Thursday, August 14, 2014

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Cách làm tàu hủ ky, chả lụa chay, đậu hủ, chao - Minh Anh (Vegan foods from soybean)

Soybean is a nutritious and versatile nature food that can be used to produce homemade bean curd sheets, soy loaf, tofu, or fermented bean curd.

Ăn chay với đậu nành
Minh Anh

(PNO) - Với nguồn đạm thực vật cao, đậu nành là thực phẩm được ưa chuộng của những người ăn chay. Từ đậu nành, những chế phẩm quen thuộc như chao, đậu hủ, tương hột, chả lụa chay... là nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú cho thực đơn chay, có thể chế biến thành rất nhiều món chay ngon.

Mùa chay tháng 7, nhiều người không theo chế độ chay trường cũng dành vài ngày ăn chay, như một cách báo hiếu mẹ cha, hay để tĩnh tâm, thanh lọc cơ thể. Thực đơn chay, dù đơn giản hay cầu kỳ, cũng không thể thiếu chất, nhất là đạm, để cân đối dinh dưỡng.

Những loại rau, củ, quả giàu đạm thực vật có thể kể đến là các loại đậu, hạt, rau xanh đậm... trong đó được ưa chuộng nhất là đậu nành. Loại ngũ cốc này có giá trị dinh dưỡng rất cao. Đậu nành giàu đạm và canxi, lại ít béo, có thể thay thế thịt động vật. Chất isoflavone trong đậu nành có khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, ức chế quá trình oxy hóa.

Dùng đậu nành ngâm, xay, sau đó nấu sữa, bạn có thể tự làm ra nhiều thành phẩm khác nhau, như tàu hủ ky, đậu hủ, chao, chả lụa chay... Những nguyên liệu này ăn đơn giản với cơm hoặc dùng chế biến món chay đều ngon.

Tàu hủ ky

Đây là một chế phẩm của sữa đậu nành nên khi chế biến nguyên liệu này, bạn sẽ vừa có sữa uống, vừa có tàu hủ ky (phù chúc) để làm món chay. 
  1. Để có 1,5 lít (khoảng 6 chén) sữa đậu nành cần khoảng 180g (khoảng 1,5 chén) đậu nành (có thể gia giảm tùy thích uống loãng hay đặc), ngâm nước 6-8 tiếng, xả sạch cho tróc hết vỏ.
  2. Trút đậu nành vào máy xay, thêm khoảng 250ml (khoảng 1 chén) nước lọc vào, xay mịn, sau đó cho vào túi vải thưa sạch lược lại nước. 
  3. Cho nước đậu vào nồi, hòa thêm khoảng 1,5 lít (khoảng 6 chén) nước vào, bắc lên bếp nấu sôi, vớt bọt, để lửa riu.
  4. Sau khoảng 7-10 phút, khi thấy lớp váng dày kết trên mặt sữa thì dùng một chiếc đũa nhẹ nhàng đảo quanh thành nồi để vớt ra, phơi trên phên hoặc mâm khoảng 2 giờ cho khô. 
  5. Phần sữa còn lại tiếp tục nấu thêm 10 phút nữa là được.
  6. Khi tàu hủ ky đã khô, gỡ ra cho vào bao sạch, để nơi thoáng mát, khi dùng chiên sơ lại cho giòn. 

Tàu hủ ky dùng làm chả lụa chay, trộn gỏi, xào với rau củ, cuốn chả giò, nấu kiểm và các món kho, hầm…

Chả lụa chay

Nguyên liệu chính của chả lụa chay là tàu hủ ky. 
  1. Để làm 1 cây chả, cần khoảng 500g (khoảng 2 chén) tàu hủ ky, 2 gốc hành boa-rô, hạt nêm chay, muối, đường, tiêu hạt, tiêu xay, dầu ăn, lá chuối.
  2. Tàu hủ ky ngâm nước ấm cho mềm, vớt ra rửa nhiều lần đến khi nước không còn vàng, cho vào túi vải sạch vắt thật khô.
  3. Phi thơm hành boa-rô xắt nhỏ với dầu ăn, chắt lấy phần dầu cho vào tàu hủ ky, thêm muối, hạt nêm chay, đường, tiêu xay, tiêu hạt vào trộn đều. 
  4. Trải 2 lớp lá chuối ra mặt phẳng sạch, cho hỗn hợp vừa trộn vào, lần lượt dựng đứng 2 đầu nén chặt, đắp thêm mỗi đầu 2 lớp lá chuối nhỏ.
  5. Gói chả lại, buộc chặt bằng dây lạt như bánh tét, đem luộc hoặc hấp khoảng 1 giờ. 
  6. Chả chín vớt ra để nguội, cho vào tủ lạnh, khi ăn cắt khoanh. 

Chả lụa chay dùng với cơm trắng, bún, hủ tiếu, bánh canh chay, hoặc chế biến món chiên, kho, xào...

Đậu hủ
  1. Để làm đậu hủ, bạn cũng ngâm, xay, nấu đậu nành thành sữa, khi sữa sôi vớt bọt. 
  2. Hòa giấm với ít muối và nước lọc (2 lít sữa cho khoảng 1/2 muỗng canh giấm) bên ngoài sau đó trút vào để sữa kết tủa.
  3. Lót khăn sạch lên khuôn làm đậu hủ, múc đậu vào khuôn, gắp kín, đậy nắp lại, dùng vật nặng đè lên khoảng 5-10 phút để ép nước dư ra. 
  4. Cho khuôn vào thau nước lạnh, gỡ khăn, nhẹ tay lấy đậu hủ ra.

Trong các chế phẩm từ đậu nành, đậu hủ là nguyên liệu thông dụng nhất, có thể chế biến thành hàng trăm món chay khác nhau. Đậu hủ trắng dùng làm chả chay, nấu các loại canh, các món hấp. Đậu hủ chiên vàng dùng cho các món kho, xào rau củ, xắt sợi nhỏ làm nguyên liệu cho các món cuốn, ăn với bún riêu chay, hủ tiếu chay...

Chao
  1. Chao làm từ đậu hủ trắng, chọn loại chắc, rửa sạch, luộc trong nước có pha ít muối.
  2. Khi nước sôi vớt ra cho vào khăn sạch, thấm khô, cắt miếng vuông. 
  3. Dùng lá chuối lót dưới rổ tre hoặc mâm, xếp đậu hủ lên, đậy thêm một lớp lá chuối (hay vải mùng), ủ khoảng 2-3 ngày cho nổi meo, lấy ra rửa sơ.
  4. Rang 1/2 phần muối cho khô (4 miếng đậu hủ lớn cần khoảng 2 muỗng canh muối), sau đó trộn đều với ớt bột, bột ngọt, tiêu.
  5. Lăn từng miếng đậu hủ qua hỗn hợp này. 
  6. Hòa nước lọc với 1/2 phần muối còn lại, xếp đậu vào hũ thủy tinh, đổ nước muối lên.
  7. Thêm khoảng 1/2 chén rượu trắng, đậy kín nắp, để nơi thoáng mát từ 10-15 ngày là có thể dùng được.

Chao để lâu sẽ càng ngấm, ăn với cơm trắng rất ngon. Hoặc dùng chao làm nước chấm ăn kèm rau củ luộc, làm gia vị trong các món hấp, chiên, xào, kho, nướng...