Friday, March 10, 2017

Sức Khỏe Của Bạn: Tàn phế, tử vong vì đồ uống có đường

Tàn phế, tử vong vì đồ uống có đường
Nguyễn Thanh Hải

(SK&ĐS) - Nhóm nghiên cứu đã phân tích các dữ liệu tiêu thụ đồ uống có đường trong thời gian từ 1980 đến 2010 với 62 cuộc khảo sát khác nhau và có sự tham gia của 611.971 người tại hơn 51 quốc gia. Cụ thể là, họ đã tập trung tìm hiểu nguyên nhân làm thế nào nhu cầu tiêu thụ đồ uống có đường đã ảnh hưởng đến các trường hợp tử vong từ bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư.

Trong nghiên cứu, các đồ uống có đường là những loại nước có vị ngọt, các loại nước giải khát tăng lực/ thể thao, nước trái cây, trà đá ngọt và đồ uống có đường tự chế. Họ loại trừ 100% nước ép trái cây.

Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu về tính khả dụng quốc gia đối với đường trong số 187 quốc gia trong suốt niên hạn 20 năm nghiên cứu. Khái quát lại, các dữ liệu đã cho phép những nhà nghiên cứu tiếp cận cách tiêu thụ đồ uống có đường theo độ tuổi, giới tính và dân số, cũng như làm thế nào các tác động này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong.


GS. Gitanjali Singh và đồng nghiệp đã ước tính rằng vào năm 2010, nhu cầu dùng đồ uống có đường đã chịu trách nhiệm cho 184.450 cái chết trên toàn cầu, trong đó có 133.000 người chết vì đái tháo đường, 45.000 người chết do bệnh tim mạch và 6.450 người chết do bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu cũng khám phá tỷ lệ người trưởng thành trẻ tiêu thụ đồ uống có đường đã mắc bệnh mạn tính cao hơn so với người trưởng thành cao tuổi.

GS. Singh cảnh báo: “Tác động sức khỏe của việc dung nạp đồ uống có đường trên người trẻ rất quan trọng vì người trưởng thành trẻ là đối tượng lao động lớn tại nhiều quốc gia, vì thế tác động kinh tế từ những cái chết và tình trạng tàn tật do đồ uống có đường rất cao. Nó cũng tác động đến tương lai. Nếu những người trẻ này cứ tiếp tục dung nạp đồ uống có đường sẽ gây ra tình trạng lão hóa, dẫn đến các tỷ lệ tàn tật và tử vong cao từ bệnh tim mạch và đái tháo đường”.

Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng, những quốc gia thu nhập thấp và trung bình lại có tỷ lệ tử vong do đồ uống có đường cao nhất: chiếm khoảng 76%. Trong số 20 quốc gia đông dân nhất, Mexico có tỷ lệ tử vong do đồ uống có đường cao nhất, với 405 trường hợp tử vong/1 triệu người trưởng thành. Mỹ là nước có tỷ lệ tử vong cao thứ hai, ước tính 125 trường hợp tử vong/1 triệu người trưởng thành. GS. Gitanjali Singh lưu ý: “Trong số 20 quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất do đồ uống có đường thì ít nhất có 8 nước thuộc châu Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribe”.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng tai họa này không bỏ sót quốc gia nào. TS. Dariush Mozaffarian, cũng đến từ Trường Friedman, phát biểu: “Nhiều quốc gia trên thế giới đang có một con số đáng kể các trường hợp tử vong xảy ra từ một nhân tố dinh dưỡng duy nhất: các đồ uống có đường.Thực trạng này phải được nâng lên tầm ưu tiên toàn cầu nhằm giảm thiểu hoặc tiêu trừ đồ uống có đường khỏi chế độ ăn uống. Không có lợi ích sức khỏe nào từ các loại đồ uống có đường và tác động tiềm năng của việc giảm tiêu thụ là cứu mạng hàng chục ngàn người mỗi năm”.

Tờ Tin tức Y học Ngày nay đã đăng tải báo cáo rằng, những cô gái thường xuyên sử dụng đồ uống có đường thì sẽ bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn so với các cô gái không uống.