Tuesday, October 07, 2014

Người Trường Chay: Nhà thiết kế thời trang người Anh Stella McCartney


A lifelong vegetarian, Stella McCartney does not use any leather or fur in her designs. Her collections include women’s ready-to-wear, accessories, lingerie, eyewear, fragrance and kids. 
Stella McCartney now operates 33 freestanding stores in locations including Manhattan’s Soho, London’s Mayfair and Brompton Cross, LA’s West Hollywood, Paris’ Palais Royal, Milan, Tokyo, Shanghai and Beijing. Her collections are now distributed in over 70 countries through 600 wholesale accounts including specialty shops, and department stores, as well as shipping to 100 countries online.

Stella McCartney và hành trình thoát bóng Paul McCartney
Thi Thi

(VNE) - Nhà thiết kế người Anh luôn nỗ lực khẳng định tên tuổi ở ngành công nghiệp thời trang và tách mình khỏi danh xưng "con gái danh ca huyền thoại The Beatles".

Được mệnh danh là "nhà thiết kế biết chiều lòng phụ nữ", Stella McCartney nổi tiếng với phong cách làm đồ thanh lịch, pha trộn chút nam tính. Thương hiệu của cô được nhiều ngôi sao ưa chuộng như Madonna, Naomi Campbell, Kate Moss hay Gwyneth Paltrow. Sau hơn 10 năm phát triển, Stella McCartney hiện là một trong những nhà thiết kế nổi bật nhất của thời trang Anh quốc. Cô từng đoạt giải thưởng Nhà thiết kế của năm Thương hiệu thiết kế của năm do Hiệp hội thời trang Anh bình chọn năm 2012. Bên cạnh đó, nhà tạo mẫu còn sở hữu 23 cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn trên thế giới với lợi nhuận hàng năm hơn bảy triệu USD.

Tuy vậy, con đường bước vào làng mốt của Stella McCartney không trải đầy hoa hồng. Là con gái danh ca Paul McCartney, một trong bốn thành viên của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, danh tiếng của Stella McCartney lúc mới nổi đã bị cái bóng quá lớn của người cha che khuất. Các thiết kế của cô khi ấy chỉ được nhớ tới với danh xưng duy nhất: "Con gái của ngài Paul McCartney".

Ngay từ bộ sưu tập đầu tay cũng là bài tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Central Saint Martins năm 1995, Stella McCartney đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới thời trang. Các thiết kế của cô được hãng Tokio tại London mua sạch. Sự kiện ấy giúp Stella McCartney bước vào thế giới thời trang cao cấp với chức danh giám đốc sáng tạo của nhà mốt Chloé.

Dù vậy, nhà thiết kế Karl Lagerfeld - cựu giám đốc sáng tạo của Chlóe khi ấy, đã châm biếm rằng: "Tôi nghĩ lẽ ra Chloé nên mời một tên tuổi lớn. Tất nhiên người đó có tiếng nhưng là trong âm nhạc, không phải thời trang. Hãy hy vọng cô ấy cũng tài năng như cha mình".

Không để những định kiến về cái bóng của cha làm cản trở con đường sự nghiệp, Stella McCartney quyết tâm chinh phục làng thời trang bằng chính thực lực bản thân. Trong bốn năm ở Chloé, cô đem lại làn gió mới cho các thiết kế mang thương hiệu lâu đời ở Pháp. Trang phục của cô là sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển của Chloé với sự phóng khoáng và sáng tạo của thời hiện đại. Thành công tại Chlóe đưa tên tuổi McCartney đến với làng thời trang quốc tế bằng giải thưởng "Nhà thiết kế của năm 2000" do tạp chí Vogue bình chọn.

Năm 2012 được coi là thời điểm thành công nhất của nhà tạo mẫu này. Stella Cartney được chọn là nhà thiết kế đồ thi đấu cho vận động viên Anh tại Olympic 2012. Bên cạnh đó, cô còn ký được hợp đồng cộng tác đắt giá với nhiều thương hiệu như Adidas hay H&M. Hầu hết các món đồ vừa ra mắt đều "cháy hàng". 

Cùng thời điểm này, Stella McCartney được vinh danh trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất nước Anh. Đích thân nữ hoàng Anh khi ấy đã trao tặng huân chương cho cô vì những cống hiến vượt bậc cho ngành thời trang của xứ sở sương mù. 

Sau bốn năm gắn bó với Chloé, Stella McCartney rời ghế giám đốc sáng tạo rồi đến với Gucci Group để xây dựng nhãn hiệu riêng vào 2001. Thương hiệu mang tên cô bắt đầu gặt hái những thành công ngoài sức tưởng tượng. Tên tuổi của Stella McCartney "nổi như cồn", từ những mẫu trang phục táo bạo, nổi loạn trong các show nhạc rock cho đến các mẫu thiết kế duyên dáng, nữ tính giăng đầy bìa tạp chí.

Dưới bàn tay tài hoa, nhà thiết kế biến những chất liệu bình dân thành các sản phẩm có sức hút không thua kém đồ da, lông thú xa hoa, phù phiếm. Cô làm giày từ vinyl hoặc nhựa, còn túi cùng thắt lưng được làm chủ yếu từ sợi cọ hay vải. "Thời trang là tâm lý học. Mỗi lần sáng tạo, tôi luôn nghĩ về ba điều là hiện đại, trẻ trung và phải có tiếng nói", cô chia sẻ. 

Giống như mẹ mình - nhiếp ảnh gia Linda née Eastman, Stella McCartney là một người ăn chay và nói không với những sản phẩm thời trang làm từ động vật. Stella McCartney tâm sự: "Mẹ ảnh hưởng tới tôi rất nhiều từ tinh thần cho tới những gì bà mặc. Bà dạy tôi cách không sợ hãi và đối mặt với mọi chuyện. Dù kết hôn với một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng mẹ tôi rất ít khi trang điểm. Bà nổi bật và tự tin một cách tự nhiên. Với tôi đó là hình mẫu phụ nữ tôi luôn theo đuổi".

Nỗ lực không ngừng, Stella McCartney dần khẳng định giá trị bản thân nằm ở tài năng vốn có chứ không phải "dựa bóng" người cha nổi tiếng. Thương hiệu Stella McCartney cũng vì thế mà có được chỗ đứng riêng trong thị trường thời trang hiện đại. Những người hoài nghi về tài năng của Stella McCartney cũng dần ít đi. Trước mỗi dấu son mới cô đặt lên con đường thời trang của chính mình, công chúng dần đón nhận Stella McCartney với tên của chính cô thay vì cái mác "con gái của ngài Paul McCartney" năm nào.