Ông Phạm Văn Ngót và bà Huỳnh Thị Tuyết kết hôn đã trên 25 năm, nhưng không con. Ngay thời còn trẻ, cả ông và bà đều có mong muốn làm từ thiện, song do cuộc sống còn khó khăn nên chưa thể thực hiện. Ngoài thời gian làm công quả ở chùa, ông Ngót chạy “xe ôm” để trang trải cuộc sống.

Khi ở Tháp Mười nhiều quán chay mọc lên, gia đình ông Ngót cũng mở quán Ly Ly để kiếm thêm thu nhập. Tháng 3.2013 (âm lịch), những người ở chùa đến rủ gia đình ông vào Gò Tháp nấu chay từ thiện. Hai vợ chồng ông Ngót vào đó làm công quả. Về nhà, ông Ngót và bà Tuyết nghĩ: Làm sao để tháng nào cũng có những suất ăn chay từ thiện, chứ không đợi đến tháng 3 hay tháng 11 (Lễ hội Gò Tháp) mới thực hiện? Lúc đó, một mạnh thường quân đưa ông 300.000 đồng để làm công quả. Ông Ngót liền bàn với vợ nấu cháo chay từ thiện. Lần nấu đầu tiên, với hơn 300.000 đồng, 2 vợ chồng nấu được 50 suất. Nhìn những người đến ăn đều là người già neo đơn bán vé số, trẻ em cơ nhỡ, ông Ngót chạnh lòng và quyết định bỏ thêm tiền để tăng suất ăn. Suất ăn từ thiện của quán Ly Ly tăng lên 70 rồi 150 suất... Tiếp sức ông Ngót - bà Tuyết, nhiều tiểu thương, mạnh thường quân phụ giúp bằng cách cho rau cải, gạo, bột để nấu bánh canh, cháo... Hiện mỗi nồi bánh canh hay cháo từ thiện được “đầu tư” khoảng 1,5 triệu đồng.

Ông Ngót cho biết, trước đây gia đình nấu ăn từ thiện 4 ngày/tháng, nhưng do sức khỏe không tốt đã giảm xuống còn 2 ngày. Mỗi lần nấu xong, ông Ngót đều mang biếu hội từ thiện bên chùa, nhà dưỡng lão ở Mỹ Quý và một gia đình ở xã Phú Điền cũng đang nuôi những người có hoàn cảnh khó khăn... Chị Cao Thị Cúc (xã Đốc Binh Kiều) cho biết: “Tôi nghe nhiều người nói về quán chay Ly Ly làm từ thiện nên tới ngày 14 và 29 là tôi lên phụ giúp. Người không có của thì có công. Quan trọng là góp phần giúp những hoàn cảnh khó khăn có một bữa ăn ngon miệng...”. Còn một người bán vé số, sau khi ăn xong, bộc bạch: “Tui đợi tới ngày này để đến quán ăn, đỡ bữa nào hay bữa đó chứ gia đình tui khó khăn quá. Cảm ơn ông bà chủ quán hết sức!”.