Thursday, January 20, 2011

Nói Không Với Rượu: Rượu - Kẻ thù của sức khỏe

Dr. Lê Thị Tuyết Phượng discusses what alcohol is and its negative impact on the body, both short- and long-term.

RƯỢU - KẺ THÙ CỦA SỨC KHỎE 
Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng (BV. 115)

Uống nhiều rượu sẽ có hại cho sức khỏe, điều này chắc là ai ai cũng biết, và càng ngày các nhà khoa học càng tìm ra nhiều bằng chứng đầy thuyết phục rằng nếu uống nhiều rượu sẽ gây tác hại đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể con người, từ chảy máu đường tiêu hóa, đến xơ gan, đến các bệnh lý về tim mạch, và ngay cả những biểu hiện rối loạn trí thức, rối loạn tâm thần kinh ở người nghiện rượu. Thế nhưng rượu vẫn tiếp tục được sản xuất và tiêu thụ bởi vì hình như số người nghiện rượu không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Đi sâu vào thực tế xã hội chúng ta mới thấy rượu ăn sâu vào thói quen sinh hoạt của nhiều người, ngày lễ, ngày tết: rượu? Họp mặt bạn bè: rượu? Bàn việc làm ăn: rượu? Giải trí, giải sầu: rượu?

Vậy thì rượu là gì? Nó tác hại như thế nào?

Trong đời sống, rượu được hiểu là các thức uống có chứa cồn được chế biến với rất nhiều dạng: rượu đế, rượu nếp than, các loại rượu đóng chai trong & ngoài nước, bia, nước giải khát có gaz…

Khoa học hơn, chúng ta hiểu rượu là một dung dịch gồm chủ yếu là nước và 1% đến 50% cồn tính theo thể tích (vì vậy được gọi là rượu từ 10 đến 500), ngoài ra nó còn có chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt của mỗi nhà sản xuất nhằm tạo nên ở mỗi loại rượu một màu sắc, một hương vị đặc thù riêng. Tuy nhiên thành phần chính và cũng là tác nhân chính gây ra các hậu quả của rượu là cồn Ethylic.

Khi uống, rượu sẽ có hai hiện tượng sinh lý cùng xảy ra trong cơ thể, đó là sự hấp thụ rượu nhanh chóng vào máu & sự nỗ lực của cơ thể để đào thải rượu ra bên ngoài.

1/- Sự hấp thu rượu vào trong cơ thể


Mức độ hấp thu rượu tùy thuộc vào từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống…

Rượu được hấp thu trực tiếp vào máu mà không cần phải thông qua quá trình tiêu hóa như các loại thức ăn khác. Sự hấp thu này xảy ra một phần nhỏ (20%) ở dạ dày và phần lớn là ở ruột non. Tốc độ hấp thu sẽ chậm hơn (người uống rượu sẽ lâu say hơn) nếu dạ dày có thức ăn, hoặc dạ dày hoàn toàn trống rỗng vì lúc này sẽ có hiện tượng co thắt cơ dạ dày khiến cho rượu trong nhất thời không xuống được ruột non. Ngược lại, nếu rượu được uống cùng lúc với các loại nước có gaz như sô-đa, coca v.v… tốc độ hấp thu cồn sẽ gia tăng (vì thế uống bia, rượu xen lẫn với thức uống có gaz thì mau say hơn).

Sau đó rượu được đưa vào máu để phân tán đến khắp các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Một người bình thường nếu uống khoảng 200 ml rượu 50% cồn (50 độ), hoặc 250 ml rượu (một xị) 40% cồn (40 độ), hoặc 6 lon bia trong một lần sẽ có nồng độ cồn trong máu là 0,5% trong vòng nửa giờ.

2/- Sự đào thải rượu ra ngoài cơ thể

Cơ thể sẽ hoạt động thải rượu ra ngoài ngay khi được hấp thu vào máu, một phần nhỏ được thải ra qua các đường: tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở (làm cho hơi thở người uống nồng nặc mùi rượu), đa số còn lại (90% hay nhiều hơn) được chuyển hóa ở gan bằng hai phản ứng:

1. Biến đổi RƯỢU= ACETALDEHID dưới tác động của men ALCOLDEHYDROGENASE.

2.Biến đổi ACETALDEHID = ACETAT dưới tác động của men ALCOLDEHYDROGENASE.

Sau đó ACETAT được đưa trở lại vào máu và cuối cùng sẽ được Oxid hóa thành Carbonic (CO2) và nước (H20).

Hai phản ứng này cần một men xúc tác nữa là NICORTINAMID-ADENIN DINUCLEOTID (NAD), NAD bị biến thành NADH.

Vì vậy khi uống nhiều rượu lượng NAD trong gan giảm đi chưa kịp phục hồi, gan không cung cấp đủ NAD để chuyển hóa rượu, rượu không được chuyển hóa tích lũy trong máu gây tác hại cho cơ thể.

Mức độ giải rượu của gan được ghi nhận khoảng 15 ml/giờ (tương đương với 1 lon bia, 30 ml rượu 50 độ), ở một người trung bình, có sức khỏe tốt và uống rượu lúc bụng trống.

Như tôi đã trình bày, rượu đi vào cơ thể rất nhanh và nếu dùng một lượng vừa phải rượu có thể sẽ có một vài lợi ích hoặc không gây nguy hại, nhưng đa số trường hợp người uống rượu thường hay quá chén, sẽ dẫn đến tác hại rất nhiều cho cơ thể. Vậy thì khi uống nhiều rượu chúng sẽ gây tác hại gì?

1/ Các tác hại ngay tức thời:

Trên não bộ: gây ra những thay đổi về khả năng suy nghĩ, phán đoán, trí nhớ, khả năng làm việc, học hỏi… Ở nồng độ thấp, rượu làm tê liệt các trung tâm ức chế thần kinh tạo nên trạng thái kích thích, hưng phấn nơi người uống. Ở nồng độ cao, rượu ức chế các trung tâm kích thích tạo nên tình trạng hôn mê, cơn sảng rượu. Người ta ghi nhận khi nồng độ rượu trong máu (và trong não bộ) tăng dần, sẽ có những thay đổi khác nhau như sau:

* Đầu tiên thì sẽ có hành vi và suy nghĩ thay đổi.

* Kế đến nếu uống nhiều rượu ý nghĩ bắt đầu phóng đại, ăn nói hăng hái có thể nói chuyện huyên thuyên, thậm chí gây sự với người khác, hoặc im lặng, không nói, vẻ mặt buồn rười rượi.

* Khi đã uống khá nhiều rượu thì sẽ có triệu chứng của say rượu, đi đứng lạng quạng, nói năng lảm nhảm, nhìn không rõ, mất khả năng kiểm soát ý chí và hành vi. Thống kê ghi nhận khi say rượu ở mức này, xác suất gây tai nạn chết người gia tăng gấp 7 lần so với bình thường, xác xuất té chết gấp 16 lần, xác suất chết vì tai nạn giao thông gấp 4-5 lần.

* Khi say nặng, có thể tự ngã gục, ngủ say không hay biết gì cả.

Tuy nhiên đây chỉ là ghi nhận chung, ngoài ra còn tùy thuộc thể trạng, cơ địa, tửu lượng của mỗi người tạo nên các mức độ say khác nhau, nhưng điều lưu ý rằng khi uống rượu dù có say hay không say, rượu vẫn gây tác hại cho các cơ quan trong cơ thể giống nhau ở tất cả mọi người.

Nồng độ rượu trong máu cao sẽ gây liệt các trung tâm điều khiển tim mạch, hô hấp và dẫn đến tử vong.

Trên hệ tiêu hóa: khi uống nhiều rượu sẽ gây nôn ói, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, viêm dạ dày cấp, chảy máu đường tiêu hóa, viêm tụy cấp… Đặc biệt cần lưu ý hơn nếu uống rượu lậu, rượu kém chất lượng, một số trường hợp đã bị ngộ độc và tử vong (một số nơi đã dùng thuốc rầy chấm vào rượu để rượu trong và đã gây ngộ độc thuốc rầy dẫn đến tử vong).

Trên hệ tim mạch: gây cơn cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

2/ Các tác hại lâu dài:

Nghiện rượu: khi uống nhiều rượu và thường xuyên uống rượu, lượng rượu đòi hỏi mỗi lần uống ngày một tăng dần, và khi chỉ hơi thiếu rượu đã gây ra rất nhiều các triệu chứng: tim đập nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn, run rẩy chân tay, bứt rứt khó chịu, rối loạn giấc ngủ (gọi là hội chứng cai rượu). Nặng hơn còn có những cơn co giật kiểu động kinh, các ảo giác về thị giác, thính giác. Tình trạng nghiện rượu kéo dài sẽ làm thay đổi nhân cách, sa sút tâm thần ở người nghiện, ích kỷ, không quan tâm đến gia đình, thiếu trách nhiệm trong công việc, giảm sút về đạo đức… Cuối cùng có thể đưa đến chứng loạn thần kinh do rượu.

Xơ gan do rượu, ung thư gan.

Các bệnh lý về tiêu hóa: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm tụy mãn.

Các bệnh tim mạch: xơ mỡ động mạch, cơn đau thắt ngực, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Nội tiết:
rối loạn tăng trưởng, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, bất lực ở nam… Người đàn ông nghiện rượu có thể bị vô sinh hoặc sanh con dị dạng, rối loạn tâm thần.

Nếu phụ nữ có thai nghiện rượu sẽ có nhiều nguy cơ sinh con có các dị tật bẩm sinh, nghiện rượu bẩm sinh.

Dinh dưỡng: suy dinh dưỡng, thiếu vitamin B1 gây suy tim, thiếu máu…

Như tôi đã trình bày, rượu đem đến vô vàn tai họa cho người sống, lợi ít hại nhiều, vì vậy chúng ta không nên uống nhiều rượu, nhất là không bao giờ uống thường xuyên để trở thành kẻ nghiện rượu, bợm rượu.

Nếu chẳng may lỡ nghiện rượu các bạn phải cố gắng cai rượu càng sớm càng tốt. Công việc này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hết mình của bản thân, cùng với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Trong trường hợp cần thiết người nghiện rượu có thể được nhập viện để cai rượu bằng thuốc, bằng các biện pháp y học, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người cai rượu.


http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/data/news/2005/2/2825/suckhoe.htm