Wednesday, April 20, 2011

Thuần Thực Vật: La hán quả trị được bệnh gì? (DS. Trần Việt Hưng - DS. Phan Đức Bình)

Arhat fruit (luo han guo) is from Siraitia grosvenorii, an herbaceous perennial vine. In Buddhism, the term "arhat" refers to a spiritual practitioner who has attained a certain level of enlightenment. Arhat fruit is used in tea and soup. Generally sold in dried form, this low-calorie natural sweeterner is about 300 times sweeter than sugar. Due to its cooling effects, the arhat fruit has been used for heat stroke, sore throat, chronic cough, diabetes, and constipation.

La hán quả trị được bệnh gì?
DS. Trần Việt Hưng - DS. Phan Đức Bình

Để thay thế cho đường mía (sucrose) không thích hợp cho người bị bệnh tiểu đường, một số chất tạo vị ngọt tổng hợp (như aspartame, saccharin, sucralose) hay trích từ cây Cỏ ngọt (Stevia rebaudiana)… đã được sử dụng, nhưng chất ngọt từ La hán quả, vị ngọt cho người tiểu đường có lẽ ít được người chú ý đến…

La hán quả là quả của cây Siraitia grosvernori, tên cũ là Momordica grosvernori hay Thladiantha grosvenori, thuộc họ Bầu bí (Cucurbitacea).

Tên “la hán quả” được giải thích là do những truyền thuyết từ Trung Quốc: từ thời nhà Đường, Quế Lâm là một trung tâm của Phật giáo, có rất nhiều ngôi chùa. Các tu sĩ Phật giáo được cho là đã dùng quả của cây này làm thực phẩm thường ngày nên đã giúp cơ thể dẻo dai, chống bệnh và trường thọ cùng sự luyện tập võ nghệ để phòng thân. Tên la hán quả cũng còn liên hệ đến những môn võ nghệ nổi tiếng như “Thập bát La hán quyền”, “Thập bát La hán trận” của chùa Thiếu Lâm…

Đặc tính thực vật

Chi Siraitia còn có thêm 4 loài khác: Siraitia siamensis phân bố tại Thái Lan, Siraitia sikkimensis và Siraitia silomaradjea tại Ấn Độ, Siraitia taiwaniana tại Đài Loan, cũng được gọi là La hán quả.

La hán quả thuộc loại dây leo, lưỡng niên, rụng lá theo mùa, có thể dài từ 3 - 5 m, mọc phủ lên các cây khác bằng tua cuốn. Lá hẹp, hình trái tim, đầu nhọn dài 10 - 20 cm, rộng 3,5 - 12 cm. Hoa mọc thành chùm 2 - 3 hoa, hay 1 hoa, cuống hoa 3 - 5 cm. Cánh hoa mỏng, màu vàng nhạt. Quả hình cầu, đường kính 5 - 7 cm, màu xanh lục sẽ chuyển sang nâu khi khô. Thịt quả mọng nước, có vị ngọt và mùi thơm, trong chứa nhiều hột cỡ hột khổ qua, dài chừng 15 - 18 mm, ngang 10 - 12 mm.

Cây mọc hoang và được trồng tại vùng Tây Nam Trung Quốc, phần lớn tại Quảng Đông, Quảng Tây, Quế Châu, Hồ Nam… đa số thành phẩm thương mãi là từ vùng cao nguyên Quế Lâm.

Các tài liệu ghi chép từ 1813 cho thấy cây đã được trồng tại tỉnh Quảng Tây. Hiện nay tại vùng cao nguyên Quế Lâm có những đồn điền trồng la hán quả rộng trên 16 km2, cung cấp mỗi năm trên 10 ngàn quả. Thành phố Long Giang (Longjiang) được xem là “Nhà của quả la hán” và đa số các hãng dược phẩm sản xuất các thành phẩm từ la hán chọn thành phố này làm nơi đặt trụ sở.

(Tại Việt Nam, có một loài tương cận: Momordica tonkinensis hay Thladiantha tonkinensis gọi là cây khố áo, mọc tại miền Bắc, quả chưa được nghiên cứu nhiều).

Thành phần hóa học

Quả chứa:
  • Các đường hữu cơ như fructose, glucose...
  • Các terpen glycosid gọi chung là mogrosid, trong đó một số chất đã xác định được công thức như siomenosid I, neo mogrosid, mogrosid từ 1 đến 6 (mogrosid 5 chiếm từ 0,81 đến 1,29%), iso-mogrosid-5, oxo-mogrosid-5.
  • Các 28-norcucurbitacins như siraitic acid A, B, C, D và E.
  • Hợp chất protein monogrosvin có hoạt tính gây ngưng hoạt động của các ribosome. (Life Science Số 68-2001).
  • Chất ngọt từ quả La hán: mogrosid
Quả la hán được thu hoạch lúc còn xanh và chuyển sang màu đen sau khi được phơi khô. Vị ngọt của quả là do một nhóm glycosid loại terpen, gọi chung là mogrosid, chiếm khoảng 1% phần thịt của quả, tính theo trọng lượng. Cả quả khô lẫn quả tươi đều được dùng để chiết, và cho một chất bột có thể chứa ít nhất là 80% mogrosid. Các mogrosid đã được phân biệt và định danh từ 1 đến 5, chất chính là mogrosid-5 (trước đây được gọi là esgosid). Một số hợp chất tương tự trong quả La hán được gọi là siamenosid, neomogrosid...

Hỗn hợp mogrosid trong quả la hán cho vị ngọt cao hơn đường mía khoảng 300 lần (tính theo trọng lượng), như thế bột chiết 80% sẽ ngọt hơn đường mía gấp 250 lần. Trong khi đó mogrosid nguyên chất có thể ngọt gấp 400 lần đường mía. Iso-mogrosid-5 ngọt hơn đường khoảng 500 lần...

Mặt khác quả la hán rất ít khi được sử dụng dưới dạng quả tươi do các khó khăn trong việc tồn trữ, đồng thời vị của quả tươi cũng không hấp dẫn lắm, khi lên men còn tạo thêm các vị lạ và chất pectin trong quả lại chuyển sang dạng nhớt. Do đó quả thường phải phơi khô và đây là dạng được bán tại các tiệm thuốc bắc...

Các hoạt tính dược lực của glycosid trong quả la hán

Ngoài vai trò dùng làm chất tạo vị ngọt, các glycosid trích từ quả La hán còn có một số dược tính khác như:
  • Làm hạ đường trong máu...
  • Hoạt tính chống oxy hóa...
  • Khả năng chống ung thư...
  • Dịch chiết bằng alcol từ quả có hoạt tính ức chế sự khởi hoạt của siêu vi Epstein-barr, mạnh hơn hoạt tính của beta-caroten (Cancer Letter Số 198-2003)...
  • Hoạt tính chống dị ứng, kháng histamin...
Các phương thức sử dụng và thành phẩm từ quả la hán

Dược học cổ truyền Trung Quốc không ghi chép gì về vị thuốc la hán quả, có lẽ do ở sự kiện kém phổ biến của quả, chỉ tập trung tại vài địa phương giới hạn ở phía đông nam Trung Quốc. La hán quả chỉ trở thành phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Dược điển Trung Quốc in 1995 thì có ghi: La hán quả (Luohanguo) là quả phơi khô của dây Momordica grosvenori có tính giải nhiệt, mát phổi và tư giãn đại tràng. Dùng trị ho khan, viêm họng, viêm thanh quản do nhiệt phổi và táo bón.

Những tài liệu đầu tiên về la hán quả bằng Anh ngữ được công bố vào năm 1938, ghi nhận la hán quả được dùng làm một thành phần trong các loại “nước mát” giúp trị các triệu chứng “nóng nhiệt” trong người…

La hán quả được đưa vào Hoa Kỳ từ đầu thế kỷ 20. Bộ canh nông Hoa Kỳ ghi nhận sự có mặt của quả la hán vào năm 1917 và các nghiên cứu về chất ngọt từ quả La hán chỉ được bắt đầu từ 1975 từ các bài viết của C.H. Lee và của Tsunematsu Takemoto…

Trong tập sách “Fruits as Medicine”, trang 104 các tác giả Dai Yin-Fang và Liu Cheng-Jun đã ghi lại các phương thức sử dụng trong dân gian như sau:

  • Trị “cảm nóng” và khát: lấy 1 quả la hán, bổ đôi, quậy đều trong nước sôi. Uống thay trà.
  • Viêm cổ họng cấp tính hay kinh niên, mất tiếng: lấy nửa quả la hán và 3 - 5 quả lười ươi (Sterculia lychnophora Hance). Nấu vừa đủ với nước, và ngậm nuốt từ từ.
  • Ho kinh niên: nấu chín la hán quả với nước vừa đủ, uống mỗi ngày 2 lần.
  • Táo bón nơi người cao niên: dùng 2 quả la hán, lấy phần thịt và hạt, nấu chín từ từ và uống trước khi đi ngủ. Buổi tối nên ăn 1 muỗng canh dầu mè (chan vào cơm).
  • Tiểu đường và dùng thay cho đường: uống nước nấu la hán quả hay thêm vào thức ăn khi cần đến đường.
Trên thị trường “thuốc bắc” có nhiều thành phẩm chế tạo từ quả La hán như:

+ Luo Han Guo Chong Ji, trích tinh từ quả, cô đặc thành khối, thường dùng làm thuốc ho, khan tiếng; hoặc pha thành nước giải khát.

+ La hán quả dùng chung với bạch quả trị ho.

+ La hán quả chung với cúc hoa trị “nóng nhiệt”, nhức đầu.

http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/9063/la-han-qua-tri-duoc-benh-gi%20?.html