Sunday, December 25, 2016

Truyền Thống Ăn Chay: Chế độ ăn chay đã có từ thời Hy Lạp cổ đại


Translated article based on "Unearthing the ancient roots of vegetarianism" by Natalia Klimczak (Ancient-Origins.net)

Bạn có biết chế độ ăn chay đã có từ thời Hy Lạp cổ đại
Tân Dân, theo Ancient Origins 

(Thời Báo Today) - Chế độ ăn chay đã trở nên rất phổ biến trên thế giới trong những thập kỷ qua. Thế nhưng bạn có biết lối sống dựa trên sự tôn trọng cuộc sống của động vật và trách nhiệm đối với hành tinh này có nguồn gốc từ nền văn minh thung lũng sông Ấn và Hy Lạp cổ đại.

Người ta biết đến ăn chay từ thời cổ đại. Mặc dù người cổ đại đôi khi được miêu tả với vô số thịt trên bàn ăn, nhưng hình ảnh này có thể mang tính nghệ thuật nhiều hơn so với thực tế. Trên thực tế, nhân loại nói chung dường như chỉ ăn nhiều thịt trong 1.000 năm trở lại đây. Trước đó, việc tiêu thụ thịt không phổ biến. Một phần có thể là do các vấn đề liên quan đến săn bắn. Ví dụ, ở các nước sa mạc như Ai Cập vô cùng khó khăn để sản xuất đủ thịt cho toàn dân. Nhiều người cổ đại cũng có thế giới quan khác nhau – phần lớn đã bị các thế hệ sau lãng quên.

Tôn trọng động vật ở Châu Á cổ đại 

Chúng ta đã biết rằng người tiền sử hiến tế động vật trong các lễ nghi. Việc phát hiện ra xương động vật cũng cho thấy rằng họ không phải là người ăn chay. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian nhiều người bắt đầu tránh ăn thịt và thích thực vật hơn. Theo nhiều tài liệu cổ, nguyên nhân đầu tiên cho sự thay đổi này là do họ có nhận thức khác về cuộc sống và thế giới động vật.

Bằng chứng cho thấy những người sáng lập chế độ ăn KHÔNG THỊT sống ở Châu Á, đặc biệt là trong các nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Một trong những người ủng hộ quan trọng bậc nhất việc ăn chay trong Phật giáo là hoàng đế Ashoka (304-232 trước Công nguyên), ông đã cố khuyến khích mọi người chăm sóc động vật.

Chủ ý của vua Ashoka là để ngăn chặn việc hiến tế động vật và dạy mọi người hãy tôn trọng động vật. Trong chỉ dụ của mình, ông đã viết:

“ Đấng Thần linh kính yêu, Vua Piyadasi, đã truyền xuống chỉ dụ này của giáo pháp được viết ra. Tại đây (trong lãnh thổ của ta) không có chúng sanh bị giết thịt hoặc cúng tế. Cũng không tổ chức các lễ hội, vì Đấng Thần linh kính yêu, vua Piyadasi, phản đối các lễ hội như vậy, mặc dù một số lễ hội dành cho Đấng Thần linh kính yêu, vua Piyadasi, được chấp nhận”. 

Chế độ ăn chay xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn hóa và tôn giáo Châu Á cổ xưa khác. Việc ăn chay chủ yếu phổ biến trong 2 tôn giáo: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Mặc dù hiện nay một số tín đồ của các tôn giáo này không đồng ý với việc tránh ăn thịt, tuy thế theo truyền thống đó là một phần mạnh mẽ trong hoạt động tôn giáo của họ.

Ở Nhật Bản cổ đại, Hoàng đế Temmu cấm ăn thịt động vật hoang dã vào năm 675. Từ thời Nara đến giai đoạn phục hồi Minh Trị (khoảng 1.200 năm), người Nhật chủ yếu ăn gạo với đậu và rau củ. Cá cũng được phục vụ thường xuyên, nhưng món ăn của quốc gia này gần như hoàn toàn là thực vật. Người dân Nhật Bản thời kỳ này cũng có tuổi thọ rất dài, nhưng điều này bắt đầu thay đổi sau cuộc nổi dậy của Thiên hoàng Minh Trị – ông đã hủy bỏ lệnh cấm thịt từ cổ xưa vào nửa sau thế kỷ 19.

Thuyết ăn chay thời Châu Âu cổ đại 

Những tài liệu về người ăn chay đầu tiên của tác giả Herodotus, viết về những người đến từ bờ biển Bắc Phi. Sau đó, Diodorus Siculus giải thích rằng các bộ lạc ở Ethiopia cũng không ăn thịt.

Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, việc ăn chay bắt đầu xuất hiện tại Hy Lạp. Nhà triết học nổi tiếng Pythagoras đã viết về phong trào tôn giáo trong “The Orphics”, tác phẩm cũng đã góp phần thúc đẩy phản cảm đối với việc ăn thịt. Pythagoras là một trong những triết gia phương Tây đầu tiên đẩy mạnh lối sống ăn chay – những người theo ông không bắt buộc phải ăn chay, nhưng đa số là người ăn chay. 
Một nhà triết học tên là Empedocles, sống trong thế kỷ thứ 5, cũng viết những tuyên bố triệt để ủng hộ quyền động vật và việc ăn chay. Plato, Hesiod, và Ovid cho rằng không ăn thịt là điều tốt cho con người. Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ và những nhà khuyến nho cũng ủng hộ ý tưởng này. Học viện của Plato đã có một lượng lớn người theo thuyết ăn chay. Xenocrates và Polemon cũng không ăn thịt. Ngoài ra, Porphyry, Plutarch, và Plotinus đã thử ăn chay, nhưng không rõ họ theo chế độ này bao lâu.

Thuyết ăn chay trong Cơ Đốc giáo 

Người ta tin rằng các nhà thần học nổi tiếng gồmThánh Thomas Aquinas, Thánh Augustine, và Thánh Phanxicô Assisi cũng ăn chay. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng, thông tin này vẫn chưa được xác nhận. Theo một số tác phẩm, những Kitô hữu đầu tiên ưa thích ăn chay.
Thuyết ăn chay là một điều bình thường trong thời đầu Cơ Đốc giáo chính thống Hy Lạp. Ở Nga, Hy Lạp, Serbia, Síp (Cyprus) và các quốc gia chính thống khác, những người thuộc nhà thờ đã theo một chế độ ăn uống không thịt và không rượu.

Sự tái sinh của ăn chay 

Thuyết ăn chay phần lớn biến mất ở châu Âu từ giữa thế kỷ thứ 4 và 6. Tuy nhiên vẫn được thực hiện trong vài nội quy của tín đồ Cơ Đốc giáo thời đầu từ các thầy tu trong thời Trung Cổ châu Âu, họ bị cấm ăn thịt nhưng vẫn được cá vì lý do tôn giáo. Chế độ không ăn thịt trở nên phổ biến một thời gian trong thời Phục Hưng và hiện nay đang được tái sinh một lần nữa.