Sunday, June 12, 2016

Vì Sao Ăn Chay: Trụ trì chùa Lá ở Sài Gòn chia sẻ thực đơn giúp khỏe mạnh, tâm tính an lành

Trụ trì chùa Lá ở Sài Gòn chia sẻ thực đơn giúp khỏe mạnh, tâm tính an lành
Thảo Dương

(PNO) - Đã ở tuổi lục tuần nhưng Thượng tọa Thích Truyền Tứ vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Theo thầy, đó là do việc ăn chay, vốn là phương pháp tu hành của Phật tử.

Theo thầy, việc ăn uống tại chùa Lá [Chùa Huyền Trang, Nhà Bè] khá đơn giản, chỉ gồm những món chay thường nhật nhưng vẫn đảm bảo có đủ các chất xơ, đường, bột và đạm. 

Chia sẻ về thực đơn của ngôi chùa lâu năm này, thầy Thích Truyền Tứ cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, tất cả tăng ni cũng như Phật tử đến chùa đều ăn uống rất đơn giản, không hề cầu kì. Các món ăn chay chủ yếu là rau củ ngoài chợ, cũng có khi thầy xin được gì ăn nấy. Ăn chay hay mặn thì cũng ở tâm mình là chính, tâm tịnh thì dù cơm rau gì vẫn sẽ thấy bữa ăn ngon”. 

Cũng theo thầy Thích Truyền Tứ, dù ăn chay nhưng các thầy luôn đảm bảo được sức khỏe nhất định, trước giờ chưa ai trong chùa Lá phải nhờ đến bác sĩ. Chia sẻ thêm về lí lẽ ăn chay của mình, thầy Thích Truyền Tứ cho biết: “Ăn chay không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tôi đi qua những nơi có nhiều người ăn chay trường trên thế giới thì thấy ở những nơi đó hầu như động vật sống rất thân thiện với con người. Những đàn hồng hạc bay tà tà trên hồ mà không hề sợ hãi con người khi đến gần. Ngay cả những động vật hung dữ cũng rất thân thiện. Ăn chay ảnh hưởng rất lớn đến môi sinh”.

Vị trụ trì ngôi chùa độc đáo này cho biết thêm, trong suốt hành trình ở cửa Phật, đã có rất nhiều người thắc mắc với thầy về thức ăn chay và chế độ dinh dưỡng. “Đã nhiều người hỏi thầy là làm sao để đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ em chỉ với thức ăn chay? Thầy đã hỏi lại, tại sao những người ăn chay trường, tức ăn chay từ nhỏ đến lớn mà không bị loãng xương? Tại sao những người tu hành lại rất ít khi đến bệnh viện ? Ngay như thầy đây, suốt sáu mươi năm qua chưa từng bị bệnh tật gì cả. Đó là bởi con người vốn cần phải đảm bảo đủ bốn chất: xơ, bột, đường và đạm. Thức ăn chay sẽ đảm bảo bốn chất đó từ các loại rau củ, quả và hạt…”.

Theo thầy Thích Truyền Tứ, những người ăn mặn, do nạp quá nhiều chất đạm nên sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa. Có rất nhiều trường hợp sau khi siêu âm thấy đường ruột của những người ăn mặn, nhất là hay ăn nhậu, rượu bia thì nhấp nhô, còn ruột của người ăn chay thì láng mịn. Thực chất là do thành ruột của những người sống chung với “văn hóa nhậu” bị vi khuẩn cũng như cặn chất đạm bám vào, lâu dần sẽ sinh bệnh. 

Thầy Thích Truyền Tứ cũng kể thêm về câu chuyện xung quanh việc ăn chay ảnh hưởng đến tâm tính. Đó là vào khoảng đầu năm, một Phật tử có gửi thầy một con chó, thuộc giống hung dữ, vì thường xuyên cắn quấy phá làng xóm nên người này đã không thể nuôi nổi nữa. Thầy Truyền Tứ nhận con chó hung dữ về cột trong sân chùa. “Ngày đầu tiên khi đưa cơm, nó không chịu ăn. Ngày thứ hai và thứ ba, nó vẫn không chịu ăn. Nhưng đến ngày thứ tư, do đói quá, nó buộc phải ăn từ từ, dần rồi nó ăn cũng quen. Vậy là chỉ sau hai tháng, từ một con chó hung dữ, hay cắn càn, sủa bậy mà nó bỗng đổi tính, hiền lành hẳn, không còn cắn phá gì nữa. Sáng nào nghe thầy tụng kinh là nó lại chạy lại ngồi gần. Đức Phật từng nói chúng sinh đều có tính thiện là vậy…”.

Vốn là một Phật tử hay lui tới chùa Lá, chị Nguyễn Thị Như, 36 tuổi, ngụ huyện Nhà bè, chia sẻ: “Hàng tháng, tôi đều đến chùa ăn chay, niệm Phật, cũng coi như để tâm tĩnh lặng lại. Những bữa cơm chay dù đạm bạc nhưng rồi lâu dần tôi và các Phật tử khác đã ăn như một thói quen, rồi dần dần thay vì chỉ ăn vào những ngày rằm, mùng một, nay tôi chuyển sang ăn chay trường, thế mà từ ngày bỏ ăn mặn, tôi lại thấy sức khỏe khá hơn, chẳng còn đau nhức. Hơn nữa, vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại chùa còn có một vị cao tăng bấm huyệt trị bệnh cho chúng sinh. Đó cũng chính là một trong số những lí do khiến chúng tôi gắn bó với chùa Lá”.