh họat…

Nhưng, NSƯT Bạch Tuyết tin rằng, một ngày không xa, sân khấu dân tộc sẽ trở lại thời hoàng kim của nó. Sân khấu dân tộc sẽ tiếp nối bằng một thời đại mới. Cũng có thể, đến thời điểm này, chúng ta phải làm quen với cụm từ “truyền thống mới” của sân khấu dân tộc.

Chúng ta vẫn khai thác các khuôn mẫu từ Súy Vân, Hồ Nguyệt Cô, Thị Mầu nhưng bằng một hơi thở sáng tạo của ngày hôm nay, cũng như phát triển nguồn âm nhạc tài tử, âm nhạc sân khấu cải lương vào trong những vấn đề của cuộc sống con người ngày nay là nhu cầu sáng tạo tất yếu của các thế hệ NS cải lương kế tiếp. “Tôi tin vào thời hoàng kim của một thế hệ sân khấu mới đang đến.”