Saturday, November 14, 2015

Vì Sao Ăn Chay: Kinh hãi công nghệ nuôi heo bằng thuốc "xì ke", tăng 40kg sau 10 ngày

Some prohibited chemicals (such as clenbuterol and salbutamol) were found in pigs in Tiền Giang Province, leaving consumers with doubt about the adverse effects of eating pork.

Kinh hãi công nghệ nuôi heo bằng thuốc "xì ke", tăng 40kg sau 10 ngày
Huyền Trần

“Thứ thuốc bí ẩn này người nuôi heo thường gọi là “xì ke”. Thuốc rất độc, pha thuốc bằng tay không cẩn thận thì các đầu móng tay sẽ bị hư, thối. Heo trước khi xuất chuồng chỉ cần thúc từ 10-20 ngày sẽ tăng ít nhất 20-40kg”, ông T. cho biết.

Phạt 150 triệu với 20 hộ chăn nuôi lợn bằng chất cấm

Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang vừa xử phạt 20 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh với tổng cộng 150 triệu đồng vì sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh này đã tiến hành kiểm tra đột xuất các hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện các hộ dân trên sử dụng chất tạo nạc Salbutamol. 

Cơ quan chức năng đã phạt 7,5 triệu đồng/hộ và đồng thời buộc các hộ cam kết không tái phạm. Đặc biệt, có hồ sơ của 2 hộ gia đình đã chuyển sang cho cơ quan công an để tiến hành điều tra làm rõ đối tượng cung cấp chất cấm… 

Thông thường, khi lợn đạt từ kích thước từ 80-100kg là “thời cơ vàng” để dùng chất kích thích để tăng trọng lượng, tạo nạc... bởi lúc này “hiệu quả” đạt rất cao. Vì thế đa số, các mẫu thịt heo bị “dính” chất cấm đều ở trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng. 

Ông T. (một người nuôi heo) cho biết: “Để nuôi heo từ lúc nhỏ đến lúc xuất chuồng cũng mất gần 3-5 tháng. Mà khi bán trừ chi phí tất cả mỗi con chỉ còn lời được tầm 3-4 triệu đồng. Trong đó, chưa tính tiền công của mình bỏ ra trong suốt thời gian nuôi. Tính ra chỉ cần bỏ thêm 15-25 ngày dùng thuốc kích thích, sẽ thu thêm từ 1-2 triệu nữa. Nhìn con heo còn rất đẹp, đùi to, vai u. Thương lái nhìn là sẽ khen, mình lại không bị ép giá”.

Ngoài ra, người đàn ông này còn cung cấp thêm: “Đó chưa là tính nhiều người ép heo lớn ngay từ lúc mới đạt trọng lượng 50-70kg nữa. Họ dùng thuốc liên tục, có thể thấy con heo khác liền, mà không ai phát hiện gì cả. Nếu nuôi theo phương thức ấy sẽ rút ngắn được từ 20-50 ngày nuôi. Tính ra lời được tiền cám, thuốc vi sinh và các chi phí khác, rất tiết kiệm thời gian. Số lượng hàng trăm con heo, lợi thu được sẽ khiến nhiều người không ngờ tới. Nhiều người ở đây đang áp dụng phương thức ép heo theo cách đó”.

Lấp lửng nguồn gốc chất cấm

Xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), nơi có nhiều hộ gia đình nuôi heo nhiều nhất nhì huyện, đồng thời cũng là nơi có các hộ dân bị ngành chức năng phạt tiền vì hành vi sử dụng chất cấm trong quy trình chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Mười (Chủ tịch UBND xã Xuân Đông) cho biết, hiện tại địa phương có khoảng 240 hộ nuôi heo với số lượng hơn 40.000 con. 

Anh N.N.D. là một hộ nuôi heo vừa bị cơ quan chức năng kiểm tra. Theo anh D., lần kiểm tra đầu, gia đình đã bị phát hiện sử dụng chất cấm và bị phạt tiền, đồng thời cam kết không tái phạm. Khi PV đề cập đến nguồn gốc các loại chất cấm như Salbutamol, chất tăng trọng, tạo nạc… thì anh D. cùng nhiều hộ gia đình ấp úng không trả lời được hoặc cố tình tránh né câu trả lời. 

Anh D. phân trần: “Chúng tôi không biết tại sao, đàn lợn trăm con của gia đình lại bị dính chất cấm? Gia đình không sử dụng thuốc gì thêm, chỉ sử dụng thức ăn cho gia súc bình thường. Chuyện gia đình bị phạt chỉ là một sự việc ngoài ý muốn”. 

Một số người dân xung quanh cũng khẳng định chuyện đàn lợn “dính” chất cấm là việc… ngoài ý muốn. Bởi thuốc cấm này chỉ lưu dẫn trong cơ thể heo trong vòng 20 ngày. Vì vậy, nhiều hộ gia đình lần đầu bị kiểm tra thì “dính” nhưng sau 20 ngày bị cơ quan chức năng cấm heo xuất chuồng kiểm tra lại thì không có.

Ông T. tiết lộ: “Loại chất này rất độc, chỉ cần mình pha thuốc bằng tay không cẩn thận thì các đầu móng tay của mình sẽ bị hư, thối. Vì vậy muốn biết người nào dùng chất này cứ nhìn mấy đầu ngón tay, đường nào cũng dính 1-2 người. Thứ thuốc này rất bí ẩn, người dân thường gọi là “xì ke”, mà muốn có thì phải đặt mua qua nhiều trung gian, chứ loại này không dễ mua. Có người phải lên tận Sài Gòn mua đem về. Những người bán thuốc này thường nhìn mặt, hoặc nhờ sự giới thiệu mới dám bán cho người dùng”.

Tuy nhiên cũng có nguồn tin từ nhiều hộ dân là họ bị “ép” dùng chất cấm để đáp ứng yêu cầu của các thương lái thu mua lợn thịt.

Một hộ nuôi heo cho hay: “Họ đề nghị và sẵn sàng cung cấp thuốc kích thích cho mình để sử dụng. Tiền đó sẽ được trừ thẳng vào tiền lợn bán được. Nếu không làm theo thì phải tìm người khác để bán, hoặc bị ép giá một cách trắng trợn. Các thương lái là dân chuyên nghiệp nên họ nhìn sơ qua là biết con nào dùng thuốc con nào không. Trước khi xuất chuồng các thương lái thường sẽ đến xem “hàng”, nếu người nuôi có nhu cầu thì họ đưa “thần dược”. Đến 20 ngày sau, họ quay lại bắt heo”.

“Người nuôi heo cũng không dám ăn”

Về chuyện sử dụng chất cấm nuôi heo, một người dân bức xúc: “Kiếm lời trên tính mạng người khác mà phạt như vậy là quá ít so với đồng lời của họ. Số thịt heo họ bán ra sẽ ảnh hưởng sức khỏe đến hàng trăm người vô tội. Chính quyền phải phạt nặng hơn, đem ra trước dân để cảnh cáo tránh trường hợp tái phạm hay đe dọa những người có ý nghĩ xấu”.

Còn bà H. (một người dân địa phương) tâm sự: “Từ ngày biết thông tin heo quê mình “dính” chất cấm nên gia đình tôi hạn chế ăn thịt heo luôn, chuyển sang ăn chay, ăn cá, rau củ. Nếu có thiếu quá, gia đình chỉ dám chạy lên chợ lớn mua ngay thịt heo đã đóng mộc an toàn. Chứ mua ngoài chợ quê nhìn đâu cũng thấy thịt chứa chất độc. Thịt heo độc thế này, đến mấy người nuôi heo có cho tiền cũng không dám ăn”.

Nhiều hộ nuôi heo để đảm bảo an toàn cho chính mình, họ cũng chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác như cá, thịt bò, rau củ…. Hay có hộ còn nuôi riêng một con heo “sạch đặc biệt” để gia đình dùng chứ không dám ra chợ mua vì sợ ăn trúng con heo nhà mình. 

Là người bán thịt heo thâm niên trong chợ thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), bà C. lo lắng khi nhìn lại sạp thịt heo tươi ngon, nhưng vắng người mua: “Từ ngày chính quyền xử phạt mấy hộ chăn nuôi heo thì cả người bán thịt nhỏ lẻ ngoài chợ như chúng tôi cũng chịu thiệt. Bây giờ tôi phải lấy thịt ngon, an toàn, vì nếu không may mua nhầm lô thịt “bẩn” thì bị chính quyền phạt tiền, mất uy tín. Mấy ngày này, ai cũng lo sợ nên không dám ăn thịt, bất đắc dĩ nhà có tiệc thì họ mới ghé qua mấy sạp thịt thăm dò kỹ lưỡng rồi mới mua nhưng cũng dè dặt, răn đe to nhỏ đủ lời... Bán thịt hàng ngày đã ế ẩm nay lại chịu thêm đợt “bão” này, không biết đến khi nào mới dễ thở”. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, thịt có chứa chất kích thích, chất tạo nạc, thuốc tăng trọng thịt sẽ có màu sắc đỏ tươi, rất ít mỡ. Khi nấu chín, thịt sẽ bị teo, tách ra nhiều nước, không có độ săn, không có vị đậm đà và sẽ không có hương thơm hoặc có trường hợp khi chế biến phần trong thịt chứa kháng sinh sẽ bốc mùi thuốc kháng sinh. 

Hai chất clenbuterol và salbutamol là những chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của 2 tổ chức WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và FAO (Tổ chức Nông lương Thế giới). Tác động của clenbuterol và salbutamol vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.