Tuesday, August 30, 2016

Người Trường Chay: Gia đình ông Phạm Văn Tiếp (Tây Ninh) - Bốn cha con học chung lớp y sĩ

Hearts of gold: Mr. Phạm Văn Tiếp, together with his son, daughter, and son-in-law, are enrolled in Vietnamese traditional medicine classes to serve the poor. Originally from Tây Ninh, Mr. Tiếp's entire family is vegetarian.

Bốn cha con học chung lớp y sĩ
Bài & ảnh: Mạnh Tùng

(VNE) - Cùng làm nghề bốc thuốc Đông y ở Tây Ninh, bốn cha con ông Phạm Văn Tiếp "rủ" nhau lên TP HCM học trung cấp y học cổ truyền.
Trưa chủ nhật cuối tháng 8, ông Phạm Văn Tiếp (54 tuổi, ngụ Tây Ninh) cùng ba người con Phạm Công Nhật (30 tuổi), Phạm Thị Anh Thư (27 tuổi) và Hà Minh Dương (24 tuổi, con rể) trò chuyện rôm rả trên dãy bàn tự học của trường Trung cấp Tây Sài Gòn (TP HCM). Họ vừa hoàn thành tốt bài thi kết thúc môn Tổ chức quản lý y tế trong chương trình đào tạo ngành Y sĩ y học cổ truyền.

Bốc thuốc Đông y là nghề gia truyền ba đời của gia đình ông Tiếp (tên thường gọi Út Tiệp) ở ấp Trường Giang, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành. Từ nhỏ ông đã được cha truyền dạy những bài thuốc. Gần 15 năm trước, ông mở nhà thuốc miễn phí cho người nghèo, vợ và các con xắn tay phụ giúp. Tuy nhiên, ông Út Tiệp làm chỉ theo kinh nghiệm, chưa có bằng cấp, chưa đủ điều kiện pháp lý. 
Vì thế, hơn ba tháng trước, ông Út Tiệp đến trường Trung cấp Tây Sài Gòn đăng ký học Y sĩ y học cổ truyền cho mình và ba con. Vì cùng học một lúc, không đủ tiền trả học phí, ông lên xin ban giám hiệu được trả nhiều đợt và được đồng ý.

Thuộc lòng từng lá thuốc Đông y, cách bào chế đến công dụng chữa bệnh, ông Út Tiệp cẩn thận truyền dạy cho các con. "Tụi nhỏ có thể thuộc mặt thuốc, biết cách bốc, nhưng chủ yếu là do kinh nghiệm chứ chưa hiểu được vì sao phải làm như vậy. Tui muốn mấy cha con đi học để có nền tảng lý luận y học cổ truyền, hiểu được các phương pháp cơ bản", ông chia sẻ.

Con đường học hành của ông Út Tiệp khá truân chuyên với hai lần bỏ dở chương trình trung cấp y học cổ truyền. Lần thứ ba này, ông rất quyết tâm bởi tuổi tác, sức khỏe không cho phép "lỡ làng" một lần nữa. 

Chương trình học rơi vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần và sẽ kéo dài trong hai năm. Mỗi sáng sớm ngày học, gia đình chuẩn bị đồ ăn chay mang theo (cả nhà ông Út Tiệp ăn chay trường). Sau đó, bốn cha con chở nhau bằng xe máy, vượt gần 100 km đến trường học ở Củ Chi (TP HCM). Học xong, buổi tối lại chở nhau về để lo việc nhà.

Lên lớp, bốn cha con ghi âm bài giảng của giảng viên để khi không hiểu sẽ về nghe lại. Về nhà, họ cùng nhau ôn bài, tranh luận về bài giảng, có khi đến khuya mới thông suốt. "Tôi có tuổi rồi nên nhiều bài tiếp thu chậm hơn trước. Bài nào không hiểu tôi đợi cuối giờ hỏi lại thầy cô. Tôi dặn mấy đứa nhỏ là phải chăm học, không được thấy khó rồi nhụt chí", ông cười hiền.

Tâm nguyện của ông Út Tiệp là sau khi tốt nghiệp tiếp tục "rủ" vợ và con gái út đi học để chữa bệnh cho nhiều người hơn. "Cái nghề này thành nghiệp rồi, mình không dứt ra được. Thấy bệnh nhân đau đớn như chính mình đau nên tôi phải tìm mọi cách để người ta khỏi bệnh", ông trăn trở.

Anh Thư tốt nghiệp THPT nhưng vì nhà nghèo nên chỉ ở nhà phụ cha bốc thuốc. Nay được đi học, chị Thư vui mừng nói: "Khi học ở trường mới hiểu ra nhiều thứ mà trước đó mình làm theo thói quen. Ví dụ vì sao bệnh này phải bốc thuốc này mà không dùng thuốc kia". Chị Thư kể, bốn cha con đi học, ăn cơm trưa ở trường, ôn bài cùng nhau nên lúc nào cũng thấy ấm cúng, hòa thuận.

Với Minh Dương, thời gian phụ cha vợ chưa nhiều nên chưa rành rọt mặt thuốc. Ở nhà, anh thường tranh thủ học cha để mau giỏi nghề. Trên lớp, Dương tiếp thu bài vở khá nhanh. "Hồi học xong cấp ba, tôi không nghĩ nhiều về tương lai nên cũng bỏ dở việc học. Nay được làm thuốc với cha và học y sĩ, tôi thấy mê lắm", chàng rể tâm sự.

Một lãnh đạo trường Trung cấp Tây Sài Gòn cho biết, ngành y học cổ truyền có rất nhiều học viên đặc biệt, ví như ba mẹ con hoặc nhiều anh em trong cùng nhà học cùng lớp. Phần lớn xuất thân từ gia đình có truyền thống làm thuốc Đông y, nhiều người mở nhà thuốc miễn phí cho người nghèo.

"Gia đình bác Phạm Văn Tiếp tạo ấn tượng với chúng tôi vì sự chân thành, tấm lòng nhân hậu và sự hiếu học", ông chia sẻ.