Tuesday, February 16, 2016

Bạn Thú Mến Yêu: Nếu các loại thịt đều biết nói, bạn có ăn chúng nữa không?


From IFLScience: "If meat could talk, would you still eat it?" by Jared Piazza, lecturer in social psychology at Lancaster University (UK)

Nếu các loại thịt đều biết nói, bạn có ăn chúng nữa không?
Theo Trí Thức Trẻ / Nguồn: IFL Science



Mới đây Ian Pearson - một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tương lai của công nghệ - đã đưa ra dự đoán rằng đến năm 2050, con người sẽ tạo ra thiết bị giúp động vật nói chuyện được với chúng ta.

Vậy câu hỏi đặt ra là nếu các loài động vật đều "nói" được, con người có chuyển sang ăn chay hết không?

Động vật có nói được không?

Động vật vốn có cách giao tiếp riêng với nhau. Tuy nhiên các giới hạn trong quá trình tiến hóa không cho phép chúng giao tiếp quá phức tạp, không thể vận dụng kết hợp từ, ngữ giống như con người.

Các chuyên gia cho biết sẽ có hai khả năng thiết bị này có thể làm được: hoặc là giúp động vật giao tiếp như con người, hoặc đơn thuần chỉ "dịch" tiếng của chúng thành những từ ngữ đơn giản (ví dụ: "gâu gâu" thành "người lạ, người lạ").

Hiện nay, con người quan niệm việc giết động vật không sao cả, miễn là chúng ta "làm nhanh", ít đau đớn. 

Nhưng giờ hãy tưởng tượng nếu như công nghệ có thể giúp các loài vật thể hiện suy nghĩ với con người, chúng ta sẽ phải nhìn nhận chúng là những giống loài biết trân trọng giá trị của cuộc sống. Khi nghe thấy một con bò thốt lên: "Đừng giết tôi" - liệu còn ai có thể xuống tay?

Tuy nhiên, trong trường hợp công nghệ chỉ đơn thuần dịch tiếng kêu của động vật thay vì "cải thiện" những gì chúng suy nghĩ, góc nhìn của con người về động vật sẽ chẳng có gì thay đổi. 

Hơn nữa, các chuyên gia tâm lý cũng cho biết con người từ lâu đã vốn đã cố tình lờ tịt cái gọi là "trí thông minh của động vật".

Khả năng thay đổi thói quen ăn uống trên toàn thế giới?

Theo Steve Loughnan - chuyên gia của ĐH Edinburgh (Anh) - thì điều này rất khó xảy ra, xuất phát từ một nghiên cứu về quan điểm của con người trên trí thông minh của các loài động vật. Kết quả cho thấy con người sử dụng yếu tố này để biện minh cho việc giết thịt động vật. 

Cụ thể hơn, chúng ta thường bỏ qua yếu tố "trí khôn" của động vật nếu như đó là những loài nuôi để giết thịt. Tuy nhiên, đối với các loài vật không thường bị ăn thịt, chúng ta lại cho rằng chúng có cảm xúc và suy nghĩ.

Chính vì thế có thể nói dù động vật có biết nói hay không cũng không có gì thay đổi - chí ít là ở các loài vật vốn được nuôi để phục vụ cho nhu cầu đánh chén của con người.

Kết

Trên thực tế, chúng ta vẫn cần biết rằng động vật có giao tiếp với chúng ta. Chúng phát ra những tín hiệu để con người biết rằng không nên làm tổn thương đến chúng. Lợn kêu gào thảm thiết khi bị chọc tiết, bò than khóc khi con bị bắt cóc... đó chẳng phải là những dấu hiệu cho thấy động vật cũng có trí thông minh hay sao? Vấn đề chỉ là con người không chịu lắng nghe mà thôi.