Monday, October 18, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: Đồng nghiệp khó khăn? Làm thế nào để hòa thuận

Thứ hai, đa số mọi người trong tuổi còn đi làm đều trở lại công việc... Có bao giờ bạn gặp vấn đề với người làm chung sở?

Phần đông chúng ta dành ít nhất 1/3 trong ngày của mình cho việc làm, vì thế quan hệ với đồng nghiệp cũng ảnh hưởng không ít thì nhiều đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của chúng ta.

Đồng nghiệp khó khăn? Làm thế nào để hòa thuận
Nguyên bản tiếng Anh: Melissa Dylan
Chuyển ngữ: Việt Nam Ăn Chay

Những xung đột về tính tình có thể ảnh hưởng nơi làm việc của bạn. Ngay cả những người dễ tính nhất cũng có thể va chạm với người khác. Nếu bạn có khó khăn trong việc hòa thuận với một đồng nghiệp, bạn có trách nhiệm phải giải quyết điều này. Sau đây là vài bí quyết để giải tỏa vấn đề.

1. Đừng mong họ thay đổi. Lỗi lầm lớn nhất trong bất cứ quan hệ nào (không chỉ riêng đồng nghiệp mà thôi) là kỳ vọng người khác phải thay đổi tính tình hoặc thay đổi cách cư xử của họ. Nhất là trong môi trường làm việc, điều đó rất khó xảy ra - người đồng nghiệp sẽ xem bạn là vấn đề, chứ không phải họ là vấn đề. Bạn chỉ có thể thay đổi cách cư xử của chính mình mà thôi.
 

Điều đó có nghĩa là đối xử với nhân vật khó khăn đó một cách khác. Nếu người đó không thích bạn đổ các câu hỏi rắc rối trên bàn họ, hãy hỏi xem ý người đó muốn như thế nào, rồi cứ làm như vậy. Bạn không phải chịu đựng những người hay hiếp đáp, nhưng hãy tỏ ra bạn sẵn sàng hợp tác. Biết đâu người kia cũng sẵn lòng thay đổi theo bạn.

2. Chọn cuộc chiến. Đừng đổ mồ hôi vất vả vì những chuyện nhỏ nhặt. Đưa má bên kia.
[Kinh Tân Ước, Mát-thêu 5:39: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa."] Nếu vấn đề nào bạn cũng ra sàn đấu võ cho bằng được, thì chẳng khác nào bạn tạo thêm những căng thẳng không cần thiết trong quan hệ và trong ngày của bạn. 

Nếu bạn cứ phải chạm trán vì người kia bắt buộc từng chi tiết nhỏ phải làm đúng y theo một cách nhất định nào đó, thì cứ làm theo ý họ đi, rồi tiếp tục những việc khác của mình. Nhưng nếu người đó “mượn đỡ” ý kiến của bạn rồi tuyên bố đó là sáng kiến của họ, bạn cần phải lên tiếng. 

Hãy để dành năng lực và sự chú ý của bạn cho những vấn đề quan trọng, còn những việc lẻ tẻ, hãy cho qua đi. 

3. Đồng ý là hai bên không đồng ý.
Tôi học điều này từ chương trình thiếu nhi “Muppet Show.” Tôi không đùa đâu. Chú ếch đó rất thông minh.

4. Cầu cứu sếp lớn. Chỉ tìm sếp khi không còn cách cứu vãn. Điều cuối cùng viên quản lý của bạn muốn làm là đi hòa giải những chuyện tranh cãi vặt. Nếu khó khăn của bạn nhiều đến nỗi trở thành hành vi xách nhiễu hoặc hiếp đáp, bạn cần cho sếp biết. Ghi lại những gì đã xảy ra và xin họp với phòng nhân viên để bàn thảo vấn đề. Nếu chuyện rắc rối chẳng qua là do tính khí không hòa hợp, hãy cố gắng hết sức mình để ban quản trị khỏi liên can. Như vậy họ sẽ hiểu là bạn có khả năng tự giải quyết vấn đề, điều đó cũng sẽ giúp dọn đường cho việc thăng tiến trong sự nghiệp của bạn.

5. Hãy làm một người rộng lượng hơn. Cá có thể chọn để đừng cắn câu. Ngay cả khi đồng nghiệp khiêu khích bạn phản ứng, hoặc cố tình làm cho bạn điên tiết, đừng để ý đến họ là điều hay hơn cả. Giống như một đứa em nhỏ muốn được người ta chú ý, họ sẽ chuyển năng lực sang nơi khác khi bạn không màng chi đến họ.

Trên đây là một vài cách để bắt đầu. Hãy nhớ rằng mọi người đều có thể là một đồng nghiệp "khíu chọ" khó chịu. Kể cả bạn đấy.


http://www.suite101.com/content/difficult-coworkers-a22885