Wednesday, September 14, 2011

Nói Không Với Rượu: Rượu và sức khỏe tâm thần (BSCC Lý Trần Tình)

Alcohol gravely affects our mental health. It is a poison that we can do without, personally and societally.

Rượu và sức khỏe tâm thần
BSCC Lý Trần Tình (Sức Khoẻ và Đời Sống)

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng rượu là một phát minh vĩ đại của con người sau lửa. Thế giới quanh ta có cái thuộc về lĩnh vực vật chất, có cái thuộc về tinh thần, nhưng rượu thì lại vừa là vật chất vừa là tinh thần.

Từ xưa đến nay, ở nhiều dân tộc, rượu đã quyện chặt vào cuộc sống và số phận của con người. Với lượng vừa phải rượu đem lại cho người uống cảm giác khoan khoái, dễ chịu, quên đi những khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống. Nhưng lạm dụng rượu dẫn đến nghiện rượu đã “ăn mòn” sức khỏe và nhân cách, gây nhiều tác hại, làm băng hoại đạo đức xã hội và đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Một trong những thứ sẽ ra đi đầu tiên khi bạn uống rượu đó là khả năng nhận thức và sự kiềm chế.

Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Nhiều người vẫn nhầm tưởng rượu là một chất kích thích, nhưng trên thực tế nó là chất ức chế thần kinh trung ương. Hàng thiên niên kỷ đã trôi qua, tình trạng lạm dụng rượu (bia) có khi đã gây ra những hậu quả tiêu cực nhưng chưa có khi nào lên tới quy mô một vấn đề xã hội nghiêm trọng như hiện nay.

Rượu có thể gây nhiễm độc cấp tính (trạng thái say rượu) hoặc nhiễm độc mạn tính (nghiện rượu), gây tác hại cho nhiều cơ quan phủ tạng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cả thể chất lẫn tâm thần nếu lạm dụng nó. Ở Việt Nam, bệnh lý tâm thần do rượu trước đây rất hiếm, nhưng trong những năm gần đây lạm dụng rượu và nghiện rượu đang có xu hướng gia tăng nhanh và trở thành những vấn đề lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội và an toàn cộng đồng.


Các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến rượu (bia) bao gồm:

Rối loạn tâm thần cấp (say rượu): là hậu quả của nhiễm độc rượu nhất thời, thường xảy ra ở những người uống quá ngưỡng dung nạp. Say rượu dẫn đến những biến đổi về cảm xúc (khó kiềm chế cảm xúc), rối loạn về tư duy (nói nhiều, tư duy hổ lốn, nói lặp lại, khả năng phân tích, phê phán kém…) và các rối loạn về hành vi (hành động kỳ cục, khó kiểm soát và kiềm chế hành vi, hung hăng, thô bạo…)

Nghiện rượu: Theo ý niệm xã hội, nghiện rượu là sự thèm muốn mạnh mẽ dẫn đến đòi hỏi thường xuyên phải có rượu làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của người bệnh, đưa đến rối loạn tư cách, thói quen, khả năng lao động và giao tiếp xã hội; ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và an ninh trật tự của cộng đồng cũng như sự hao tổn về mặt kinh tế.

Còn nghiện rượu trong ý nghĩa y học là một bệnh mạn tính, xếp trong nhóm bệnh lý nghiện chất. Nghiện rượu dẫn đến sảng rượu, rối loạn tâm thần do rượu, biến đổi nhân cách người nghiện và các bệnh lý cơ thể kèm theo. Khoảng 10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Nghiện rượu xảy ra khi dùng rượu thường xuyên, nhưng không phải mọi trường hợp uống rượu thường xuyên đều có thể coi như nghiện rượu. Nghiện rượu là một chứng nghiện chất độc và có tất cả các triệu chứng cơ bản đặc trưng cho nhóm bệnh này, bao gồm:

Hội chứng nghiện là một sự thèm muốn (thường mạnh mẽ, đôi khi rất mãnh liệt) sử dụng rượu. Có bằng chứng là quay lại sử dụng rượu sau một thời gian bỏ rượu để làm mất các cảm giác khó chịu do thiếu rượu.

Hội chứng cai là biểu hiện chủ yếu của hội chứng nghiện, hội chứng này xuất hiện khi ngừng hoặc giảm đột ngột lượng rượu tiêu thụ:

- Khí sắc trầm, lo âu, bồn chồn, bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên.

- Rối loạn giấc ngủ, run, rối loạn thần kinh thực vật (vã mồ hôi, tim đập nhanh…).

Đặc trưng của hội chứng cai rượu là những biểu hiện trên đều dịu đi hoặc biến mất khi uống lại rượu.

Khả năng dung nạp. Giai đoạn đầu, người bệnh uống lượng rượu tăng dần có thể đến mức gây ngộ độc cho các đối tượng khác, về sau lượng rượu ngày một kém dần, có khi chỉ với một lượng rượu nhỏ người bệnh đã say.

Biến đổi nhân cách. Người bệnh trở nên thô bạo, bê tha, giảm sút tình cảm đạo đức, khả năng phê phán giảm rõ rệt, phẩm chất xã hội thoái hóa dần, khả năng làm việc giảm sút…

Rối loạn tâm thần. Thay đổi phản ứng cảm xúc: khoái cảm, nói năng luyên thuyên, hay đùa cợt, sàm sỡ, công kích… Trong một ngày có thể thay đổi từ vui nhộn, khoan khoái với những câu bông đùa vô duyên, sàm sỡ sang quấy rầy, nổi khùng, gây gổ, độc ác hoặc có thể buồn rầu, sợ hãi, lo lắng mơ hồ.

Trí tuệ, trí nhớ, khả năng sáng tạo, sáng kiến đều giảm, tư duy trở nên thủ cựu, người bệnh đi dần vào trạng thái sa sút tâm thần.

Loạn thần do rượu: là nhóm các biểu hiện rối loạn tâm thần, phát sinh và phát triển liên quan trực tiếp đến nghiện rượu, là hậu quả tác động trực tiếp và kéo dài của rượu lên não, loạn thần do rượu biểu hiện bằng các rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác… Các biểu hiện rối loạn tâm thần thường mất đi sau 1-6 tháng ngừng sử dụng rượu. Người ta chia rối loạn tâm thần do rượu thành 3 loại tiến triển: loại tiến triển tạm thời không thường xuyên, loại tái phát nhiều lần và loại mạn tính. Để chẩn đoán, điều trị và dự phòng loạn thần do rượu, phải chú ý đến các dạng tiến triển và các triệu chứng loạn thần nổi trội, bao gồm:

Sảng rượu (sảng run): là một bệnh loạn thần cấp tính và trầm trọng, xuất hiện ở người nghiện rượu, khi cơ thể bị suy yếu hay vì một bệnh lý nào đó (nhiễm khuẩn, chấn thương…). Sảng rượu cũng có thể xuất hiện sau khi cai rượu tương đối hoặc tuyệt đối.

Trong giai đoạn đầu chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, cơn hoảng sợ, kích động, rối loạn thần kinh thực vật, run rẩy. Thay đổi cảm xúc biểu hiện bằng hoảng hốt, lo âu, trầm cảm. Bệnh tiến triển nặng dần, nhất là về chiều tối, có thể có ảo tưởng thị giác, hồi ức…

Giai đoạn toàn phát: Ý thức mê sảng hoặc lú lẫn; các ảo tưởng và ảo giác sinh động và triệu chứng run nặng. Ngoài ra cũng thường có hoang tưởng, kích động, mất ngủ hoặc đảo lộn nhịp thức ngủ và hoạt động thần kinh tự trị gia tăng.

Ảo giác do rượu: là trạng thái loạn thần do nghiện rượu. Thường gặp ở người nghiện rượu lâu ngày. Hình ảnh lâm sàng nổi bật là các loại ảo giác, thường là những ảo giác thật, có thể có nhiều ảo giác trên một bệnh nhân, bao gồm: ảo thính, ảo thị, ảo giác xúc giác… Ảo giác do rượu có thể đi kèm với các hoang tưởng. Ảo giác do rượu có thể khởi phát cấp tính hay từ từ và thường nặng lên về chiều tối. Người bệnh mất khả năng phê phán đối với ảo giác.

Hoang tưởng do rượu: cũng phát triển trên cơ sở nghiện rượu và là một dạng loạn thần do rượu. Hoang tưởng do rượu là một hội chứng hay là một thể bệnh của loạn thần do rượu. Hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị hại là những biểu hiện lâm sàng chủ yếu của hoang tưởng do rượu.

Ngoài ra ở người bệnh loạn thần do rượu còn thấy một số hoang tưởng khác như hoang tưởng liên hệ, tự cao, nghi bệnh… nhưng với tỷ lệ thấp.

Hoang tưởng và ảo giác đôi khi cùng phối hợp với nhau trong một bệnh cảnh lâm sàng của loạn thần do rượu.

Bệnh loạn thần Korsakov: Đây là một trong các thể bệnh não thực tổn mạn tính do rượu. Hội chứng mất nhớ và viêm đa dây thần kinh là dấu hiệu chủ yếu của bệnh. Mất nhớ hoàn toàn hoặc một phần, người bệnh không thể ghi nhận được các thông tin mới, ví dụ như tên bác sĩ điều trị cho mình mặc dù hàng ngày người bệnh vẫn gặp hoặc nghe nói đến. Khi trả lời câu hỏi người bệnh bịa ra những sự kiện thay thế cho sự khuyết hổng trí nhớ.

Bệnh loạn thần Korsakov xảy ra trong giai đoạn cuối của bệnh nghiện rượu.
 

Người ta nói rằng rượu là thứ nghịch lý lớn nhất của loài người, vì trong một chiếc ly nhỏ bé, nó chứa đựng cả sự cao sang và cái dung tục. Nhưng trên hết, uống rượu vô độ là nguyên nhân của rất nhiều thứ bệnh, là cơn bão làm tan nát nhiều mái ấm gia đình. 

Y học ngày nay coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính, vì rượu ảnh hưởng đến não, gan, tim mạch… từ đó gây ra các rối loạn tâm thần và các tổn thương ở hệ thống tiêu hóa, tim mạch… Xã hội coi những người nghiện rượu là gánh nặng vì họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, gây ra các tai nạn, sống bê tha, nhân cách suy đồi…

http://suckhoedoisong.vn/20110906111443500p0c63/ruou-va-suc-khoe-tam-than.htm