Saturday, December 31, 2016

Tin Vui Ăn Chay: Người Úc tìm từ “ăn chay” trên Google nhiều nhất thế giới

Vegan food
Photo by Heather Poire
Người Úc tìm từ “ăn chay” trên Google nhiều nhất thế giới
Lê Tâm


(SBS) - Theo danh sách những xu hướng mới trên Google, nước Úc vượt qua New Zealand và Canada để đứng đầu danh sách các quốc gia tìm từ “ăn chay” (vegan) nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, cư dân Hobart tại tiểu bang Tasmania tìm từ này nhiều nhất, xếp sau đó là người Newcastle, Gold Coast, Sunshine Coast và dân thủ đô Canberra.


Tại sao mọi tình cảm lại dần chuyển sang cho việc không ăn mặn và không sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc động vật nữa? 


Người Úc thích ăn chay bao lâu rồi? Hay xu hướng ăn chay vẫn luôn hiện hữu trong văn hóa Úc? 

 
Nếu nói món nướng BBQ là truyền thống trong lối sống Úc thì người Úc cũng thích ăn thịt lắm chứ. Vậy nên khi tin cho hay người Úc đứng đầu danh sách Google về tìm kiếm từ “ăn chay”, có lẽ nhiều người sẽ thật kinh ngạc.
Theo danh sách những xu hướng mới trên Google, nước Úc vượt qua New Zealand và Canada để đứng đầu danh sách các quốc gia tìm từ “ăn chay” (vegan) nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, cư dân Hobart tại tiểu bang Tasmania tìm từ này nhiều nhất, xếp sau đó là người Newcastle, Gold Coast, Sunshine Coast và dân thủ đô Canberra.
Bà Karen Bevis, một thành viên tích cực của cộng đồng ăn chay Tasmania, cũng là điều hợp viên của tổ chức Vegetarian Tasmania, đã nhìn thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng này.
Bà kể: “Hồi mới quay lại Tasmania sống năm 2004, ở đây chỉ có vài người ăn chay. Tôi đã vận động thật tích cực, lập ra các bàn cung cấp thông tin tại nhiều sự kiện địa phương, cũng như đứng ra tổ chức những sự kiện về giáo dục trong nhiều năm. Cộng đồng Tasmania không lớn, và sống rất gần gũi. Vì vậy các thành viên có cơ hội chia sẻ thông điệp đến được nhiều người hơn. Cộng đồng Facebook Vegan Tasmania thật sự phát triển rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút hơn 800 hội viên”.
Bà Bevis cho hay có được sự phát triển này, ngoài cuộc vận động của cộng đồng những người ăn chay, còn là nhờ những nhà hàng và doanh nghiệp cuối cùng đã chú ý phục vụ cho những người ăn chay: “Tại Hobart có một tiệm bán cà phê tuy không dành riêng cho người ăn chay, nhưng mỗi ngày đều có thêm nhiều loại bánh chay để phục vụ nhu cầu khách hàng. Một tiệm pizza cũng mở ra sáu món pizza chay khác nhau để phục vụ trực tiếp cho thị trường. Đó là chưa kể trường dạy nấu ăn chay Otis Beanery, được thành lập và hoạt động ngay trong thành phố Hobart… Điều này cho thấy nhu cầu ăn chay ngày càng phổ biến và phong cách sống này ngày càng được nhiều người ưa thích.” 
Bà Suzy Spoon là người khai sinh Tổ chức Người bán thịt có đạo đức (Suzy Spoon's Vegan Butcher), trụ sở đặt tại Newtown, Sydney. Bà cho hay không ngạc nhiên chút nào trước vị trí dẫn đầu thế giới của nước Úc trên Google về xu hướng này: “Tôi nghĩ sở thích ăn chay và phong cách sống thanh tịnh đang phát triển rất nhanh ở quốc gia này. Tôi tin rằng nguyên nhân đến từ Internet. Tôi đã 45 tuổi nên không thường xuyên lên Internet, nhưng thanh niên thì khác. Họ không phải băn khoăn lâu dài về nguyên nhân của một vấn đề là gì, vì đã có mạng Internet trả lời những thắc mắc đó ngay lập tức. Người ta luôn thích tìm hiểu thức ăn mà mình đang ăn đến từ đâu và bằng cách nào. Họ google điều này, và nhận ra hệ thống các công ty cung cấp thực phẩm cũng như trang trại chăn nuôi chẳng phải là một bức tranh đẹp đẽ gì. Tôi nghĩ đây chính là một cú hích thật mạnh khiến người ta chuyển qua ăn chay, cũng như khiến cho bản đồ về người ăn chay thay đổi thật nhanh.”
Tại Nam Úc, sở thích ăn chay cũng phát triển nhanh không kém. Cherry Darlings Bakehouse là một tiệm bánh dành cho người ăn chay, mở cửa từ tháng 6 / 2014. Từ đó đến nay, chủ nhân Tim Salmon đã chứng kiến rất nhiều lứa tuổi và loại người đến ăn tại tiệm của mình. “Khách hàng thuộc rất nhiều nhóm khác nhau. Chúng tôi cũng có những thợ làm bánh từng không biết ăn chay là gì, nhiều khách hàng và đối tác cũng vậy. Quả thật đây là cộng đồng phát triển nhanh chóng và đa dạng nhất mà tôi từng thấy.” Anh giải thích: “Đây là một xu hướng chủ đạo, sau giai đoạn hippie. Ngày càng có nhiều ngôi sao ăn chay, ngày càng nhiều các bộ phim tài liệu trình bày hậu quả của kỹ nghệ chăn nuôi. Cũng như bây giờ người ta lên mạng rất nhiều, họ biết nhiều thứ hơn và thôi thúc muốn thay đổi cuộc sống.” 
Tuy nhiên anh Salmon cũng cảm thấy bản thân phong trào ăn chay còn đi xa hơn thế: “Tôi nghĩ phong trào này đã đi đến một mức cao hơn, đó là lựa chọn khẩu vị và chất lượng. Ngày càng nhiều người quan tâm đến thực phẩm sạch, khiến số lượng các doanh nghiệp về thực phẩm sạch và nguồn gốc thực phẩm có đạo đức có mặt ngày càng nhiều.  Thứ hai là mọi người cũng chú ý hơn đến việc bảo vệ môi trường khi ăn chay, họ nhận ra rằng mình vẫn có thể ăn ngon, mà đồng thời vẫn có thể làm một việc gì đó có ích cho trái đất.”
Trong khi đó tổ chức PETA Australia cho hay dữ liệu mà Google đưa ra là một chiến thắng dành cho những người bạn bốn chân trên khắp thế giới. Cô Claire Fryer điều hợp viên của tổ chức cho hay: “Thật tuyệt vời khi nước Úc dẫn đầu trào lưu sống chay tịnh này. Dù nguyên nhân là vì bảo vệ động vật, vì sức khỏe cá nhân hay vì sức khỏe của trái đất, thì chuyển sang ăn chay là một sự lựa chọn gây ảnh hưởng nhiều nhất và tích cực nhất mà cộng đồng có thể thực hiện.
Tuy nhiên ai mà biết được – có khi người Úc cũng chỉ tò mò muốn tìm hiểu về chuyện này trên mạng mà thôi, hoặc cũng có thể chúng ta đang chạy theo trào lưu  Meat Free Mondays, hoặc có lẽ thực sự việc ăn chay đang trên đà phát triển.


Sunday, December 25, 2016

Truyền Thống Ăn Chay: Chế độ ăn chay đã có từ thời Hy Lạp cổ đại


Translated article based on "Unearthing the ancient roots of vegetarianism" by Natalia Klimczak (Ancient-Origins.net)

Bạn có biết chế độ ăn chay đã có từ thời Hy Lạp cổ đại
Tân Dân, theo Ancient Origins 

(Thời Báo Today) - Chế độ ăn chay đã trở nên rất phổ biến trên thế giới trong những thập kỷ qua. Thế nhưng bạn có biết lối sống dựa trên sự tôn trọng cuộc sống của động vật và trách nhiệm đối với hành tinh này có nguồn gốc từ nền văn minh thung lũng sông Ấn và Hy Lạp cổ đại.

Người ta biết đến ăn chay từ thời cổ đại. Mặc dù người cổ đại đôi khi được miêu tả với vô số thịt trên bàn ăn, nhưng hình ảnh này có thể mang tính nghệ thuật nhiều hơn so với thực tế. Trên thực tế, nhân loại nói chung dường như chỉ ăn nhiều thịt trong 1.000 năm trở lại đây. Trước đó, việc tiêu thụ thịt không phổ biến. Một phần có thể là do các vấn đề liên quan đến săn bắn. Ví dụ, ở các nước sa mạc như Ai Cập vô cùng khó khăn để sản xuất đủ thịt cho toàn dân. Nhiều người cổ đại cũng có thế giới quan khác nhau – phần lớn đã bị các thế hệ sau lãng quên.

Tôn trọng động vật ở Châu Á cổ đại 

Chúng ta đã biết rằng người tiền sử hiến tế động vật trong các lễ nghi. Việc phát hiện ra xương động vật cũng cho thấy rằng họ không phải là người ăn chay. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian nhiều người bắt đầu tránh ăn thịt và thích thực vật hơn. Theo nhiều tài liệu cổ, nguyên nhân đầu tiên cho sự thay đổi này là do họ có nhận thức khác về cuộc sống và thế giới động vật.

Bằng chứng cho thấy những người sáng lập chế độ ăn KHÔNG THỊT sống ở Châu Á, đặc biệt là trong các nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Một trong những người ủng hộ quan trọng bậc nhất việc ăn chay trong Phật giáo là hoàng đế Ashoka (304-232 trước Công nguyên), ông đã cố khuyến khích mọi người chăm sóc động vật.

Chủ ý của vua Ashoka là để ngăn chặn việc hiến tế động vật và dạy mọi người hãy tôn trọng động vật. Trong chỉ dụ của mình, ông đã viết:

“ Đấng Thần linh kính yêu, Vua Piyadasi, đã truyền xuống chỉ dụ này của giáo pháp được viết ra. Tại đây (trong lãnh thổ của ta) không có chúng sanh bị giết thịt hoặc cúng tế. Cũng không tổ chức các lễ hội, vì Đấng Thần linh kính yêu, vua Piyadasi, phản đối các lễ hội như vậy, mặc dù một số lễ hội dành cho Đấng Thần linh kính yêu, vua Piyadasi, được chấp nhận”. 

Chế độ ăn chay xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn hóa và tôn giáo Châu Á cổ xưa khác. Việc ăn chay chủ yếu phổ biến trong 2 tôn giáo: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Mặc dù hiện nay một số tín đồ của các tôn giáo này không đồng ý với việc tránh ăn thịt, tuy thế theo truyền thống đó là một phần mạnh mẽ trong hoạt động tôn giáo của họ.

Ở Nhật Bản cổ đại, Hoàng đế Temmu cấm ăn thịt động vật hoang dã vào năm 675. Từ thời Nara đến giai đoạn phục hồi Minh Trị (khoảng 1.200 năm), người Nhật chủ yếu ăn gạo với đậu và rau củ. Cá cũng được phục vụ thường xuyên, nhưng món ăn của quốc gia này gần như hoàn toàn là thực vật. Người dân Nhật Bản thời kỳ này cũng có tuổi thọ rất dài, nhưng điều này bắt đầu thay đổi sau cuộc nổi dậy của Thiên hoàng Minh Trị – ông đã hủy bỏ lệnh cấm thịt từ cổ xưa vào nửa sau thế kỷ 19.

Thuyết ăn chay thời Châu Âu cổ đại 

Những tài liệu về người ăn chay đầu tiên của tác giả Herodotus, viết về những người đến từ bờ biển Bắc Phi. Sau đó, Diodorus Siculus giải thích rằng các bộ lạc ở Ethiopia cũng không ăn thịt.

Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, việc ăn chay bắt đầu xuất hiện tại Hy Lạp. Nhà triết học nổi tiếng Pythagoras đã viết về phong trào tôn giáo trong “The Orphics”, tác phẩm cũng đã góp phần thúc đẩy phản cảm đối với việc ăn thịt. Pythagoras là một trong những triết gia phương Tây đầu tiên đẩy mạnh lối sống ăn chay – những người theo ông không bắt buộc phải ăn chay, nhưng đa số là người ăn chay. 
Một nhà triết học tên là Empedocles, sống trong thế kỷ thứ 5, cũng viết những tuyên bố triệt để ủng hộ quyền động vật và việc ăn chay. Plato, Hesiod, và Ovid cho rằng không ăn thịt là điều tốt cho con người. Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ và những nhà khuyến nho cũng ủng hộ ý tưởng này. Học viện của Plato đã có một lượng lớn người theo thuyết ăn chay. Xenocrates và Polemon cũng không ăn thịt. Ngoài ra, Porphyry, Plutarch, và Plotinus đã thử ăn chay, nhưng không rõ họ theo chế độ này bao lâu.

Thuyết ăn chay trong Cơ Đốc giáo 

Người ta tin rằng các nhà thần học nổi tiếng gồmThánh Thomas Aquinas, Thánh Augustine, và Thánh Phanxicô Assisi cũng ăn chay. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng, thông tin này vẫn chưa được xác nhận. Theo một số tác phẩm, những Kitô hữu đầu tiên ưa thích ăn chay.
Thuyết ăn chay là một điều bình thường trong thời đầu Cơ Đốc giáo chính thống Hy Lạp. Ở Nga, Hy Lạp, Serbia, Síp (Cyprus) và các quốc gia chính thống khác, những người thuộc nhà thờ đã theo một chế độ ăn uống không thịt và không rượu.

Sự tái sinh của ăn chay 

Thuyết ăn chay phần lớn biến mất ở châu Âu từ giữa thế kỷ thứ 4 và 6. Tuy nhiên vẫn được thực hiện trong vài nội quy của tín đồ Cơ Đốc giáo thời đầu từ các thầy tu trong thời Trung Cổ châu Âu, họ bị cấm ăn thịt nhưng vẫn được cá vì lý do tôn giáo. Chế độ không ăn thịt trở nên phổ biến một thời gian trong thời Phục Hưng và hiện nay đang được tái sinh một lần nữa.


Monday, December 19, 2016

Giúp Nhau Khi Cần: Những bếp ăn từ thiện trĩu nặng nghĩa tình (tỉnh Tiền Giang)

Những bếp ăn từ thiện trĩu nặng nghĩa tình
Nhật Trường/VOV - ĐBSCL

(VOV.VN) - Nhiều đơn vị, cá nhân ở tỉnh Tiền Giang đã tổ chức và duy trì bếp ăn từ thiện để giúp bệnh nhân nghèo, hộ khó khăn, trẻ em lang thang có bữa cơm no.

Để giúp bệnh nhân nghèo, hộ khó khăn, trẻ em lang thang có bữa cơm no, thời gian gần đây nhiều đơn vị, cá nhân ở tỉnh Tiền Giang đã tổ chức và duy trì bếp ăn từ thiện, quán ăn giá bình dân, thể hiện tinh thần nhân ái sâu sắc.

Vào lúc 10h30 mỗi ngày, chùa Tịnh Nghiêm, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho luôn mở cửa để đón “thực khách” từ các nơi đến ăn cơm trưa. Đây là bếp ăn phục vụ miễn phí với các món ăn chay khá ngon miệng. Dù phục vụ miễn phí, nhưng các nhân viên tại bếp ăn luôn vui vẻ, nhiệt tình.

Ông Nguyễn Văn Hai, người sống bằng nghề bán vé số đến ăn cơm ở đây chia sẻ: "Tôi ở phường 3, đã đến đây ăn cơm 2 năm. Cơm rất ngon, ngày nào tôi cũng ăn. Nhờ những bữa cơm từ thiện đã giúp người nghèo có bữa ăn trưa, tôi thành thật biết ơn".

Ni sư Tịnh Nghiêm, trụ trì chùa Tịnh Nghiêm cho biết, mỗi ngày có đến hơn 100 người đến dùng cơm trưa. Nguồn kinh phí chùa vận động các Phật tử, nhà hảo tâm xa gần đóng góp.

Khoảng 5 năm qua, gia đình ông Trần Văn Tôn, ở khu phố 4, phường 9, thành phố Mỹ Tho cũng duy trì bữa cơm, bún hay chế biến bánh xèo tại tư gia để phục vụ miễn phí cho bà con vào các ngày 14, rằm, mồng 1, mồng 2 (âm lịch). Ngoài ra, gia đình ông Tôn còn duy trì 4.500 suất cơm để cấp miễn phí cho các bệnh viện, chợ tại Thành phố Mỹ Tho.

Tại bệnh viện Y học cổ truyền và bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang đều duy trì bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh. Bếp ăn này do Hội Từ thiện thành phố Mỹ Tho tổ chức và duy trì hơn 10 năm qua. Mỗi ngày, bếp ăn cung cấp đều đặn 300 phần cháo và 600 phần cơm. Do đó, các bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn giảm được chi phí trong quá trình điều trị.

Về hoạt động nghĩa tình này, bà Trần thị Việt Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố Mỹ Tho nói: "Mình duy trì bếp ăn từ thiện vì thực tế Hội thấy có nhiều bệnh nhân nghèo, người nhà cũng nghèo không có tiền mua thuốc, mua thức ăn. Thứ hai là bệnh lâu dài, bệnh nặng, tiền eo hẹp. Do đó, Hội vẫn tiếp tục duy trì để hỗ trợ phần nào cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, để tiền bạc lo cho điều trị".

Gần đây, những người nghèo, người mua bán “lưu động” ở Thị xã Cai Lậy có được bữa cơm trưa ngon miệng nhưng chỉ mất 5.000 đồng của gia đình ông Phùng Thanh Lâm, ngụ ở xã Tân Bình tổ chức. Mỗi ngày, có hơn 200 người nghèo khó đến đây ăn cơm. Các trường hợp quá khó khăn thì được miễn phí. Ông Lâm cho biết, nếu phục vụ hoàn toàn miễn phí, nhiều người e ngại sẽ không đến ăn nên chỉ lấy 5.000 đồng tượng trưng để bù vào chi phí mua nguyên liệu. Hiện quán cơm 5.000 có 4 nhân viên phục vụ khách ân cần, lịch sự.

Ông Phùng Thanh Lâm trải lòng: "Bếp ăn của mình chủ yếu giúp bà con bán vé số, ve chai… có bữa ăn trưa ngon miệng. Mình giúp bà con thấy vui, dù có thể lỗ, nhưng mình sẽ cố gắng duy trì giúp bà con".

Còn rất nhiều bếp ăn từ thiện ở các địa phương trong tỉnh Tiền Giang duy trì thường xuyên, được xã hội ghi nhận. Các tổ chức, cá nhân này đã không chỉ mang lại những bát cơm, bát cháo nặng trĩu nghĩa tình mà còn tạo niềm tin giúp người nghèo, người khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống.



Sunday, December 18, 2016

Bạn Thú Mến Yêu: 13 món không nên cho cún ăn

Photo by Petra
13 món không nên cho cún ăn
Xuân Thy / Việt Nam Ăn Chay (Theo PETA)

(VNAC) - Vào các dịp lễ lộc cuối năm cũng như đón mừng năm mới, chúng ta thường có những buổi ăn uống họp mặt chung vui với gia đình và bè bạn. Tuy thế, bạn có biết những món rất quen thuộc cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cún yêu? Hội bảo vệ động vật PETA góp lời nhắc nhở như sau:

1. Rượu: Rượu hại gan và não của cún giống như loài người chúng ta vậy, nhưng đối với cún, không cần số lượng rượu lớn để gây khó thở, run rẩy, hôn mê, hoặc ngay cả cái chết. Nếu trong bánh hoặc thức ăn nào có rượu, bạn hãy cẩn thận nhé!

2. Caffeine: Caffeine có trong trà, cà-phê, sô-cô-la. Các món tráng miệng nào có các nguyên liệu trên đều có thể gây tử vong cho cún!

3. Kẹo: Chất xylitol trong kẹo sẽ làm cho cún bị suy thận. Tốt hơn hết là đừng cho cún yêu ăn kẹo bánh.

4. Sô-cô-la: Ngoài caffeine, sô-cô-la còn có chất theobromine là một chất rất độc cho cún, nếu ăn vào có thể  động kinh và chết.

5. Các sản phẩm từ sữa động vật: Sữa, kem, bơ, phô-mai từ động vật không tốt cho cún, có thể gây tiêu chảy và dị ứng.

6. Thức uống pha trứng sữa (eggnog): Món này nhiều đường, sữa, trứng sống và rượu - toàn là các chất độc cho cún.

7. Hành, tỏi, hẹ: Dù dưới dạng nào - sống, nấu chín, hoặc xay thành bột - các nguyên liệu này đều có thể làm tổn thương tế bào máu của cún và gây bệnh thiếu máu.

8. Thịt heo: Thịt heo có thể khiến cún bị viêm tuyến tụy, gây tử vong.

9. Nhục đậu khấu (nutmeg): Nếu ăn nhiều, gia vị này rất độc cho cún, có thể gây ảo tưởng, đau bao tử, ngay cả động kinh.

10. Hạt (nuts): Hạt có lượng chất béo cao, có thể khiến cún chột bụng hoặc các bệnh nghiêm trọng khác. Đặc biệt là hạt mác-ca (macadamia), ngay cả một số lượng rất ít cũng có thể làm cho cún nhà mình nôn ói, run rẩy, tê liệt, tim đập nhanh, và các biến chứng khác.

11. Nho và nho khô: Ngay cả một ít cũng có thể làm cho cún bị suy thận.

12. Muối, đường: Cún ăn nhiều muối sẽ bị khát nước bất thường, tiểu nhiều hơn bình thường, hoặc các biến chứng khác. Nếu cún có vấn đề tim mạch hoặc yếu thận, muối là món gây hại. Riêng đường thì lại làm sâu răng, béo phì, thậm chí tiểu đường. Nhất là nên tránh đường nếu cún đang bị thấp khớp.

13. Xương gà: Xương gà có thể làm thủng ruột cún, đôi khi phải cần đi giải phẫu.

Thế thì những món chay nào cún ăn được trong mùa lễ này đây? Khoai lang luộc, khoai tây luộc, bí rợ xay nhuyễn, dưa leo, cà-rốt (sống hoặc nấu chín), rau cải xanh hấp chín, chuối, táo, nam việt quất (cranberry) không ngọt - đều là những thức ăn nhiều dinh dưỡng, không những cho mùa lễ mà cho mỗi ngày nữa.

Cún thật trung thành và dễ thương, mang niềm vui đến cho gia đình. Hãy thương yêu bảo vệ thành viên này của gia đình bằng cách cẩn thận trong việc ăn uống của cún, bạn nhé.

http://www.vietnamanchay.com/2016/12/ban-thu-men-yeu-13-mon-khong-nen-cho.html

Friday, December 16, 2016

Tin Vui Ăn Chay: Trường Cao đẳng Văn Lang đào tạo nấu ăn các món chay

TRƯỜNG ĐÀO TẠO NẤU ĂN CÁC MÓN ĂN CHAY
Trường Cao đẳng nghề nấu ăn khai giảng khóa dạy nấu ăn chay tại Hà Nội - Tp.HCM - Đà Nẵng và các tỉnh nếu đủ số lượng. Lớp học được khai giảng liên tục.

Trường Cao đẳng Văn Lang Hà Nội bổ sung thêm chương trình đào tạo nấu ăn các món ăn chay để cho các học viên yêu thích khóa học tham gia.

HỌC NẤU ĂN VỚI CÁC MÓN ĂN CHAY - TẠI TRƯỜNG CD VĂN LANG HÀ NỘI

Ngày nay, ăn chay đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Ăn chay không đơn thuần phục vụ vấn đề tâm linh mà thực tế khoa học đã chứng minh, ăn chay thực sự tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên để xây dựng được thói quen ăn chay vốn được mặc định quá thanh đạm và đơn điệu vì chỉ được chế biến từ nguyên liệu thực vật không phải dễ đối với mọi người.

Vấn đề đòi hỏi người đầu bếp cần được đào tạo khóa học nấu ăn các món chay một cách bài bản để chế biến được các món ăn chay phong phú, bắt mắt, hương vị hấp dẫn thực khách.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đông đảo của học viên (có thể đang là đầu bếp hoặc là người nội trợ trong gia đình), muốn học các phương pháp chế biến món ăn chay mới lạ, hấp dẫn, phong phú, Trường Cao đẳng Văn Lang Hà Nội liên tục tổ chức các khóa học nấu ăn với các món ăn chay từ cơ bản đến chuyên sâu với nội dung cụ thể như sau:

Thông tin về khóa học nấu ăn các món chay:

- Thời lượng: 15 buổi
- Học phí: 2.800.000 đ/ học viên/ khóa

Nội dung đào tạo nấu ăn các món ăn chay:

Buổi 1:
Tổng quan chế biến món ăn
Lựa chọn, bảo quản thực phẩm
Trang trí, trình bày món ăn
Cách làm nước chấm chay
Buổi 2:
Cải thìa sốt nấm
Bí đỏ hầm ngũ quả
Bún chay
Buổi 3:
Bún xào chay
Chả bắp
Dừa kho nấm
Buồi 4:
Đậu đỏ kho tương
Miến trộn lươn chay
Chuối đậu om chay
Buổi 5:
Ruốc nấm
Xôi chè
Đậu rim ngũ vị
Buổi 6:
Giò chay
Cháo gạo lứt
Chè trôi nước ngũ sắc 
Bánh nếp chay

hoc nau an voi cac mon an chay

Buổi 7:
Đậu phụ om nấm
Nấm bào ngư chiên giòn
Mực chay chiên xù
Buổi 8:
Hủ tiếu chay xào me
Củ sen xào chay
Lẩu chay
Buổi 9:
Nấm rơm xào đậu phụ
Nem rong biển
Gà chay
Buổi 10:
Miến xào chay
Sushi chay
Đậu sốt bí ngòi
Buổi 11:
Đậu cay sốt nấm đông cô
Gỏi chay rong biển
Canh nấm đậu phụ
Mỳ Quảng
Buổi 12:
Đậu phụ xào kim chi
Cải ngồng xào đậu đen
Chả chay sốt cam
Buổi 13: 
Cháo vừng đen
Phở chay
Bánh bao chay

san pham thuc hanh lop hoc nau an

Buổi 14:
Phù trúc cuộn rau chiên giòn
Nem nấm
Gà chay kho
Buổi 15:
Xôi lá dứa ngũ vị
Bánh ướt cuốn
Thịt quay chay

*** Lưu ý: Các món ăn và buổi học có thể thay đổi theo nhu cầu của học viên***


Thủ tục đăng ký học nấu ăn các món chay:

- Phiếu đăng ký học theo mẫu của trường
- 01 CMT photo
- 03 ảnh 4x6


Quyền lợi của học viên tham gia học nấu ăn các món ăn chay:

- Lịch học linh hoạt, khai giảng liên tục, học viên dễ dàng lựa chọn được ca học phù hợp với điều kiện cá nhân
- Giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, lành nghề
- Sau khóa học được giới thiệu việc làm tại các nhà hàng, khách sạn chuyên món chay nổi tiếng

Địa điểm đăng ký:

Phòng 301 - Nhà B - Trong trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5, Lê Đức Thọ, Hà Nội (đối diện công an Quận Nam Từ Liêm )
Tel: 04 6674 1892 - 0979 86 86 23 (cô Quý)
Yahoo/chat: xuanquycongnghehanoi
Email: phuongquykq@gmail.com
Website: daotaodaihan.com
HOẶC GHI DANH TRỰC TUYẾN TRƯỚC KHI ĐẾN 

ĐỊA ĐIỂM KHAI GIẢNG KHÓA HỌC DẠY NẤU ĂN CHAY 

**** Tại Hà Nội:
Trường Cao đẳng Văn Lang Hà Nội
+ Lê Đức Thọ - Quận Nam Từ Liêm - Hà Nội
+ Hoàng Quốc Việt - Q. Cầu Giấy - Hà Nội
+ Kim Chung - Đông Anh - Hà Nội

*** Tại TP.HCM:
+ Phường 25 - Quận Bình Thạnh - TP.HCM
+ Nguyễn Ngọc Lộc - Q.10 - TP. HCM

⇒ Tại các tỉnh trên toàn quốc nếu học viên hoặc cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về dạy nấu ăn chay chiêu sinh đủ số lượng và kinh phí đào tạo đáp ứng đủ, nhà trường sẽ mời chuyên gia và cử cán bộ của trường về trực tiếp dạy tại đó.


Thursday, December 15, 2016

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Đậu hủ kho tương - Thanh Hà (Braised tofu in bean sauce)

Nhớ hoài đậu hũ kho tương
Bài và ảnh: Thanh Hà

(NLĐO) - 
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước và đó cũng là nơi được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cá tôm. Tuy thức ăn khá phong phú nhưng mỗi tháng 2 lần, má đều cho chúng tôi ăn chay vì theo má, chỉ có ăn chay mới giúp người nhẹ nhàng, thanh tịnh. Những món ăn chay má nấu rất đơn giản khi thì mì căn xào sả ớt, lúc thì đậu hũ chiên, luộc hoặc kho tiêu cùng nấm rơm…
Hồi đó, nhà tôi lúc nào cũng có hũ tương hột bởi đó là món ăn để chữa cháy trong những ngày mưa gió. Có hũ tương trong nhà, má có thể chế biến thành nhiều món... Và cái món đậu hũ kho tương cũng luôn có trong thực đơn của má vào những ngày rằm hay đầu tháng.
Thực ra, đậu hũ kho tương làm rất đơn giản. Chỉ cần vài miếng đậu hũ trắng được má cắt ra thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn. Má tôi không chiên đậu lên như mọi người vẫn làm mà giữ nguyên phần đậu trắng bởi má nói, đậu trắng khi kho cùng tương mới cảm nhận được vị béo, bùi, mềm của đậu… Hồi đó, tôi lại thích ăn chả lụa chay nên khi kho đậu hũ má cũng ưu tiên cho tôi thêm mấy khoanh chả. Đậu, chả chay sau khi cắt ra, má nhẹ nhàng cho vào chảo, trút tương hột vào, nêm thêm ít đường, bột ngọt và bắc chảo lên bếp. Trong lúc kho, má cho thêm ít nước, nhẹ nhàng trở miếng đậu hũ cho thấm đều. Đậu kho trên lửa nhỏ cho đến khi miếng đậu chuyển sang màu cánh gián, nước tương sền sệt lại là món ăn đã hoàn tất.


Nguyên liệu cho món đậu hũ kho tương

Mộc mạc đậu hũ kho tương

Kho đậu hũ với lửa nhỏ cho đến khi nước sền sệt lại

Đậu hũ kho tương

Nhớ hoài đậu hũ kho tương
Để ăn kèm với đậu hũ kho tương, má tôi cũng chuẩn bị rổ rau cải trời xanh non mơn mởn. Gắp từng cọng rau chấm kèm với nước tương kho mới cảm nhận được vị nồng nồng, thơm thơm của rau lẫn miếng đậu hũ beo béo, mềm mại. Còn mấy miếng chả lụa chay lại dai dai mới ngon làm sao.
Ngày đó, cả nhà chúng tôi quây quần bên mâm cơm cùng với món đậu hũ kho tương mà ai cũng ăn ngon lành. Tôi thích nhất là khi nồi cơm sắp hết, chỉ còn lớp cháy dưới đáy nồi. Má vét mớ cơm cháy ấy, vắt lại thành miếng, đưa cho tôi chấm kèm cùng nước tương kho. Miếng cơm cháy giòn giòn, hòa cùng vị tương ngòn ngọt mà khi ăn vào tôi không thể nào quên.
Lớn lên, sống xa gia đình nhưng tôi vẫn cố gắng ăn chay 2 lần trong tháng. Tuy nhiên, ở phố thị, kiếm mớ cải trời để ăn kèm tương kho sao mà khó quá. Với lại, cơm bây giờ được nấu bằng nồi điện nên cũng không có miếng cơm cháy xém vàng như trước đây má vẫn nấu bằng than củi. Có lẽ, vì vậy mà mỗi lần về quê, tôi lại lọ mọ lấy cái nồi gang, vo gạo và bắc lên bếp củi. Trong buổi chiều, khói bếp bay lên quyện cùng với mùi cơm chín thơm ngon khiến tôi như thấy lại tuổi thơ của mình mà nơi đó có cả tình thương của má dành cho chúng tôi trong từng bữa ăn dù rất mộc mạc.