Monday, April 04, 2011

Tiết Kiệm Là Vàng: Freegan - lối sống chống bão giá (Xuân Sơn)

Freegan, a compound word from "free" and "vegan," describes a way of anti-waste living. In that sense, it is also green living. This website explains more about it: freegan.info


Freegan - lối sống chống bão giá

Xuân Sơn
Ngày 4 tháng 4, 2011

(Banduong.vn) - Trong bối cảnh giá lương thực - thực phẩm trên thế giới ngày càng đắt đỏ, tại một số quốc gia hiện dấy lên phong trào “Sống bằng rác thải” (Freegan) nhằm triệt để tận dụng thức ăn bị bỏ đi.

Nổi tiếng thế giới về lối sống tiết kiệm là người Đức. Họ kêu gọi sử dụng triệt để thức ăn bị loại bỏ ở các siêu thị, nhà hàng hoặc sử dụng đồ ăn người khác bỏ đi, nhằm phản đối việc tiêu thụ thực phẩm phung phí.

Phía sau một cửa hàng tạp phẩm tại thủ đô Berlin, cô Tina, 21 tuổi, khi đổ trái cây thối vào thùng rác đã nhìn thấy một quả táo với hai vết bầm nhỏ. Lập tức, cô cho vào ba-lô và thưởng thức nó sau đó. Tina là thành viên của phong trào “Sống bằng rác thải (Freegan), tại Berlin. “Freegan” là từ ghép của “free” (miễn phí) và “vegan” (người ăn chay), một phong trào ăn chay ở Mỹ vào những năm 1980, tố cáo sự phung phí thực phẩm một cách thái quá. “Freegan” cũng bắt nguồn từ “Thức ăn không phải là bom”, một tổ chức quốc tế quyên góp thức ăn thừa cho người vô gia cư. Không chỉ vậy, những người “Sống bằng rác thải” này cũng tìm những bộ quần áo cũ hay vật dụng gia đình bị bỏ đi để tái sử dụng. “Freegan” tại Đức không hẳn là người nghèo hay vô gia cư, họ hầu như đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu trong xã hội, thậm chí có người là triệu phú.

Hoạt động của các “freegan” đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, như tổ chức từ thiện Welthhungerhife (Đức), Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế... Mới đây, nhà làm phim Valentin Thurn đã cho ra mắt bộ phim tài liệu nói về những “freegan” có tiêu đề “Thưởng thức và hoang phí”. Bộ phim đã được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin.

Ở Pháp cũng có phong trào “freegan”. Dù không thiếu thốn thứ gì nhưng tối nào bà Monique, 55 tuổi, cũng đến mót trong các thùng rác của một cửa hàng lớn bán sản phẩm sinh học (bio) ở quận 12 của Paris. Bà phát hiện ra siêu thị này ngày nào cũng vứt nhiều loại thực phẩm như bánh mì, sữa chua, sushi... mà phần lớn gần hết hạn sử dụng. “Đáng lý ra họ nên giảm giá khi sản phẩm sắp hết hạn sử dụng để giúp những người sống lang thang trong khu phố có cái ăn. Tuy nhiên nhiều siêu thị tưới xăng hay nước tẩy javel trên các thùng rác để không ai có thể thu nhặt đồ ăn được. Thật là dã man” - Bà Monnique bày tỏ.

Ở tỉnh Essonne gần Paris, mỗi ngày, khoảng trước 9h sáng, nhiều người đến lục lọi các thùng rác một siêu thị gần đó, rồi mang các hộp xà lách, các bó tỏi tây hay một vài con cá bỏ vào cốp sau xe ôtô. Một người về hưu cho biết, ông đến lấy bởi vì thấy tiếc khi có quá nhiều thực phẩm còn tươi bị vứt bỏ.

Pierrick Goujon, một người sống gần thành phố Rennes (vùng Bretagne, Pháp), cho biết: “Các tiệm thức ăn nhanh cũng vứt rất nhiều: hàng lô cà chua đã thái thành lát, phomát, bánh mì gối”. Anh chàng 27 tuổi này tuyên bố mình là “người sống bằng chất thải”. Năm 2006, Pierrick lập ra trang web “Freegan.fr” và phân phối các thứ mà anh mót được cho những người vô gia cư.

Dù hiện nay ở Pháp có nhiều tổ chức từ thiện quan tâm đến việc nuôi sống những người nghèo như “Quán ăn trái tim” hay “Xúp bình dân”, nhưng tại sao các siêu thị vẫn tiếp tục vứt thực phẩm không bán được? Khi được báo “Le Monde” hỏi, các siêu thị đã không chịu trả lời. Còn Liên đoàn các xí nghiệp thương mại và phân phối thì biện minh: “Hủy thức ăn quá hạn vì sợ có người bị trúng độc, khiến cho hình ảnh thương hiệu bị thương tổn”.

Ở Trung Quốc chưa có phong trào “freegan” nhưng nhiều người nghèo khổ sống được nhờ rác thải, trong đó có một trường hợp thương tâm mà báo chí Trung Quốc nói nhiều. Đó là câu chuyện cảm động về một bà mẹ bị bệnh tâm thần nhặt thức ăn thừa nuôi con. Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân khu Đông Trấn, thành phố Tín Nghi (Quảng Đông, Trung Quốc) thường xuyên thấy một người phụ nữ ăn mặc rách rưới, đi quanh các ngóc ngách bới rác tìm thức ăn thừa. Nhiều đêm người ta còn thấy chị mang theo cả một đứa con gái nhỏ chưa đầy 3 tuổi đi kiếm ăn cùng. Chị là Hứa Bồi Kiều, 36 tuổi, người dân thôn Trường Đường Tân Ốc, khu Đông Trấn, Tp. Tín Nghi. Hàng ngày, hai mẹ con vẫn lang thang đầu đường xó chợ và sống nhờ vào thức ăn thừa mà chị bới được trong những thùng rác. Mặc dù bị thần kinh nhưng chị không bao giờ quên đứa con bé bỏng của mình.


http://www.banduong.vn/module/news/viewcontent.asp?id=13656&langid=2