Tuesday, September 05, 2017

Quán cơm chay miễn phí của “Cô Út từ thiện” (Đồng Tháp)

Lê Thanh

(ĐTO) - “Cô Út” là tên thân thuộc mà mọi người quen gọi đối với bà Nguyễn Thị Hồng Đào ở xã Hòa An, TP. Cao Lãnh. Bà Đào là chủ quán ăn chay phục vụ miễn phí cho những người lao động nghèo, những hoàn cảnh bất hạnh.

Sáng sớm ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến quán cơm chay từ thiện nằm trên Quốc lộ 30 thuộc ấp 1, xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh. Mới hơn 6 giờ sáng nhưng đã có rất nhiều người ngồi chờ để nhận những phần cơm chay miễn phí của cô Út. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả họ đều là những lao động, học sinh, sinh viên nghèo... vội vã nhận phần cơm rồi tranh thủ đi làm cho kịp giờ. 

Chị Diễm, quê An Giang cho biết, nhà nghèo, vợ chồng chị qua TP. Cao Lãnh thuê phòng trọ ở và đi bán vé số kiếm tiền. Mỗi ngày, chị đều đến quán cơm của cô Út nhận 2 phần cơm để vợ chồng cùng ăn. “Phần cơm tuy đạm bạc nhưng chất chứa biết bao tấm lòng thiện nguyện của cô Út. Không riêng gì vợ chồng tôi mà với nhiều người lao động nghèo, phần cơm từ thiện này không chỉ giúp chúng tôi no lòng mà còn có thêm động lực làm kiếm tiền” - chị Diễm chia sẻ.


Tranh thủ lúc rảnh tay sau gần 1 giờ phục vụ cơm miễn phí cho người nghèo, cô Út mới có thể ngồi xuống trò chuyện cùng chúng tôi. Cô Út cho biết, quán cơm của cô bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2016. Mỗi ngày, từ 6 giờ đến 12 giờ, quán phục vụ khoảng 50 suất cơm chay. Khi biết cô có tâm nguyện giúp đỡ người nghèo nên mạnh thường quân ở xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) và TP. HCM hỗ trợ gỗ, tôn để cô cất được cái quán ăn. 

Cô Út chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi cũng không khá giả gì, nhưng nhờ có con hỗ trợ tiền chi tiêu mỗi tháng. Tuổi già, cũng chẳng làm việc gì lớn lao được, do đó tôi muốn giúp những người nghèo khó trong tầm sức khỏe của mình”. Theo lời kể của cô Út, cô có 2 người con trai. Đứa lớn đã có gia đình, công việc ổn định, cuộc sống khá giả nên thường xuyên gửi tiền để cô an hưởng tuổi già. Người con út đang ở cùng cô thì mắc bệnh động kinh nhưng cũng rất hiếu thảo và phụ giúp cô nấu nướng.

Là “khách hàng” gắn bó với quán cơm hơn 1 năm nay, chú Tâm (62 tuổi, làm nghề bán vé số) xúc động: “Với những người lao động nghèo như chúng tôi, hôm nào không bán được thì việc lót dạ tạm thứ gì đó hay nhịn luôn cho qua bữa đã là chuyện thường. Từ khi có quán cơm miễn phí của chị Út thì không còn phải nhịn ăn qua bữa nữa. Tôi thật sự cảm phục trước tấm lòng của chị Út, đã quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”.

Mỗi ngày, để kịp giờ phục vụ cho người nghèo, cô Út phải thức dậy từ 3 giờ sáng nấu cơm, chuẩn bị đồ ăn. Các món ăn cô Út thường nấu cũng đa dạng, từ 4 - 5 món chay gồm: canh, chiên, kho, dưa chua, xào để khách dễ dàng lựa chọn. “Mỗi ngày, tôi nấu 5kg gạo để phục vụ cho dân nghèo. Dù là quán ăn miễn phí nhưng mình cũng phải nấu ăn cho đàng hoàng, khách ăn được ngon miệng thì họ mới ghé tiếp” - cô Út vui vẻ cho biết.

Thấy được việc làm ý nghĩa của cô Út, nhiều mạnh thường quân hay người quen biết thường xuyên mua gạo, rau, củ đến quyên góp để cô có thêm nguyên liệu, cùng góp chung “nồi cơm” giúp đỡ bà con nghèo. Những người hàng xóm, dù không giúp đỡ vật chất nhưng sẵn sàng góp chút công sức, giúp cô lặt rau, rửa chén. Nhờ vậy, ngày qua ngày, hàng trăm suất cơm chay miễn phí được cô Út tận tay trao cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ thêm ấm lòng. 

Cô Nguyễn Thị Út (SN 1963) - hàng xóm của cô Út chia sẻ: “Chị Út lớn tuổi rồi mà còn nghĩ đến điều thiện khiến tôi cảm thấy nể phục. Thấy chị đơn chiếc một mình thức khuya nấu ăn nên những ngày rảnh, tôi tranh thủ sang giúp chị. Mình giúp được chị, cũng như giúp được nhiều người, tích thêm nhiều phúc đức cho con cháu sau này vậy”.

Năm nay đã 61 tuổi, nhưng cô Út vẫn miệt mài nấu từng bữa cơm mong muốn giúp người nghèo khó có bữa ăn ấm lòng. Tấm lòng cao quý của cô Út thật đáng để biểu dương và học tập. Tạm biệt cô Út nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in lời cô tâm sự: “Cô chỉ mong sao mình có sức khỏe để tiếp tục duy trì hoạt động của quán ăn miễn phí này càng lâu càng tốt. Bấy nhiêu thôi đã là hạnh phúc với cô lắm rồi!”.