Thursday, April 28, 2016

Người Trường Chay: Diễn viên võ thuật Lý Liên Kiệt

Actor Jet Li, famous for his martial arts skills, is vegetarian. He recently celebrated his 53th birthday by visiting with Buddhist monks at a temple in Wutai Mountain (China).

Lý Liên Kiệt đón sinh nhật tuổi 53 ở chùa
Hiểu Nguyệt
(ZING.VN) - Nam diễn viên gạo cội làng võ thuật tìm đến nơi thanh tịnh để tổ chức mừng tuổi mới thay vì những buổi tiệc ồn ào, tốn kém.

Hãng tin Phượng Hoàng cho biết, ngày 26/4, Lý Liên Kiệt bí mật tổ chức tiệc sinh nhật nhỏ tại một ngôi chùa ở núi Ngũ Đài Sơn (tỉnh Sơn Tây). Ông hoàng Kung Fu chia sẻ: "13 năm trước, tôi từng tự mình đi bộ đến đây. Ngày này, sức khỏe không như xưa nhưng vẫn muốn trở lại chốn cũ".

Nam diễn viên 53 tuổi cùng các cao tăng cùng nhau ăn bánh kem luận pháp. Lý Liên Kiệt còn thắp đèn cầu nguyện.

"Mỗi lần đến đây, tôi đều cảm thấy tĩnh tâm và bình yên. Trước đây, tôi thường thích những buổi tiệc bên bạn bè. Bây giờ có tuổi tôi không còn đam mê sự xô bồ", anh nói.

Ngôi sao Kung Fu thừa nhận nhờ đọc kinh, luyện khí công và ăn chay nên sức khỏe của anh có dấu hiệu cải thiện trong thời gian gần đây.

Lý Liên Kiệt sinh năm 1963 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Khi còn nhỏ, anh khá yếu, thường bị bệnh nên được gia đình cho đi học võ để cải thiện sức khỏe. 11 tuổi, Lý Liên Kiệt đã giật giải tại các cuộc thi võ tầm quốc gia. Anh nhận giải thành tựu Vàng của Tổng hội võ thuật Trung Quốc khi mới 16 tuổi. Ở tuổi 19, Lý Liên Kiệt đã có vai diễn đầu tay và nhanh chóng trở thành sao. Năm 1998, sau bộ phim Vua sát thủ, Lý Liên Kiệt tấn công thị trường Hollywood và chinh phục thế giới với dự án Lethal Weapon 4.

Sự nghiệp Lý Liên Kiệt bị gián đoạn sau khi phát hiện mắc bệnh cường giáp trạng, dẫn đến rối loạn nhịp tim, khó khăn khi đi lại và mắt lồi. Cách đây vài năm, anh mở trường dạy về Thái cực quyền để nhằm nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.



Wednesday, April 27, 2016

Sức Khỏe Của Bạn: Những thực phẩm có tác động đến ung thư tuyến tiền liệt

Photo courtesy (CCO):
Melanie Rodders 
Almond milk for the prevention of prostate cancer

Những thực phẩm có tác động đến ung thư tuyến tiền liệt
Ngọc Lam

(TNO) - Ước tính có ½ nam giới trên 80 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt, nhưng hầu hết đều chết trước khi bệnh được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu ung thư lan ra ngoài tuyến tiền liệt, cơ hội sống sót hơn 5 năm chỉ là 1/3.

Theo Mirror, tiến sĩ Michael Greger - tác giả cuốn sách bán chạy nhất của tạp chí New York Times mang tựa đề How Not to Die (Cách để không chết) - tuyên bố chế độ ăn uống có thể có tác động đáng kể vào việc bệnh ung thư tuyến tiền liệt lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

Theo tiến sĩ Greger, tỉ lệ bệnh tật của con người hầu như luôn thay đổi theo môi trường, ngoài yếu tố gien do gia đình quyết định. Vì vậy, thực phẩm chúng ta nên tránh và nên ăn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Thực phẩm cần tránh

Trứng
So với những người không ăn trứng, nam giới ăn chưa tới một quả trứng một ngày tăng gấp đôi nguy cơ tiến triển ung thư tuyến tiền liệt, do chất choline trong trứng, theo nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ).

Nam giới thường xuyên ăn thịt gà và gà tây có 4 lần nguy cơ tiến triển ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu tin rằng gia cầm nấu chín ở nhiệt độ cao tạo ra các axit amin dị vòng gây ung thư hơn (HCAs).

Thực phẩm cần ăn nhiều hơn

Sữa hạnh nhân
Các kích thích tố được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa kích thích sự phát triển của bệnh ung thư nhạy cảm với nội tiết tố như tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu tìm thấy chúng cũng có thể thúc đẩy sự chuyển đổi của các tế bào bị đột biến thành ung thư xâm lấn. Tiến sĩ Greger khuyến cáo sữa hạnh nhân là một thay thế cho sữa bò giúp ngừa ung thư tuyến tiền liệt.

Nam việt quất
Quả nam việt quất đông lạnh hoặc nước trái cây tươi từ loại quả này có đặc tính chống ung thư, điều này đã được thử nghiệm trong ống nghiệm, mặc dù chưa được thử nghiệm lâm sàng. Thành phần chủ yếu trong quả nam việt quất là anthocyanin - loại tạo ra sắc tố màu tím và màu đỏ của quả - cũng được tìm thấy trong quả mận và hành tím.

Rau
Một nghiên cứu đã thử nghiệm các đặc tính chống ung thư của 34 loại rau trong ống nghiệm cho thấy cải Bruxen, bắp cải, bắp cải xoăn, cải xoăn, hành lá và tỏi giúp ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư đến 75%. Trong số các loại rau này, tỏi được chứng minh làm chậm sự phát triển của nhiều loại ung thư khác nhau.

Hạt lanh
Hạt lanh có chứa phytoestrogen gọi là lignan được chứng minh giúp chống lại bệnh ung thư và tăng sinh tế bào chậm.

Ngũ cốc, đậu, các loại hạt và hạt giống
Những thực phẩm này chứa phytates giúp ức chế sự tăng trưởng của hầu hết các tế bào ung thư của con người thông qua đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường miễn dịch. Chúng thúc đẩy bạch cầu, và có thể đôi khi "phục hồi" các tế bào trước đây bị ung thư.



Tuesday, April 26, 2016

Sức Khỏe Của Bạn: Thay đổi lối sống - liệu pháp hữu hiệu cho bất kỳ ai (BS. Bảo Trung)

Dr. Bảo Trung: Modifying one's lifestyle can bring about greater health.

Thay đổi lối sống - liệu pháp hữu hiệu cho bất kỳ ai
BS. Bảo Trung / Sức Khỏe & Đời Sống

Bây giờ là 5 giờ sáng, có lẽ các bạn đang ngủ say, nhưng mình đã phải thức suốt đêm để trực gác. Mình vừa cấp cứu xong một ca bị suy hô hấp cấp trên nền lao phổi đa kháng thuốc. Người bệnh đến với cơ thể gầy mòn suy kiệt, thở hước hước lên, spO2 chỉ có 60%.

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao nặng nề nhất trên thế giới. Mỗi năm, chúng ta có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và mới chỉ phát hiện được 100.000 người. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8.000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6.000 người mắc lao đa kháng thuốc (theo nguồn báo Sức Khỏe và Đời Sống).

Với những con số thống kê này, không biết bạn có giống mình, hoảng sợ và xót xa? Chúng ta đang sống trong một môi trường cực kì ô nhiễm. Và thái độ kế tiếp của chúng ta là gì khi thật sự hiểu được điều đó? Trong y văn hay nói đến "những yếu tố nguy cơ" để thúc đẩy xuất hiện và làm nặng hơn tình trạng bệnh. Những yếu tố nguy cơ ấy được chia làm hai loại: YẾU TỐ NGUY CƠ KHÔNG THAY ĐỔI ĐƯỢC (như gene, cơ địa ... ) và YẾU TỐ NGUY CƠ THAY ĐỔI ĐƯỢC (như lối sống, môi trường sống ... ).

Và phần lớn những phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh nội khoa nói chung trên thế giới đều bắt đầu và xuyên suốt cuộc đời còn lại của người bệnh là câu: THAY ĐỔI LỐI SỐNG (Lifestyle Modification).

Vậy việc chúng ta làm bây giờ có phải là THAY ĐỔI LỐI SỐNG VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG? 

Nếu như sáng nay chúng ta ra vườn, mỗi người trồng xuống đất một khóm hoa, một cây xanh thì sao nhỉ? Thì có hàng triệu hàng triệu cây xanh sẽ lớn lên, sẽ cho oxy, sẽ cho màu xanh, sẽ cho bóng mát ... Đẹp và an lành biết bao nhiêu.

Nếu như sáng nay chúng ta quyết tâm ăn chay một ngày thì sao nhỉ? Thì có hàng triệu hàng triệu con vật sẽ được sống thêm một ngày! 

Nhiều khi, chỉ cần thay đổi lối sống như thế, chế độ ăn, chế độ tập luyện thể lực ... là có thể giảm hay khỏi hẳn bệnh rồi. 

Bên cạnh việc chú ý đến dưỡng nuôi "thân", chúng ta còn phải chú ý dưỡng nuôi "tâm" nữa. Tâm không an thì thân khó mà khỏe được! Sư ông dạy rằng: Lối ra tuỳ thuộc ngõ vào nội tâm (The way out is in). Những gì chúng ta đang biểu hiện ra bên ngoài đó tùy thuộc vào những gì chúng ta dưỡng nuôi thân tâm mỗi ngày. Vậy thì nhìn lại xem hôm nay chúng ta sẽ sống ra sao, sẽ cho thân và tâm mình "thực phẩm" gì? Những "thực phẩm" ấy có làm chúng ta trở nên khỏe mạnh, an lạc, hay làm chúng ta trở nên nặng nề, bệnh tật, mỏi mệt? "Thực phẩm" cho thân rất khó, đã ngon còn phải lành, vì ông bà mình hay ghép chung hai từ: ngon lành. Chúng ta có hút thuốc, có uống rượu, có ăn nhiều năng lượng hơn mức cần thiết...? 

Có nghiên cứu khá hay mà mình muốn chia sẻ. Các nhà khoa học đã chia chuột ra làm hai nhóm, một nhóm cho ăn nhiều và dư năng lượng, một nhóm cho ăn vừa đủ hay hơi thiếu thiếu một chút. Kết quả nhóm chuột ăn đầy đủ và dư năng lượng ấy chết sớm hơn, bệnh tật nhiều hơn nhóm còn lại. 

"Thực phẩm" cho tâm còn khó bội phần. Chúng ta đã và đang tưới mát tâm hồn mình bằng những cuốn sách, bản nhạc, và mùi hương ... gì? Những thứ ấy có giúp chúng ta phát triển lòng từ bi, sự hiểu biết... Hay lại đầu độc chúng ta những nghi ngờ, oán hận, những mánh lới hơn thua....?

Thiền sư Thái Lan No Ahn Chan có dạy: "Muốn thân khỏe mạnh thì buộc thân vận động. Muốn tâm khỏe mạnh thì giữ tâm đứng yên." 

5 giờ 40 phút, mình khe khẽ hát theo cô Lô Thủy bài thiền ca, Châu Ngọc Pháp Hoa. "Hãy buông thả dòng sầu khổ / Về nâng sự sống trên tay ..."




Friday, April 22, 2016

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Canh mướp đắng chay - An Nhiên (Vegan bitter melon soup)


Món ngon cuối tuần: Lạ miệng với canh mướp đắng chay thơm mát
An Nhiên

(Món ngon mỗi ngày) - Món canh mướp đắng chay có vị ngọt thanh nhẹ, không quá đắng vì vị đắng đã được trung hòa bởi những nguyên liệu khác. Món ăn chay hấp dẫn này vô cùng thích hợp cho sức khỏe cả gia đình.

Nguyên liệu:
  • Mướp đắng: 1 – 2 quả
  • Đậu phụ trắng: 200 gram
  • Cà-rốt: 1 củ
  • 2-3 tai nấm mèo
  • 1 khúc hành boa-rô (tỏi tây)
  • 20 gram bún tàu
  • Gia vị: tiêu, muối, hạt nêm chay




Cách làm:
  1. Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở, rửa sạch, để ráo, cắt nhuyễn.
  2. Cà-rốt gọt vỏ rửa sạch, cắt nhuyễn. (Cà-rốt được coi là thực phẩm bổ dưỡng giàu vitamin A rất tốt cho sức khỏe và giúp làm đẹp da cho phụ nữ. Cà-rốt có vị ngọt nên bạn không nên bỏ qua những món ăn ngon nhất từ cà-rốt.)
  3. Đậu phụ lau cho khô nước, dùng tay bóp nát rồi cho vào tô. (Đậu phụ vừa ngon lại khá “dễ tính” trong cách chế biến, ngoài việc mua đậu phụ bán sẵn bạn cũng có thể học cách tự làm đậu phụ tại nhà nhé.)
  4. Bún tàu ngâm mềm, cắt khúc nhỏ.
  5. Cho tất cả cà-rốt, bún tàu, nấm mèo và 1/2 boa-rô vào tô đậu phụ. 
  6. Nêm tí muối, tiêu, hạt nêm chay. 
  7. Đeo bao tay, dùng tay bóp cho các nguyên liệu trộn đều và thấm gia vị.
  8. Mướp đắng rửa sạch, cắt đường giữa rồi dùng muỗng cà-phê múc hột mướp đắng ra. 
  9. Dồn phần đậu phụ vào, dùng tay ém chặt.
  10. Làm nóng nồi trên bếp với chút dầu ăn, cho phần boa-rô còn lại vào xào thơm rồi thêm lượng nước vừa đủ.
  11. Khi nước sôi cho mướp đắng vào, nêm tí muối, hạt nêm rồi nấu đến khi mướp đắng mềm thì nêm nếm lại cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.
  12. Múc ra tô, rắc tiêu và hành tùy thích.



Wednesday, April 20, 2016

Thuần Thực Vật: 10 món chay siêu ngon và dễ làm từ đậu phụ

Photo courtesy: Hanul Choi - CCO
Many vegan dishes can be prepared from the versatile tofu. Try crispy fried tofu cubes by themselves, with fresh tomato sauce, with minced lemongrass and red pepper, or in a tasty soup with other veggies!

10 món chay siêu ngon và dễ làm từ đậu phụ
Nguyên An (TH)

(Kiến Thức) - Đậu phụ chiên giòn, đậu phụ xào nấm hay canh đậu phụ nấu rau củ quả... là những món chay từ đậu phụ nhiều dinh dưỡng.


Đậu phụ chiên giòn: Với hàm lượng cao các chất dinh dưỡng đặc biệt là protein, đậu phụ được đánh giá là một trong những thực phẩm tốt nhất cho người ăn chay. Có rất nhiều món chay từ đậu phụ, trong đó phổ biến nhất là đậu phụ chiên. Vị béo ngậy cùng lớp vỏ giòn tan khiến đậu phụ chiên trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Chỉ cần cắt đậu phụ thành hình quân cờ rồi đem chiên giòn trong chảo ngập dầu, là bạn đã hoàn thành món ăn này.


Đậu phụ kho tương: Đây là món ăn chay quen thuộc của nhiều người theo đạo Phật. Những miếng đậu phụ sau khi kho có vị đậm đà của tương. Ngoài ra còn có thể cho thêm một số loại gia vị như ớt, tiêu hoặc hành củ để món ăn thêm hấp dẫn.


Đậu phụ sốt cà chua: Các bước thực hiện của món này bao gồm chiên giòn đậu phụ thái miếng, sốt chín cà chua rồi cho đậu phụ đã chiên vào xào cùng đến khi miếng đậu đậm đà vị nước sốt cà chua là được.


Đậu phụ chiên xào nấm tươi: Để làm món này, bạn thái đậu phụ thành những miếng mỏng rồi đem rán chín đều. Sau đó cắt đậu phụ theo hình con chì rồi xào chung với nấm, hành, ngò và các loại gia vị.


Đậu phụ rán sả ớt: Sả ớt được băm nhuyễn đem trộn với đậu phụ trước khi rán khiến cho món ăn vừa đậm đà vừa thơm ngon.


Đậu phụ xào cà tím và nấm: Nguyên liệu của món ăn này bao gồm 1 miếng đậu phụ tươi, hai quả cà tím, 200g nấm tươi. Đậu phụ sau khi chiên vàng được xào với cà tím và nấm sẽ có vị đậm đà, thơm ngon rất hợp để ăn chung với cơm.


Đậu phụ sốt nấm kim châm: Miếng đậu phụ mềm mượt ngấm sốt xì dầu hòa quyện với vị giòn ngọt của nấm kim châm tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn này.


Canh đậu phụ nấu rau củ quả: Món canh này có vị ngọt của các loại rau củ quả và vị mát của đậu phụ tươi rất thích hợp cho bữa cơm trong tiết trời nắng nóng của ngày hè.


Đậu phụ xào măng: Để làm món này, đậu phụ được chiên giòn rồi cắt thành hình con chì đem xào chung với măng tước sợi. Món ăn này được đặc trưng bởi vị chua của măng quyện với vị ngậy của đậu rất hợp để ăn chung với cơm.


Bún đậu phụ xào chay: Những miếng đậu phụ được chiên vàng óng kết hợp với nấm xào, lạc rang đem ăn chung với bún trắng rất ngon miệng.



Nếp Sống Ăn Chay: Thực hư chuyện ăn chay trường làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim

Photo courtesy:
Steve Buissine (South Africa) - CCO
Vegetarian diet does NOT increase cancer risk: Researchers clarify
Excerpt from article written by Shruti Chakraborty | The Indian Express

Recently, a news report stating that a vegetarian diet can lead to increase in risk of colon cancer went viral.... But researchers Kumar Kothapalli, J Thomas Brenna and Kalpana Joshi (who are a subset of authors of the widely quoted study) have called this a “misinterpretation of our findings”.

The reports on the new study — that was published in Molecular Biology and Evolution — have said that “scientists found evidence that a vegetarian diet has led to a mutation that may make people more susceptible to inflammation, and by association, increased risk of heart disease and colon cancer”. Now, this is where the details really matter. The researchers used reference data from the 1000 Genomes Project, to provide evidence that the vegetarian diet, over many generations, may have driven the higher frequency of a mutation — called rs66698963 and found in the FADS2 gene — among the Indian population.

According to Kothapalli and his colleagues, “Simply put, our paper draws attention to possible vulnerability to chronic disease of persons descended from traditional vegetarianism when substituting some recently available vegetarian cooking oils for traditional vegetarian foods. It does not suggest that all vegetarian diets are unhealthy; on the contrary it suggests that traditional foods are most healthy.”

For the full article, please click here


Thực hư chuyện ăn chay trường làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim
Trịnh Ngọc Minh (Theo Telegraph, IndianExpress)

(TTVN) - Trước thông tin giới khoa học nói việc ăn chay sẽ dẫn đến đột biến gen, tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim, chính các nhà khoa học này đã lên tiếng...

Gần đây, nhiều trang báo đã dẫn kết quả nghiên cứu về sự đột biến gen dẫn đến tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch từ việc ăn chay trường qua nhiều thế hệ. 

Các nhà khoa học chủ trì nghiên cứu tin rằng sự biến đổi này xảy ra nhằm giúp người ăn chay dễ hấp thu được những axit béo thiết yếu từ thực vật để đáp ứng cho các nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, việc này lại có tác dụng ngược là khi kết hợp với chế độ ăn nhiều loại dầu thực vật nhất định - chẳng hạn như dầu hướng dương - các gen đột biến nhanh chóng biến chuyển các axit béo thành axit arachidonic nguy hiểm liên quan đến các bệnh viêm nhiễm, tim mạch và ung thư. Đột biến này có tên là rs66698963 được tìm thấy trong gene FADS2 kiểm soát việc sản xuất các axit béo trong cơ thể.

Phát hiện này có thể giải thích cho nghiên cứu trước đó thấy rằng những người ăn chay bị tăng cao hơn đến gần 40% khả năng ung thư đại trực tràng so với những người ăn thịt - điều đã khiến rất nhiều bác sỹ bối rối vì việc ăn thịt đỏ từ trước đến nay đã được biết là làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh tật. Các nhà nghiên cứu tại đại học Cornell, Mỹ so sánh hàng trăm bộ gen của cộng đồng những người ăn chay ở Pune, Ấn Độ, so sánh với những người ăn thịt ở Kansas và thấy có khác biệt đáng kể ở gen. 

Và vấn đề chưa ngừng lại ở đó, sự đột biến còn có thể cản trở việc sản xuất các axit béo có lợi omega 3 giúp bảo vệ chúng ta chống lại các bệnh tim mạch...

Thông tin này nhanh chóng được lan truyền, nhưng theo các nhà nghiên cứu, nhiều trang đã diễn dịch sai phát hiện của họ. “Nghiên cứu này chỉ đơn giản thu hút sự quan tâm chú ý vào việc con cháu của những người ăn chay trường có khả năng dễ bị các bệnh mạn tính khi sử dụng một số loại dầu thực vật mới để nấu ăn thay thế cho các loại dầu truyền thống. Nghiên cứu không có nghĩa rằng tất cả các chế độ ăn chay là không lành mạnh, ngược lại, ăn chay với các thực phẩm truyền thống là tốt nhất cho sức khỏe.” 

Theo giải thích của những nhà nghiên cứu này gửi đến IndianExpress, vấn đề ở đây nằm ở sự thay đổi lựa chọn sử dụng thực phẩm của chúng ta sau này, khi chuyển sang dùng các loại dầu thực vật mới chứa nhiều axit béo omega-6, hoặc sử dụng các thực phẩm không phải là thực phẩm chay, khiến thành phần dinh dưỡng nạp vào cơ thể thay đổi, tăng đáng kể lượng axit béo omega-6 trong chế độ ăn, dẫn đến mất cân bằng omega-3 và 6, và từ đó mới làm tăng các nguy cơ bệnh tật.

Như vậy, điều mà những người đang ăn chay cần làm không phải là lo sợ mà là hãy chú ý đến lựa chọn thực phẩm của mình, tránh các loại dầu chứa nhiều omega-6 (dầu nành, dầu mè, dầu bắp, dầu hạt cải…), thay vào đó sử dụng những loại chứa ít hơn (dầu oliu, dầu mù tạt…) Đồng thời với đó là lưu ý đến sự cân bằng lượng axit béo omega-6 và 3 trong cơ thể, bảo đảm tỷ lệ là dưới 10:1, hay tốt hơn nữa là dưới 4:1. 



Sunday, April 17, 2016

Sức Khỏe Của Bạn: Ăn gì để hạn chế nguy cơ ung thư đại trực tràng? (PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh)

Assistant Professor Nguyễn Xuân Ninh (MD, PhD): Making healthy changes in nutrition, lifestyle and environment can help reduce colon cancer risks.

Ăn gì để hạn chế nguy cơ ung thư đại trực tràng?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh / Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

(Dân Trí) - Theo PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: Những yếu tố như môi trường, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày có liên quan rõ rệt tới nguy cơ phát sinh bệnh ung thư... trong đó có ung thư đại trực tràng.

Đến bệnh viện khi cơ thể không còn chịu đựng nổi với những cơn đau dai dẳng kéo dài nhiều tuần lễ vùng đại tràng, anh Trần Văn T., 36 tuổi (Phúc La, Hà Đông) đã vô cùng hoang mang và suy sụp khi nhận được kết luận của bác sĩ cho biết anh đã mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối.

Anh Trần Văn T. không phải là trường hợp duy nhất tới viện khi đã có những biểu rõ ràng về ung thư. Điều đáng buồn là phần lớn người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở Việt Nam chưa được cao như mong muốn. Mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong. Trong đó, ung thư đại trực tràng là căn bệnh phổ biến đứng hàng thứ 4, và chiếm hàng thứ 2 về tỷ lệ tử vong. Những yếu tố như môi trường, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày có liên quan rõ rệt tới nguy cơ phát sinh bệnh.


Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng

Do sự thay đổi về điều kiện môi truờng cũng như thói quen ăn uống mà tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây tỷ lệ ung thư nói chung, cũng như ung thư đại trực tràng nói riêng có sự phát triển đột biến. Những đối tượng của căn bệnh này thường nằm trong nhóm từ 30-60 tuổi và chủ yếu là nam giới. Vậy đâu là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị ung thư?

Táo bón kéo dài: Khi bị táo bón, các chất độc hại sẽ tích tụ trong ruột già, từ đó gây nên những viêm nhiễm, rối loạn chức năng đường tiêu hóa, các chất độc hại hấp thụ ngược lại vào máu, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp gây ung thư cho đường tiêu hóa.

Thực phẩm kém chất lượng: Hiện nay, thực phẩm chứa các chất độc hại gây ung thư như chất bảo quản, kích thích, bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn nhiễm bẩn chứa vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh…ngày càng nhiều. Các chất độc hại này tích tụ trở thành nhiễm độc mạn tính gây viêm nhiễm, thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển.

Sử dụng thực phẩm chế biến không hợp vệ sinh: Các chất độc hại sinh ra trong quá trình bảo quản chế biến, nấu nướng như thực phẩm trong nhóm ngũ cốc: gạo, ngô khoai sắn, đậu, đỗ, lạc, vừng bị nấm mốc, sản sinh ra các chất độc gây ung thư. Vì vậy, không nên ăn các thực phẩm bị nấm mốc trong quá trình bảo quản. Khi chế biến các món quay, nướng trên than hồng, rán cháy vàng… thường có mùi. Chính những chất thơm này sinh ra tác nhân gây ung thư đường tiêu hóa.

Các loại thực phẩm muối như: Dưa, cà, kim chi… được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, cũng bị nhiễm một số loại vi khuẩn mốc gây ung thư, đặc biệt khi để lâu, hoặc đã qua giai đoạn chua (dưa khú).

Thói quen ăn quá nhiều thịt màu đỏ: Ăn quá nhiều thức ăn màu đỏ, nhiều mỡ, ít rau xanh cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Lạm dụng rựợu bia: Một số nghiên cứu đã chứng minh uống với số lượng > 1 cốc rượu/ngày đối với nữ và 2 cốc rượu/ngày đối với nam làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng gấp 1,84 lần ở nam giới, và 1,64 lần ở nữ giới.

Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bị ung thư cao gấp 2 lần so với bình thường.

Béo phì: thừa cân béo phì, ít vận động thể lực làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư. Những người thừa cân quá tiêu chuẩn, cứ tăng thêm 5kg/năm sẽ có nguy cơ ung thư đại trực tràng nhiều hơn 4%, nam giới có nhiều nguy cơ hơn nữ giới.

Lời khuyên sử dụng thực phẩm, chế độ dinh dưỡng từ chuyên gia

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh (ảnh trên), việc duy trì chế độ ăn uống, tạo thói quen cùng lối sống lành mạnh, có thể giảm 40-50% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Bạn đọc có thể tham khảo và thực hiện 6 thói quen tốt được chuyên gia khuyến khích thực hiện như sau:

Chế độ ăn nhiều rau quả, ngũ cốc không xay xát kỹ: Các thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, có thể làm giảm 40% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nên ăn hoa quả có màu xanh sẫm, vàng đậm, tím, da cam… chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng trung hòa các tác nhân gây ung thư. Ngoài ra, việc thường xuyên ăn hành, tỏi cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Uống đủ nước hàng ngày: Một biện pháp rất đơn giản mà nhiều người hay quên là uống đủ nước 1,5 - 2 lít/ngày với người bình thường, hoặc cao hơn cho những người làm việc trong những điều kiện đặc biệt. 

Nhìn màu sắc nước tiểu có thể đánh giá uống đủ nước hay không: màu trắng hoặc vàng nhạt là đủ, màu sẫm là chưa đủ. Không nên sử dụng các đồ uống có ga, đồ ngọt đóng chai có chất bảo quản không phù hợp, không rõ nguồn gốc.

Nên uống nhiều trà xanh, hoặc cà-phê nếu có thể: Một số nghiên cứu cho thấy uống cà-phê hoặc nước trà xanh/ngày làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng tới 40-50%. Do trà và cà-phê chứa các chất polyphenols, flavonoids, là những chất chống oxy hóa có tác dụng triệt tiêu nhiều tác nhân gây ung thư.

Không nên ăn quá nhiều thịt màu đỏ: Một số nghiên cứu cho thấy khi tiêu thụ lượng thịt màu đỏ nhiều dễ bị ung thư hơn, cứ 100 gam thịt sẽ có tỷ lệ ung thư tăng 12-17%. Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn chay tỷ lệ ung thư thấp hơn 30%-40% so với người không ăn chay.

Cần cung cấp đủ canxi, vitamin D và acid folic trong khẩu phần hàng ngày:
Nhiều công trình khoa học chứng minh người dùng 700-800 mg calci/ngày có nguy cơ ung thư đại tràng thấp hơn 40-50% so với người dùng ít hơn 500 mg canxi/ngày. 

Nguồn thực phẩm có canxi tốt có trong váng sữa hoặc sữa có hàm lượng chất béo thấp và các sản phẩm bơ sữa khác, cải xanh, cải canh...

Nhu cầu vitamin D hàng ngày khoảng 5-10 microgam giúp hấp thu canxi, cũng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng... Ánh nắng mặt trời cũng làm biến đổi hóa chất trên da bạn thành dạng vitamin hữu ích.

Dùng lượng acid folic thích hợp: đủ acid folic hàng ngày giúp giảm 30-50% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Liều khuyến nghị là 400 mg acid folic/ngày. Folat có nhiều trong lá rau xanh thẫm như rau bina, đậu, đậu tây và đậu xanh, một số quả và hạt, ngũ cốc đã bổ sung.

Có thể dùng viên multivitamin với liều khuyến nghị hàng ngày, chứa canxi, vitamin A, E, acid folic….

Tập thể dục hàng ngày: Cần giữ cân nặng trong giới hạn cho phép; tập luyện thể dục thường xuyên để giảm một nửa nguy cơ ung thư đại tràng.

Dinh dưỡng đối với những người đã phát hiện ung thư, hoặc đang điều trị ung thư đại trực tràng

Đa số bệnh nhân trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, thậm chí sức khỏe bị suy kiệt. Vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng giúp hồi phục bệnh cũng như có sức khỏe để tiếp tục các phương pháp điều trị ung thư. Một số vấn đề về dinh dưỡng cần chú ý thêm như sau:

- Đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm, bột đường, chất béo, vitamin, khoáng chất, nước… theo nhu cầu và sở thích của bệnh nhân để phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng miễn dịch, tăng cân tốt hơn.

Nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày (6-8 bữa), thực phẩm nên chế biến dưới dạng cháo, súp… các bữa phụ có thể dùng sữa tách bơ, nước hoa quả, trái cây. Ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, ít chất béo, ít mặn. Ăn nhiều rau xanh, nước ép hoa quả nhiều vitamin. Tránh ăn thức ăn khô cứng, ăn đồ ăn nướng, rán… Không uống rượu, hút thuốc lá;

- Ưu tiên các món luộc, hấp, không nên ăn những món rán, quay, nướng hoặc những thực phẩm chế biến sẵn như xúc-xích, thịt hun khói, những thức ăn sinh hơi như đậu, bắp cải, dưa hấu, mít hoặc những thức uống có gas…

- Chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, giàu chất dinh dưỡng, chọn thức ăn tinh bột từ ngũ cốc, củ quả (gạo, lạc, đậu…).

- Cần được cung cấp đủ lượng đạm cần thiết, nhưng thịt đỏ chỉ nên ăn  ít hơn 100g/ngày. 

Để tư vấn tầm soát sớm ung thư đại trực tràng, bạn đọc có thể đến các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, trung ương... hoặc có thể đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, địa chỉ 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội, tại đây có thực hiện được các kỹ thuật, xét nghiệm và thủ thuật tầm soát ung thư đại trực tràng.



Saturday, April 16, 2016

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Phở cuốn chay đơn giản - Tiều Phu (Simple vegan rice noodle roll)

Simple vegan rice noodle roll, featuring seaweed, cucumber, and fried tofu. Dipping sauce: Combine 1 tablespoon soy sauce, 2 cloves garlic (finely chopped), 1/2 red chili pepper (finely chopped), and 1 teaspoon lime juice. Adjust to taste by possibly adding soy sauce, lime juice, water and/or sweetener. 

Phở cuốn chay đơn giản
Tiều Phu (thực hiện)

(SGAT) - Nếu trót mê món phở cuốn mà lại trùng vào những ngày ăn chay, hãy thử ngay công thức này nhé!

Nguyên liệu:
  • 600g (gần 1,5 cân Anh) bánh phở (dạng miếng chữ nhật)
  • 2 bìa đậu phụ (tàu hủ)
  • 12 tấm rong biển lớn dùng để cuộn sushi
  • 12 quả dưa chuột (dưa leo)
  • Xà-lách, rau mùi (rau ngò)
  • Nước chấm: Nước tương (xì dầu), tỏi, ớt, chanh

Cách làm:
1. Đậu phụ thái mỏng dài rồi chiên vàng giòn 2 mặt.


2. Dùng dao hoặc kéo cắt đậu phụ thành những sợi dài.


3. Dưa chuột gọt bỏ vỏ, thái thành những thanh dạng sợi dài.


4. Rong biển cắt thành dạng sợi dài.


6. Trải bánh phở ra mặt phẳng sạch. Xếp xà-lách, dưa chuột, đậu phụ, ít rau mùi, vài sợi rong biển lên rồi cuộn lại.

Pha nước chấm: 1 muỗng canh xì dầu, 2 nhánh tỏi nhỏ băm nhỏ, ½ quả ớt xắt nhỏ, 1 thìa cà-phê nước cốt chanh.

Ăn liền sẽ ngon hơn.



Friday, April 15, 2016

Sống Đẹp: KTS Hoàng Thúc Hào: Hạnh phúc là đóng góp cho cộng đồng

Vietnamese architect Hoàng Thúc Hào (Ashui Awards' Architect of the Year, 2015) contributed pro bono in the design of Bhutan's Gross National Happiness Centre. Mr. Hoàng Thúc Hào shared in an interview with Voice of Vietnam that as soon as he arrived in Bhutan he was able to eat vegetarian right away - something he had never done before.

KTS Hoàng Thúc Hào: Hạnh phúc là đóng góp cho cộng đồng
Hà Thành

(VOV.VN) - Năm 2008, Bhutan trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn đo GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia) để đánh giá những yếu tố mang lại giá trị cho đời sống, thay cho chuẩn đo GDP.

Nhân sự kiện này, Hoàng gia và Chính phủ Bhutan quyết định thành lập một trung tâm, nơi mọi người từ khắp thế giới có thể đến tìm hiểu, chia sẻ về triết lý sống hạnh phúc của người Bhutan thông qua thực hành thiền, thông qua trao đổi, thảo luận những phương pháp giúp trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, tiêu dùng.

Thiết kế “Trung tâm hạnh phúc” là người Việt Nam - KTS Hoàng Thúc Hào - kiến trúc sư trưởng văn phòng thiết kế 1+1>2. Đây là vinh dự lớn, hiếm hoi với một kiến trúc sư Việt. Lễ khánh thành công trình diễn ra cuối tháng 10/2015.

“Trung tâm hạnh phúc Quốc gia Bhutan” đã đi vào hoạt động và bước đầu được người dân Bhutan cũng như cộng đồng Quốc tế đón nhận. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn KTS Hoàng Thúc Hào xoay quanh tác phẩm này và những câu chuyện nghề nghiệp.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công trình ở Bhutan?

Tôi có người quen - một cô gái Đức gốc Việt, làm về nghệ thuật đương đại - Ở làng Mai bên Pháp, cô ấy tình cờ quen ông giám đốc chương trình “Trung tâm hạnh phúc Bhutan”.

Sau này, khi biết Bhutan tìm người thiết kế trung tâm, cô ấy giới thiệu tôi với tư cách là kiến trúc sư có một số dự án cộng đồng đã được ghi nhận như Nhà cộng đồng Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam). Họ xem những công trình của chúng tôi và rất thích, rồi mời tôi sang trao đổi, khảo sát, thiết kế.

Cảm nhận của anh về đất nước Bhutan? Anh có thể nói về vùng đất xây dựng “Trung tâm hạnh phúc”?

Sang Bhutan tôi ăn chay được ngay. Đó là điều rất lạ vì trước đến giờ tôi chưa từng ăn chay. Đất nước Bhutan rất vắng người, hiền hòa; nhưng giao thông khó khăn lắm, đường xá xấu. Trẻ con trước khi vào học ngồi thiền, các gia đình trước lúc đi ngủ cũng thiền.

Mỗi tỉnh có một “Dzong”, giống Uỷ ban nhân dân nhà mình, xây theo thức rất nhất quán. Trong đó một bên là cơ quan hành chính, bên kia là nơi ở tu sĩ. Nhà nhiều lớp, nhiều sân trong. Đặc biệt màu sắc đẹp lắm, rất đặc trưng Bhutan, ảnh hưởng đậm đặc của đạo Phật và văn hóa Tây Tạng.

Vị trí xây dựng thuộc tỉnh Bumthang, nằm về phía đông bắc thủ đô Thimphu. Đây là vùng hẻo lánh, hiểm trở, ở độ cao 3000m, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh. Có lẽ chính phủ muốn xây dựng công trình làm hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng, cuốn hút du lịch, khách quốc tế, những người hành thiền tới.

Khu đất nằm dọc con sông lớn, trên triền núi, có rừng thông ấn tượng. Ở đây chưa có cầu qua sông, người ta qua sông bằng một thiết bị như ròng rọc. Lúc đầu dự án định xây bên kia sông, song không đủ tài chính, cuối cùng chuyển về bên này với quy mô nhỏ hơn.

“Trung tâm hạnh phúc” được thiết kế như thế nào?

Quần thể gồm nhiều hạng mục, trong đó nhà thiền chính có sức chứa khoảng 200 người, một nhà hội nghị, hội thảo 100 chỗ, ngoài ra có khu hành chính, nhà bếp, nhà ở cho thiền sinh, những người đến học tập. Cấu trúc tổng thể chạy dọc theo sông, tựa lưng vào núi, bố cục hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới cảnh quan, cố gắng giữ lại những cây thông, thảm thực vật, tảng đá...


Trung tâm là Nhà thiền chính lấy ý tưởng từ sự giao thoa, thống nhất giữa tự nhiên (khối đế tròn) với nhân tạo (khối vuông bên trên). Mong muốn cuộc sống con người là duy trì, bảo vệ “thế cân bằng tự nhiên – nhân tạo”. Nhà hội nghị hình elip, cảm hứng từ hình ảnh lá cây bồ đề. Các mô tip decor đặc trưng văn hóa Bhutan được tiết chế, gia giảm hợp lý. Thiết kế chủ động xoay theo hướng mặt trời, vào mùa đông, mùa xuân ánh sáng xuyên sâu vào nhà, tạo sự ấm áp và hiệu quả tâm linh, khác biệt.

Có những thuận lợi hay khó khăn gì trong quá trình thiết kế: việc tiếp cận văn hoá bản địa, ngôn ngữ kiến trúc, vật liệu địa phương...?

Không khó khăn gì cả. Chúng tôi đã quen với việc này. Tổ hợp công trình là cuộc đối thoại giữa đất - đá - gỗ, giữa không gian bên trong và khung cảnh bên ngoài, giữa tri thức hàn lâm với kinh nghiệm dân gian. Các công trình có tường dầy nửa mét, xây đá kết hợp trình đất, bảo đảm giữ nhiệt trong mùa đông giá lạnh; vì kèo bê-tông, gỗ; sử dụng nước trên nguồn và năng lượng mặt trời. Nhà mái dốc hình kỷ hà theo truyền thống Bhutan. Một chút khó khăn trong quá trình thi công là ở đó rất ít người, phải thuê nhân công từ Ấn Độ, Bangladesh sang.


Ai là người phê duyệt đồ án? Nhận xét, đánh giá của họ như thế nào?

Ban giám đốc “Trung tâm hạnh phúc” đã làm việc cùng chúng tôi. Lần cuối, chúng tôi trình bày phương án ở nhà nguyên thủ tướng Bhutan. Ông ấy trực tiếp nghe và xúc động. Ông nhận xét: Rất Bhutan nhưng lại hiện đại hóa. Ông thích ý tưởng tạo hình của nhà thiền tròn – vuông, nhà hội nghị elip.

So sánh với những công trình trước đây anh và cộng sự thực hiện ở Việt Nam (Suối Rè, Tả Phìn, Cẩm Thanh, Nậm Đăm…), thì công trình này…

Trung tâm ở Bhutan nằm trong chuỗi dự án xã hội - cộng đồng của chúng tôi, với khuynh hướng cơ bản là phát huy bản sắc nhưng cách tân. Vẫn trung thành với triết lý 1+1>2 theo đuổi: Công trình phải tạo ra sự tiện nghi, hứng khởi cho người sử dụng; phải truyền cảm hứng cho cư dân địa phương, cho du khách, những người thực hành thiền. Nó cộng vào khung cảnh, là tín hiệu văn hóa tích cực, hướng thượng. Còn so sánh cụ thể từng dự án rất khó, vì mỗi công trình thuộc một vùng đất khác nhau, văn hóa khác nhau.

Năm 2009, tổ chức News Economics Foundation (NEF) có trụ sở ở Anh xếp Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới, là nước châu Á duy nhất có mặt trong top 10. Năm 2014, trang Movehub xếp Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI), trong tổng số 151 quốc gia được đánh giá. Là người sống ở Việt Nam, và đã thiết kế  “Trung tâm hạnh phúc Bhutan” - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, anh nghĩ sao về chuyện này? Việt Nam có thực sự là quốc gia hạnh phúc?

Cá nhân tôi chắc chắn không tin. Bởi vì nếu dựa trên yếu tố môi trường – là yếu tố quan trọng của chuẩn đo hạnh phúc – thì Việt Nam không thể là quốc gia hạnh phúc. Môi trường tự nhiên ô nhiễm, môi trường văn hóa ô nhiễm, môi trường giáo dục, thực phẩm ô nhiễm… Còn nếu lấy thước đo dựa trên sự thỏa mãn của ngưòi dân thì có thể đúng, vì dân Việt Nam rất dễ thỏa mãn.

Anh vẫn nhiệt huyết theo đuổi kiến trúc xã hội - cộng đồng. Liệu có lúc nào anh cảm thấy nản vì những gì mình làm quá nhỏ bé trước cơn lốc kim tiền?

Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện nản, vì làm công trình loại này đầy hứng khởi, dù hiệu quả kinh tế không cao hoặc chỉ làm thiện nguyện. Nhưng với những dự án đấy mình được toàn quyền quyết định, là kiến trúc sư toàn quyền, không lệ thuộc vào chủ đầu tư như những dự án thương mại... Cần nhất là vượt lên chính mình, phải tạo ra những bất ngờ mới trên cái nền cũ quen thuộc. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm đến chúng tôi; gửi gắm hy vọng; đó cũng là may mắn, là cái duyên, hạnh phúc của chúng tôi.

Những năm gần đây, nhiều tác phẩm của anh và đồng nghiệp Việt Nam được vinh danh trên thế giới, nhưng đó vẫn là những công trình trong nước. Anh có tin rằng tương lai kiến trúc sư Việt sẽ tiếp tục ghi dấu ấn ở nước ngoài, như anh đã làm với  “Trung tâm hạnh phúc Bhutan”.

Chắc chắn! Đây là xu thế không thể đảo ngược. Bởi Việt Nam đã là một góc của ngôi làng thế giới. Kiến trúc hưởng lợi rất nhiều từ quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, nhất là những kiến trúc xã hội, cộng đồng. Tuy không mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng là những cơ hội tốt cho các bạn trẻ bộc lộ khả năng, ở phạm vi rộng.

Ví dụ như Lào, Cam Pu Chia đầy tiềm năng. Người nghèo còn nhiều lắm trên trái đất này. Mặt khác, xã hội càng phát triển người ta càng cần sống chậm; những kiến trúc liên quan đến xã hội, người nghèo, cộng đồng, thiền, Yoga, Phật giáo… sẽ phát triển. Những kiến trúc này không đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao siêu, nó rất phù hợp, gần gũi với kiến trúc sư Việt.

Theo cách nhìn riêng anh, thế nào là hạnh phúc và kiến trúc sư hạnh phúc? Kiến trúc và kiến trúc sư liệu có đem lại hạnh phúc cho con người, xã hội, cộng đồng? Nếu có thể, kiến trúc sư phải làm gì?

Hạnh phúc nói chung và với kiến trúc sư nói riêng, theo tôi, là sự đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng như tự do, nó không thể tuyệt đối, nó vẫn gắn với những ràng buộc trách nhiệm. Hạnh phúc cũng là việc đem lại cảm hứng, truyền cảm hứng, thúc đẩy sự phát triển, hướng thiện.

8/10 kiến trúc trên quả đất không có kiến trúc sư, mà do người dân tự làm. Việt Nam 70% nông dân, phần lớn là người nghèo. Con người có quyền sống trong những không gian tử tế, môi trường chất lượng, tiết kiệm năng lượng. Kiến trúc sư dấn thân, nếu có tấm lòng và phương pháp, sẽ chủ động góp phần tạo ra những không gian ấy, thích ứng với từng mức độ và hoàn cảnh xã hội. Kiến trúc sư có thể tư vấn, giúp đỡ cho hàng vạn, hàng triệu người, sao lại không?

Kiến trúc hiển nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Kiến trúc sư làm ra những không gian sống tiện nghi, người sử dụng thấy mình trong đó, có lịch sử, quá khứ, tương lai; người ta sống thấy khỏe, ấm cúng, khoan khoái và không tốn tiền bảo dưỡng, duy tu… tức là người sử dụng cảm thấy hạnh phúc.

Kiến trúc có nghĩa khi là những không gian mà con người phát hiện ra chính họ, vận hành mãi vẫn mới, không chán. Tôi theo đuổi ý niệm kiến trúc “Ngạc nhiên bền vững”, sinh ra từ quá trình thụ hưởng của người sử dụng trong sự bền vững tự thân về vật lý và văn hóa của công trình.

Kiến trúc sư cần rèn luyện tầm nhìn dài hạn và có trách nhiệm hơn nữa, phải đưa ra những quy ước, khuyến cáo cộng đồng, thường xuyên kiến nghị, phản biện chuyên môn giúp duy trì, vận hành công trình – dự án hiệu quả, đóng góp vào phát triển văn hóa.

Kiến trúc sư dấn thân sáng tạo chỉ vì con người và tương lai văn hóa, có cam kết dài hạn, lòng tự trọng nghề nghiệp cao, cần được xã hội tôn vinh.

Xin cảm ơn anh./.



Thursday, April 14, 2016

Vườn Nhạc: Tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cõi an lành


In loving memory of Nguyễn Ánh 9 (January 1, 1940 - April 14, 2016), one of Vietnam's foremost pianists and songwriters. Rest in peace.

Tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cõi an lành
Hòa Bình / Việt Nam Ăn Chay

(VNAC) - Trưa 14 tháng 4, 2016, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từ biệt trần gian sau một thời gian nhập viện. Một đời làm nghệ thuật, ông đã ưu ái cống hiến cho chúng ta những nhạc khúc bất hủ như "Buồn ơi chào mi", "Tình khúc chiều mưa", "Không", "Cô đơn", "Đêm nay ai đưa em về", "Tình yêu đến trong giã từ", "Một lời cuối cho em"... Hơn thế nữa, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn là một dương cầm thủ, đến gần cuối đời vẫn giữ vững niềm đam mê âm nhạc, đồng hành cho bao tiếng hát bay cao.

Sinh quán ở Phan Rang, Ninh Thuận vào năm 1940, lúc khoảng 11 tuổi chàng thiếu niên Nguyễn Đình Ánh vào Sài Gòn, từng theo học trường Taberd và sau đó nội trú ở Yersin, Đà Lạt, rồi được sự dìu dắt của nhạc sĩ Hoàng Nguyên ("Ai lên xứ hoa đào", "Cho người tình lỡ"...) để bước vào sự nghiệp âm nhạc. Phần còn lại, như câu thường nói, là lịch sử...

Trước sự mất mát đầy tiếc thương này, xin được phân ưu cùng tang quyến và nguyện cầu nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được thênh thang trong cõi an lành, nhẹ nhàng bay bổng như tiếng nhạc mà ông đã nâng niu ban tặng cho đời. 

Thành kính tiễn đưa một nhạc sĩ tài hoa.






Vì Sao Ăn Chay: Điều gì xảy ra nếu bạn ngừng ăn thịt

Photo courtesy of
Pop Picnic (Bangkok, Thailand) - CCO
From Boldsky's article "Eight Things That Happen When You Stop Eating Meat": 
A meat-based diet is believed to be rich in proteins and other nutrients, but many of us may not know the negative effects of making meat a part of our daily diet. 
There are a lot of positive changes that may occur once people start to eliminate meat from their plates. 
Studies have proven that living on a vegetarian diet does more good than harm to your body. So, let us read about some of the good changes that may occur if you give up on that meat!


Điều gì xảy ra nếu bạn ngừng ăn thịt
Lê Nga

(VNE) - Nếu bạn ngừng ăn thịt, cơ thể sẽ có những biến đổi tích cực như giảm nguy cơ bệnh tật, ngăn chặn lão hóa và giữ cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung.

Dưới đây là những tác dụng của việc hạn chế thịt trong bữa ăn hàng ngày, theo Boldsky.

Giảm axit

Các chuyên gia cho rằng thực phẩm từ thịt có thể kích thích việc sản xuất axit trong dạ dày dẫn đến các bệnh như axit dư thừa, ợ nóng, đau đầu, đau dạ dày... Trong khi một chế độ ăn giàu thực vật sẽ chống lại việc sản xuất axit trong dạ dày của bạn.

Giảm cân

Các nhà khoa học tiến hành một nghiên cứu trong đó những người ăn thịt hoàn toàn chuyển sang chế độ ăn thực vật thì trọng lượng của họ giảm xuống đáng kể mà không cần nhiều nỗ lực. Vì vậy, nếu bạn đang thừa cân, hãy lựa chọn chế độ ăn giàu thực vật.

Hệ thống ruột khỏe mạnh

Những người ăn theo chế độ ăn thực vật, hệ thống tiêu hóa sạch sẽ hơn. Chế độ ăn chay giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn lành mạnh, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa. Trong khi chế độ ăn nhiều thịt có thể gây tổn hại cho ruột do các chất bảo quản và kích thích tố được sử dụng trong các sản phẩm động vật.

Tốt cho da

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng các hormone tiêm vào động vật trước khi tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến làn da của con người bằng cách gây ra các vấn đề như mụn trứng cá, trứng cá đỏ, chàm... Chuyển đổi sang một chế độ ăn nhiều rau xanh có thể giúp đem lại cho bạn một làn da khỏe mạnh bởi rau quả rất giàu chất chống oxy hóa và chất xơ.

Giảm nguy cơ tiểu đường

Các nghiên cứu đã tìm thấy rằng, những người ăn thịt có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 nhiều hơn so với những người ăn chay. Lý do là sự liên kết giữa hormone trong thịt với sắt và nitrat, đặc biệt là trong thịt đỏ gây ra bệnh.

Giảm cholesterol máu

Thực phẩm thịt chứa hàm lượng cao chất béo bão hòa làm tăng mức độ cholesterol trong máu. Điều này có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như bệnh béo phì, đột quỵ, bệnh tim mạch, huyết áp...

Giảm nguy cơ nhiễm trùng

Các chuyên gia nói rằng, hạn chế ăn thịt sẽ giảm nhiễm trùng và viêm xảy ra trong cơ thể. Nếu con vật bị nhiễm trùng, nó có thể lây lan cho con người nếu chúng ta tiêu thụ thịt của nó. 

Các gen khỏe mạnh

Một nghiên cứu tuyên bố, chỉ cần dựa vào chế độ ăn uống sẽ biết được ADN khỏe mạnh hay yếu kém. Các chất chống oxy hóa và dinh dưỡng được tìm thấy trong rau quả cũng có thể giúp ADN sửa chữa và làm giảm sản xuất các tế bào ung thư. Ngoài ra, một chế độ ăn uống giàu thực vật giúp giảm ngăn chặn quá trình lão hóa, giữ cơ thể trẻ trung hơn.


Tuesday, April 12, 2016

Thuần Thực Vật: Bí đỏ, thuốc hạ áp (BS. Hoàng Xuân Đại)


Dr. Hoàng Xuân Đại: Eating ripe pumpkins can help reduce hypertension, cholesterol, and blood sugar.

Bí đỏ, thuốc hạ áp
BS. Hoàng Xuân Đại

(NNVN) - Bí đỏ còn gọi là bí ngô, bí rợ, bù rợ, bầu lào... tên khoa học là Cucurbita pepo, họ bầu bí (Cucurbitaceae). Dây bí đỏ mọc lan trên mặt đất. Hiện nay có nhiều loài mà quả có hình dáng và màu sắc khác nhau: hình cầu, hình cầu dẹt, hình trụ; vỏ nâu, vỏ vân, vỏ sẫm màu; thịt đỏ, thịt hồng, thịt vàng; có loại nặng trên 100kg. Trong số đó có khá nhiều loài lai giống bí ngô, bí rợ, Cucurbita pepo

Các bộ phận của cây bí ngô như đọt (ngọn), hoa, hạt… đều dùng làm thuốc. Đặc biệt quả bí đỏ già là vị thuốc giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol, đường huyết, chất béo và triglyceride. 

Trong quả bí đỏ chín cứ 100g (phần ăn được) cho 25-30 calori. Thành phần có 90% nước,  8% glucid, 1% protein, 19mg photpho, 430mg kali, 23mg calci, 17mg manhê, 0,5mg sắt, 8mg vitamin C (15% nhu cầu hàng ngày), 22mcg folacin (11%), 1mg beta-caroten. 

Quả bí đỏ được dùng làm nhiều món ăn ngon như luộc, xào, nấu canh, nấu chè, cháo và nhất là các món ăn chay. Tác dụng của quả bí đỏ thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, chứa nhiều vitamin A, nên có tác dụng chữa quáng gà, rất tốt. Quáng gà là bệnh mắt khô, tầm chiều tối không nhìn rõ, ăn nhiều bí ngô sẽ khỏi, mà không gây tác dụng phụ như dùng vitamin A đơn thuần. 

Cách dùng: Nên chọn dùng đúng bí rợ loại tròn to như hình minh họa, không dùng loại bí hồ lô nhỏ. Mỗi sáng dùng 100g bí đỏ (bí chưa nấu) xay sinh tố với nước sôi để nguội, nước cho vào có thể nhiều hay ít tùy người uống muốn đặc hay lỏng thì tự cho vào (uống nhạt không thêm muối hay đường vào). Uống ly sinh tố này 15-20 phút trước khi ăn sáng. Mỗi ngày làm và uống như vậy trong vòng một tháng, máu sẽ được điều chỉnh, huyết áp, đường huyết, tim mạch cũng được cải thiện tốt hơn. 

Lưu ý: Chỉ nên uống bí rợ từ 30 ngày đến 45 ngày là đã đạt được yêu cầu, không nên uống thêm sẽ sinh ra vàng da, sau đó nên ăn bí đỏ nấu canh, một tháng 2 - 4 lần giúp điều chỉnh đường huyết. Những người đường ruột yếu nên lúc đầu uống bí đỏ có thể bị tiêu chảy, gặp trường hợp này hãy giảm lượng bí đỏ xuống còn 30g, uống trong vài ngày cho quen đường ruột, khi thấy ổn định mới sử dụng lại đúng liều 100g cho đến hết một tháng. Lưu ý nước pha chung để xay bí đỏ phải là nước sôi để nguội để tránh tình trạng nhiễm khuẩn làm tiêu chảy. 

Trong tuần đầu tiên khi sử dụng uống sinh tố bí đỏ, nước tiểu có một số lượng lớn cholesterol loãng được thải ra, kết quả, bí đỏ đã chùi sạch các động mạch, máu lưu thông vào tim và lên não thông thoáng, do đó huyết áp, bệnh tim mạch, thiếu máu não đều được cải thiện tốt và trí nhớ của con người cũng tăng lên.



Monday, April 11, 2016

Nếp Sống Ăn Chay: Hủ tiếu chay - món thanh đạm cho ngày hè Sài Gòn

Eating light in the warmth of Sài Gòn: Vegan rice noodle soup 

Hủ tiếu chay - món thanh đạm cho ngày hè Sài Gòn
Bài & ảnh: Minh Đức

(VNE) - Chỉ gồm các loại rau củ quả thông thường nhưng món hủ tiếu chay vẫn đem lại hương vị ngọt thơm, thanh mát cho thực khách Sài Gòn vào những ngày hè nóng bức. 

Hủ tiếu là món ăn gần như “độc quyền” của miền Nam với nhiều cái tên đã thành thương hiệu như hủ tiếu Nam Vang, Sa Đéc, Mỹ Tho hay hủ tiếu người Hoa. Tuy nhiên, hủ tiếu chay vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Món ăn chay nhưng vẫn đậm đà nhờ rau củ quả, không kém gì các món hủ tiếu mặn khác.
Hủ tiếu chay có thể được tìm thấy ở nhiều con đường tại Sài Gòn. Bạn có thể ghé thử các quán nằm trên đường Phan Văn Trị, Ung Văn Khiêm... 

Cũng như các loại khác, để có một bát hủ tiếu thơm ngon đúng vị, nước dùng đóng vai trò quan trọng. Thay vì sử dụng nước dùng ninh với xương ống, đầu bếp chế biến sử dụng nước hầm từ các loại củ quả như nấm rơm, cà chua, củ cải, cà rốt. Các nguyên liệu trên sẽ giúp nước có vị ngọt thanh và mùi thơm từ rau củ quả.

Sợi hủ tiếu ngon có màu trong suốt, gắp lên không bị gãy. Nếu như hủ tiếu mặn chủ yếu là các loại thịt, hải sản thì bát hủ tiếu chay hài hòa màu sắc với nhiều loại rau củ. Nhìn qua bát ăn, bạn sẽ thấy màu vàng ruộm của những miếng váng đậu rán giòn, xen lẫn sắc vàng nhạt của những lát váng đậu chỉ mới trần qua với nước. Những miếng nấm hương có vị thơm đặc trưng, đi kèm với các khoanh cà rốt đỏ tươi. Tùy vào cửa hàng hoặc nếu bạn chế biến tại nhà có thể cho thêm các loại nấm khác như nấm đùi gà, kim châm...

Đặc trưng của hủ tiếu chay là vị ngọt thanh, hợp với thực khách trong thời tiết nóng nực. Nước dùng trong, không gợn váng mỡ. Ngoài những nguyên liệu kể trên, bạn có thể cảm nhận được vị ngọt của cải thảo, củ cải trắng tươi và củ cải muối. Để món ăn trông bắt mắt và không nhạt nhẽo, người đầu bếp sẽ rắc thêm đậu phộng và hành khô chiên thơm lừng.

Một trong những nguyên liệu thú vị trong bát hủ tiếu chay là miếng chả giò. Thay vì làm từ thịt như những loại thông thường, miếng chả giò chay làm từ đậu xanh và khoai môn. Rau ăn kèm với bát hủ tiêu chay cũng đa dạng nhưng nhất thiết phải có xà-lách xanh to bản và giá sống trắng nõn. Các loại khác như hẹ, mùi tàu, ngò cũng được sử dụng tạo màu xanh mát cho tô hủ tiếu.