Tuesday, September 29, 2015

Quán Chay Nở Rộ: Quang Thảo Chay 2 (Lê Văn Sỹ, Quận 3)

Nhà hàng Quang Thảo Chay 2

331/4A Lê Văn Sỹ (gần Khách sạn Ramana)
Phường 13, Quận 3
Điện thoại đặt bàn: (08) 839302304

Quang Thảo Chay 2: Nấm Accoutics
Mai Thủy / Ảnh: Lê Sinh, Studio Áo cưới Lê Phương, Lê Văn Sỹ, Q.3

(TGĐA) - Chỉ sau một năm ra mắt nhà hàng chay Quang Thảo, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TpHCM thì tháng 8 vừa qua, Quang Thảo và Đình Toàn lại tiếp tục cho ra đời nhà hàng chay Quang Thảo 2, tại đường Lê Văn Sỹ, Q. 3. 


Vẫn không gian ẩm thực đẹp sang trọng trang nhã với gam màu trắng chủ đạo, nhà hàng chay Quang Thảo 2 đón thực khách với những món ăn quen thuộc vốn có như cà-ri xanh, hoa chuối bóp thấu, gỏi ổi, nước tam đậu, nước nhân trần… Có một số món ăn với nguyên liệu hoa quả xanh được Quang Thảo cho xe vận chuyển từ vườn nhà ở Long Thành của anh để chế biến cho quán để đảm bảo đúng phương châm đã đề ra: Món ngon, sạch và dinh dưỡng.

Là người ăn chay trường, vẫn là ước mơ cháy bỏng luôn nung nấu trong lòng, là mỗi sớm mai thức dậy, thấy mọi người dùng bữa chay ngay tại ngôi nhà Quang Thảo với những món ăn thuần chay do chính tay Quang Thảo chọn lọc. 




Với 3 tuần chuẩn bị đầu tư, nhà hàng chay Quang Thảo 2 mang diện mạo mới, phong cách sang trọng nhưng vẫn có gì đó gần gũi ấm áp như ngôi nhà và điều khác biệt rõ nhất  là tầng 2 của quán được hai chàng diễn viên này tận dụng làm không gian ca nhạc Accoutics rất ấm cúng và dễ thương.

Quang Thảo chia sẻ: “Mình làm nghệ thuật, yêu nghệ thuật và khách của Quang Thảo chay cũng là người yêu nghệ thuật. Thế nên, khách vẫn thường nhắc, sao không mở phòng trà hát với nhau?  Thế là hai tình yêu này hợp tác, cho ra thành phẩm Nấm Accoutics. Mỗi một chỗ tại khán phòng nhỏ xinh này được tính 170 ngàn đã bao gồm nước uống. Những đêm cuối tuần sẽ có luân phiên các ca sĩ dòng nhạc bolero trữ tình biểu diễn những giai điệu nồng nàn vượt thời gian như Thụy Long, Khang Luân, Hương Giang, Hạnh Nguyên, Ngọc Tuyền... Mỗi đêm nhạc được Quang Thảo khéo léo chọn một chủ đề để khách dễ dàng được thưởng thức theo sở thích cá nhân. Ví dụ như “Phố tình” với Sài Gòn náo nhiệt ồn ào được khép lại, chỉ còn phố quen, phố kỷ niệm, những hình bóng nồng nàn xưa…; hay như Nhạc cảnh 20 năm tình cũ; đêm nhạc Lam Phương, hay sắp tới là Đêm nhạc Nắng đẹp miền Nam tập hợp những bài ca đặc sắc hát về miền Nam qua nhiều thế hệ…


Không chỉ những đêm nhạc trữ tình ru lòng người nghe như thế, Quang Thảo và Đình Toàn đã đem những giai điệu này thành cầu nối cho những mảnh đời khó khăn, khuyết tật. Quang Thảo Chay vẫn tiếp tục gây quỹ từ thiện qua chương trình Cho nhau yêu thương, kết nối những tấm lòng hảo tâm tới những trẻ em khuyết tật, giúp các em có thêm nhiều nụ cười hơn trong cuộc sống…



Monday, September 28, 2015

Tin Vui Ăn Chay: 8 đất nước là thiên đường các món chay

8 đất nước là thiên đường các món chay
Nguồn: thrillist.com

1. Italia


Trong liên minh châu Âu, Italia là đất đất nước có số người ăn chay đứng thứ nhất. Với khoảng 10% dân số ăn chay, chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy lạc lõng khi tới du lịch tại đất nước của tháp nghiêng Pisa và đấu trường Colosseum. Với nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào của vùng đất nằm bên bờ Địa Trung Hải, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn ngon tuyệt từ rau củ, ví như chiếc pizza chay đầy hấp dẫn này chẳng hạn.

2. Ấn Độ

Những bữa ăn không chứa thịt là một phần trong các gia đình người Ấn. Đến Ấn Độ, bạn có thể dễ dàng phân biệt được các thực phẩm đóng gói sẵn có phải đồ chay hay không dựa vào những dấu hiệu dễ nhận biết như sau: món đồ dành cho người ăn chay có dấu ấn màu xanh lá, gói thực phẩm cho người ăn thịt có dấu màu nâu. Vì vậy, bạn sẽ tìm thấy loại thực phẩm dành cho mình.

3. Đài Loan


Rau củ quả vốn từ lâu là một phần quan trọng trong những bữa ăn truyền thống của người Đài Loan. Thậm chí đối với những món ăn xưa nay vốn mặc định được chế biến từ thịt, người đầu bếp cũng có thể biến tấu cùng với rau quả để tạo ra đĩa thức ăn tuyệt vời. Lượng người ăn chay ở Đài Loan rất lớn, không chỉ vậy chính phủ đất nước này cũng khuyến khích người dân ăn chay mỗi tuần một ngày. Đài Loan có tới hơn 6.000 nhà hàng phục vụ món chay trên khắp cả nước và điều này có thể khiến bạn bối rối vì có quá nhiều sự lựa chọn đa dạng tại đây. 

4. Ethiopia


Ăn chay vào ngày thứ 4 và thứ 6 hàng tuần là một phần trong nghi lễ truyền thống của giáo hội tại Ethiopia. Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi đất nước này có rất nhiều món chay và thuần chay. Một trong những món chay được yêu thích là “injera” với rau củ hầm ăn kèm bánh mì dẹt. 

5. Singapore


Singapore có nền ẩm thực chay phát triển khá mạnh mẽ. Theo trang HappyCow.net, có tới 359 nhà hàng ẩm thực chay với các món ăn tốt cho sức khỏe tại đất nước hải sư. Có lợi thế là đất nước đa sắc tộc, các tín đồ món chay sẽ được thỏa thích lựa chọn những món ăn chay đa dạng từ thuần chay đến bán phần chay với đủ hương vị pha trộn từ phong cách phương Tây, Trung Hoa, hay thậm chí là vùng biển Địa Trung Hải...

6. Ireland


Thật khó có thể tưởng tượng rằng đất nước Ireland lại có nền ẩm thực chay phong phú đến vậy. Đất nước này có rất nhiều cửa hàng thực phẩm cho tới nhà hàng chuyên phục vụ đồ chay, thậm chí tính theo bình quân đầu người còn thuộc hàng đông đảo nhất trên thế giới. Đến Ireland, hãy một lần thử món hầm hoặc món nghiền được làm hoàn toàn bằng rau củ ngon tuyệt hảo tại đây.

7. Đức


Tại đất nước nổi tiếng với món xúc-xích này lại có tới hơn 7 triệu người ăn chay chiếm khoảng 9% dân số cả nước. Vì vậy, nếu bạn là một du khách ăn chay, thì cũng đừng lo lắng khi tới Đức bởi đất nước này có rất nhiều thực phẩm chay ngon đang chờ đón bạn.

8. Thụy Sĩ


Người dân Thụy Sĩ rất thích các chế phẩm từ thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là các loại rau củ. Thực phẩm ở đây không rẻ, tuy nhiên bạn sẽ được thưởng thức những nguyên liệu tươi ngon vào hàng bậc nhất trên thế giới. Và vì lý do này mà nới lỏng hầu bao thêm một chút chắc chắn bạn cũng thấy thỏa đáng phải không nào? Một lời khuyên nhỏ: hãy thử bánh rau và món trộn rau củ khi tới Thụy Sĩ.



Saturday, September 26, 2015

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bún chay nấu nhanh - Hoàng Anh (Quick vegan rice noodle soup)

Quick vegan rice noodle soup
Bún chay nấu nhanh cho ngày rằm
Hoàng Anh 

(VNExpress) - Chỉ mất chưa đầy 30 phút, từ sơ chế đến trình bày món ăn, bạn đã có một bát bún chay thơm ngon và bổ dưỡng cho ngày rằm.

Nguyên liệu:
  • Đậu hủ
  • Nấm rơm hoặc nấm bào ngư (hoặc cả hai loại nấm)
  • Cà chua
  • Hành khô
  • Hành lá
  • Ngò rí (mùi ta)
  • Muối
  • Bột canh
  • Mì chính
  • Tiêu
  • Dầu ăn
  • Rau sống (xà-lách, kinh giới, dưa leo...)
  • Bún

Chế biến:
  1. Đậu hủ cắt miếng nhỏ bằng nửa bao diêm, chiên vàng trong chảo ngập dầu.
  2. Hành khô bóc vỏ, đập dập đem phi với một chút dầu ăn, đến khi dậy mùi thì cho cà chua đã rửa sạch, thái miếng vào xào cùng. 
  3. Cà chua chín thì đổ nước vào nồi canh đun đến sôi. 
  4. Tiếp tục cho nấm đã rửa sạch, thái miếng, và đậu hủ đã chiên vào. 
  5. Tra các loại gia vị (muối, bột canh, mì chính) vừa miệng. 
  6. Nấu canh thêm vài phút để nấm chín hẳn, đậu hủ ngấm nước dùng thì cho hành ngò đã rửa sạch thái nhỏ vào. 
  7. Chờ nước sôi lại thì tắt bếp.
  8. Trần bún qua nước sôi rồi xếp sẵn bún trong bát, sau đó múc canh đổ lên. 
  9. Rắc hạt tiêu lên trên. Ăn kèm các loại rau sống.



Thursday, September 24, 2015

Người Trường Chay: Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt Book Fair

The Vice President of Frankfurt Book Fair, Ms. Claudia Kaiser, is vegan.

Chuyện ăn chay của bà phó chủ tịch hội sách lớn nhất thế giới
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

(NĐT) - Bà Claudia Kaiser là phó chủ tịch hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair. Tôi gặp bà lần đầu tiên trong một phiên họp thường niên lãnh đạo Hiệp hội Xuất bản ASEAN diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ấn tượng của tôi về lãnh đạo cao cấp này của Hội sách lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên vào tháng 10 là bà rất nhẹ nhàng, rất Á đông, rất gần gũi, rất nhiệt tình.
   
Tôi cũng đặc biệt vui khi bà quan tâm đến Việt Nam. Trong phiên họp này, lãnh đạo Hội xuất bản Việt Nam bận hết nên tôi làm trưởng đoàn. Vậy là ngoài các buổi làm việc chung với trưởng đoàn của Hội xuất bản các nước ASEAN tôi có các buổi làm việc riêng với nhiều lãnh đạo các nhà xuất bản các nước, trong đó có buổi làm việc với bà Claudia Kaiser, người phó chủ tịch rất hiểu biết và thân thiện của Frankfurt Book Fair.

Thế rồi, nhân diễn ra Hội sách Quốc tế Hà Nội lần thứ V từ ngày 10 đến 14 tháng 09 vừa qua tại công viên Thống Nhất Hà Nội, chúng tôi quyết định viết thư mời bà đến Việt Nam. Thật bất ngờ rằng bà Claudia Kaiser nhận lời ngay. Thế là lãnh đạo các nhà xuất bản và bạn đọc Việt Nam chúng ta có cơ hội vàng được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với bà ngay trong khuôn khổ Hội sách. Các thầy cô giáo và sinh viên của Đại học Văn hóa và Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội cũng có dịp được gặp và nghe những chia sẻ quý báu của lãnh đạo cao cấp hàng đầu của Hội sách lớn nhất thế giới.

Nhưng câu chuyện tôi muốn chia sẻ hôm nay không phải là văn hóa đọc hay bản quyền, chẳng phải tri thức hay phát hành sách mà là lý do ăn chay gần 30 năm nay của bà Claudia Kaiser.
   
Bà kể rằng trong chuyến đi công tác Trung Quốc cách đây gần 30 năm bà đã chứng kiến những con ếch bị giết chết cho con người ăn thịt. Bà bị ám ảnh rất lớn về chuyện này. Một tình yêu thương động vật dâng trào trong bà. Thế là bà phát nguyện ăn chay trường.

Tôi hỏi bà, ở châu Âu, nhất là nước Đức, nơi bà đang sống và làm việc thì việc ăn chay trường có gặp nhiều khó khăn hay không và với vị trí cao như bà, hay phải tiếp khách thì ăn chay trường thế nào. Bà cười rất tươi và nói rằng, nếu mình thật sự muốn thì không có gì là khó cả.

Tôi biết bà ăn chay trường từ lâu. Cả công ty sách Thái Hà biết bà ăn chay nên ngay trong chuyến đón bà vào Việt Nam lần trước vào tháng 3 chúng tôi luôn tìm đặt các bữa ăn chay tại các nhà hàng chay tại Hà Nội và thành phố HCM. Bà khen các món chay Việt Nam rất ngon.


Trong bữa ăn trưa vừa rồi tại Hà Nội, bà đột nhiên hỏi chúng tôi “Các bạn không dùng đồ bằng da chứ?”. Tôi giật mình. Bà Claudia Kaiser rất tinh tế và có tâm từ bi bao la. Yêu thương các chúng sinh không có nghĩa rằng chúng ta chỉ ăn chay mà còn không nên sử dụng các đồ dùng làm từ da. Khi không dùng đồ da là chúng ta đã gián tiếp để các loại động vật không bị giết hại phục vụ cho nhu cầu con người. Trên đường về, tôi nhìn và phát hiện ra, mọi đồ dùng của bà, trong đó có túi xách không có gì bằng da cả. Thật đáng suy nghĩ.

Trong bữa ăn, khi nói chuyện, một bạn trẻ nói lý do muốn ăn chay rằng nếu ăn mặn thì các động vật bị giết đau đớn. Bà Claudia Kaiser nói luôn rằng, ăn cây cỏ, chúng cũng bị đau chứ. Cây cối cũng như chúng ta mà. Tôi và các bạn cùng đi lại thêm một lần nữa giật mình. Từ nay, trước khi ăn rau chúng tôi cũng sẽ xin lỗi các cây rau, hoa trái, và xin hồi hướng công đức tu tập cho họ. Thêm một bài học rất cụ thể và thiết thực.

Bà Claudia Kaiser rất thích trà Việt Nam. Bữa nào bà cũng xin một ấm trà và uống liên tục. Vừa uống vừa khen ngon. Nhìn bà ăn chay uống trà Việt, chúng tôi ai cũng vui. Ấy thế mà khi tiễn bà về nước tôi lại quên mất không tặng trà cho bà. Anh Nguyễn Kiểm – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam thì rất cẩn thận. Anh mua đến 3 loại café Việt Nam khác nhau để tặng bà.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà những người ăn chay hay kể cho nhau nghe. Chuyện rằng ông trùm Năm Cam và vợ của ông ta cũng ăn chay trường. Ngay cả những người đầy tội lỗi như ông trùm Năm Cam mà vẫn có lòng từ bi với chúng sinh. Tội lỗi của Năm Cam thì ai cũng rõ nhưng cá nhân tôi rất trân trọng ông ấy ở chi tiết này. Điều đó giúp tôi và nhiều bạn trẻ cùng nhau ăn chay. Một câu chuyện mà tôi hay chia sẻ khi giao lưu.

Mới đây tôi nhận được lời mời từ bạn trẻ Vương Văn Tân (pháp danh Phúc Tâm). Tân là chủ nhiệm câu lạc bộ Khai Tâm Việt và là đồng sáng lập nhóm Thiện Hữu. Nhóm các bạn trẻ này cùng nhau tu tập và đặc biệt là khuyến tấn nhau ăn chay. Các bạn còn lập ra cả trang website www.ngayanlac.org và có các buổi sinh hoạt hàng tháng. Các bạn biết đến tôi và muốn mời tôi đến nói chuyện với vài trăm bạn trẻ về ăn chay trong chương trình "Ngày ăn chay an lạc". Tôi dự định rằng sẽ kể những câu chuyện ăn chay của những người bạn tôi, trong đó có những người đang giữ những vị trí rất cao, trong nước cũng như trên khắp thế giới mà bà Claudia Kaiser là một ví dụ. Rất tiếc rằng chương trình tháng 10 này của “Ngày ăn chay an lạc” tôi lại đang công tác ở nước ngoài, mà cụ thể là đến với Hội sách Frankfurt Book Fair, nơi có người phó chủ tịch là bà Claudia ăn chay trường gần 30 năm nay.

Tôi vui lắm và mong rằng trong nhóm bạn bè, đồng nghiệp và học trò của tôi ngày càng có thêm nhiều người ăn chay. Rồi đây sẽ có cả Hội những người ăn chay ngay trên đất Việt Nam của chúng ta. Thật mà.



Wednesday, September 23, 2015

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Nộm hoa chuối - Nhà hàng Hum (Banana flower salad)

Photo credit: Kim
Đổi vị với món nộm hoa chuối
Thụy Khuê

(iHay) - Ăn chay ngày càng trở nên phổ biến, bởi ngoài yếu tố tâm linh món chay thường tốt cho sức khỏe vì giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa. Thử thay đổi khẩu vị theo phong cách dưỡng thực, màu sắc hài hòa với món nộm hoa chuối được giới thiệu bởi nhà hàng Hum (TP.HCM).

Nguyên liệu:
  • Hoa chuối hột bào mỏng: 100 gr
  • Rong biển: 30 gr
  • Đường thốt nốt, chanh, tỏi, ớt, nước mắm chay
  • Húng lủi

Cách làm:
  1. Hoa chuối hột bào mỏng, ngâm một ít chanh muối để khử vị đắng. 
  2. Rong biển ngâm trong nước với một ít gừng khoảng 3 tiếng để khử mùi.
  3. Chuẩn bị nước gỏi: nước gỏi làm từ đường thốt nốt xay nhuyễn, thêm một muỗng chanh, nước mắm chay và một ít tỏi bằm nhuyễn.
  4. Cho rong biển, hoa chuối, ớt trộn đều với nước gỏi. Trang trí bằng húng lủi.



Monday, September 21, 2015

Quán Chay Nở Rộ: Bếp chay Phạm Hồng Phước


Phạm Hồng Phước mở quán chay cùng tên, ngon cực
Dy Khoa

(SaoBiz.net) - Bếp chay Phạm Hồng Phước khai trương ngày 19/8, là "đứa con" mới toanh của nam ca sĩ điển trai chuyên nhạc tự sự.

Quán Bếp chay Phạm Hồng Phước nằm tại số 140 đường Trường Sa, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM. Độc giả của Saobiz.net có thể đi theo đường Trường Sa (hai chiều) từ Lê Văn Sĩ (trường ĐH Sư phạm) hoặc đi từ đường Điện Biên Phủ vào trung tâm (rẽ phải tại chân cầu Điện Biên Phủ).

Hàng ăn này mở cửa từ 6h sáng đến 9h đêm mỗi ngày.


Không gian của Bếp chay Phạm Hồng Phước được thiết kế khá đơn giản. Đây là “cơ ngơi” kinh doanh đầu tiên của chàng ca sĩ. Theo Phạm Hồng Phước, thức ăn của quán được chính người nhà chuẩn bị. “Phước nhờ ngay người nhà, vì người ngoài kẻo không hợp khẩu vị”, ông chủ trẻ tâm sự. Anh cũng bật mí: “Nhà Phước ăn chay trường đấy. Còn Phước thì ăn mấy ngày nhất định thôi!”

Mức giá của Bếp chay Phạm Hồng Phước khá mềm so với mặt bằng chung mức giá hàng chay tại TP HCM. Khoảng giá đưa ra chỉ từ 20 nghìn/ đĩa cơm tấm. Đặc biệt, quán còn có cả lẩu Thái – chỉ bán vào chiều và tối mỗi ngày.

Nếu đến giấc sáng hoặc giờ trưa, Bếp chay Phạm Hồng Phước thì bạn có thể thưởng thức cơm tấm, bò kho, phở… Còn vội đi cho giờ vào lớp, vào ca thì ổ bánh mì chay, bánh bao hay bánh giò chay là lựa chọn số một – nhanh, ngon mà lại rẻ.


Nói với Saobiz, Phạm Hồng Phước vui mừng khi ngày đầu tiên được mọi người chú ý. “Mong là nhiều ngày sau khách vẫn lai rai, nhất là khách vãng lai để họ có thể truyền tai nhau”.

Cùng Saobiz thử hai trong nhiều món ở đây.


Cơm tấm Bếp chay Phạm Hồng Phước. Đĩa cơm làm bạn khó phân biệt có phải chay thật hay không bởi sự cầu kỳ và tỉ mỉ trong từng cọng bì (từ miến), thớ thịt (mì căn)… Nước mắm chay ở đây được làm từ đậu nành ủ nên bạn dễ dàng bắt được mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, nó không quá mặn, cũng không quá ngọt. Điều này làm người dùng không bị ngán khi thưởng thức.


Món thứ hai là phở Bếp chay Phạm Hồng Phước. Ấn tượng đầu tiên là hương thơm đặc trưng. Nước dùng ngòn ngọt vị tự nhiên của các loại củ.


Sunday, September 20, 2015

Nếp Sống Ăn Chay: 7 loại rau giàu protein cho người không ăn thịt

7 loại rau giàu protein cho người không ăn thịt
Thu Hiền

(VNE) - Tờ Boldsky khuyên người không thích ăn thịt nên chọn đậu Hà Lan, bông cải xanh, ngô ngọt, nấm... để cung cấp protein cần thiết cho cơ thể.

Nếu bạn ghét ăn thịt hãy thay thế chúng bằng những loại rau có lá xanh, chúng chứa rất nhiều protein có lợi cho việc xây dựng cơ bắp và cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể.

Đậu Hà Lan được biết đến là một loại rau lý tưởng dành cho người ăn chay bởi chúng cung cấp protein dồi dào. 


Ngô ngọt là thực phẩm chứa hàm lượng protein cao. Bạn có thể luộc, nướng hoặc xay chúng để tạo ra các món khác biệt. Có loại rau này trong bữa ăn, bạn không cần phải ăn thịt.


Bông cải xanh là loại rau có hàm lượng protein rất cao. Nên chọn bông cải xanh có màu xanh đậm, càng sẫm càng tốt và ăn trước khi chúng chuyển sang màu vàng.


Măng tây là loại rau lý tưởng cho người ăn chay, cung cấp đầy đủ protein. Có thể thêm chúng vào súp, mì, cơm chiên hoặc đơn giản chiên trong một chút dầu ô-liu.


Đậu nành rất giàu protein, thường được luộc hoặc hấp. 


Một chén nấm thái lát có thể cung cấp cho bạn khoảng 3,9 g protein. 



Thursday, September 17, 2015

Người Trường Chay: Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Vietnamese photographer Trần Thế Phong is a long-time vegetarian.

Ánh sáng cuộc đời của Trần Thế Phong
Hữu Thân

(NLD) - Người xem dễ nhận ra “Ánh sáng cuộc đời” của Trần Thế Phong là hành trình của một đời người bắt đầu là đứa trẻ mồ côi được cưu mang che chở bởi tấm lòng nhân ái ở cửa Phật. Đứa trẻ ấy lớn lên trong tình thương của giới tu hành và ánh sáng của Phật pháp, giác ngộ và hành đạo giúp đời 

Nhận cuốn sách ảnh “Ánh sáng cuộc đời” có chữ ký đề tặng của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, vừa được NXB Trẻ ấn hành, tôi lấy làm ngạc nhiên vì sau một năm, từ khi “Vượt qua bóng tối” xuất bản tháng 4-2014, anh lại có cuốn sách ảnh mới ra mắt công chúng.

“Ánh sáng cuộc đời” gồm 108 bức ảnh ghi lại những sinh hoạt thường nhật ở chốn thiền môn, nét đẹp trong đời sống Phật giáo bằng những chấm phá đơn giản, nhẹ nhàng, rất hiện thực như nhận xét của Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được in trong trang đầu. Cái hay ở cuốn sách ảnh này là sự sắp xếp, bố cục hoàn toàn có ý đồ của tác giả, từ trang 10 đến trang 118 gợi lên triết lý sâu xa của đạo Phật trong kiếp nhân sinh. Người xem dễ nhận ra đó là hành trình của một đời người bắt đầu là đứa trẻ mồ côi được cưu mang che chở bởi tấm lòng nhân ái ở cửa Phật. Đứa trẻ ấy lớn lên trong tình thương của giới tu hành và ánh sáng của Phật pháp, giác ngộ và hành đạo giúp đời.


Hành trình này mang bóng dáng của tác giả. Trần Thế Phong mồ côi từ nhỏ, lớn lên là trẻ em đường phố và được nhiều người cưu mang, trong đó có các sư thầy. “Thủa nhỏ sống gần chùa, gần gũi các tăng ni nên được sự dạy dỗ từ các sư thầy” - Trần Thế Phong từng cho biết.

Vì là người ăn chay trường 28 năm nay, tâm hướng Phật nên anh thầm mơ ước một ngày nào đó làm được bộ ảnh về Phật giáo. Thực hiện bộ ảnh “Ánh sáng cuộc sống”, anh chú trọng nhất là đạo làm người.

Trong sự nghiệp sáng tác ảnh của mình, Trần Thế Phong thường chọn chủ đề thiên về đời sống người lao động nghèo, bất hạnh, như “Gánh”, “Những nẻo đường tuổi thơ”, “Nghệ sĩ đường phố”… vì anh muốn truyền tải sự an lạc ở họ, không muốn người đời nhìn họ bằng ánh mắt thương hại.

Nói về cảm xúc sáng tác của mình, anh tâm sự: “Tôi đặc biệt thích và đầy cảm xúc với hình ảnh những đứa trẻ đường phố. Qua đó, tôi tìm thấy cuộc đời mình trong chúng. Thế nên, mỗi khi tôi bắt gặp những hình ảnh ấy, trong tôi lại rạo rực cảm xúc và hăm hở ghi lại. Nhưng, những đứa trẻ trong ảnh của tôi dù sống chật vật, lây lất nhưng lúc nào cũng cười. Những nụ cười của sự vươn lên, sự tự tin vào tương lai tươi sáng chứ không ủy mị, ảm đạm”.

Ở “Ánh sáng cuộc đời” cũng vậy, người xem bắt gặp qua ống kính của anh một thế giới an lạc, nơi được chiếu rọi bằng ánh sáng từ bi.

Trần Thế Phong cho biết những bức ảnh này đa số là chụp ngẫu nhiên vì anh thích thể loại ảnh báo chí, thích tính hiện thực, đôi khi cũng có vài sắp xếp nho nhỏ nhưng nói chung là khoảnh khắc thực.

Đề tài tôn giáo, theo anh, không dễ làm, rất khô cứng, các sư rất ngại chụp hình. Phải tiếp cận từ từ, phải mất nhiều thời gian để tạo sự đồng cảm, gần gũi với các tăng ni thì họ mới chịu cho chụp ảnh. Với anh, tác phẩm nhiếp ảnh phải chứa đựng giá trị nhân văn.

Trần Thế Phong khẳng định: “Tôi luôn quan niệm cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Vì vậy, tôi chụp nhiều bức ảnh đậm tính báo chí hơn là trừu tượng. Những người lao động nghèo, cuộc sống của họ thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai quan tâm nhưng nó có vẻ đẹp riêng khi lên ảnh”.

Trần Thế Phong cho biết đã bán được hơn 1.000 quyển sách “Ánh sáng cuộc sống”. Cũng như lần triển lãm, bán sách ảnh “Vượt qua bóng tối” năm trước, toàn bộ số tiền bán sách và đóng góp của mạnh thường quân đã được ủng hộ quỹ học bổng dành cho học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,  số tiền bán sách lần này anh cũng sẽ dành hết cho những công việc từ thiện.



Wednesday, September 09, 2015

Nếp Sống Ăn Chay: Nhiều lợi ích từ ăn chay

Photo credit: Diệu Thảo
Nhiều lợi ích từ ăn chay
BS. Trần Thị Hạnh

(Khoa học phổ thông) - Ăn chay được phân thành 3 nhóm, nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm: rau, đậu, hạt, trứng và bơ sữa; nhóm thứ hai là lacto, cũng giống nhóm ovo-lacto nhưng không có trứng; và nhóm thứ ba là vegan, hoàn toàn không ăn đạm động vật. Người Việt hay các Phật tử nước ta ăn chay đa số thuộc nhóm thứ ba.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ trên thế giới cho thấy mật độ chất khoáng trong xương (viết tắt là MĐX) của người ăn chay tương đương MĐX người ăn mặn.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua nói lên ăn chay có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến “hiện đại hóa” như: tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, ung thư. Chế độ ăn chay sử dụng nhiều rau quả, ít chất béo và cholesterol hơn chế độ ăn mặn. 

Trong nghiên cứu trên 47.000 người Mỹ, nhóm ăn chay mắc bệnh tim mạch thấp hơn nhóm ăn mặn 20%, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não 22%. 

Một nghiên cứu khác trên 26.000 người Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn người ăn mặn 25% vì chế độ ăn chay có chỉ số đường thấp, do đó nó như là một phương pháp thực dưỡng cho người đái tháo đường và rối loạn dung nạp đường huyết.

Trong một nghiên cứu của các khoa học gia ở Na Uy về ăn chay ảnh hưởng bệnh viêm thấp khớp theo dõi nhóm ăn chay và nhóm ăn mặn trong 12 tháng cho kết quả bệnh viêm thấp khớp của nhóm ăn chay giảm rõ rệt, còn nhóm ăn mặn không thay đổi đáng kể. Dù cơ chế ăn chay ảnh hưởng đến bệnh viêm thấp khớp chưa được hiểu rõ, nhưng nghiên cứu trên khẳng định thực dưỡng ăn chay có lợi cho nhóm bệnh lý này.

Xét về tỷ lệ béo phì trong dân số nước ta ngày càng tăng, trong nghiên cứu tại Tp.HCM, cứ 3 người trên 40 tuổi thì có 1 người béo phì, tỷ lệ béo phì là 25%. Khi với xu hướng hiện đại hóa, người dân ăn nhiều đạm động vật, thức ăn nhanh, đồ béo ngọt, thực phẩm tẩm ướp nhiều phụ gia, màu tổng hợp, dầu mỡ thì tỷ lệ béo phì ngày càng tăng. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và đái tháo đường. Khi tỷ lệ béo phì tăng sẽ kéo theo nhiều bệnh lý đi kèm, dẫn đến nhiều gánh nặng cho gia đình và y tế, xã hội. Chế độ ăn chay cung cấp nguồn năng lượng thấp, tiêu hao năng lượng dư thừa tích lũy được khuyên áp dụng điều trị cho bệnh lý béo phì.


Tuesday, September 08, 2015

Người Trường Chay: Anh Vũ "thực dưỡng": "Nam giới đeo tạp dề không phải là bánh bèo... "


Anh Vũ "thực dưỡng": "Nam giới đeo tạp dề không phải là bánh bèo... "
Hương Ngân / Thực hiện: Nguyên Ân

(ĐẹpOnline) - “Thực dưỡng” là một cụm từ rất mới, nhưng thực tế, đó là phương pháp áp dụng các nguyên tắc ăn uống chú trọng đạt tới sự cân bằng thư thái cho cơ thể, dựa trên những nguyên liệu và phương pháp chế biến truyền thống. Đến với thực dưỡng là đến với một thế giới thăng hoa nhưng giản dị, nghiền ngẫm và vui thú cùng rau củ. Thực dưỡng tuy không phải là phương pháp tu hành của một tôn giáo nào nhưng lại cho người ta cảm nhận gần gũi về sự “giác ngộ” trong Phật giáo, đó là sự đào sâu, lắng nghe và trân trọng chính mình. 

Chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Anh Vũ, sinh năm 1988, sau những tháng ngày “rong ruổi trần gian”, kinh qua những giây phút đau đớn vì bệnh tật, đã tìm cho mình một lối đi riêng trong ngành thực dưỡng. Trang Bepthucduong của anh với slogan “ăn có ý thức, nấu có trách nhiệm” là tài liệu tham khảo quan trọng về thực dưỡng hiện đại, cũng là nơi kết nối và quảng bá hình ảnh cũng như tinh thần của cộng đồng thực dưỡng.

- Chào anh Anh Vũ! Hiện nay công việc chính của anh là gì?

- Trước đây, mình có làm văn phòng (giai đoạn từ 2009-2014) nhưng cách đây khoảng một năm, thì nghỉ việc và toàn tâm toàn ý theo nhanh thực dưỡng. Mình làm những công việc liên quan đến bếp núc và đồ chay như “chém rau củ mướn” (nấu đồ chay) cho một số gia đình người nước ngoài ở Tp.HCM, hướng dẫn nấu ăn, chụp hình và làm food stylist cho các đơn vị quảng cáo... Dù khá bận nhưng mình vẫn cố gắng đăng bài đều trên bepthucduong.com chia sẻ những thông tin thực dưỡng, món chay thực dưỡng hàng ngày tốt cho sức khỏe, khích lệ mọi người.

- Chọn một cách giới thiệu về mình, anh sẽ nói gì?

- Mình thường nghĩ mình là dạng người “khó đoán”. Vì cuộc đời mình từ trước nay toàn những thứ oái oăm. Mình học về ngành ngôn ngữ ở trường Ngân hàng, nhưng khi ra trường lại làm về thiết kế, marketing. Đến nay thì sống với nghề bếp và dinh dưỡng. Nghe thì có vẻ không liên quan tới nhau nhỉ? (cười) Thực ra mỗi kĩ năng đều bổ sung cho nhau hiệu quả. Ở mỗi lãnh vực mình đều đào sâu hết mức có thể, vì bản tính mình rất tò mò và lục lọi như trẻ con ấy. Thường khi chưa tiếp xúc người khác sẽ nghĩ mình thuộc dạng “trầm” nhưng sau đó họ sẽ thấy khác đấy. Làm cho người khác ngạc nhiên, nếu tốt hơn thì “wow”, là sở thích của mình thì phải. 

- Vậy tại sao anh lại chọn ăn chay? Nhất lại là ăn chay thực dưỡng?

- Cách đây hơn 3 năm, nếu nói đến chay là mình sẽ biến mất trong 3 giây. Mình nghĩ nó là một thứ nhạt nhẽo và trống rỗng. Thế rồi, trong một lần kiểm tra sức khỏe, bác sĩ phát hiện có khối u lớn trong người và dấu hiệu của bệnh tim. Có lẽ trước đây mình quá ôm đồm tham công tiếc việc nên bệnh phải viếng thăm thôi. Lúc đó, mình hoàn toàn suy sụp nhưng cũng may ở nhà đã có sẵn gạo lứt và tài liệu thực dưỡng. Thế là mình nhai ngấu nghiến sách vở, internet, phim tài liệu, hỏi han người đi trước và áp dụng thôi. Ai cũng biết ăn chay là tốt cho sức khỏe nhưng có nhiều tiểu tiết cần lưu tâm không thì "mộng đẹp" tan vỡ ngay từ đầu. Mình là người đa nghi nên chắc hợp với thực dưỡng, vốn thường được nghĩ là phiên bản “kĩ tính” hơn ăn chay. Sau một thời gian tiết thực triệt để thì tình hình đã được kiểm soát, sức khỏe ổn hơn rất nhiều mặc dù cân nặng không còn hoành tráng như xưa nữa. Nhưng mình cũng chẳng bận tâm lắm, miễn là còn được thở đều. Từ miễn cưỡng mình trở nên yêu thích ăn chay và sống kiểu thực dưỡng. Mình tìm được một “vùng thỏa mãn” mới mà trong mắt người đời nó là kham khổ. Với lời dạy “ăn một hạt, trả một vạn hạt” mình bắt tay làm chuyện "bao đồng" để người khác như mình, cũng thoát chết.

- Nam giới ăn chay đã khó, ăn chay theo những quy tắc của thực dưỡng còn ngại ngần hơn. Anh có lời khuyên nào cho các quý ông?

- Nam giới, như cách nghĩ của mình trước đây, sẽ không thích những hương vị nhẹ nhàng và kết cấu có phần “gồ ghề” kiểu thực dưỡng. Nhiều chị em cũng chia sẻ với mình về mong muốn giúp chồng con ăn ngon với thực dưỡng. Đôi khi chỉ cần giảm những thứ không tốt như thịt, đường, sữa đã là thực dưỡng lắm rồi. Nếu chịu khó đầu tư một chút thời gian, tình cảm vào nấu ăn mình nghĩ nam giới cũng khó lòng từ chối những hương vị tự nhiên. 

- Ở nhà anh, anh hay vợ sẽ nấu ăn? “Đeo tạp dề” có bị coi là câu mỉa mai đối với nam giới nói chung và cá nhân anh nói riêng không?

- Ở nhà mình, hai người sẽ thay phiên nhau nấu. Thường thì khi thử món mới, vợ sẽ làm food stylist cho mình chụp ảnh. Cô ấy nấu thì mình miễn chê. Thành thật mà nói, có một người vợ am hiểu thực dưỡng là một trong những phước đức 8 đời của người đàn ông đấy. Rất nhiều người vợ tẩm bổ cho chồng quá tay vì thương lắm và yêu lắm nên lên cân ù ù và đó là một dấu hiệu không mấy an tâm.

Thời buổi này, nam giới đeo tạp dề không phải là bánh bèo đâu. Mà mình nghĩ dù nam hay nữ thì cũng cần biết nấu ăn, đó là bản năng sinh tồn cơ mà. Bếp trưởng nhà hàng hầu hết là nam, họ rất bản lĩnh. Mình rất thích họ, chắc phái nữ cũng thích.


- Bepthucduong có rất nhiều thông tin bổ ích. Bạn có thể kể cho tôi nghe một chút về nó không?

- Mình bắt đầu bepthucduong.com từ năm 2012 khi đã áp dụng thực dưỡng được gần một năm. Lúc đầu mình chỉ viết nhảm về những bữa ăn hàng ngày của mình, những trải nghiệm trong quá trình chữa bệnh. Bếp thực dưỡng như cuốn sổ tay để mình ghi lại những gì cần nhớ nhất. Về sau thấy có người quan tâm, mình ngồi lục lọi và dịch nhiều bài hơn cho “ích nước lợi nhà”. Tuy không có la cà quán xá, trà đá bia hơi như trước nhưng mình cũng có thêm nhiều bạn đáng kể qua blog. 

Nhiều bạn có tâm sự web của mình đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các bạn rất nhiều, kiểu như có người “vẽ đường cho hươu chạy”, thậm chí có những người bị ung thư nhờ thực dưỡng mà sống vui. Đó là giá trị khiến mình hạnh phúc nên mình còn tiếp tục "chém gió" dài dài. Cũng vui là ngày càng nhiều người chưa bệnh tật gì cũng rất quan tâm đến ăn chay, ăn thực dưỡng.

- Cá nhân anh nghĩ gì về thực dưỡng Việt Nam?

- Ngày nay vấn đề của mọi người là bị dư thừa thông tin, nhất là về dinh dưỡng. Điều đó khiến mọi người bị “xoắn”.  Điều cần làm là lọc bớt thông tin chứ không hẳn là thêm vào. Thực ra muốn biết tương lai chỉ cần nhìn vào quá khứ. Trở về với tự nhiên, tin vào trực giác và phản ứng của cơ thể mình để lựa chọn thực phẩm phù hợp hơn là nghe người khác khuyên.

Thực dưỡng những năm gần đây có nhiều tiếng nói hơn, nhiều nhà sản xuất chất lượng hơn, nên người tiêu dùng Việt rất sướng. Thông tin bây giờ cũng cập nhật hơn nên mình nghĩ là sẽ có ít người bệnh lao vào nhịn ăn và nhai gạo lứt muối mè trường kì theo “giang hồ đồn”. Trên thế giới thực dưỡng có phần phong phú hơn và họ không làm như thế trừ những trường hợp đặc biệt.

Mình vẫn khuyên những người bệnh là buông bỏ bớt đi, ăn đơn giản cho "đời thanh thản". Những vấn đề của ngày hôm nay hầu hết là do thừa mứa lượng và thiếu chất. Mình hi vọng mọi người có thể tỉnh táo, mạnh dạn thay đổi và buông bỏ. Hãy thương yêu cơ thể mình bằng cách làm việc vừa phải, tự nấu ăn ở nhà với nguyên liệu tự nhiên và luôn biết ơn thực phẩm. Nói tóm lại là “ăn có ý thức, nấu có trách nhiệm.”